1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

13 trường hợp nghi mắc bệnh than

Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư vừa công bố kết quả xét nghiệm về một số bệnh nhân tại thôn Pắc Cạm, xã Khâu Vai và thôn Pó, xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc, Hà Giang và đã kết luận có 13 ca nghi mắc bệnh than. Một người đã tử vong.

Từ tháng 6 đến nay, tại địa phương này đã xảy ra các vụ trâu bò, lợn, dê chết. Người dân đã ăn thịt các gia súc ốm này.

 

Một thời gian ngắn sau, họ đã bị ốm, sốt, lở loét, đau mình mẩy. Một trong số đó đã bị tử vong. Kết quả xét nghiệm của Viện vệ sinh dịch tễ TW cho thấy, có 2/7 mẫu dương tính với trực khuẩn than. 

 

Vi khuẩn gây bệnh than tồn tại trong các loại động vật có móng.

 

Bệnh than do trực khuẩn có tên gọi Bacillus anthracis gây nên. Vùng miền núi chăn nuôi gia súc lớn thường có nguy cơ mắc bệnh này. Vi khuẩn Bacillus anthracis tồn tại trong đất, nước, trong các động vật có móng guốc (trâu, bò, ngựa, cừu...) và lây qua người theo 3 đường: tiếp xúc qua da (chiếm hầu hết tất cả các trường hợp), đường tiêu hóa, hô hấp. Bệnh không lây từ người sang người. Bệnh thường xuất hiện trong vòng 7 ngày khi bị lây nhiễm.

 

Bệnh than gây ra nguy cơ tử vong cao tùy theo thể loại mắc bệnh. Nếu mắc qua thể tiếp xúc qua da, nếu không được điều trị, bệnh gây tử vong khoảng 20%. Bệnh than lây qua đường hô hấp, tiêu hóa có nguy cơ tử vong cao hơn, từ 25-60%.

 

Trước nguy cơ dịch bệnh có thể lan rộng, Cục Y tế dự phòng vừa có công điện khẩn gửi Sở Y tế Hà Giang yêu cầu thực hiện các biện pháp dập dịch và ngăn ngừa, tuyên truyền người dân không được ăn thịt gia súc chết. Với những động vật bị nhiễm bệnh than, cần chôn sâu, đổ vôi, bột để loại trừ mầm bệnh (vì vi khuẩn có khả năng sống lâu dài).

 

Theo Hiền Lê

VTC