100% sữa không đạt chuẩn về hàm lượng đạm là sữa trôi nổi
(Dân trí) - Theo báo cáo của Viện Vệ sinh Y tế Công cộng, với 99 mẫu sữa bột bán lẻ trên thị trường được lấy mẫu giám sát chủ động từ tháng 4 - 10/2008 có 37/99 mẫu (37,4 %) không đạt về hàm lượng đạm so với ghi trên bao bì.
Trong đó, sữa bột nhập khẩu 19/50 mẫu không đạt (38 %); Sữa bột sản xuất trong nước 18/49 mẫu không đạt (36,7 %). Đó là thông tin được ông Nguyễn Văn Nhiên - Phụ trách Thanh tra Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) - Bộ Y tế đưa ra trong cuộc trao đổi với báo chí chiều nay (6/2). Ngoài ra ông nhấn mạnh thêm, đó là 100 % số mẫu sữa chưa công bố đều không đạt tiêu chuẩn về hàm lượng đạm và những loại sản phẩm chưa công bố thường bán trôi nổi trên thị trường.
Trong năm 2008, việc giám sát chất lượng sản phẩm thực phẩm tại TP. HCM, trong đó có chất lượng sữa không chỉ có Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thực hiện mà đây cũng là hoạt động chủ động, thường xuyên của Ngành Y tế và các ngành chức năng.
Kết quả khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam có tính chất chỉ điểm hay cảnh báo cho cơ quan quản lý, giúp cho việc định hướng thanh tra, kiểm tra. Trên cơ sở kết quả này, ngành Y tế đã phối hợp với các ngành chức năng mở rộng hơn, không chỉ kiểm tra về chất lượng sản phẩm mà bao gồm cả các vấn đề khác liên quan như việc công bố tiêu chuẩn, ghi nhãn sản phẩm, quảng cáo sản phẩm và các điều kiện vệ sinh, bao gồm cả vệ sinh cơ sở, vệ sinh dụng cụ, trang biết bị và vệ sinh nhân viên ....
Trẻ sẽ còi cọc, suy dinh dưỡng nếu dùng sản phẩm sữa nghèo đạm kéo dài Bác sĩ Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: “Nếu trẻ em dùng sản phẩm sữa không đạt hàm lượng đạm (tiêu chuẩn Việt Nam) kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất, trí tuệ của trẻ sau này. Nhất là với những bé vẫn trong giai đoạn ăn sữa hoàn toàn, ăn sữa không đủ làm lượng đạm, bé sẽ chậm, thậm chí không lên cân, còi cọc, thiếu máu, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển cả thể chất và trí tuệ. Vì thế, cha mẹ nên lựa chọn những nhãn sữa công thức uy tín, đảm bảo cung cấp đầy đủ đạm, các thành phần dưỡng chất để trẻ có sự phát triển tốt nhất về thể chất và trí tuệ”. |
Từ tháng 4 - 10/2008, Viện Vệ sinh Y tế Công cộng đã lấy 99 mẫu sữa bột bán lẻ trên thị trường để kiểm tra. Qua đó phát hiện có 37/99 mẫu (37,4 %) không đạt về hàm lượng đạm so với ghi trên bao bì, trong đó: Sữa bột nhập khẩu 19/50 mẫu không đạt (38 %); Sữa bột sản xuất trong nước 18/49 mẫu không đạt (36,7 %).
Còn theo báo cáo của Sở Y tế TP. HCM, tại một đợt thanh tra thực hiện trong tháng 8/2008 đối với sữa chưa công bố tiêu chuẩn, qua kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm cho thấy 100% số mẫu sữa chưa công bố tiêu chuẩn đều không đạt tiêu chuẩn Việt Nam về hàm lượng protid và những loại sản phẩm chưa công bố thường được bán trôi nổi trên thị trường.
Vậy các cơ quan chức năng đã xử lý như thế nào với các sản phẩm sữa không đạt tiêu chuẩn về hàm lượng đạm? Cục có kế hoạch gì cho việc kiểm soát chất lượng sản phẩm thực phẩm, trong đó có chất lượng sữa, thưa ông?
Ngay sau khi tiến hành thanh tra, cơ quan Thanh tra Y tế đã xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Riêng đối với các cơ sở được thanh tra về chất lượng sản phẩm sữa do Thanh tra Sở Y tế TP. HCM tiến hành trong tháng 8/2009 đã có 05 trường hợp vi phạm bị xử lý (bao gồm cả các hành vi vi phạm về ghi nhãn, về chất lượng hàng hóa, và điều kiện vệ sinh an toàn...), trong đó: Thanh tra Sở Y tế TP. HCM đã xử lý, phạt tiền 05 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 50 triệu đồng; Đình chỉ hoạt động 01 cơ sở; Buộc tiêu hủy hoặc tái chế đối với tất cả các sản phẩm sữa không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh đã được phát hiện. Ngoài các cơ sở có vi phạm bị xử lý như trên, đối với các trường hợp khác có vi phạm đều được xử lý kịp thời theo đúng quy định.
Trong năm 2009, Cục ATVSTP sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tiến hành các đợt thanh tra, kiểm tra về chất lượng VSATTP đối với nhiều mặt hàng thực phẩm, trong đó mặt hàng sữa. Các Đoàn thanh tra sẽ không chỉ lấy mẫu xét nghiệm mà sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện từ việc công bố tiêu chuẩn, ghi nhãn, quảng cáo; kiểm tra nguyên liệu đầu vào; kiểm tra điều kiện vệ sinh của cơ sở sản xuất, kinh doanh, việc khám sức khỏe cho người lao động ... và lấy mẫu kiểm nghiệm, xác định các chỉ tiêu về chất lượng vệ sinh an toàn bao gồm cả hóa, lý vi sinh...
Vậy ông có cảnh báo gì cho người tiêu dùng?
Hồng Hải (thực hiện)