10 khám phá y học hàng đầu trong năm 2013

(Dân trí) - Cấy nang tóc để điều trị hói, nuôi dưỡng trứng “kém chất lượng” thành trứng khỏe hay viên thuốc chứa vi khuẩn đường ruột được đánh giá là những bước đột phá y học tiêu biểu trong năm 2013 trên tạp chí Time.

10. Phát hiện sớm bệnh Parkinson

 
10 khám phá y học hàng đầu trong năm 2013

 

Phần lớn các bệnh thoái hóa thần kinh hay gặp như bệnh Alzheimer và Parkinson, có thể được điều trị tốt hơn nếu có thể phát hiện và can thiệp ngay từ giai đoạn sớm. Ví dụ, cho đến lúc triệu chứng đầu tiên của bệnh Parkinson xuất hiện - run ở ngón tay hoặc ở môi, mất khứu giác hoặc căng cứng cơ mặt - thì tổn thương ở não và hệ thống thần kinh chi phối vận động đã không thể đẩy lùi.

 

Tuy nhiên, các nhà khoa học đã tìm ra một bộ các protein trong dịch não tủy giúp xác định bệnh nhân trong giai đoạn đầu tiên của bệnh. Các chuyên gia hy vọng phát hiện này sẽ khởi động những nghiên cứu mới để tìm hiểu xem liệu các thuốc không tác dụng trên bệnh nhân giai đoạn muộn có hiệu quả hơn trong kiểm soát triệu chứng ở người bị bệnh giai đoạn sớm hay không.

 

9. Những gen mới liên quan với bệnh Alzheimer

 

Gần một chục gen mới được phát hiện có liên quan với thể bệnh Alzheimer hay gặp nhất, xảy ra ở người cao tuổi, đã đưa số lượng gen được biết có liên quan với căn bệnh này lên con số 24. Những gen mới phát hiện có vai trò trong viêm và đáp ứng miễn dịch của cơ thể, cả hai đều liên quan với những thay đổi trong não thường đi kèm với bệnh Alzheimer. Với nhiều gen được phát hiện hơn, các nhà nghiên cứu sẽ có nhiều đích tác dụng hơn cho các thuốc có thể điều trị triệu chứng mất trí nhớ và sa sút trí tuệ đặc trưng cho căn bệnh này.

 

8. Biến trứng “yếu” thành trứng “khỏe”

 

Chất lượng trứng kém là một trong những lý do khiến nhiều phụ nữ khó có thai. Những các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Stanford đã phát triển một kỹ thuật giúp phụ nữ bị suy buồng trứng lại tiếp tục sản sinh trứng trưởng thành khỏe mạnh. Quá trình được gọi là hoạt hóa trứng trong ống nghiệm, bao gồm lấy một buồng trứng hoặc một mảnh buồng trứng ra khỏi cơ thể, xử lý trong phòng thí nghiệm với các protein và những yếu tố khác giúp các nang trứng non phát triển thành trứng trưởng thành. Sau đó mô đã xử lý được ghép trở lại vào gần ống dẫn trứng. Cho tới nay, trong số 27 phụ nữ tự nguyện thử nghiệm kỹ thuật này, 5 người tạo được trứng có khả năng thụ thai, một người đã có thai và một người khác đã sinh con khỏe mạnh.

 

7. Thuốc từ … vi khuẩn đường ruột

 

Đường ruột là nơi trú ngụ của rất nhiều vi khuẩn có ích – giúp tiêu hóa thức ăn và chống lại những vi khuẩn gây bệnh. Hệ vi khuẩn chí có ích trong ruột cũng có thể tiêu diệt Clostridium difficile, một thủ phạm gây tiêu chảy và viêm đại tràng. “Đóng gói” quần thể vi khuẩn ruột trong một viên thuốc là sáng kiến của TS. Thomas Louie, Trường Đại học Calgary. Trong số 27 bệnh nhân được thử nghiệm uống loại thuốc này, không ai bị tái phát triệu chứng nhiễm Clostridium.

 

6. Tin vui cho người hói
 

Các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Columbia, Mỹ cho biết việc ghép các nang tóc, có chứa chân của sợi tóc mới, cùng với những tế bào xung quanh – có thể là chìa khóa tái tạo lại tóc. Trong thí nghiệm, học đã lấy những mảnh da bao quy đầu từ những em bé cắt bao quy đầu và ghép lên chuột. Da bao quy đầu được sử dụng vì nó không có các nang lông, vì thế sẽ không sợ nhầm giữa nang lông có sẵn và “mới trồng”. Kết quả cho thấy những nang lông mới được ghép vào đã “bám rễ” và mọc lên – mang đến niềm hy vọng lớn cho những người “ít tóc”.

 
5. Ít mà lại hơn: Một liều vắc xin đủ chống HPV thay vì 3 liều


5. Ít mà lại hơn: Một liều vắc xin đủ chống HPV thay vì 3 liều

 

Vắc xin papillomavirus người (HPV) là một trong những cách tốt nhất để phòng ngừa mụn cóc sinh dục và ung thư cổ tử cung, nhưng chỉ một nửa số bé gái và bé trai 11 -12 tuổi tiêm đủ ba liều như khuyến cacó. May mắn là nếu nghiên cứu mới nhất được khẳng định, thì việc tiêm 3 liều sẽ không còn cần thiết nữa. Các nhà khoa học thấy rằng một liều vắc xin duy nhất cũng tạo ra mức kháng thể nhiều gấp 24 lần mức mà vi rút tạo ra trene một nhóm phụ nữ ở Costa Rica.

 

Tuy chưa rõ liệu mức kháng thể này có đủ để ngăn ngừa nhiễm vi rút và giảm nguy cơ ung thư hay không, song các nhà khoa học cho rằng chỉ cần một liều vắc xin có thể là đã đủ để bảo vệ chống lại HPV.

 

4. Rút cuộc, chúng ta sẽ giống như cừu Doly?

 

Mất 17 năm với một scandal chấn động về nghiên cứu khoa học giả mạo, nhưng cuối cùng các nhà nghiên cứu về tế bào gốc đã hoàn thành việc mà họ từng làm với cừu Dolly -  đó là nhân bản người.

 

Nhóm các nhà khoa học tại Trường Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon, Mỹ đã thành công trong việc đưa tế bào da đã phát triển đầy đủ của người vào trứng đã lấy bỏ nhân, sau đó dùng hóa chất và đi để kích thích trứng phân chia để tạo thành tế bào gốc phôi thai – tương tự quy trình đã được dùng để nhân bản cừu Dolly. Tế bào gốc là nền tảng tạo nên toàn bộ các mô và cơ quan của cơ thể, và người ta hy vọng một ngày nào đó tế bào gốc sẽ được sử dụng để điều trị một loạt bệnh từ Alzheimer tới bệnh tim và tiểu đường.

 

3. Xét nghiệm thai nghén tại nhà đầu tiên cho biết quá trình mang thai

 

Test thai nghén có tên Clearblue Advanced Pregnancy Test with Weeks Estimator là xét nghiệm tại nhà đầu tiên được Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ phê duyệt không chỉ phát hiện thai nghén, mà còn ước tính quá trình mang thai diễn ra trong bao lâu, dựa trên thời gian từ khi rụng trứng rụng. Xét nghiệm cũng sử dụng nồng độ hoóc môn HCG, loại hoóc môn báo hiệu có thai, để đưa ra ước tính này.

 

2. Thay đổi lớn trong điều trị mỡ máu

 

Khi nói đến cholesterol, các bác sĩ nhắc đi nhắc lại về chỉ số. Nhưng điều này có thể thay đổi với hướng dẫn mới đây về điều trị cholesterol của Hội Tim Mỹ và Trường Cao đẳng Tim mạch Mỹ. Khuyến cáo được sử đổi chú trọng đến vô số những yếu tố góp phần gây bệnh tim - ngoài cholesterol cao – và cách điều trị tốt nhất. Nếu bạn không có tiền sử gặp những vấn đề về tim mạch, thì một công thức tính mới, với các hệ số gồn tuổi, giới, tiền sử hút thuốc lá, tiểu đường, huyết áp và nồng độ cholesterol, có thể giúp bạn và bác sĩ quyết định xem có nên dùng các thuốc statin để giảm cholesterol, giúp phòng ngừa cơn đau tim hoặc đột quị đầu tiên hay không.
 
1. Tiến tới kết thúc đại dịch: Một bé sơ sinh được chữa khỏi HIV

 

1. Tiến tới kết thúc đại dịch: Một bé sơ sinh được chữa khỏi HIV

 

Không tin được điều là này sự thật, TS. Nhi khoa Hannah Gay tại Trung tâm Y học Đại học Mississippi đã kiểm tra lại các số liệu, và một lần nữa xác nhận. Một em bé sinh ra từ người mẹ bị nhiễm HIV vẫn không có vi rút 2 năm sau khi ra đời - hay nói cách khác đã được điều trị khỏi HIV.

 

Tuy đã biểu hiện những dấu hiệu của nhiễm HIV từ ngay sau khi sinh, song có lẽ lượng vi rút trong cơ thể bé đã được quét sạch nhờ phối hợp 3 thuốc kháng HIV mà bình thường các bác sĩ vẫn sử dụng để điều trị cho trẻ lớn hơn và cho người lớn . Nói chung, các bác sĩ thươ]ngf cho cả người mẹ có HIV dương tính và em bé mới đẻ một liều thuốc kháng HIV duy nhất trong cuộc đẻ để ngăn chặn sự lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nhưng vì mẹ của em bé này không biết mình nhiễm HIV nên đã không áp dụng biện pháp phòng ngừa này. Vì thế BS. Gay và cộng sự đã thử sử dụng phối hợp thuốc mạnh hơn, và biện pháp này đã có tác dụng. Vi rút không tái phát ngày cả sau khi bé đã ngừng uống thuốc.

 

Các chuyên gia có phần thận trọng trước thông tin lạc quan này, nhất là khi nghiên cứu nghiên cứu mới nhất cho thấy lượng HIV “nằm ngủ” trong cơ thể của người bệnh nhiều hơn tới 60% so với đánh giá trước đây. Những ổ chứa này có thể gây ra những đợt nhiễm mới. Nhưng em bé ở Mississippi mang lại niềm hy vọng là nếu các bác sĩ có thể can thiệp đủ sớm sau khi nhiễm HIV xảy ra thì bệnh có khả năng bị chặn đứng.

 

Thùy Linh

Theo Time