1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

10 bệnh có tỉ lệ mắc cao nhất trong 6 tháng đầu năm

(Dân trí) - Các bệnh có tỉ lệ mắc cao nhất gồm: hội chứng cúm, tiêu chảy, hội chứng lỵ, thuỷ đậu, đau mắt đỏ do Adenovirut, quai bị, lỵ amíp, viêm gan vi rút, lỵ trực trùng và viêm não vi rút.

TS Trần Như Dương, Phó trưởng khoa Dịch tễ, Viện VSDTTƯ cho biết, đó là 10 bệnh có tỉ lệ mắc cao nhất trong 6 tháng đầu năm nay, tại các tỉnh phía Bắc.

Ngoài ra, cũng ghi nhận một số vụ dịch lẻ lẻ như dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm xảy ra tại 18 tỉnh, thành phố, dịch thuỷ đậu nhỏ tại 6 tỉnh, quai bị ở Cốc Lếu (Lào Cai), rubella tại Thái Bình, bệnh than ở Mèo Vạc (Hà Giang), dịch đau mắt đỏ ở Điện Biên...
 
Theo TS Dương, khó khăn trong công tác phòng chống dịch hiện nay ngoài các yếu tố khách quan như sự ô nhiễm môi trường, sự biến chủng của vi sinh vật... còn có những yếu tố chủ quan như: thiếu nhân lực Y tế dự phòng ở hầu hết các tuyến; chính quyền một số địa phương chưa có sự chỉ đạo quyết liệt và ý thức trong phòng chống dịch bệnh của đại bộ phận nhân dân chưa cao.
 
Nhất là với dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, thời gian gần đây, nguy cơ dịch bùng phát trở lại là rất lớn. Hiện đã có 12/13 địa phương tái phát dịch.
 
PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết: "Chủng vi khuẩn tả gây ra các đợt dịch tả ở nước ta từ cuối năm ngoái đến nay không còn là chủng năm 2005 mà 100% bệnh nhân đều mang chủng đã kết hợp của chủng vi khuẩn tả cổ điển (xuất hiện năm 1961) và chủng Entor (lưu hành những năm 6 - 7- 8 của thế kỷ XX). Đây cũng là chủng khuẩn tả đang lưu hành ở các nước châu Á như Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Bangladesh ... Tuy nhiên, hiện vẫn chưa biết được là tả hiện nay là lây từ nước ngoài vào Việt Nam hay ngược lại. Đặc điểm của chủng tả này là có độc tính cao hơn, khiến bệnh cảnh nặng hơn, chúng có thể tồn tại lâu hơn và trong các điều kiện nhiệt độ thay đổi.
 
Được biết, hiện Công ty Vắc xin & Sinh phẩm số 1 thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã nghiên cứu phát triển vắc xin tả mới, có hiệu lực bảo vệ tới 90%, đang được thử nghiệm trên 100 người ở Sơn La. Tuy nhiên, theo ông Hiển, bất cứ loại vắc xin nào cũng chỉ mang tính dự phòng. Quan trọng là người dân cần phải giữ vệ sinh ăn uống. Vắc xin chỉ dùng cho những vùng nguy cơ cao như vùng sau lũ lụt, vùng không thể có nước sạch...

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm