Kiểm toán Nhà nước nói gì về vụ tường vây metro giảm từ 2m xuống 1,5m?

(Dân trí) - Kiểm toán Nhà nước đã ghi nhận “mặt làm được” trong việc giảm độ dày tường vây đoạn ngầm tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TPHCM từ 2m xuống còn 1,5m là “giúp tiết kiệm 93 tỷ đồng và rút ngắn thời gian thi công 5 tháng”. Song Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra việc điều chỉnh chưa phù hợp về mặt thủ tục.

Tại báo cáo kiểm toán về dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TPHCM, Kiểm toán Nhà nước ghi nhận “mặt làm được” của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP (Ban QLĐSĐT) trong việc điều chỉnh độ dày tường vây tại gói thầu CP1a (ga Bến Thành - ga Nhà hát TP) từ 2m xuống còn 1,5m.

Cụ thể, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước dẫn lại báo cáo của Ban QLĐSĐT là việc thiết kế thay đổi chiều dày tường vây đã mang lại hiệu quả nhất định cho dự án.

Kiểm toán Nhà nước nói gì về vụ tường vây metro giảm từ 2m xuống 1,5m? - Ảnh 1.

Theo Ban QLĐSĐT, việc điều chỉnh độ dày tường vây từ 2m xuống 1,5m giúp tiết kiệm 93 tỷ đồng và rút ngắn thời gian thi công 5 tháng

Theo đó, trên cơ sở thay đổi độ dày tường vây, ngày 25/1/2018, Ban QLĐSĐT và nhà thầu SMC4 đã ký lệnh phát sinh giảm số CP1a-001. Trong đó, số tiền tiết kiệm được trong việc giảm độ dày tường vây từ 2m thành 1,5m là khoảng 93 tỷ đồng. Thời gian thi công liên quan đến thay đổi chiều dày tường vây đoạn đào hở bên dưới đường Lê Lợi rút ngắn 5 tháng.

Song Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra điểm hạn chế trong việc điều chỉnh độ dày tường vây của đoạn ngầm tuyến metro số 1.

Theo đó, Ban QLĐSĐT phê duyệt thiết kế kỹ thuật khi chưa có báo cáo thẩm định là không đúng trình tự, thẩm quyền theo quy định. Cụ thể, Ban QLĐSĐT phê duyệt điều chỉnh chiều dày tường vây (đoạn Km 0+398 đến Km 0+615) từ 2m xuống 1,5m khi chưa thẩm định là chưa phù hợp về mặt thủ tục.

Theo tính toán của Ban QLĐSĐT, việc thay đổi chiều dày tường vây từ 2m xuống 1,5m có thể tiết kiệm được chi phí và rút ngắn thời gian thi công nhưng sẽ dẫn đến chuyển vị đất nền chưa phù hợp với khuyến nghị của JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản). Các bên liên quan cần có biện pháp theo dõi và xử lý thích hợp đảm bảo an toàn cho dự án và công trình lân cận.

Giá trị JICA khuyến cáo xem xét độ lún nền đất là 20mm trong khi kết quả tính toán của tư vấn tại một số điểm có giá trị lớn hơn 20mm.

Về việc thay đổi chiều dày tường vây, ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết, Thanh tra TP cũng đã có kết luận. Sau đó, Sở GTVT TP cũng đã có báo cáo gửi UBND TP.

Theo ông Tám, việc tường vây bị giảm độ dày từ 2m xuống 1,5m, Ban QLĐSĐT đã làm không đúng trình tự thủ tục theo quy định.

Sau khi Sở Giao thông vận tải TP có báo cáo sự việc, chính quyền thành phố đã có chỉ đạo xử lý sự việc này. Sở Giao thông vận tải TP phối hợp với chủ đầu tư là Ban QLĐSĐT thuê tư vấn độc lập tính toán lại.

Theo kết quả tư vấn, để đảm bảo an toàn cho công trình lân cận, giải pháp được đưa ra là tăng cường khung chống tường vây.

Về vấn đề này, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP cho biết Sau khi có chỉ đạo của UBND TP, Ban Quản lý đường sắt đô thị đã thực hiện giải pháp khắc phục.

Quốc Anh