1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Dự án 800 triệu USD hồi sinh sông Tô Lịch khởi công 2 năm vẫn… “đắp chiếu”

(Dân trí) - Hơn 2 năm kể ngày khởi công (tháng 10/2016), hệ thống xử lý nước thải làm hồi sinh sông Tô Lịch có tổng mức đầu tư hơn 800 triệu USD vẫn… giậm chân tại chỗ.

Đầu tháng 10/2016, tại cánh đồng rộng mênh mông, xung quanh mọc đầy cỏ dại và ao cá của thôn Yên Xá, huyện Thanh Trì, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát lệnh khởi công Dự án Hệ thống xử lý nước thải bao gồm một nhà máy có công suất 270.000 m3/ngày đêm và tuyến cống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ với diện tích phục vụ khoảng 4.874 ha.

Khu vực xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá vẫn mênh mông nước và cỏ dại
Khu vực xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá vẫn mênh mông nước và cỏ dại

Dự án sẽ áp dụng những công nghệ tiên tiến như công nghệ khoan kích ngầm để thi công tuyến cống bao có độ sâu lên đến 15m đi dưới các tuyến phố đông đúc và công trình ngầm, công nghệ lọc cao tải để xử lý nước thải nồng độ thấp do pha loãng bởi nước mưa...

Theo kế hoạch, các gói thầu khác của dự án cũng sẽ được triển khai đồng loạt trong năm 2017 và các hạng mục của dự án sẽ hoàn thành vào tháng 10/2019, trước 2 năm so với thiết kế ban đầu (2021).

Thời điểm đó, ông Nguyễn Đức Chung đặt kỳ vọng Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá khi hoàn thành sẽ cải tạo môi trường, giúp làm sống lại các con sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ, góp phần tạo cảnh quan, sinh thái đô thị, phát triển bền vững Thủ đô.

Ngay từ thời điểm khởi công, dự án đã đem lại niềm vui cho nhiều người dân sống ven các con sông kể trên. Bởi từ trước đến nay, nước thải của thành phố được thu gom bởi hệ thống cống, kênh mương rồi xả ra các hồ và bốn con sông thoát nước chính là sông Kim Ngưu, sông Sét, sông Tô Lịch và sông Lừ. Vì vậy, nhiều kênh mương, sông, hồ trên địa bàn bị ô nhiễm nặng, tác động xấu tới điều kiện vệ sinh, điều kiện sống của người dân.

Chỉ còn một năm nữa theo kế hoạch dự án sẽ hoàn thành. Tuy nhiên đến nay nhiều hạng mục của dự án vẫn dang dở. Khu đất xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá được quây tôn kín mít các cổng dẫn vào khu đất đều khóa trái, phía trong không có bất kỳ hoạt động nào.

Nhà máy xử lý nước thải lớn nhất cả nước sau 2 năm khởi công vẫn giậm chân tại chỗ
Nhà máy xử lý nước thải lớn nhất cả nước sau 2 năm khởi công vẫn giậm chân tại chỗ

Khu đất được khởi công xây dựng nhà máy xử lý nước thải lớn nhất Việt Nam này vẫn bỏ hoang, cỏ mọc cao ngút xen lẫn những luống rau muống dại. Một số người dân tận dụng đầm lớn trong khu đất để đưa vịt vào chăn thả.

Lãnh đạo xã Thanh Liệt cho biết, để chuẩn bị cho dự án, chính quyền xã đã làm rất quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng vì xác định đây là dự án trọng điểm của TP, hơn nữa lại sử dụng vốn ODA Nhật Bản có tiến độ về thời gian. 14 hécta để xây dựng nhà máy này, xã Thanh Liệt đã bàn giao mặt bằng đúng tiến độ đặt ra. Tuy nhiên, sau khi khởi công, 2 năm đã qua, các hạng mục xây dựng nhà máy này gần như không có bất kỳ động tĩnh gì.

Cùng với việc xây dựng hệ thống thu gom nước thải quanh sông Tô Lịch đưa về nhà máy Yên Xá để xử lý. TP Hà Nội cũng xây dựng kế hoạch làm sạch sông Tô Lịch.

Công ty Thoát nước Hà Nội mới đây đưa ra phương án lấy nước sông Hồng làm sạch sông Tô Lịch. Theo đó, nước sông Hồng được xử lý bổ cập vào hồ Tây, sau đó dẫn ra sông Tô Lịch.

Phương án trên được nhiều nhà khoa học đánh giá cao. PGS Ứng Quốc Dũng – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng - mong muốn xử lý được sạch, đẹp thơ mộng như dòng sông Seine chảy xuyên suốt thủ đô Paris của nước Pháp.

Quang Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm