1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Cựu tướng Nguyễn Thanh Hóa nói C50 không chịu trách nhiệm về công ty bình phong

(Dân trí) - Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - C50-Bộ Công an) khai, C50 không phải chịu trách nhiệm về hoạt động của Công ty CNC (công ty bình phong của C50), chỉ sử dụng công ty này khi C50 cần hóa trang nghiệp vụ.

Sáng nay (20/11), HĐXX yêu cầu cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao C50-Bộ Công an) lên bục khai báo để làm rõ hành vi bị cáo này bị cáo buộc "bảo kê" cho đường dây đánh bạc nghìn tỷ.

Từ chối cháu của nguyên thứ trưởng Bộ Công an làm công ty bình phong

HĐXX hỏi bị cáo Hóa ai là người đầu tiên đề xuất bị cáo Nguyễn Văn Dương lập Công ty CNC để sau này hợp tác với C50?, bị cáo Hóa khai dài dòng, nguyên một Thứ trưởng Bộ Công an (đã mất) gọi ông lên nói là C50 có chức năng thành lập công ty bình phong và giới thiệu người cháu của mình có thể làm việc này. Nhưng bị cáo Hóa có nói với người lãnh đạo này là “Cháu anh không thể làm doanh nghiệp được. Sau đó, anh ấy nói Nguyễn Văn Dương bên công ty UDIC có được không, tôi nói được. Nhưng lời giới thiệu không mặn mà nên tôi cũng lãng quên”.

Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa.

Bị cáo Hóa khai, sau một thời gian có gặp bị cáo Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Văn Dương ở một sự kiện nào đó, ông Vĩnh đã giới thiệu Dương và nói về lập tờ trình để thành lập công ty bình phong.

Đến ngày 10/10/2011, CNC và C50 ký bản ghi nhớ hợp tác với nhiều nội dung, trong đó, CNC phải đảm bảo thực hiện yêu cầu nghiệp vụ của Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, C50 góp 20% vốn và cử người tham gia.

Bị cáo Hóa khai, sau khi ký xong bản ghi nhớ được vài ngày thì có gọi điện cho Dương thông báo là không hợp tác nữa vì C50 không có vốn và nhân sự, nhưng CNC vẫn hoạt động. Ông Hóa khẳng định, CNC “không là gì cả với C50”, là công ty hoạt động bình thường. Thời điểm này, CNC có báo cáo hoạt động nhưng bị cáo Hóa nói không trả lời, những báo cáo của CNC đều qua phòng tham mưu.


Bị cáo Phan Văn Vĩnh

Bị cáo Phan Văn Vĩnh

HĐXX hỏi, thế CNC chính thức trở thành công ty bình phong của C50 từ khi nào? Bị cáo Hóa khai, chính thức từ ngày 14/5/2015 theo quyết định 158 do Phan Văn Vĩnh ký.

“Thực ra nhiều người chưa hiểu rõ về công ty nghiệp vụ, công ty nghiệp vụ hay nói thông thường là bình phong cũng giống như công ty ngoài xã hội khác. Chúng tôi không chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của CNC, mà CNC hoạt động theo luật doanh nghiệp, C50 chỉ sử dụng CNC khi cần hóa trang nghiệp vụ. Hiện C50 cũng có một công ty hóa trang khác, họ hoạt động rất đúng quy định, khi nào cần hóa trang trinh sát chúng tôi mới cần phối hợp với những công ty này” – bị cáo Hóa khai.


Cựu tướng Nguyễn Thanh Hóa nói C50 không chịu trách nhiệm về công ty bình phong

Cựu tướng Nguyễn Thanh Hóa nói C50 không chịu trách nhiệm về công ty bình phong

HĐXX hỏi tiếp bị cáo Hóa về việc hồ sơ vụ án thể hiện, cấp dưới đã báo và lãnh đạo Bộ Công an đã có văn bản yêu cầu báo cáo về hoạt động hợp tác giữa CNC và VTC online vận hành game bài không phép mang dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng không ngăn chặn xử lý? Bị cáo Hóa phân trần “Thời điểm đó hệ thống pháp luật chưa điều chỉnh, cục C50 không có chức năng xử lý hình sự vì báo cáo cũng mới nêu nên dấu hiệu chứ chưa rõ ràng. Cục C50 chưa phải là cục điều tra, chỉ trinh sát nếu phát hiện sẽ còn phải phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự. Mặt khác, thời điểm đó nhiều game bài họ nói đang thử nghiệm, cá nhân bị cáo còn nhiều việc nên không sâu sát, đôn đốc, nhưng tin tưởng cấp dưới”.

Bị cáo Hóa nói, chỉ nhận được báo cáo của cấp dưới nói việc CNC hợp tác với VTC online là hợp tác cổng thanh toán trái phép chứ không nói đó tổ chức vận hành game bài đánh bạc.

Trước đó, đầu giờ sáng cùng ngày, HĐXX tiếp tục thẩm vấn bị cáo Phan Văn Vĩnh cũng liên quan đến cáo buộc “bảo kê” cho đường dây đánh bạc.

Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc ký quyết định cố 158 ngày 14/5/2015 công nhận CNC là công ty nghiệp vụ của C50 không tuân theo bản ghi nhớ là C50 phải góp 20% vốn và cử người tham gia có trái quy định và chủ trương của lãnh đạo Bộ Công an? Bị cáo Vĩnh đáp “Thời điểm bị cáo ký quyết định 158 thì quyết định 450/QĐ-BCA ngày 4/2/2010 (quy định C50 được thành lập công ty bình phong) quá hạn được 3 ngày, đó là cái sai. Nhưng vì sau khi lãnh đạo Bộ Công an có bút phê về tờ trình lập công ty bình phong, bị cáo về nghiên cứu xong mới ký”.

Theo đề nghị của luật sư Huyền Trang (bào chữa cho bị cáo Phan Văn Vĩnh), HĐXX đã triệu tập điều tra viên Nguyễn Quang Hòa để làm rõ về việc bị cáo Vĩnh ký quyết định 158 nói trên có trái với chủ trương của lãnh đạo Bộ Công an không?

Điều tra viên Hòa cho biết, tờ trình để thành lập công ty bình phong được lãnh đạo Bộ Công an đồng ý về mặt chủ trương có nói C50 phải đóng góp 20% và cử người tham gia. Nhưng thực tế, khi ký quyết định 158 nói trên thì C50 không góp vốn, không cử người tham gia là đi ngược với chủ trương của lãnh đạo Bộ Công an. Không cử người tham thì không thể biết CNC hoạt động như nào.

Nguyễn Dương