1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Ba vấn đề “gai góc” nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

(Dân trí) - Các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc trong tuần này với một số tín hiệu khả quan, tuy nhiên việc đạt được một thỏa thuận cho đến nay vẫn nằm ngoài tầm với của cả hai nước.

Ba vấn đề “gai góc” nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump (phải) và Chủ tịch Tập Cận Bình (Ảnh: AP)

Theo BBC, việc thiếu những thông tin chi tiết về kết quả của cuộc đàm phán giữa các phái đoàn Mỹ và Trung Quốc tại Bắc Kinh trong tuần này đã cho thấy sự khó khăn của cả hai bên trong việc giải quyết những vấn đề phức tạp nhất trong quan hệ song phương, bao gồm sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và tiếp cận thị trường. Ngoài ra còn phải kể tới khát vọng về nền công nghiệp công nghệ cao của Bắc Kinh.

BBC nhận định nếu không có sự thay đổi cơ bản về cấu trúc kinh tế của Trung Quốc, cả Bắc Kinh và Washington sẽ không thể giải quyết những bất đồng về các vấn đề này.

Sở hữu trí tuệ

Mỹ từ lâu đã cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp Mỹ và buộc họ phải chuyển giao công nghệ cho Bắc Kinh.

Các công ty Mỹ cho rằng bộ máy tư pháp của Trung Quốc không công bằng và gần như luôn đưa ra phán quyết có lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp với phía Mỹ. Trong khi đó, Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc này.

"Không có luật nào ở Trung Quốc quy định phải chuyển giao tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Tuy nhiên, chính phủ (Trung Quốc) đã hiểu được lập trường của Mỹ và sẽ có biện pháp trừng phạt nếu những hành vi vi phạm như vậy thực sự xảy ra", Wang Huiyao, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa - một viện nghiên cứu cố vấn cho chính phủ Trung Quốc, cho biết.

Để giải quyết những lo ngại của Mỹ, Trung Quốc đã thành lập một tòa án về sở hữu trí tuệ và đang soạn thảo dự luật nhằm ngăn chặn tình trạng các nhà chức trách Trung Quốc đòi hỏi các doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ của họ cho các doanh nghiệp Trung Quốc.

Tuy nhiên các nhà lập pháp Mỹ cho rằng bộ máy tư pháp của Trung Quốc vẫn chịu sự chỉ đạo chung và không thể đưa ra những phán quyết gây bất lợi cho các doanh nghiệp nước này, đặc biệt liên quan tới các doanh nghiệp nhà nước.

Tiếp cận thị trường

Ba vấn đề “gai góc” nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung - Ảnh 2.

Ông Trump và ông Tập Cận Bình đạt được thỏa thuận "đình chiến thương mại" trong tiệc tối kết hợp làm việc bên lề hội nghị G20 ở Argentina. (Ảnh: Reuters)

Sự thành công của kinh tế Trung Quốc được xây dựng dựa trên cách tiếp cận mang tính kế hoạch tập trung dành cho các công ty nhà nước. Điều này trái ngược với cách các công ty Mỹ vận hành.

Mỹ cho rằng Trung Quốc đang trợ cấp không công bằng cho các doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ các doanh nghiệp này bằng các khoản vay lãi suất thấp, đồng thời giúp họ cạnh tranh ở nước ngoài trong những ngành như hàng không vũ trụ, sản xuất chip hay xe điện, đặt họ vào cuộc cạnh tranh trực diện với các doanh nghiệp Mỹ.

Cũng theo nhận định của Mỹ, thậm chí các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc cũng có lợi thế, vì các công ty nước ngoài đang cạnh tranh với các công ty Trung Quốc tại thị trường Trung Quốc không có những mối quan hệ hoặc quy mô cần thiết. Trong khi đó, để hoạt động được ở Trung Quốc, các công ty Mỹ vẫn cần một đối tác địa phương để hợp tác làm ăn.

Trung Quốc đã cam kết mở rộng các lĩnh vực trong nền kinh tế của nước này để cho phép cạnh tranh với nước ngoài. Tuy nhiên, sẽ là vô nghĩa nếu Trung Quốc vẫn chưa cho phép các công ty của nước này hoạt động độc lập.

Made in China 2025

"Made in China 2025" (Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025) là lộ trình phát triển công nghiệp của Trung Quốc, đồng thời là rào cản lớn nhất cho quan hệ song phương Mỹ - Trung. Mục tiêu của kế hoạch này là nhằm biến Trung Quốc thành một nền kinh tế công nghệ cao, vươn lên dẫn đầu thế giới về khoa học kỹ thuật.

Lộ trình trên của Bắc Kinh đã khiến Washington bất an vì Mỹ vẫn xem đây là thách thức trực tiếp cho vị thế dẫn đầu của Mỹ trong các lĩnh vực then chốt như hàng không vũ trụ, chất bán dẫn và mạng 5G.

Trung Quốc gần đây đã giảm bớt tham vọng "Made in China 2025", tuy nhiên chưa có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ dừng kế hoạch này. Tham vọng của Bắc Kinh đã đánh vào vấn đề cốt lõi trong mâu thuẫn đang tồn đọng hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc, đó là cạnh tranh cho vị thế số một thế giới.

"Điều Mỹ mong muốn là thay đổi về cơ bản cấu trúc kinh tế Trung Quốc. Mỹ muốn Trung Quốc trở thành một quốc gia "bình thường" với nền kinh tế theo định hướng thị trường, giống như tất cả chúng ta. Nhưng Trung Quốc không muốn như vậy", Christopher Balding, cựu giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, nhận định.

Hiện nay cả Mỹ và Trung Quốc đều đang bị tổn hại từ cuộc chiến thương mại và tốc độ tăng trưởng toàn cầu được dự báo cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, việc Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận mà cả hai cùng "chấp nhận được" sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên. Tuy nhiên, ngay cả khi đạt được một thỏa thuận, cạnh tranh chiến lược giữa hai đối thủ cũng vẫn chưa thể chấm dứt.

Ngày 7/1, phái đoàn đàm phán thương mại Mỹ do Phó Đại diện Thương mại Jeffrey Gerrish dẫn đầu đã chính thức tiến hành đàm phán với phái đoàn Trung Quốc trong hai ngày từ 7-8/1 để tìm kiếm các hiệp định giải quyết cuộc chiến thương mại giữa hai nước. Phái đoàn Mỹ tới Trung Quốc gồm các quan chức từ các Bộ Tài Chính, Thương mại, Nông nghiệp và Năng lượng.

Cuộc đàm phán diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí ngừng các đòn áp thuế lẫn nhau trong 90 ngày trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina vào tháng 12/2018.

Thành Đạt

Theo BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm