Nâng cao năng suất chất lượng từ cải tiến liên tục

(Dân trí) - Tư duy không ngừng cải tiến hoạt động kinh doanh cần phải được doanh nghiệp coi như "kim chỉ nam" cho quá trình nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm của mình.

Theo đánh giá của Ban điều hành Chương trình Quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020" (Chương trình 712), qua 8 năm triển khai, chương trình này đã xây dựng, tổng hợp nhiều giải pháp, biện pháp mang tính hệ thống với hàng loạt các công cụ cải tiến, hệ thống quản lý tiên tiến để giúp doanh nghiệp (DN) làm tốt hơn quá trình sản xuất của mình, hướng tới giảm chi phí, tăng năng suất.

Cụ thể, từ năm 2010 đến nay có gần 5.000 doanh nghiệp được hỗ trợ thực hiện các tiêu chuẩn quản lý ISO 9.000, ISO 14.000, công cụ cải tiến năng suất như 5S, Lean hoặc Lean 6 Sixma...

Đặc biệt, chỉ trong giai đoạn 2016 – 2018, chương trình đã phổ biến, hướng dẫn áp dụng khoảng 350 TCVN thuộc các lĩnh vực, đối tượng sản phẩm hàng hóa trọng điểm, chủ lực cho hơn 2000 tổ chức, DN thông qua các tổ chức, hội nghị, hội thảo… Bên cạnh đó, việc đào tạo đội ngũ chuyên gia cũng luôn được chú trọng với các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến cho hơn 3.000 học viên trên cả nước.

Mặc dù 8 năm qua, Chương trình 712 đã thu được nhiều kết quả tích cực nhưng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, hiện còn một số khó khăn trong việc nhân rộng những hiệu quả từ chương trình.

Trong đó, phải kể đến sự thiếu chủ động, chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của các công cụ cải tiến, hệ thống quản lý tiên tiến đối với quá trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp. Một lý do quan trọng nữa là ngay cả những người đứng đầu doanh nghiệp đôi khi vẫn còn thờ ơ hoặc thiếu quyết tâm trong việc đưa những giải pháp cải tiến vào quá trình sản xuất

"Thực tế cho thấy, các DN khi triển khai các dự án cải tiến, tối ưu hóa quá trình sản xuất theo các công cụ như: Lean/Kaizen, 5S, ISO,... đã có thể cải thiện năng suất tăng từ 15-20% . Điều quan trọng hơn cả là nhận thức về sự cần thiết cải tiến năng suất cho chính DN của người lãnh đạo, từ đó thúc đẩy sự tham gia của từng cá nhân, tập thể cán bộ công nhân viên của chính DN đó", ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Liên quan tới vấn đề trên, Giám đốc Công ty Cổ phần may Nam Hà Đào Tiến Dũng cho biết, từ năm 2010, Công ty đã bắt đầu tổ chức đào tạo về Lean cho đội ngũ quản lý từ cấp cơ sở đến cấp cao. Những năm tiếp theo, với sự tư vấn của các chuyên gia năng suất của Viện Năng suất Việt Nam, Lean, 5S, TPM, Kaizen bắt đầu được triển khai ứng dụng trong sản xuất kinh doanh.

Đến nay, năng suất lao động của Công ty Cổ phần may Nam Hà tăng trung bình 15%. Thu nhập của người lao động năm 2017 tăng cao đạt hơn 8,2 triệu đồng/người/tháng, gấp gần 4 lần so với năm 2009.

Hán Hiển

Mục tiêu của chương trình 712 giai đoạn 2016 - 2020, có 60.000 doanh nghiệp được hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng. 100% doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chủ lực xây dựng và thực hiện các dự án nâng cao năng suất và chất lượng...

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm