1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chuyện những nhà khoa học rà phá thuỷ lôi (kỳ cuối)

(Dân trí) - T5 đánh thắng ngay lần đầu xuất kích trên sông Đuống. Lập tức, loại tàu này được đóng thêm 17 chiếc, góp phần thông luồng ở nhiều đoạn đường sông: Vạn Điểm trên sông Hồng, cửa Ba Lạt, cảng Bến Thuỷ, phà sông La, sông Gianh...

Kỳ cuối: Niềm vui oà trong nước mắt

Một phen hú vía

Sáng hôm sau, đoàn rà phá triển khai hoạt động. Nước lũ đang rút, nhưng mực nước vẫn còn cao.

11 giờ trưa. Máy bay Mỹ đến đánh. Bom nổ cách một ki-lô-mét. Con tàu liền được phủ kín bèo tây, đưa vào giấu dưới một lùm tre bên bờ, 2 giờ chiều mới vào cuộc.

"Kịch bản" có vẻ hay: Các kỹ sư Bảo, Lộ, Lương, Đăng, Sơn ngồi ca-nô sang bên hữu ngạn, mang theo máy móc, đi bộ khoảng 2 km đến chỗ con sông ngoặt, thì bắt đầu dùng máy phát điều khiển con tàu. Ở đó, khoảng cách ngắn, T5 dễ nhận được tín hiệu. Từ nơi xuất phát đến chỗ sông ngoặt, tàu sẽ được thả trôi xuôi. Nhưng, đúng 3 giờ, khi con tàu vừa trôi tới chỗ sông ngoặt, thì người điều khiển đã phải có mặt tại đấy. Nếu không, con tàu không được ai điều khiển, sẽ trôi vào vùng có thuỷ lôi!

Cục trưởng Cục Đường sông Bình Tâm ở lại bên tả ngạn, đứng trên một doi đất cao, chỉ huy trận đánh bằng máy bộ đàm. Hai anh quay phim đứng cạnh ông, phục sẵn cảnh cột nước dựng lên trắng xoá khi T5 lần đầu tiên phá nổ thuỷ lôi!

Kịch bản hợp lý là vậy, nhưng, khi qua sông, mới thấy nhiều chuyện không ngờ. Nước mênh mông. Đi một quãng, bỗng gặp một con sông cắt ngang. Mùa khô, có lẽ đó chỉ là một lạch nước, nhưng giờ đây thì thật sự là một con sông! Tất nhiên, không thể lội qua! Mà bơi thì vướng víu thiết bị. Hay là quay trở lại? Anh Bảo nhìn đồng hồ: đã 2 giờ 30. Đến 3 giờ mà không có mặt tại chỗ sông ngoặt để điều khiển, T5 ắt sẽ trôi vào chỗ có thuỷ lôi!

Đầu con lạch, thoáng thấy một ngôi nhà. May sao ông cụ chủ nhà có một con đò. Đò bé, phải chở hai chuyến. Cô lái đò, con út cụ, cùng khiêng máy với anh em.

Qua khỏi lạch, cả nhóm cắm đầu chạy lên đê. Vừa kịp trông thấy T5 lừ lừ trôi tới! Lộ vội vàng ấn nút "tiến!", lệnh cho tàu quay chân vịt.

- Chết rồi, Bảo ơi! Nó không ăn lái! - Lộ hốt hoảng kêu to.

- Đề nghị anh Bảo cho chặn ngay con tàu lại! - Lương hét toáng lên.

Con tàu sắp trôi đến chỗ sáng nay một quả thuỷ lôi tự huỷ. Như vậy là, gần đấy, còn có một quả khác chưa nổ. Máy bay thả thuỷ lôi thường thả một quả bên này, một quả bên kia, cho "cân cánh". Không chặn lại thì con tàu sẽ nổ tan! Nhưng, chặn bằng cách nào?

Bảo chạy theo Lương, chưa biết làm gì. Hay là đành "thí mạng" con tàu? Vừa lúc đó, thấy có một bác dân chài cũng chạy theo, nhưng không biết bác ta định làm gì? Bỗng thấy bác nhảy xuống thuyền (bác có một chiếc thuyền câu neo bên sông). Thế là Bảo và Lương nhảy xuống theo. Bác liền cho thuyền áp sát mạn tàu. Bảo và Lương nhảy lên, buộc dây chằng néo, kéo tàu vào bờ. Hai người mở nắp, xem kỹ máy thu, tủ rơ-le. Lạ quá, chẳng có gì trục trặc, thế mà tàu không ăn lái?

Nhiều chuyện lỡ làng

Nhưng sao bỗng dưng chân vịt cuộn sóng? Con tàu ầm ầm chuyển động, tiến về phía có thuỷ lôi, mang theo cả Bảo và Lương! Sao thế nhỉ? Thôi, chết rồi, ông Lộ đang bấm nút điều khiển! Bị một vật gì đó che khuất, Lộ không trông thấy Bảo và Lương đang ở trên tàu! Anh chàng táy máy thử bấm vào nút "tiến!", thế là con tàu tiến về phía có... thuỷ lôi!

- Lộ ơi! Lộ ơi! Không được đụng vào hộp điều khiển! - Bảo hét váng lên.

- Ông Lộ định đưa anh em vào chỗ chết đấy à? - Lương quát.

Nhưng rồi chân vịt tàu bỗng ngừng quay. Và nó quay ngược lại. Con tàu từ từ lùi vào bờ. Như vậy là anh chàng Lộ vẫn đụng vào hộp điều khiển, nhưng đã biết đụng một cách... không tai hại! Bảo và Lương nhảy lên bờ, đẩy tàu ra. Tại sao lúc nãy con tàu không ăn lái, thế mà giờ nó lại ăn? Đúng rồi, máy móc chẳng có gì trục trặc. Chẳng qua chỉ là vì, lúc nãy, tàu còn cách người điều khiển quá xa, nên máy thu không bắt được tín hiệu! Giờ, con tàu tới gần, nó dễ dàng bắt được.

Nỗi băn khoăn bằng cấp

Tàu T5 tiến vào quãng sông có thuỷ lôi. Qua máy phát, Lộ lệnh cho tàu lượn chữ chi, rà quét rất lâu từng đoạn sông, vòng đi vòng lại quanh nơi tàu TX đắm và nơi quả thuỷ lôi tự huỷ. Đến 5 giờ 30 phút chiều, vẫn chẳng thấy gì! Chẳng lẽ phải neo tàu lại, mai đánh tiếp?

- 6 giờ nghỉ, anh Bảo nhé! - Đăng nói.

- Đồng ý, 6 giờ.

Đúng 5 giờ 50 phút, một tiếng nổ kinh người! Thường thì quả thuỷ lôi nổ, dựng lên một cột nước trắng xoá cao chừng 20 mét, bằng toà nhà năm tầng. Nhưng, ở quãng sông này, có lẽ vì cạn, lửa trong ruột thuỷ lôi không bị vùi đi dưới lòng sâu, nên bốc cao tạo thành một cột vừa lửa vừa nước đỏ rực trên nền trời chiều vàng sáng. Cột lửa và nước ấy phải cao đến 40 mét?

Tiếp sau là những tảng bùn rơi lộp bộp bên hai bờ sông.

Nhiều năm trôi qua, kể lại giây phút ấy, anh Bảo vẫn xúc động nói:

- Tôi thấy cột nước dựng lên. Và sau đó tất cả nhoà đi... Nước mắt cứ trào ra...

Cuộc thử nghiệm thành công, dù rằng hơi... muộn mằn! Vào giờ ấy, hai anh quay phim đã trở lại cơ quan Đoạn Quản lý đường sông ở Bến Trì. Đợi mãi chẳng thấy nổ niếc gì, hai anh ngán quá, bỏ về trước, tắm rửa!

Đêm hôm ấy, máy bay địch lại gầm rít. Chẳng biết chúng nó trinh sát cái quái gì mà lắm thế? Lại một đêm thao thức...

- Cậu có nhớ những ngày chúng mình sống với anh em trong đội rà phá thuỷ lôi ở cảng Bến Thuỷ không? - Bảo hỏi Lộ, hai người nằm trên hai cái giường một, cạnh nhau. - Chẳng biết anh Ninh, đội trưởng, mang trên trán vết sẹo như từng bị gươm chém, bây giờ ra sao? Anh Vân, đội phó, ra bệnh viện Việt - Đức điều trị, có chữa khỏi cái lưng còng hay không?

- Mình nhớ cả hàng mộ chí đá xanh, khắc tên mấy anh em đã chết.

- Thời chống Pháp, mình ở Nghệ An, học Trường cấp ba Huỳnh Thúc Kháng tại làng Bạch Ngọc, bên bờ con sông Lam xanh biếc - Bảo kể. - Học sinh cũ của trường, nay nhiều người là tiến sĩ. Còn mình, đến ngày chống Mỹ thành công, thì đã quá tuổi được cử đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài!

- Mình cũng thế! - Lộ trầm ngâm nói. - Đáng tiếc, dân Việt Nam ta dường như quá ư coi trọng bằng cấp, học vị! Chứ ở nhiều nước khác, một anh kỹ sư, bác sĩ giỏi nghề, có đóng góp rõ rệt, được tôn vinh, hậu đãi gấp mấy lần một vị tiến sĩ "chung chung"...

- Dù sao, trong những năm đất nước gian nguy, chúng mình đã sống... không đến nỗi nào! Có ai bắt buộc chúng mình phải làm việc này đâu! Mấy năm qua, không phải không có những viện đóng cửa, cho cán bộ đi sơ tán hay đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài...

Bảo và Lộ tốt nghiệp kỹ sư ở Thượng Hải và Bắc Kinh. Nhưng khi về nước, mỗi người làm việc một cơ quan. Chỉ từ lúc tham gia công trình T5, mới quen thân, gắn bó, vui buồn có nhau.

“Món nợ” đã được trả sòng phẳng

Hôm sau, đoàn dậy muộn. 9 giờ sáng, kiểm tra máy móc. 2 giờ chiều, mới bắt đầu rà phá.

Đúng 3 giờ, một quả thuỷ lôi nổ. Rồi, 5 phút sau, nổ thêm một quả nữa. Giòn giã quá!

Cục trưởng Bình Tâm nhận định: Số thuỷ lôi địch thả trên đoạn sông này coi như đã nổ hết. Không thể để tàu bè ùn tắc lâu hơn. Lập tức súng lệnh thông luồng nổ vang.

T5 dẫn đầu đoàn tàu thuyền đi qua đoạn sông vừa được giải toả.

Chỉ mấy phút trước đó, con sông vắng vẻ, tẻ buồn. Còn bây giờ, nhộn nhịp quá! Sà-lan tự hành nổ máy giòn giã. Tàu, ca-nô kéo còi tu tu. Theo sau T5, hàng dãy dài sà-lan chở đạn pháo 130 li vàng choé, vỏ đạn to như bắp chuối. Rồi đến đoàn sà-lan chất đầy những phuy xăng sơn màu lá cây. Và những chiếc thuyền to chở phân đạm, xi-măng, vôi, muối, v.v.

Sáng hôm sau, đoàn trở về Hà Nội. Vừa đặt chân đến Phân viện Thiết kể tàu thuỷ ở phố Hàng Trống, KS Nguyễn Hữu Bảo đã được Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ mời lên:

- Đóng thêm nhiều tàu T5 nữa, có được không?

- Thưa Bộ trưởng, được ạ.

Ồng liền quyết định bước đầu cho đóng thêm 17 tàu T5.

Tháng 10/1972, Mỹ thả thuỷ lôi phong toả đoạn Vạn Điểm trên sông Hồng. T5 được điều đi rà phá. Luồng thông ngay. T5 còn được cẩu lên xe tài Zil ba cầu, chở vào cảng Bến Thuỷ, giao cho đội anh Ninh. Chỉ sau một ngày tập luyện, anh em trong đó biết cách điều khiển. Với T5, trong 25 phút, phá nổ 8 quả thuỷ lôi, thông luồng. T5 cũng phá thuỷ lôi ở cửa Ba Lạt, trên sông La, sông Gianh và nhiêu nơi khác nữa.

- Như vậy là chúng mình đã trả "món nợ" anh em ở cảng Bến Thuỷ, Lộ nhỉ? - Bảo vui mừng nói.

Hàm Châu