Tục "đi sim" độc đáo của người Bru - Vân Kiều
(Dân trí) - Khi ánh trăng đêm vừa nhô lên đầu ngọn núi, tiếng sáo gọi bạn tình vang vang khắp các bản làng Bru – Vân Kiều cũng là lúc những chàng trai, cô gái bắt đầu những cuộc hẹn hò cho buổi "đi sim".
Già Hưng bảo rằng, bao đời nay tục đi sim của người Bru - Vân Kiều ở Quảng Bình vẫn được lưu truyền bằng hình thức hát đối đáp. Đó là những điệu hát giao duyên như: Cha-chấp, Oát và Xa-nớt. Già Hưng lý giải, điệu Cha-chấp là loại hình đối đáp dành cho những cặp nam nữ trong những buổi hẹn hò đầu tiên. Với nhạc điệu ấm áp và ca từ trữ tình, họ hát không phải để thử tài mà chỉ để bày tỏ nỗi lòng, thông tin cho nhau thân phận, hoàn cảnh và cảm nhận của mình về đối tượng.
Bước qua giai đoạn bỡ ngỡ, họ dần trở nên thân thuộc và lúc ấy tình cảm cũng trở nên thắm thiết, thân mật hơn. Và lúc đó, chính làn điệu Oát đã giúp đôi bạn trẻ xích lại gần nhau. Tình yêu của họ lớn dần lên qua những lời ca trữ tình, điệu hát ví von. Những câu hát Oát như trở thành người mai mối dẫn dắt họ tìm đến bên nhau.
Bóng em lấp lánh như sao mới mọc
Dáng em lấp lánh như vầng trăng đêm mười sáu
Ta đi tìm em, em ơi!
Tình em vời vợi như trăng đêm mười bảy
Ta đang lần tìm đến người, người ơi!
Và để đáp lại tình cảm ấy, người con gái cũng thổ lộ nỗi lòng của mình bằng những giọng hát tình tứ, e ấp nhưng không kém phần cháy bỏng:
Nàng ra đi đã tới gần chòm núi
Anh ơi sao anh vẫn chưa ngủ
Anh cứ Oát hoài
Trên các chòi lúa rẫy
Anh có biết không?
Em ở chòi bên này chưa ngủ đợi anh
Muốn thổi kèn Amam nhưng lại thiếu một người
Kèn Amam không thổi một người
Em biết thương ai bây giờ ngoài anh.
Điệu Xà-nớt là làn điệu dân ca để bày tỏ lòng mong ước kết đôi của hai người yêu nhau. Đó cũng là niềm khát khao yêu đương cháy bỏng trong lòng mình, và như để thấy trong mỗi con người không thể thiếu được người mình yêu dấu trong đời.
Và cũng theo như già Hưng nói thì đi kèm với những làn điệu dân ca là những nhạc cụ truyền thống tiêu biểu như kèn amam. Kèn amam đi kèm với làn điệu Cha-chấp. Trong những lần đi sim và hát giao duyên, con gái là người giữ kèn amam. Đây là loại kèn phải có hai người thổi và hát lên làn điệu Chahấp để trao đổi tình cảm, giọng kèn trầm và âm vang. Ngoài ra, còn có kèn tariền. Loại kèn này được làm bằng ống trúc, có dùi năm lỗ tạo ra âm thanh trầm bổng. Kèn tariền dành cho các chàng trai thổi ở các nhà xu để thổ lộ tâm tình với các bạn gái.
Đi sim là một tập tục, tập quán có từ lâu đời, là nét đẹp văn hóa, là khát vọng tự do yêu đương của nam nữ thanh niên dân tộc Vân Kiều ở miền núi Quảng Bình. Tuy nhiên, nếp sống và văn hóa hiện đại đang dần xâm chiếm vào đời sống sinh hoạt của người Vân Kiều. Chính điều đó đã khiến tục đi sim với những giá trị truyền thống tốt đẹp đang đối diện với nguy cơ có thể mai một. Đó cũng như một lời nhắn nhủ của già làng Hưng đến các ban ngành chức năng là cần sớm có những phương án để bảo tồn, giữ gìn nét văn hóa đặc sắc này của người Vân Kiều.
Bài, ảnh: Nguyễn Đặng