1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quỳ Châu, Nghệ An:

Trâu đổ dịch chết hàng loạt

(Dân trí) - Hơn nửa tháng nay tại bản Khe Lan, bản Na Xén xã Châu Hạnh, Quỳ Châu (Nghệ An) số trâu chết vì tụ huyết trùng khoảng gần 30 con. Được người dân xẻ thịt bày bán quanh bản hoặc thương lái đưa xe “đông lạnh” đến tận nơi để vận chuyển đưa về xuôi bán

Bám theo những con dốc dựng đứng, chúng tôi lần đường vào bản Khe Lan xã Châu Hạnh – Quỳ Châu trong chiều mưa. Vi Văn Thanh, Phó bản Khe Lan giọng buồn bã: “Mới đây nhất là ngày 15/8/2011 dân bản phát hiện 1 con trâu chết ở Pù Muộng nhưng không có ai nhận. Con trâu này bị người ta xẻ lấy thịt, chỉ còn bộ xương và đầu lăn lóc trên triền đồi. Sáng ngày 16/8 lại phát hiện con trâu của nhà anh Lương Văn Hạnh gục chết tại đập Khe Xén, thương lái đã vào tận nơi để vận chuyển”.   

Bà con cho biết: ngày 1/8/2011, 1 con trâu đầu tiên của gia đình anh Vi Văn Hiếu ở bản Khe Lan chết, tiếp đó đau xót nhất là ngày 3/8 trâu đổ bệnh chết một lúc 12 con ở khu vực Pù Muộng. Thương lái tứ xứ tìm đến tranh nhau mua trâu chết. Họ trả với giá bèo bọt. Như 3 con trâu chết của ông Vi Văn Đào họ trả 10 triệu đồng. Khi bốc lên xe ô tô, chạy được một đoạn, họ quay lại đòi bớt thêm 3 triệu đồng vì lý do trâu đã “bốc mùi”. Như vậy 3 con chỉ còn lại 7 triệu đồng. Gia đình anh Vi Văn Huy chết một lúc 5 con, anh Huy đã bán vớt vát được 3 con, còn lại 2 con dân bản chia nhau.

Trâu đổ dịch chết hàng loạt                                                     - 1
Những con trâu ở bản Khe Lan đang nhiễm bệnh cần được điều trị
 
Không khí tại bản Khe Lan buồn hiu hắt, anh Vi Văn Chung nhìn ra cánh đồng lúa xanh ngút mắt than thở: “Trâu bò chết hàng loạt rứa lấy chi mà cày kéo đây. Năm 2008 vợ chồng tui vay được 10 triệu đồng từ ngân hàng chính sách để mua trâu cày kéo. Mấy năm nay nhờ sức kéo từ trâu lúa tốt bời bời, mừng chưa kịp no thì ngày 4/3 trâu lăn ra chết, tiếc trâu vợ tui khóc cả ngày ròng.  Chị Thi tại Thị trấn Tân Lạc vào trả với giá 1,8 triệu đồng rồi đưa trâu đi”.

Trường hợp của gia đình anh Lô Văn Hợi thật đáng thương, cũng vay ngân hàng 10 triệu đồng để mua trâu, chăm sóc được 5 tháng thì trâu chết. Thương lái vào trả 3,5 triệu đồng rồi dùng xe máy lôi chở trâu đi. Một chốc họ quay lại trả trâu chết, đòi lại tiền vì chê trâu đã bị hôi không bán được cho ai. Nhìn con trâu to kềnh đổ vật trước sân, vợ chồng ứa nước mắt. Dân làng thương tình, họ thịt con trâu ra rồi chia thành 20 phần, mỗi phần trị giá 100.000 đồng để giảm bớt gánh nặng cho anh Hợi. Một người dân phân bua: Vì thương gia đình anh Hợi quá mà mua giúp, chứ thịt trâu đã bốc mùi nấu lên ăn không được phải vứt đi.       

Trước tình trạng trâu chết hàng loạt, các hộ dân hoảng loạn tự mua thuốc về tiêm cứu chữa trâu ốm nhưng vẫn không được. Ngày 13/8 dân bản lại phát hiện 8 con trâu chết một lúc ở vùng Pù Muộng. Tuy vậy không có ai nhận xác trâu chết về. Anh Thanh , Phó bản cho biết thêm: 8 con trâu này đều bị xẻ thịt trộm, chỉ còn da bọc xương và bộ lòng nên cũng không ai dám đến nhận.

Ông Vi Đình Hiêm,Phó chủ tịch Hội nông dân xã Châu Hạnh bức xúc: Ngay tại thời điểm đó tôi đã đề xuất với ông Sầm Văn Thiết, Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh cần phối hợp báo với Công an huyện, Phòng nông nghiệp huyện để họ vào điều tra xác minh xem trâu của ai chết. Đặc biệt để là ngăn chặn tình trạng lái buôn ồ ạt vào 2 bản Khe Lan và Na Xén vận chuyển trâu chết tránh lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên chẳng có ai vào chỉ có cán bộ thú ý và cán bộ xã ì ạch mãi mới vào.

Theo phản ánh của những người dân thì tận đến ngày 13/8 cán bộ xã cùng với cán bộ thú y mới đưa thuốc vào bản để tiêu độc khử trùng. Nhưng do trâu chết cách xa khu dân cư tại Pù Muộng, phải trèo đèo lội suối vất vả nên họ lại mang thuốc quay trở ra. Dân bản còn phàn nàn về công tác thú y tại 2 bản Khe Lan và Na Xén. Ở đây được giao nhiệm vụ cho nhân viên Lương Thị Vinh là cán bộ thú ý, có trách nhiệm chữa và điều trị bệnh cho trâu, bò. Nhưng bà con cho biết, chị Vinh đã thiếu nhiệt tình,  trách nhiệm với công việc được giao. Họ còn bàn tán, chị Vinh còn bớt xén thuốc. Ví dụ liều lượng cần tiêm 40cc thì chị ta chỉ tiêm 20cc, chưa kể là bán thuốc thú ý với giá đắt cho bà con dân bản.

Anh Thanh, Phó bản nói thẳng: “Cán bộ thú y huyện rất thiếu trách nhiệm, vào tiêm phòng cho trâu, bò, không muốn vào rừng tiêm nên họ phát thuốc và xi lanh cho bà con tự tiêm. Họ bày cho dân cứ bắt được trâu là “đâm” vào cổ, có người nghe không ra lại “đâm” kim tiêm trúng mông trâu. Hoặc trong quá trình vừa đuổi vừa tiêm, phát trúng, phát không đau quá trâu lồng lộn lên húc cả người.” Anh Chung than vãn: Nếu gia đình tự lấy xi lanh tiêm mỗi liều 50.000 đ/con còn nếu cán bộ thú ý tiêm là 60.000 đ/liều/con, có lẽ họ lấy thêm tiền công. 

Ông Sầm Văn Thiết, Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh thản nhiên cho biết: Số lượng trâu chết ở Khe Lan và Na Xén chỉ có 15 con. Chúng tôi và cán bộ thú y đưa thuốc vào 2 bản Khe Lan và Na Xén để tiêu độc khử trùng nhưng trời vừa trưa. Nghe bà con dân bản nói vào tới Pù Muộng mất 15 km, xa quá không thể đi nổi đành quay về. Đối với trường hợp nhân viên thú ý Lương Thị Vinh thiếu trách nhiệm chúng tôi đã kỷ luật cho nghỉ việc.

Trâu đổ dịch chết hàng loạt                                                     - 2
Ông Vi Văn Du, ở Na Xén vừa đưa nghé từ rừng về để điều trị
 
Điều đáng ngạc nhiên là trâu chết hơn nửa tháng nay mà huyện mới biết. Ông Trần Văn Chương, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu trao đổi với PV rằng: Đúng 11 giờ ngày 16/8/2011 tôi mới biết tình trạng trâu chết, tôi đã cấp tốc vào bản để nắm bắt tình hình chỉ đạo cán bộ vào tiêu độc khử trùng. Trưởng phòng nông nghiệp Quỳ Châu, Lô Thanh Sơn nói: Từ ngày mồng 8 -8-2011 tôi mới biết tình hình trâu chết, phòng đã cử cán bộ vào để xác minh trâu chết và chỉ đạo Trạm thú y vào tiêm điều trị. Vấn đề xe “đông lạnh” vào mua trâu chết chúng tôi không biết được, vì chủ yếu bà con lén lút bán trộm.

Bà Lang Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu trao đổi thêm: Đối với bệnh tụ huyết trùng lâu nay không công bố dịch, năm 2011 Quỳ Châu đã từng chết 68 con trâu ở Châu Nga, Châu Hoàn cũng không công bố dịch. Đặc biệt là bệnh này cũng không có cơ chế hỗ trợ bà con khi trâu chết. Hiện nay huyện đang chỉ đạo Trạm thú y phun tiêu độc khử trùng đối với các hộ có trâu chết, tiêm phòng vácxin ở các bản lân cận. Trạm thú y huyện đang điều trị  13 con trâu bị bệnh tụ huyết trùng.

Bà Nguyễn Thị Vinh, Trạm trưởng thú y huyện thừa nhận: Trong quá trình điều trị tụ huyết trùng, do trâu ở xa trong rừng nên đã “nhờ” dân vào tiêm hộ. Hiện đã tiêu độc khử trùng xong ở các hộ dân có trâu chết, tuy nhiên ở các điểm trâu chết cách xa trung tâm huyện hàng chục km chúng tôi không thể vào được.

Rõ ràng trâu chết đại loạt ở 2 bản Na Xén và Khe Lan xã Châu Hạnh cán bộ huyện, xã rất thiếu trách nhiệm. Không biết vô tình hay cố ý mà trâu chết hàng loạt cả nửa tháng trời mới hay tin. Vấn đề đặt ra hiện nay là huyện Quỳ Châu cần thông báo dịch khẩn cấp để khoanh vùng dập dịch, thành lập trạm chốt trạm để ngăn chặn tình trạng vận chuyển trâu chết ra khỏi địa bàn dịch, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đặc biệt là tại vùng trâu chết ở Pù Muộng là nơi chăn thả rộng chừng 500 ha, cách khu dân cư hàng chục km rất cần được vào tận nơi để phun tiêu độc khử trùng. Nếu không dịch bệnh sẽ tiếp tục “tái phát” từ Pù Muộng.

Nguy cơ về đại hoạ lây lan dịch tụ huyết trùng ở trâu, bò ở Quỳ Châu đang báo động

Văn Trường-Duy Thảo