“Thủ thư” Hoàng Sa
“Yêu tổ quốc thì không có sự tình cờ. Muốn có được tình yêu ấy, mọi công dân, nhất là học sinh, sinh viên cần phải được tuyên truyền, giáo dục kỹ lưỡng. Yêu quý Hoàng Sa, Trường Sa thì trước hết phải biết, hiểu kỹ về lịch sử, địa lý... của những nơi này.
Học sinh Đà Nẵng tìm hiểu lịch sử tại triển lãm Hoàng Sa. Ảnh: Thanh Hải
Tư liệu, hiện vật minh chứng chủ quyền của VN từ lâu đời đối với quần đảo Hoàng Sa không thiếu, nhưng làm gì, bằng cách nào để phổ biến đến nhân dân, vào trường học và ra công luận quốc tế một cách sinh động, đầy tình cảm là điều tôi trăn trở nhất...” - Huỳnh Đình Quốc Thiện - Trưởng phòng nghiên cứu, sưu tầm Bảo tàng Đà Nẵng - tâm sự.
Yêu tổ quốc, không có sự tình cờ
Không đợi đến khi xảy ra các biểu hiện “nóng” về tranh chấp trên biển Đông, những cuộc xuống đường của giới trẻ phản đối Trung Quốc tấn công ngư dân Việt Nam, những công bố về quy hoạch, khai thác Hoàng Sa có lộ trình của Trung Quốc... liên tiếp diễn ra từ năm 2007 đến nay, mà ngay khi mới tốt nghiệp khoa Sử, ĐH Khoa học Huế (2001), về làm việc tại Đà Nẵng, Huỳnh Đình Quốc Thiện đã bắt tay vào công tác sưu tầm, tổng hợp tư liệu khẳng định chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa.
Do nhận thức sớm hay có sự tình cờ nào khiến Thiện nghĩ đến việc tập hợp tư liệu về Hoàng Sa khi còn trẻ về cả tuổi đời lẫn tuổi nghề như vậy? Có lẽ anh không nhớ rõ niềm đam mê sưu tầm, lưu trữ tư liệu Hoàng Sa xuất phát từ khi nào, nên Thiện trầm tư, suy nghĩ khá lâu trước câu hỏi của tôi rồi mới chia sẻ: “Tình thật, trong suốt 16 năm ngồi ghế nhà trường, em chưa từng được học, đọc hoặc có đọc nhưng không đọng nhớ, hoặc ý thức lắm về Hoàng Sa, nhất là khi quần đảo thân yêu này đã bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm năm 1974.
Em học chuyên ngành dân tộc khảo cổ. Ra trường năm 2001, công tác tại Bảo tàng Đà Nẵng thì thật may mắn là năm 2002, Ban Biên giới Chính phủ muốn xây dựng phòng trưng bày triển lãm tài liệu, hiện vật về Hoàng Sa tại Văn phòng UBND huyện đảo Hoàng Sa (số 132 Yên Bái). Để đến năm 2004 có được một cuộc triển lãm quy mô lớn đầu tiên về Hoàng Sa, em và một số ít cán bộ kiêm nhiệm ở UBND huyện đảo Hoàng Sa đã bắt đầu công tác nghiên cứu, sưu tầm, tổng hợp tư liệu suốt 2 năm liền.
Được “chạm đến” Hoàng Sa qua từng trang sách, lặng người trước từng bức ảnh, những thông tin về Hoàng Sa, được tiếp xúc với những hiện vật, nhân chứng lịch sử, em càng run người trước những bằng chứng sống động về chủ quyền và thao thức với nỗi đau mất mát. Có lẽ tình yêu và ý thức về một phần máu thịt của tổ quốc đang bị cưỡng chiếm chỉ hình thành khi mình biết, hiểu rõ về nó”.
Niềm đam mê sưu tầm, lưu giữ tư liệu đã là “đường dẫn” đưa Hoàng Sa vào tâm thức của chàng “thủ thư” Quốc Thiện và quan trọng hơn, làm anh ý thức được rằng, “yêu tổ quốc thì không có sự tình cờ”. Và trường hợp của Quốc Thiện là một minh chứng cụ thể cho khái niệm: Muốn có được tình yêu quê hương đất nước, mọi công dân, nhất là học sinh, sinh viên - thế hệ tương lai - cần phải được tuyên truyền, giáo dục kỹ lưỡng. Muốn yêu quý Hoàng Sa, Trường Sa thì trước mắt phải biết, hiểu kỹ về lịch sử, địa lý... của những nơi này.
“Không gian Hoàng Sa” trong lòng dân
Ngoài 350 tài liệu, hiện vật, hình ảnh gốc liên quan đến vấn đề chủ quyền Hoàng Sa do UBND huyện Hoàng Sa và Bảo tàng Đà Nẵng lưu giữ, hiện Huỳnh Đình Quốc Thiện còn có cho riêng mình một kho tư liệu về những bài báo, bản đồ, tư liệu nghiên cứu, luận án, sách khảo cứu... liên quan đến Hoàng Sa, xuyên từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 20. Hàng trăm đầu sách do người nước ngoài viết và viết bằng tiếng Pháp, Anh...
Hằng ngày, ngoài những công việc thường nhật tại bảo tàng, Thiện dành phần lớn thời gian của mình để tiếp tục tìm kiếm tư liệu, phân loại, sắp xếp theo thời gian, chủ đề. Nghe Thiện kể về công việc, tôi cảm giác bị rối tung, như đứng trước những giá sách bị ngã đổ, ngổn ngang giữa thư viện, mà tôi không biết mình phải bắt đầu từ đâu.
Không chỉ làm công tác nghiên cứu, sưu tầm, Thiện thật sự là một “thủ thư” cần mẫn, ngăn nắp và khoa học của kho tài liệu quý giá về Hoàng Sa. Nếu chỉ có nghiệp vụ, niềm đam mê không thì cũng chưa đủ để hoàn thành tốt công việc này. Sự nhẫn nại, kiên trì một cách lặng lẽ, bền bỉ cả chục năm trời của Thiện chỉ có thể giải thích bằng năng khiếu bẩm sinh, một cái nghiệp của người làm “thủ thư”.
Thiện kể, bất cứ lúc nào, nghe ở đâu phong thanh có tư liệu, hiện vật hoặc nhân chứng liên quan đến Hoàng Sa là Thiện lập tức lên đường. Không chỉ đến để sưu tầm, sao chép, chụp ảnh, ghi âm, quay phim... mà còn xin ngủ lại để nghe nhân chứng kể chuyện. Những ngày đầu tiên làm việc này, anh đã ra huyện đảo Lý Sơn, ngủ lại từng gia đình ngư dân - những họ tộc còn lưu giữ nhiều tài liệu, văn bản mang “dấu tích” của đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.
Tìm hiểu đời sống ngư nghiệp và ngư trường truyền thống là Hoàng Sa của ngư dân từ nhiều đời ở hòn đảo này. Trước đó, Thiện đã tìm vào TPHCM, đến nhà tiến sĩ Nguyễn Nhã, xin ở lại để học “cách yêu” Hoàng Sa của ông. Thiện đã sưu tầm đủ và đọc hết các tập san sử - địa cũng như những tác phẩm nghiên cứu của TS Nhã. Để rồi, điều cuối cùng anh nhận ra rằng, tư liệu, hiện vật, nhân chứng để khẳng định chủ quyền Hoàng Sa không hiếm, chỉ tiếc rằng ý thức giữ gìn, phát huy giá trị của nó chưa cao.
Làm gì và bằng cách nào để phổ biến những tư liệu - tài sản quý giá này ra rộng rãi nhân dân, tuyên truyền giáo dục cho thế hệ học sinh, sinh viên, để trong mỗi người dân đều có một “không gian Hoàng Sa” là điều mà anh trăn trở nhất.
“Hoàng Sa trong tim, rồi sẽ trong tay”
Sau một thời gian ra Bắc vào Nam, lên rừng xuống biển, lao đến những nơi phát hiện có nhân chứng còn sống để thu thập tài liệu, sưu tầm hiện vật, bây giờ, Thiện dành nhiều thời gian hơn để sắp xếp “kho” tư liệu ấy cho hợp lý, khoa học để người xem, đọc dễ tiếp cận, để làm sáng tỏ hơn việc thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa cho người mới tiếp cận tư liệu này. Quan trọng hơn là sớm đưa không gian trưng bày Hoàng Sa ra giới thiệu rộng rãi, thường xuyên với nhân dân, du khách.
Cho đến thời điểm này, UBND huyện đảo Hoàng Sa, Bảo tàng Đà Nẵng đã tổ chức, tham gia cả chục cuộc triển lãm, trưng bày các hiện vật, tài liệu về Hoàng Sa tại Đà Nẵng và Quảng Ngãi. Chính sự chờ đợi, yêu mến và cổ vũ của đông đảo người dân đã tiếp sức cho những người làm “thủ thư” như Thiện, cán bộ Bảo tàng Đà Nẵng thêm say mê với công việc. Hiện, tại Đà Nẵng đang xây dựng một dự án trưng bày các tư liệu Hoàng Sa với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Quốc Thiện cho biết: “Chúng tôi cố gắng sắp xếp 8 chủ đề chính, bao gồm các vấn đề về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên Hoàng Sa; lịch sử Hoàng Sa qua các thời kỳ; tư liệu trong và ngoài nước khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và các tư liệu, kỷ vật của nhân chứng Hoàng Sa... để đưa ra trưng bày. Dự án này đang vào giai đoạn cuối và không gian Hoàng Sa này sẽ ra mắt tại Bảo tàng Đà Nẵng trong năm 2012”. Tuy vậy - theo Thiện - để cho nhân dân, học sinh, sinh viên nói riêng yêu mến môn lịch sử, đến với bảo tàng, tìm hiểu về Hoàng Sa không thể kỳ vọng hết vào không gian trưng bày kiểu thư viện được.
“Ước mong của em là phải chủ động đem môn học lịch sử, đem Hoàng Sa vào trường học. Phải làm sinh động, “mềm hóa” các tài liệu, hiện vật để tạo hứng thú cho học sinh khi tham gia nghiên cứu, tìm hiểu. Điều đó cần nhiều thời gian, nhiều người tham gia và phải có kinh phí. Khi đã có được hiểu biết, có tình yêu thì tự khắc mọi người sẽ tìm hiểu sâu hơn. Lưu bút cảm nghĩ của mình tại triển lãm Hoàng Sa năm 2011, một người khách đã viết rằng: “Hoàng Sa trong tim, rồi sẽ trong tay”. Câu ngắn gọn ấy đã khiến em suy nghĩ nhiều, định hướng cả trong cách làm của mình khi sưu tầm, nghiên cứu và giới thiệu về Hoàng Sa”.
Theo Thanh Hải
Lao động