1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tắt rồi, một huyền thoại về voi!

Tôi sững sờ khi nghe tin “Vua” voi Y Prông Êban, hay còn được gọi bằng cái tên thân thuộc Ama Kông, đã ra đi ở tuổi…103. Thế là cái loại rượu thuốc “trường sinh bất lão”, “khỏe mọi nhẽ” mang thêm vinh quang và huyền thoại cho ông cũng không ngăn cản được cái chết.

Nhưng sống như ông  là hiếm lắm… Cực kỳ hiếm.

 

Ông là người hoàn toàn có thể xứng đáng đưa vào kỷ lục Guiness về săn voi - từ năm 1936 cho đến khi giải nghệ là vào năm 1996, lúc đó ông ở tuổi 82, ông đã bắt 301 con voi, trừ 3 con bị chết, còn ông thuần dưỡng được 298 con... Nhưng bên cạnh kỷ lục săn voi, ông còn đáng nể về chuyện gia đình. Năm 1997, ông cưới người vợ thứ 4 tên là H’Khăm, trẻ hơn ông... 51 tuổi, và hơn năm sau thì có cô con gái và đó là người con thứ... 21 của ông.
 
Ama kông dạy tác giả cách cưỡi lên lưng voi.
Ama kông dạy tác giả cách cưỡi lên lưng voi.

 

Tôi có may mắn được gặp ông vài lần, nhưng lần vui nhất, đáng nhớ nhất là vào đầu năm 2001, khi vụ bạo loạn Tây Nguyên lần thứ nhất nổ ra. Lần ấy, sau khi chia tay, ông cho tôi một bọc to tướng thuốc về ngâm rượu với những lời quảng cáo không thể nào hay hơn được nữa - bởi ông lấy chính thân mình và chính “khả năng chăn gối” của mình ra để thuyết phục mọi người. Trời ạ, nom ông già hơn chín chục tuổi, vẫn đi bộ ngày mấy chục cây số, bữa chén ba bát cơm đầy, vẫn phục vụ bà trẻ tuần ba bận…Thì còn ai dám nghi ngờ cái rượu mang tên Ama Kông ấy nữa.

 

Sau này, cũng có vài lần gặp ông, nhưng toàn nghe ông phàn nàn về chuyện bị mất bản quyền loại rượu mang tên ông. Nhưng loại rượu của ông khó uống lắm và rất nóng. Chả biết bổ béo thế nào nhưng cánh phóng viên ai cũng chê.

 

Thú thực là nếu chỉ nghe kể thì khó có thể tin được một cụ già lại có sức khỏe kỳ lạ như ông Êban. Nhưng từ lúc gặp, ông đã khiến chúng tôi như lạc vào một thế giới bí ẩn của con người.
 
Ama Kông
Ama Kông

 

Theo như lời giới thiệu của các anh lãnh đạo Vườn Quốc gia Yok Đôn, già Y Prông Êban giỏi tiếng Pháp, tiếng Lào, Campuchia, Thái Lan, tiếng Gia Rai, tiếng M’Nông. Và như để muốn cho mọi người thấy rằng mình còn minh mẫn, ông nói chuyện với tôi bằng tiếng Pháp và yêu cầu tôi dịch lại cho mọi người cùng nghe. Ông nói tiếng Pháp "dẻo" như hát không hề vấp váp và ông kể rằng ngày xưa, ông đã đi học trường Tây. Cho đến năm 1936, vì không thích ra làm quan cho người Pháp, ông bỏ học về buôn đi săn voi.

 

Trí nhớ của ông thật có một không hai. Ông vẫn nhớ ngày sinh tháng đẻ của 13 người con, trong đó người con cả là ông Amare thì sinh vào 13 giờ ngày 2/9 năm 1940, còn cô con gái út là H'Puc, ông bảo: "Nó được 3 năm hai tháng 15 ngày". Ông còn nhớ vanh vách tên nhiều con voi mà ông yêu quý, nhớ ngày tháng của những lần đi săn được đến 3 con, nhớ cả những lần ngồi uống rượu với Bảo Đại, với Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Diệm, Quốc trưởng Hoàng thân Xi-ha-núc, Nguyễn Văn Thiệu... và sau giải phóng, ông cũng đã được gặp nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Chính phủ.

 

Ama Kông kể lại rằng ông sinh năm 1910, trong một dòng tộc có danh tiếng ở vùng ngã ba Đông Dương (tuy nhiên ông không tin lắm vào năm sinh này bởi lẽ nhiều người già trong vùng vẫn bảo là ông sinh trước năm 1910). Bố ông là tù trưởng vì thế ông được người Pháp cho đi học trường Tây dành cho con cái các tộc trưởng, tù trưởng ở Tây Nguyên. Ông bảo rằng, khi ông cắp sách đến trường thì cũng là lúc ông biết đi tán gái.
Ama Kông cưỡi voi
Ama Kông cưỡi voi
 
Ở trường, ông học rất giỏi nhưng lại không thích học. Ngồi trong lớp, nghe những thầy giáo người Pháp giảng dạy nhưng tâm trí ông vẫn để hết vào vùng quê Buôn Đôn của mình, nơi có những cánh rừng bạt ngàn, có những đàn voi hàng trăm con... Học được 7 năm thì ông nghỉ học, mặc dù các thầy giáo Tây ra sức dỗ dành và nhiều quan chức người Pháp hứa sẽ dành cho ông những vị trí cao trong chính quyền. Ông về nhà và lấy vợ. Người vợ đầu tiên của ông là con gái của một tù trưởng rất có uy tín, được người Pháp giao cho làm quan tòa của toàn Tây Nguyên.

 

Đầu năm 1936, ông bắt đầu học nghề săn voi. Người thầy dạy ông chính là "vua săn voi" Khun Ju Nốp. Có lẽ trên đời này không có nghề nào học vất vả, cực nhọc và nguy hiểm như nghề săn voi. Mới vào nghề, khi đi săn, không được mặc áo mà chỉ đóng khố. Mỗi lần đi săn trở về, khắp người chằng chịt những vết gai cào, lá cứa. Khi ông cởi trần cho chúng tôi xem, khắp người ông chi chít những sẹo, trong đó có một vết sẹo khủng khiếp chạy từ đùi xéo lên bụng, khiến chúng tôi lạnh cả gáy. Đấy là vết sẹo để đời trong một lần đi săn voi. Con voi nhà lồng lên lao vào đánh voi rừng. Ông ngồi trên cổ voi chỉ huy, mải thúc voi đuổi, ông quên không nhìn cây rừng, thế là bị một cành cây khô gạt rơi từ trên voi xuống và đúng vào một bụi nứa đã bị ai đó chặt dở. Một gốc nứa vạt nhọn xuyên dọc đùi ông, lên đến bụng và lòi ra... sau lưng.

 

Chàng trai nghiến răng chịu đau, rút dao chặt gốc nứa rồi... rút phắt ra. Mặc cho máu tuôn xối xả, anh lấy khăn quấn chặt vết thương và lại trèo lên lưng voi, tiếp tục cuộc đuổi bắt. Sau khi săn được 5 con voi thì sẽ được mặc áo mỗi khi đi săn và khi săn được con thứ một trăm thì được tôn lên hàng thủ lĩnh và từ đó, ăn cơm được ngồi mâm trên, khi đi săn được ngồi trong bành voi, đi ngủ được nằm bên phải nhà. Còn khi đã săn được đến con thứ 200 thì nghiễm nhiên được bạn bè phường săn tôn lên làm "vua". Ở Tây Nguyên, số "vua" săn voi không nhiều, có lẽ ngoài "vua " Khun Ju Nốp là đến già Ama Kông. Số người săn được trên 100 con voi cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, và một người trong số họ chính là Amare, con trai cả của ông.

 

Nghề săn voi cũng có nhiều luật khá nghiệt ngã. Khi đuổi voi, ném thòng lọng phải ném vào chân sau, không được ném vào chân trước. Nếu ném trúng chân trước, về phải mổ heo cúng Giàng, xin tạ lỗi. Đàn bà con gái thì cấm được bén mảng đi theo đoàn săn, thậm chí không được đến chỗ nuôi dạy voi và gái chưa chồng càng không bao giờ có diễm phúc được ngồi trên lưng voi. Ông bảo rằng ngày đi học, được nghe giảng lịch sử về hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị cưỡi voi trắng dựng cờ khởi nghĩa ông thích lắm. Và theo ông, có lẽ đó là hai người phụ nữ duy nhất ở Việt Nam được ngồi trên lưng voi.
Ama Kông tắm cho voi
Ama Kông tắm cho voi

 

Mỗi lần phường săn voi chuẩn bị đi săn, họ phải cách ly vợ và cả người yêu ít nhất là 7 ngày, thậm chí cái chăn của vợ cũng không được đụng đến. Trước cửa nhà phải cắm cành lá để báo cho mọi người biết rằng nhà không tiếp khách lạ... Trước hôm đi phải làm lễ cúng Giàng và khi rời buôn, trưởng phường săn sẽ thổi tù và báo tin phường săn lên đường. Gia đình, vợ con chỉ được tiễn ra khỏi buôn là phải quay về.

 

Mỗi phường săn có từ 5 đến 7 thớt voi. Mỗi con voi có một thợ chính và một thợ phụ. Khi phát hiện ra đàn voi thì chỉ huy voi nhà xông vào đánh con voi đầu đàn khiến cho đàn voi tan tác rồi đuổi theo voi con và dùng thòng lọng quăng vào chân sau... Sau đó dùng voi nhà ép voi con đưa về nhà. Bắt được voi, khi trở về, cách buôn khoảng năm cây số là bắt đầu thổi tù và báo tin thắng trận... Vợ con và dân buôn mang rượu cần, cồng chiêng ra đầu buôn đón mừng. Chao ôi, tiếp sau đó là những đêm vui bất tận. Rượu cần chảy như nước sông Sê-rê-pốc, những điệu múa cuồng nhiệt của những chàng trai "Đam San, Xing Nhã" bên cạnh những nàng "H'Bia, H'Lao" có đùi tròn như búp măng, tóc dài như nước suối và vú cong như ngà voi với ánh mắt tình tứ.

 

Công việc dạy voi được tiến hành trong khoảng hai, ba tháng. Voi là loại vật thông minh, có tình nghĩa nên một khi nó đã thuần phục thì huấn luyện sẽ rất nhanh. Voi không ưa nói nặng lời, càng không thích roi vọt hoặc bất cứ loại nhục hình gì. Voi có trí nhớ rất tốt. Một khi nó đã thù ai thì không bao giờ nó quên và hễ có cơ hội là nó sẽ trả thù. Không bao giờ có chuyện voi vô cớ quật người hoặc phá phách nhà cửa. Người đi săn voi thì không bao giờ ăn thịt voi, không dùng đồ trang sức bằng ngà voi và khi con voi chết, họ cũng sẽ để tang như để tang người thân.

 

Ông học săn voi chỉ mất có 6 tháng và ngay từ lần ném thòng lọng đầu tiên, ông đã quăng trúng chân sau một chú voi con hơn một tuổi. Từ đó trở đi, hầu như lần nào đi săn ông cũng bắt được voi, có lần hai con thậm chí có lần ba con. Trong đời săn voi của mình, chỉ có khoảng chục lần ông phải trở về tay không. Và không chỉ đi săn voi, ông còn săn bò tót, bẫy hổ, bẫy gấu, đi bắt cá sấu.

 

Đối với ông, con voi không chỉ là công cụ vận chuyển, đưa ông đi rừng, giúp ông làm nương rẫy mà voi còn là người bạn thân thiết nhất của ông. Voi biết chia sẻ với ông niềm vui cũng như nỗi buồn, tôn thờ ông bằng một tình cảm trong sáng. Và với voi, ông không bao giờ phải cảnh giác. Ông và voi tin cậy nhau tuyệt đối, thương yêu nhau thật lòng. Chính vì vậy, mỗi khi có con voi chết là ông đau đớn đến hàng tháng. Con voi khi tuổi già sức yếu hoặc lâm bệnh nặng không cứu nổi, biết rằng cái chết đã cận kề, nó liền bỏ đi vào rừng. Nó đi thật xa, thật xa và đơn độc. Những con voi rừng xa lánh nó bởi nó đã mang hơi người... Nó đi mãi, đi mãi cho đến lúc sức tàn, lực kiệt rồi gục xuống. Một điều kỳ lạ là nó thường đến được nơi mà các con voi rừng khi chết già cũng tìm đến đó. Nơi ấy được coi là nghĩa địa của voi.
 
Ama Kông (phải) cùng con trai Amare
Ama Kông (phải) cùng con trai Amare

 

Năm 1940, ông được tỉnh trưởng Buôn Ma Thuột giao cho đi bắt một con voi trắng để biếu Bảo Đại. Voi trắng là con voi do đột biến về nhiễm sắc thể nên có màu trắng bàng bạc. Trong rừng, cứ trung bình 100 con voi thì có một con voi trắng. Vì vậy, voi trắng thường được coi là con vật linh thiêng, và những gia đình bình thường, nếu có bắt được voi trắng thì cũng không dám nuôi mà phải đem bán cho người có vị trí trong vùng. Giá một chú voi trắng thường đắt gấp ba, bốn lần voi thường. Để có voi trắng biếu Bảo Đại, ông dẫn phường săn đi vào rừng phải mất gần một tháng và trải qua bao nhiêu gian khổ mới bắt được một con.

 

Nhận được voi trắng, Bảo Đại thích lắm và cho đem voi về Đà Lạt. Mãi sau này, khi Bảo Đại lên Đắk Lắk, và đi thăm Bản Đôn ông đã được mời đến ăn cơm cùng. Sau đó, ông còn tặng cho Bảo Đại một con bò tót. Trong những năm anh em Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu cầm quyền ở miền Nam, mỗi lần Nhu đi săn ở Đắk Lắk thì không bao giờ thiếu ông. Nhu là người có chức năng "đàn ông" khá xoàng, cho nên đành phải để cho Lệ Xuân đi "cải thiện" với nhiều người, trong đó có cả cố vấn Mỹ. Ngô Đình Nhu luôn bị ám ảnh về "chuyện ấy" . Biết ông là người "của rừng", Nhu nhiều lần bảo ông kiếm cho các loại thảo dược hoặc mật gấu, mật bò tót, cao hổ... để bồi bổ sức khỏe. Nhưng xem ra chả có loại thuốc nào làm cho ông ta khá lên được.

 

Ông có 4 đời vợ và có 21 người con nhưng chỉ có 13 người còn sống. Amare, là người kế tục được truyền thống săn voi của ông. Ông là già làng Buôn Ea SupB. Amare cũng là người thợ săn voi nổi tiếng, ông đã bắt được hơn 100 con, tuy nhiên, nhà ông bây giờ không còn con nào. Amare khâm phục bố mình về tất cả mọi lĩnh vực và ông tự thấy, về tài năng, về đức độ, về trí thông minh và đặc biệt về khoản đàn bà, ông còn đứng sau ông bố một khoảng cách rất xa.Năm 1996, sau khi săn con voi thứ 301 trong đời, già Ama Kông giải nghệ và nhận làm hợp đồng cho Khu Du lịch Yok Don.

 

Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp, vả lại, phải ngủ một mình đối với ông là một cực hình. Thế là ông cưới vợ lần thứ... 4 vào năm 1997. Bà "trẻ" lúc đó mới 31 tuổi, còn ông thì đã... 82. Bà mang trong mình hai dòng máu: Cha là người Hàn Quốc, mẹ là người Ê Đê. Mặc dù chênh lệch nhau đến hơn 50 tuổi nhưng chưa bao giờ bà "trẻ" không hài lòng về ông, thậm chí đôi khi bà tỏ ý không vui khi thấy ông vẫn còn buông lời trêu ghẹo các cô gái khác.

 

Bây giờ, ông đã trở về rừng vĩnh viễn. Không biết trên mộ ông người ta có ghi chữ gì không, nhưng với Ama Kông, nếu ghi dòng tiếng Pháp: “Ici, reposer, du Roi des éléphans” - Nơi đây, yên nghỉ Vua voi - Thì tôi nghĩ, cũng rất hay.
 
Theo
 
Theo

 

Theo Nguyễn Như Phong

Petrotimes