1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Một chuyến săn voi của dũng sĩ Ama Kông 42 năm trước

(Dân trí) - Với người thợ săn voi hiếm hoi còn lại ở Bản Đôn, ký ức về chuyến săn voi duy nhất của đời ông cùng “vua voi” Ama Kông, dù đã qua 42 mùa rẫy, vẫn như câu chuyện mới diễn ra ngày hôm qua...

Chuyến săn voi đáng nhớ

Bản Đôn - quê hương của nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng - ngày thứ 2 sau khi dũng sĩ Ama Kông qua đời, vẫn nặng trĩu nỗi buồn. Không gian du lịch vốn sôi động trước kia nay vắng vẻ và trầm lắng. Người dân trong bản tạm gác lại công việc buôn bán, đồng áng, nương rẫy… quần tụ ở ngôi nhà sàn cổ hơn 120 tuổi để viếng “vua voi” trước khi ông được đưa đi chôn cất tại nghĩa trang địa phương.

Được người dân chỉ đường, chúng tôi đã may mắn gặp được một thợ săn voi từng có thời gian “vào sinh ra tử” cùng “vua voi” Ama Kông. Ông là Y Dôl Ê-ban - năm nay 65 tuổi, người dân tộc M’nông, gọi huyền thoại săn voi Ama Kông bằng cậu. Từ ngày “vua voi” vĩnh biệt cõi trần, gia đình ông Y Dôl Ê-ban ít tiếp khách lạ vì kiêng kỵ để tang cho cậu. Hai hôm nay, ông Y Dôl Ê-ban buồn một nỗi buồn kỳ lạ! Trong lòng người Gru này, dũng sĩ săn voi Ama Kông mất đi giống như một cây đại thụ giữa đại ngàn bị cưa đổ.

Một chuyến săn voi của dũng sĩ Ama Kông 42 năm trước

Thợ săn voi một thời tại Bản Đôn - Y Dôl Ê-ban - kể về chuyến săn voi duy nhất trong đời ông cùng Ama Kông cách đây hơn 40 năm.

Y Dôl Ê-ban cũng như bao người dân Bản Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), ghi nhớ công ơn của dũng sĩ Ama Kông giúp đồng bào biết cách săn voi, thuần dưỡng voi để đưa voi vào phục vụ cuộc sống, chuyên chở hàng hóa, giúp bộ đội vượt sông Sê-rê-pôk đánh Mỹ, gìn giữ buôn làng...

Ông vẫn nhớ như in chuyến săn voi cùng “vua voi” Ama Kông diễn ra cách đây hơn 40 năm, vào một ngày của tháng 10 năm 1970. Khi đó ông là một trong 10 thanh niên vạm vỡ, khỏe mạnh (gọi là Gru), được Ama Kông chọn đi cùng trong chuyến săn. Sau bao nhiêu ngày chuẩn bị kỹ lưỡng, 10 Gru lên đường với “vua voi” Ama Kông làm trưởng đoàn. Ngoài những dụng cụ chuyên dụng khi bắt voi rừng như mũi nhọn Greo, lọng che nắng mưa, dây thừng, cuộn dây da trâu… kĩu kịt trên lưng voi, đoàn săn còn chuyên chở thêm một khối lượng lương thực, thực phẩm lớn. Chuyến đó đoàn có 5 con voi nhà, mỗi con chuyên chở tương đương 20kg nhu yếu phẩm gồm gạo, nước, thuốc, áo quần, mùng mền.

Cảnh săn bắt voi rừng (nguồn ảnh: thegioianh.vn).

Cảnh săn bắt voi rừng (nguồn ảnh: thegioianh.vn).

Sau khi vượt sông Sê-rê-pôk, đoàn thợ săn do “vua voi” Ama Kông chỉ huy tiến về hướng Tây cách Bản Đôn khoảng 35km đường rừng. Sau 7 ngày 7 đêm trong rừng sâu, đoàn săn đã phát hiện ra các dấu chân voi, phán đoán có khoảng 10 con, trong đó có những đối tượng voi con nằm trong tầm ngắm của đoàn.
 
Sau nhiều ngày bám đuôi đàn voi rừng, mọi kế hoạch của đoàn săn bỗng đổ vỡ khi bất ngờ gặp một đợt mưa bão tầm tã. “Khi dũng sĩ Ama Kông đã lên sẵn kế hoạch thì không may đoàn săn gặp một trận mưa bão tầm tã. Mưa như trút nước 3 ngày 3 đêm, đường sá lầy lội, tầm nhìn hạn chế, cộng với lương thực vơi cạn khiến kế hoạch bị phá sản. Cuối cùng đoàn săn quyết định trở về tay không”, người thợ Y Dôl Ê-ban nhớ lại.

Phong tục khi săn voi

Theo người thợ săn voi Y Dôl Ê-ban, trong khi đi săn, người ta thực hiện nhiều phong tục, nghi thức hay lễ cúng để mong cho đoàn săn “thuận buồm xuôi gió”, gặp được voi rừng và bắt được chúng. Theo đó, trước khi đoàn thợ săn khởi hành, những người thợ chính và thợ phụ trong chuyến săn tập trung tại tư gia của “vua voi” Ama Kông, đồng thời mang cả voi đến.

Chuyến đi săn năm 1970 ấy, lễ cúng được bày biện với lễ vật là 5 con gà, 5 ché rượu cần, cùng một số lễ vật khác liên quan theo phong tục địa phương. Lễ cúng kết thúc, mọi người trong đoàn săn cùng người thân ăn uống, chúc cho nhau chuyến săn sẽ thành công tốt đẹp. Lễ cúng tiến hành buổi sáng thì buổi chiều khi mặt trời bắt đầu chạng vạng, đoàn săn khởi hành.

Thuần dưỡng voi rừng (ảnh chụp lại của Trung tâm Du lịch Bản Đôn).

Thuần dưỡng voi rừng (ảnh chụp lại của Trung tâm Du lịch Bản Đôn).

Điều đặc biệt, người thợ tham gia vào chuyến săn voi phải tuyệt đối kiêng kỵ không dùng xà bông thơm, không đi đám ma, không tiếp khách lạ tại gia đình trước khi đi bắt voi. Người vợ của thợ săn voi tham gia chuyến săn ở nhà cũng không tiếp khách, không làm chuyện “thị phi” và treo cây tươi thông báo trước cửa nhà.

Trước chuyến săn, theo lời kể của ông Y Dôl Ê-ban, “vua voi” Ama Kông thường tập trung các thợ chính để hoàn thiện các “miếng đánh”, sự phối hợp nhuần nhuyễn, ăn ý giữa thợ chính và thợ phụ, luyện tập cho các Gru lần đầu theo đoàn thành thạo phương thức, cách thức “bày binh bố trận” khi săn voi.

Dù đoàn bắt voi kết thúc thành công mỹ mãn hay phá sản kế hoạch không bắt được voi, khi đoàn trở về buôn làng đều phải làm lễ cúng thông báo cho lâm thần, thủy thần biết. Thợ săn voi Y Dôl Ê-ban cho biết, chuyến săn bất thành của ông đi cùng “vua voi” Ama Kông năm 1970 sau khi trở về buôn dù không bắt được con voi nào nhưng theo phong tục một lễ cúng được bày biện ở bến nước của buôn gồm 1 ché rượu cần, 1 con gà để thông báo với thần rừng, thần sông: “Voi và người trong đoàn đã đến buôn rồi! Cảm tạ thần rừng, đoàn săn đã đi khỏe, về khỏe!”, thợ săn Y Dôl Ê-ban nói về ý nghĩa của lễ cúng.

Voi nhà tại Bản Đôn
Voi nhà tại Bản Đôn

Đó là lễ vật của chuyến săn không bắt được voi, còn chuyến săn thành công bắt được voi, lễ vật cúng cảm tạ cho thần sẽ “đình đám” hơn. Theo đó, đoàn săn sẽ hạ 3 con heo, cúng 3 ché rượu cần cùng nhiều lễ vật quan trọng khi đưa voi về. Khi đó cả Bản Đôn rình rang chen nhau chúc mừng thâu đêm suốt sáng.

Săn được voi rồi, người ta không buộc voi trong buôn cho bà con “chiêm ngưỡng” mà cột voi cách bản khoảng 2km cuối bìa rừng, giáp ranh với bản để đề phòng bất trắc ngoài ý muốn, không may đứt dây buộc, voi sổng ra ngay nguy hiểm. Khi voi rừng đã bớt sợ hãi, người ta bắt đầu tiến hành một số nghi thức cúng voi theo phong tục trước khi giao cho các thợ thuần dưỡng giàu kinh nghiệm tiếp quản.

Hiện nay Nhà nước đã cấm việc săn bắt voi, nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng tại làng nghề Bản Đôn chỉ còn trong ký ức của người dân. Tuy nhiên, tại Bản Đôn vẫn còn lưu giữ được nhiều công cụ săn bắt voi của các Gru xưa. Những tập tục, phong tục kiêng cữ khi săn voi vẫn còn được lưu giữ, góp phần làm phong phú, tô đậm nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Viết Hảo