Sức sống nơi vùng cát trắng
(Dân trí) - Hơn 10 năm trước, người ta thấy một người đàn ông lầm lũi băng qua miền cát trắng mênh mông của hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị). 10 năm sau, mỗi vùng cát ông từng đi qua được cải tạo thành những mùa màng xanh tốt, nuôi sống hàng trăm con người vùng cát.
Người đàn ông ấy là Tiến sĩ Hoàng Phước - được người vùng cát trìu mến gọi là ông Phước cát.
Ước mơ thời thơ ấu
Sinh ra và lớn lên ở miền cát Trung Giang (huyện Gio Linh, Quảng Trị), ngay từ thuở thơ ấu, cậu bé Hoàng Phước đã thấu hiểu được sự nhọc nhằn của người miền cát. Năm 1954, Hoàng Phước tập kết ra Bắc, trở thành kỹ sư xây dựng. Suốt 20 năm, ông miệt mài làm việc ở các công trình thủy lợi lớn, nhỏ dọc miền Bắc.
Suốt thời gian ấy, không lúc nào chàng trai Hoàng Phước nguôi quên ước mơ trở về quê hương, cải tạo miền cát hoang hóa.
Năm 1975, ông Phước được phân công về công tác ở tỉnh Bình Trị Thiên (cũ). Năm 1990, ông giữ chức Giám đốc Sở Thủy lợi tỉnh Quảng Trị. Và phải đến năm 1993, ông mới có điều kiện bắt tay nghiên cứu cải tạo môi sinh, môi trường vùng cát.
Những ngày đầu đến với cát, nhiều người mỉa mai ông là kẻ cuồng vọng, “bẻ nạng chống trời”, là “dã tràng xe cát”… bởi nhiều đời nay có ai cải tạo nổi cát hoang hóa bao giờ. Không nản lòng, ông Phước một mình xuống vùng cát, tỉ mẩn ghi lại những ý kiến đóng góp của người dân nơi đây, từ đó cho ra đời một phương pháp cải tạo vùng cát.
Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, ông đã tìm ra đặc điểm của cát là di động theo 3 hiện tượng: cát bay, cát nhảy và cát chạy. Từ đó cát cứ lấn dần, lấp dần nhà cửa, ruộng đồng và đường sá. Ngoài ra, ông Phước còn tìm ra ưu điểm của vùng cát là mạch nước ngầm trong cát có chất lượng tốt và ổn định. Vùng cát lại ở độ cao từ 6-30m so với mực nước biển nên rất ít khi bị ngập lụt, thích hợp cho việc sản xuất nông-lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Khi đã đủ lập luận khoa học, ông thuyết phục chính quyền địa phương thực hiện việc cải tạo cát theo cách của ông là chia ô trên cát. Năm 1997, hơn 5.000 cát trắng hoang hóa ven biển huyện Triệu Phong, Hải Lăng đã được cải tạo thành công.
Người vùng cát cảm ơn ông, gọi ông với nhiều tên gọi trìu mến như “ngài khai khẩn”, “ông Phước cát”. Cũng nhờ vùng cát mà ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Năm 1995, tại Hội nghị Chống sa mạc hóa tổ chức tại Băng Cốc (Thái Lan), ông Phước được Viện sinh thái Hoa Kỳ tặng Bằng danh dự Văn hóa quốc tế.
Sự sống vươn lên từ cát trắng
Trên những cồn cát về thôn Đông Dương (xã Hải Khê, huyện Hải Lăng), nơi từng in dấu chân Tiến sĩ Hoàng Phước cách đây 10 năm, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Loan và được chị cho biết: Bây giờ nhiều gia đình ở các vùng cát thấp trũng của huyện Hải Lăng đã tự nguyện đến những cồn cát cao ở thôn Đông Dương định cư để vừa thoát cảnh thường xuyên chạy lũ khi mùa mưa đến, vừa tìm cơ hội làm giàu trên cát.
Ông Trần Đăng Thánh, trưởng thôn Thâm Khê (xã Hải Khê), bảo rằng nếu không có ông Phước thì đến bây giờ không biết người Thâm Khê quê ông có khá nổi lên không. Bởi cứ suy từ chính gia đình ông mà ra, hơn 10 năm trước, dù có kiên trì bám biển, quanh năm lênh đênh nơi đầu sóng ngọn gió thì cuộc sống cũng không vì thế mà bớt khó khăn, nghèo túng, nếu không nói là thường xuyên đối diện với cái đói.
Thế rồi, ông cứ theo cách ông Phước ra vùng cát chia ô, lên luống để cải tạo cát trồng hoa màu, cây ăn quả và nuôi cá nước ngọt, thế mà mỗi năm trừ các khoản chi phí, gia đình ông có thu nhập gần 30 triệu đồng - số tiền mơ ước của người dân vùng cát bao đời nay.
Cùng với gia đình ông Thánh, ở thôn Thâm Khê có trên 20 hộ gia đình ra vùng cát lập nghiệp đều có khoản thu nhập 20-30 triệu đồng/năm. Tại huyện Triệu Phong, sau khi có dự án cải tạo môi sinh, môi trường vùng cát của Tiến sĩ Hoàng Phước, đã có 356 hộ gia đình di dân ra vùng cát làm ăn sinh sống.
Năm 2001, trên cơ sở kế thừa sự thành công từ dự án của Tiến sĩ Phước, Chính phủ Na Uy đã tài trợ một dự án có tổng trị giá gần 7 triệu USD để cải tạo vùng cát ven biển huyện Triệu Phong. Những ngôi nhà mới bắt đầu mọc lên, nhiều làng mới trên cát hoang hóa được hình thành và biết đến với cái tên “làng sinh thái”.
Sức sống mới đã bắt đầu lên xanh từ cát trắng cằn khô.
Sĩ Hoàng