1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Sông Đà - “mổ bụng” và… đầu độc!

Những cỗ máy đào đãi vàng sa khoáng tiền tỉ cứ gào rít, ngấu nghiến bới sỏi đá của sông Đà. Dọc hơn 100km chiều dài Đà Giang hùng vĩ nhất Tây Bắc (thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu), những trái núi đất đá bỗng dưng mọc ra giữa lòng sông mùa nước cạn.

 
Sông Đà - “mổ bụng” và… đầu độc!
Tàu vàng cày xới sông Đà ngay cả khi có lệnh cấm, đó là hành vi thách thức pháp luật. Ảnh: Lãng Quân

 

Ruộng đất của bà con bị vô số các “tàu vàng” ngoạm không thương tiếc. Thuỷ ngân và nhiều độc tố khác như cyanua đổ thẳng ra mặt nước sông Đà. Nước ấy lại là nguồn sinh dưỡng của nhiều vạn cư dân lưu vực và nó chính là nguồn cấp vào nhà máy nước phục vụ việc ăn uống sinh hoạt cho đông đảo người dân Hà Nội!

 

Bài 1: Đục nước béo cò

 

Con đường hơn 200km từ tỉnh lỵ Lai Châu vào Mường Tè bây giờ rất xấu. Một phần lý do: Để thi công thuỷ điện Lai Châu, người ta không có cách nào khác là... cày nát đường dân sinh mà chở máy móc, vật liệu. Giữa đêm, chúng tôi lạc vào một mỏ đá cách mặt đường cũ những 15km. Đêm đen bịt bùng, để vẫy gọi được một chú lái xe ngồi tít trên khói bụi xuống mà hỏi thăm quả là một kỳ công.

 

“Ối giời ơi, bây giờ đường vào mỏ đá của chúng em lại to và đẹp hơn đường cũ. Các bác thi nhau lạc là phải. Đến ngã ba nào đó, cứ nhằm đường bé và đầy ắp bùn đất mà đi, ấy mới là đường của Nhà nước”.

 

“Sống chết mặc bay, vàng “thầy” bỏ túi”

 

Nhưng kinh hoàng hơn cả là những cỗ máy đào vàng sa khoáng gào rú đinh tai nhức óc, những chiếc máy xúc nhả khói đen kịt ở dưới sông Đà. Hơn 30 cán bộ thị sát của đoàn “Hành trình Việt Nam xanh”, trong đó có TS Lê Đức Chương - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch); ai cũng xót xa rồi liên tục nhoai người ra nhìn cảnh sông Đà bị “tàn sát”.

 

Tính từ xã Mường Mô gần 50 cây số hắt vào huyện Mường Tè, sông Đà đi ven đường ôtô, chúng tôi đếm được hàng chục tàu vàng. Từ cảng Pô Lếch ngược lên trước Trạm biên phòng Kẻng Mỏ (thuộc Đồn biên phòng Ka Lăng) cũng vài chục cái “ngự trị” giữa sông.

 

Những chiếc tàu vàng biến sông Đà mùa khô thành một bãi “chiến trường” tan hoang như vừa bị bom oanh tạc. Tính bỏ rẻ cũng phải là 1 tỉ đồng/chiếc tàu vàng với những gàu múc đất đá vĩ đại kia. Ai đã đầu tư các tàu vàng này? Các doanh nghiệp, cá nhân lùng sục đào tung sông Đà, nuốt chửng ruộng bãi của dân để thu vàng thoi bạc nén vào túi mình; còn lại bao hậu hoạ trải khắp mấy trăm cây số hạ lưu sông thì ai gánh chịu?

 

Nhiều người rất có lý khi chua xót cho rằng: Sông Đà khổ vì... giàu có năng lượng và khoáng sản. Nhà văn Nguyễn Tuân từng viết các áng văn trác tuyệt về sông Đà, trong đó có những chi tiết rất thật mà hiếm ai là không nhớ, rằng: Khi người dân bản Thái mổ con vịt sống ở ven suối đổ ra Đà Giang, họ thấy diều vịt lóng lánh các hạt mảy vàng. Có phải các phu vàng đã cầm cố nhà cửa, vay ngân hàng đóng tàu tiền tỉ theo tiếng gọi của cụ Nguyễn Tuân?

 

Với chiều dài 500km chảy trên nước ta, sông Đà được mệnh danh là “Dòng sông năng lượng lớn nhất Việt Nam”, vì thế nên công trình thế kỷ thuỷ điện Hoà Bình xong, người ta làm tiếp thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á là Sơn La và bây giờ là gấp rút với thuỷ điện Lai Châu. Cái khúc hàng trăm cây số chiều dài sông Đà đã bị chiếm bởi 3 nấc thang thuỷ điện lớn rồi thì không tính nữa. Hắt từ chân đập Thuỷ điện Lai Châu lên đến nơi sông Đà bắt đầu gặp đất Việt Nam, hơn 100km đó, trong giai đoạn chờ... ngập nước, người ta thi nhau “đục nước béo cò”.

 

Theo lãnh đạo huyện Mường Tè, Bộ TNMT cũng cấp phép cho doanh nghiệp lên thăm dò khoáng sản hoặc giấy chứng nhận đầu tư (nhưng họ tham gia đào vàng) ở đây. Tỉnh Lai Châu cũng cấp phép. Mấy “ông” doanh nghiệp “làm vàng” trúng lớn, dân cũng đổ xô đi làm. Gần 50 điểm “đào bộ” với các đầu nậu thuê máy nổ, cũng máng trượt, cũng máy xúc của Nhật chạy rầm rầm, người làm thuê chạy di dít ven sông. Doanh nghiệp đóng tàu vàng ở tít dưới Minh Châu, Ba Vì, Hà Nội, chở máy móc bằng xe “siêu trường siêu trọng” lên Mường Tè, họ mang từng linh kiện xuống sông và lắp ráp ở đó.

 

Một năm có mấy tháng mùa khô, thế nhưng sông Đà vẫn “dậy sóng” bởi nạn đào vàng có phép và không phép. Từ lâu lắm, toàn bộ các tàu vàng đã hết hạn cấp phép. Nhưng họ không đem các cỗ máy tiền tỉ đi, mà cứ nằm chình ình trên sông. Đợi lúc nào im ắng lại khai thác. Khi chúng tôi có mặt, việc đào vàng vẫn khá tấp nập. Cả ngày lẫn đêm, người ta vô tư đào vàng, bới sông, xẻ thịt bờ bãi.

 

“Dân vận” khéo như ông chủ tàu vàng!

 

Theo thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi: Khoảng 40 chiếc tàu vàng tiền tỉ hiện đang “ngự” ở thượng du sông Đà; cùng với đó là gần 50 điểm “đào bộ” khác của bà con ven sông. Trước tết năm 2012, một tàu vàng ở giáp biên giới bị lũ cuốn cho lật nhào, ông chủ và “đàn em” méo mặt trục vớt. Mùa mưa năm 2008, có đến 7 - 8 tàu bị lũ cuốn trôi bởi con sông Đà hung hiểm “năm năm báo oán đời đời đánh ghen”.

 

Tiền tỉ, nhiều tỉ đổ xuống sông, có “bưởng vàng” phải bỏ nghề. Nhưng sức hút khủng khiếp của vàng sa khoáng lóng lánh trong diều con vịt suối đổ ra sông Đà vẫn thôi thúc các bưởng đeo bám kiếm ăn. Nhiều nghìn lít dầu được đổ vào các cỗ máy để hoạt động mỗi ngày. Lượng dầu xả ra môi trường là kinh dị.

 

Một cán bộ “cắm bản” lâu năm ở xã Mường Tè, huyện Mường Tè gật gù: Các chủ vàng vớ bẫm, nên họ tìm cách chui qua mọi “cửa” để có thể đứng được trên chỗ sông Đà này. Họ nhanh chóng có đủ mọi giấy phép, bất chấp người dân sở tại bất bình vì việc đào bới, khuấy đục sông, gây tiếng ồn hãi hùng. Ngay cả bây giờ trung ương có lệnh cấm, UBND tỉnh Lai Châu đã có chỉ thị 119 đóng cửa tuyệt đối toàn bộ các điểm mỏ, cấm các tàu vàng hoạt động kể từ ngày 29.2.2012 rồi, nhưng các tàu vàng vẫn nghênh ngang đứng đó và ồn ào hoạt động.

 

Danh nghĩa là họ đứng đó chứ không hề hoạt động. Nhiều người bảo, sao chính quyền không yêu cầu chủ tàu mang phương tiện đi nơi khác? Điều vô lý này cứ treo ở đó. Khi bà con bị tàu vàng ngoạm mất ruộng, bãi, đất đai, họ căm phẫn kiến nghị. Bà con cắt đứt những dây cáp phi 20 - 30 dùng để neo tàu vàng trên sông. Lập tức các chủ tàu có “lễ lạt” ngay. Với dân, họ đền bù, họ cho dùng điện máy nổ của họ mà thắp sáng: Một tuần ba ngày, mỗi ngày vài tiếng buổi đêm. Họ lên bờ mua thực phẩm với giá cao... Họ làm mọi cách “đi đêm” để có thể được đào vàng.

 

Dọc con đường hơn 100km men theo sông Đà, chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh tàu đào vàng hoạt động cả ngày lẫn đêm. Người dân cũng đua nhau đào vàng. Nếu không có clip quay lại, không có những bức ảnh chụp lại, thì có lẽ người ta buộc phải tin vào lời cán bộ tỉnh Lai Châu, huyện Mường Tè đã nói, rằng các tàu vàng đã ngừng hoạt động từ lâu.

 

Theo ông Hoàng Minh Hải - Phó Trưởng phòng Địa chất khoáng sản, Sở Tài nguyên - Môi trường Lai Châu - thì hiện nay không có một tàu vàng nào trên sông Đà còn giấy phép hoạt động, không một địa điểm nào ven sông Đà được phép đào vàng. Vậy là, tất cả mọi hoạt động “đắp núi” và đầu độc sông Đà thông qua đào vàng kể trên đều là hành vi thách thức pháp luật. Giữa tháng 5.2012, lãnh đạo UBND huyện Mường Tè thở dài nói với nhà báo: “Chúng tôi làm khổ lắm, đi tuần tra cả ngày lẫn đêm, tàu vàng nào vi phạm là trục xuất khỏi địa phương ngay. Nhưng ngặt nỗi, huyện nhà còn khó khăn, đường sá đi lại hiểm trở, nên...”.

 

Chẳng biết ông Hải định nói gì. Chúng tôi thì thấy sông Đà tan hoang, người dân khốn đốn, đặc biệt là nguy cơ nhãn tiền đáng sợ: Nhiễm độc thuỷ ngân và cyanua (những thứ không thể thiếu phục vụ khai thác vàng) trong dòng nước ăn, nước sinh hoạt của nhiều vạn cư dân ven sông Đà, cũng như đông đảo người Hà Nội!

 

Theo Lãng Quân

 Lao động