Sa mạc Israel “ngập” nước
Ba ngày đầu chúng tôi đặt chân tới Israel, trời liên tiếp đổ những cơn mưa nhỏ và đôi khi cả mưa đá. Với một người đến từ nước khí hậu nhiệt đới như tôi thì những cơn mưa đó là rất bình thường. Nhưng Costa - một người bạn Israel mới quen - tỏ vẻ ngạc nhiên.
Nước quý như vàng
Tra bản đồ trước khi bay tới Israel, tôi nhận ra đất nước nằm vắt mình trên đường giao lưu giữa Châu Á, Châu Phi, Châu Âu này hết sức nhỏ bé, với diện tích chỉ vẻn vẹn 28.000km2. Vậy mà có đến 60% lãnh thổ là thuộc phần đất sa mạc Negev, vì vậy khí hậu ở đây chủ yếu là khô cằn cận nhiệt đới. Israel có lượng mưa rất nhỏ và khác nhau theo từng mùa trong năm, khoảng 800mm/năm (ở phía bắc), 50mm/năm (ở phía nam) và chỉ kéo dài từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau. Thêm vào đó, vùng đất này có lượng bức xạ cao, từ 5.000 - 7.500kcal/m2, nên lượng bốc hơi cũng rất cao, khoảng 1.900 - 2.600mm/năm. Do vậy, nước ở đây rất quý hiếm, được ví như vàng.
Trong suốt chuyến đi rong ruổi tới nhiều vùng của Israel, đâu đâu chúng tôi cũng thấy một màu đất nâu xỉn, cằn khô. Đất thiếu nước ngay từ trong các chậu cây cảnh ở khách sạn nơi chúng tôi ở, tại những khu trồng cây cảnh ven đường, công viên của các thành phố lớn như Jerusalem, Haifa, Tel Aviv... Ở biển Chết, Beer Sheva, thung lũng Arabah..., các sa mạc đá với hàng nghìn ngọn núi thiếu hẳn màu xanh của cây cỏ. Trời vào những ngày đầu tháng 5 luôn nắng gắt gao từ 4 - 5h sáng đến tận 6 - 7h chiều. Đối với những người dân sống tại đất nước này, được nhìn thấy những cơn mưa to quả là một niềm hạnh phúc lớn lao.
Theo thống kê, hiện tổng trữ lượng khai thác các nguồn nước tự nhiên ở đất nước Israel chỉ khoảng 2 tỉ mét khối/năm, trong đó có 63% là nguồn nước ngầm, chủ yếu được khai thác từ Địa Trung Hải. Còn 33% trữ lượng nước là nguồn nước mặt lấy từ hồ Kinnerret (nằm ở phía bắc vùng cao nguyên Goland). Ngoài ra, khoảng 4% nước được khai thác theo cách thu nước chảy bề mặt.
Mưa và nguồn nước ngọt hiếm hoi là vậy mà mọi ngóc ngách của các thành phố lớn hay các vùng nông thôn... của Israel, chỉ trừ sa mạc, luôn rực rỡ màu sắc cây cỏ. Dọc hai bên đường đi, chúng tôi thoả chí ngắm các loài hoa đua nhau khoe sắc. Trải dài suốt dọc bờ biển Tel Aviv là thảm cỏ xanh mướt - nơi nhiều người dân Israel và khách du lịch thường nằm phơi nắng hay cắm trại nghỉ ngơi. Costa bất ngờ quay sang bảo tôi: “Đất nước tôi tuy ít mưa, ít nước, nhưng không hề thiếu màu sắc của thiên nhiên đâu nhé!”.
Sau đó, Costa tự hào khoe rằng đất nước anh từng đứng đầu thế giới về xuất khẩu hoa và hiện chỉ chịu đứng thứ hai sau Hà Lan mà thôi. Bên cạnh đó, Israel hiện cũng là một trong những nước xuất khẩu hoa quả hàng đầu thế giới. Những ngày tại Israel, chúng tôi được thưởng thức đến 7 loại táo khác nhau, những chùm nho xanh, tím mọng nước, quả bơ béo ngậy hay lựu trĩu hạt, đỏ mọng...
Công nghệ thắng tự nhiên
Tôi thắc mắc hỏi Costa sao có chuyện ngược đời như vậy, anh chàng nheo mắt cười hiền nói: “Đó là nhờ con người, bạn ạ”. Có 5 yếu tố để tạo ra “nguồn nước dồi dào” cho Israel, đó là tiết kiệm nước, khung pháp lý rõ ràng, quản lý nước tích hợp, công nghệ và làm kinh tế nước. Costa lý giải, đối với từng người dân Israel, một giọt nước là rất quý và tuyệt đối không được lãng phí. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, người dân đã được giáo dục rằng đất nước họ rất khó khăn về nước, do đó phải tiết kiệm nước mọi lúc, mọi nơi... ngay từ việc nhỏ là đánh răng, rửa mặt. Trên các đường phố Israel tịnh không hề có bóng dáng các vòi nước, vòi tưới cây công cộng đêm ngày chảy nước chan chứa như tại một số nước Châu Âu: Italia, Pháp...
Để bảo vệ nguồn nước gắt gao, chính quyền Israel còn xây dựng hẳn một bộ luật về đo lường mức nước tiêu thụ, luật về kiểm soát khai thác nước ngầm; đồng thời thành lập Bộ Môi trường có nhiệm vụ ngăn cấm làm ô nhiễm nước... Tuy nhiên, dù tiết kiệm hết mức có thể, lượng nước tiêu dùng ở Israel vẫn ở mức 2.030 triệu mét khối/năm, trong khi lượng nước ngọt tự nhiên chỉ ở mức 1.170 triệu mét khối. Như vậy hằng năm, Israel thiếu hơn 45% nước đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.
“Cái khó ló cái khôn”, Israel dùng công nghệ để tiết kiệm nước, quay vòng đời của nước và thậm chí tạo ra cả nước ngọt. Trong nhiều năm qua, hàng loạt các công ty Israel phát triển ra những phương pháp tái chế nước hiệu quả, công nghệ tưới nhỏ giọt, chống bốc hơi, thiết bị truy tìm nơi rò rỉ ống nước dựa vào phân tích âm thanh... Tham quan hàng loạt các nhà máy công nghệ nước hàng đầu ở Israel như: Mekorot, Netafim, White Water, Ashkelon, Kinrot Ventures..., chúng tôi mới hiểu tại sao tổng lượng nước tiêu dùng của Israel không hề thay đổi kể từ năm 1960 mặc dù dân số tăng, nhu cầu sử dụng nước và sản xuất công nghiệp tăng.
Không phụ thuộc nước ngọt tự nhiên
Giữa trưa nắng, tại trung tâm xử lý nước Shafdan thuộc Công ty Mekorot, Tổng Giám đốc Ido Rosolio say sưa kể cho chúng tôi nghe về đường ống dẫn nước huyết mạch của quốc gia mà công ty xây dựng nên từ năm 1964. Nhờ đường ống này, nước từ biển Galilee ở phía bắc và nước trên lục địa mặt đất được chuyển tới khu vực MitzpeRamon ở phía nam sa mạc Negev.
Nhờ thế, vùng đất phía nam sa mạc có thể được sử dụng rộng rãi để phát triển nông nghiệp một cách bền vững. Đường ống này còn có tính năng bảo vệ các nguồn nước ngầm, ngăn sự bay hơi. Bên cạnh đó, Công ty Mekorot còn tiến hành cải tạo đến 68% nguồn nước sông để tái sử dụng cho nông nghiệp và xử lý 32% tổng nguồn nước thải tại Israel. Nhờ những công ty như Mekorot, hiện Israel là quốc gia tái chế nước lớn nhất thế giới với tỉ lệ tái chế là 75% (trong khi quốc gia đứng thứ hai là Tây Ban Nha chỉ có tỉ lệ tái sử dụng nước là 12%).
Cầm trên tay mẩu nhựa đen bé xíu hình chữ nhật có viền răng cưa ở cả bên trong lẫn bên ngoài mà ông Yacov Pedhatzur Wiedahoft - Giám đốc điều hành Công ty Netafim - đưa cho, tôi không thể nào hình dung ra đó là một thành quả đột phá của ngành công nghệ nước thế giới. Thế nhưng, khi những mẩu nhựa đó được đặt bên trong các ống dẫn nước trồng sâu dưới đất để tưới tiêu cho cây trồng, chúng sẽ giúp kiểm soát lượng nước tưới một cách dễ dàng và đúng mức mà cây cần, nhờ vậy giảm thiểu được 20% lượng nước bốc hơi.
Nhờ vậy, những hàng cây jojoba tại Nông trường Netafim ở Beer Sheva thuộc vùng sa mạc Negev vẫn xanh mướt, trĩu trịt quả dưới điều kiện trời nắng gắt và lớp đất khô cằn. Hiện các công ty cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tưới nhỏ giọt của Israel như Netafim, Metzerplas, Plastro... nắm 30% thị phần thế giới với hơn 80% tổng sản phẩm được xuất khẩu sang Nga, Mỹ... hằng năm. Ông Wiedahoft cho biết, sản phẩm, dịch vụ tưới nhỏ giọt của Netafim đã bắt đầu được xuất khẩu sang VN và hứa hẹn sẽ tăng mạnh trong những năm tới.
Để tận dụng được nguồn nước biển dồi dào, từ những năm 1960 trở lại đây, Israel tập trung phát triển các giải pháp khử mặn và xác định đây là giải pháp chiến lược, bền vững và mang tính sống còn về mặt kinh tế. Hiện Nhà máy khử mặn SWRO ở Ashkelon, Israel được coi là nhà máy khử mặn bằng công nghệ thấm ngược nước biển lớn nhất và hiệu quả nhất thế giới. Nhà máy trị giá 250 triệu USD hằng năm cung cấp 100 triệu mét khối nước uống được khử mặn từ nước biển Địa Trung Hải. Giá thành của loại “nước ngọt” này chỉ khoảng 0,52USD/m3 - thấp nhất đối với các nhà máy loại này trên thế giới.
Ông Fredi Lokiec – Phó Giám đốc điều hành IDE - mời chúng tôi thưởng thức loại “nước ngọt” này được rót trực tiếp từ vòi nối với bể chứa ngay tại nhà máy. Ban đầu, khá nhiều phóng viên e ngại không dám thử, song khi chứng kiến các đồng nghiệp khen “ngon” đã không ngần ngại uống hết sạch cốc nước của mình. Nước không hề có vị tanh, mặn mà vô cùng mát lạnh, trong vắt và ngọt như nước ngọt tự nhiên, khiến cơn khát của chúng tôi tan biến nhanh chóng giữa trưa hè nóng bức.
Lúc này, chúng tôi đều tin lời ông Booky Oren - Chủ tịch Triển lãm và hội thảo quốc tế lần 2 về nước tại Israel (WATEC) - nói rằng, đến năm 2013, các nhà máy khử mặn ở Israel sẽ cung cấp được tới 70% nhu cầu tiêu dùng nước nội địa và trong tương lai, Israel có thể không cần dùng tới nước ngọt tự nhiên nữa là hoàn toàn có cơ sở.
Theo Thu Trang
Lao động