1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những tiếng rao đêm

Ðêm, có một Hà Nội sáng đèn, nhưng ẩn giấu đằng sau là cuộc đời vất vả gian nan của những đứa trẻ sớm phải bươn chải kiếm sống. Ðêm, chúng vẫn lầm lũi trên những chiếc xe đạp cọc cạch đi khắp đầu xóm cuối ngõ với thùng bánh mì, bánh bao hay ngô luộc đằng sau cùng những tiếng rao khản cổ.

Trời mưa xối xả, tiếng rao đứt quãng. Tôi cố gọi với theo đứa bé bán bánh bao. Em phanh xe lại, dựng chân chống, quay phắt một vòng rất "nhà nghề". Tôi gọi em vào nhà, em là Trung, quê Hà Tây. Ngồi với Trung một lúc em tỏ ra cởi mở và chân tình hơn. Tuổi thơ của em là chuỗi ngày bất hạnh vì bố mẹ li dị khi em còn bé xíu, bố đi phiêu bạt giang hồ không biết chốn nào, mẹ bỏ sang lao động Ðài Loan. Em sống với bà ngoại, được đến khi học hết cấp 1 thì bà qua đời. Em lại về ở với người bác ruột, trở thành người thừa trong gia đình họ. Trung bỏ học rồi đi lang thang theo đám bạn lên Hà Nội kiếm sống.

 

Hà thành nhiều cám dỗ, nhưng em không bị cuốn theo dòng đời trôi nổi của những đứa trẻ đi hoang. Trung lại trở về nhà bác, hai năm nay đêm đêm rong ruổi khắp các ngõ ngách Hà Nội (vùng giáp Hà Ðông) bán bánh bao. Còn ban ngày em "phụ trách" đàn lợn gần hai chục con giúp bác. Trung khoe: "Mọi người bảo em mát tay, biết cách "chiều" chúng. Sau này nếu có vốn em sẽ làm giàu từ lợn. Chị tin không?". Trung tâm sự với tôi bằng giọng nói của một đứa trẻ con nhưng cách suy nghĩ thì như một "ông cụ".

 

Mới 14, 15 tuổi đầu đã phải nếm trải nhiều vị đắng của đời, nhưng là một đứa trẻ nghị lực, tôi tin Trung biết vượt qua số phận để có ngày mai tươi sáng hơn. Em có một khát khao cháy bỏng như nhiều đứa trẻ cùng cảnh là được tới trường nhưng điều đó sẽ chỉ là niềm mơ ước khi cuộc sống của em đang chạy ăn từng bữa. Trung nhìn lên chồng sách vở của tôi thèm thuồng, cặp mắt dừng lại chỗ mấy cuốn truyện tranh và truyện cổ tích. Tôi rút ra vài quyển tặng em, Trung cảm ơn rối rít, coi đó như món quà giá trị nhất mà em có được: "Tối mai chị lại mua bánh bao của em nhé". Và em lại tiếp tục đạp xe lòng vòng bán nốt số bánh bao còn lại khi đêm chưa quá khuya.

 

Vào thời điểm sâu nhất của đêm, tiếng rao của những đứa bé bán dạo dường như mệt mỏi, uể oải hơn. Ban ngày chúng đi học, ban đêm phải đi bán hàng dạo để đỡ đần cha mẹ. Nhưng cũng nhiều em phải bỏ học giữa chừng về phụ gia đình kiếm miếng cơm manh áo. Các em không may mắn có được một cuộc sống cơm lành canh ngọt, được vui chơi học hành như bao bạn bè cùng trang lứa.

 

May mắn hơn Trung, Nam được sống trong vòng tay của cả bố lẫn mẹ. Nhưng gia đình nghèo, học chưa hết tiểu học, Nam phải bỏ dở. Ban ngày em ra chợ trông hàng cho mẹ, đêm về đi bán bánh mì. Em làm "nghề" này đã đủ 3 năm - 3 năm ngược xuôi qua các ngõ ngách Hà Nội với thùng bánh mì cồng kềnh. Mỗi tối em kiếm được từ 15 đến 20 nghìn đồng nhưng cũng có hôm hàng ế, không những lỗ vốn mà em còn bị ốm một trận.

 

Ngày đêm vất vả, ngủ ít làm nhiều nên nhìn em gầy đến xanh xao, nhưng Nam xua tay ngay trước cái nhìn ái ngại của tôi: "Nhìn em thế này chứ khoẻ lắm chị ạ. Không khoẻ thì làm sao kiếm được tiền thêm và mua thuốc cho bố em bị bệnh ung thư. Nhằm vào mùa bóng đá, có đêm em đi được 4, 5 chuyến".

 

Khắp các ngõ ngách Hà Nội, không biết có bao nhiêu đứa bé đi đêm về hôm kiếm sống như thế. Trong số đó không ít em mồ côi, bị gia đình bỏ rơi hay gia đình thuộc diện khó khăn đặc biệt như Nam. Ở tuổi ăn tuổi học nhưng các em đã sớm phải đối mặt với lo toan của cuộc mưu sinh. Nghề bán dạo đêm lời lãi chẳng được là bao, có khi rủi ro, gặp phải người xấu, chặn đường "trấn lột" hết, thế là đi tong mấy bữa còng lưng đạp xe, khản cổ.

 

Nam kể: "Có lần bán hết bánh, em về gần đến nhà thì bị 2 thằng đón đường bắt em phải nộp hết những tiền trong túi cho chúng, bằng không chúng sẽ đánh nhừ tử. Cũng may mà bọn nó không lấy mất xe đạp. Sợ quá, liền mấy hôm sau em không dám đi nữa, nhưng rồi lại thấy tiếc thời gian nên lại tiếp tục. Biết nhiều lúc rủi ro nhưng bữa nọ bù bữa kia, đi thì kiếm được thêm, ở nhà thì không.

  

Theo Hải Lý

Kinh Tế & Đô Thị