Nhọc nhằn kiếp nữ xe ôm
Trong bến xe, ai cũng quen mặt chị. Có người hỏi hoàn cảnh, nét mặt chị như thoáng buồn... Rồi chị kể về thời con gái của mình, kể về gia đình với những đứa con và những đứa cháu ngoại, kể về hai người chồng trong đó có một người chạy xe ôm như chị…
Đưa tay sửa lại nón bảo hiểm, chị móc túi ra tờ 1000 trả cho ly trà đá rồi đi như chạy, ném lại một câu: "Đợi chị chút em nhé! Xe Nha Trang đang vào, ra kiếm một cuốc trả tiền xăng chứ sáng giờ chưa chạy cuốc nào hết…".
Mười, mười lăm, hai mươi phút sau chị trở vào cười cười, giọng trầm trầm bình thản lắm: "Chẳng ai đi cả, có một cuốc về Tân Kỳ - Tân Quý mà đòi mười lăm nghìn thì sao mà đi…". Ngồi trong quán nước góc bến xe, chị kể về đời chạy xe ôm của mình…
Chuyện của người mang số 80
| |
Chân dung chị Nguyệt |
Thời gian trôi qua, bốn đứa con của chị kìn kìn cắn móng tay kéo nhau ra đời. Đứa út được vài tháng chồng chị phát bệnh, căn nhà bên Q.7 đành bán đi để có tiền thuốc thang cho chồng, thế nhưng chồng chị cũng không ở lại cùng chị nuôi con mà ra đi mãi mãi… Một thân nuôi ba đứa lớn ăn học, nách thêm đứa con út chưa đầy tuổi, đời chị bắt đầu một bước chuyển khác.
Với triết lý “đói thì đầu gối cũng phải bò”, chị lần hồi lặn lội ra bến xe miền Đông bán trà đá. Tình cờ, nơi quán nước này chị quen anh Ngọc chạy xe ôm. Quê anh ở Trà Vinh, anh Ngọc cũng là người tốt, lớn tuổi rồi mà vẫn chưa lập gia đình, rổ rá lại cặp lấy nhau. Chị với anh dọn về ở chung nhà, sống chung hơn 10 năm nhưng không sinh con. "Già rồi, sống vì nghĩa cho nó trọn vẹn”.
Những khi khách đông, anh Ngọc thường bắt khách cho chị chạy. Chị vào nghề lúc nào anh Ngọc không nhớ mà chị cũng chẳng hay. Chị đưa tay chỉ chiếc xe Wawe lắc đầu bảo: “Chiếc xe cà tàng này nhờ một người quen đứng ra mua trả góp. Trước đây chị chạy bằng chiếc xe 67. Khổ!”.
Ban đầu, chỉ chở một vài phụ nữ dân buôn, thường xuyên đi về trong bến xe, quen rồi họ nhờ chị chở đi lấy hàng, đi thanh toán tiền hàng. Bây giờ, mọi người trong bến xe đều gọi chị là “Bà Nguyệt 80”. Đấy là số tài do bến xe cấp cho chị. Một vài khách quen cũng chỉ tìm và đợi “Bà Nguyệt 80” mà đi chứ không đi xe khác.
Bất chợt hai dòng nước mắt chảy vòng theo đôi mà gầy, rám nắng. Giọng chị cay xè nước mắt: “Em biết không, hai ngày nữa là ngày giỗ chồng chị, nghĩ mà thương…”.
| |
Chiếc xe này chị mua trả góp |
Bán mặt cho đường
Đêm đã quá nửa, tôi lang thang trước cổng Bến xe miền Tây, Q.6 TPHCM. Một phụ nữ tuổi ngoài 40 rề rề xe lại: “Chú về đâu, tôi chở cho về”. Cả đoạn đường dài tôi ngồi sau xe chị, Sài Gòn quá nửa đêm thanh vắng lạ thường, tôi thắc mắc: "Chở khách lạ thế này mà đi vào đêm hôm không sợ à?!"
"Sao lại không. Trước đây chạy ngày không đấy, hai năm nay hứng lên lại chạy đêm, bán mặt cho đường ban đêm cũng hay hay…”.
Hỏi tên tuổi, chị nói tên Đào và không buồn trả lời bao nhiêu tuổi. Hỏi quê, chị nói ở Vĩnh Long. Hỏi chồng con, chị lại nhát gừng: “Cố quên từ lâu rồi, không thích nhớ”. Chị lại lặng im, không nói thêm gì nữa…
Chị Mỹ Đoan, 35 tuổi, quê ở Bình Dương. Có chồng sinh được hai đứa con, chồng đi làm biển dưới Bạc Liêu có vợ bé, ở dưới ấy không về nữa, ba mẹ con dắt díu nhau lên TPHCM.
Để có tiền nuôi con ở Sài Gòn này chị đã làm rất nhiều nghề, ban đầu vay tiền mua xe đẩy đi bán trái cây, lời lãi không là bao nhiêu, xe bị công an khu vực “hốt”, chị chuyển sang bán bong bóng ở trường học, công viên rồi lại đi giúp việc nhà. “Dành dụm được ít tiền mua chiếc Cup 81. Có người trọ trong xóm chạy xe nên “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai ra đào”. Chị ra khu bến xe Miền Tây chở khách, không vào được trong bến, chị chạy tự do ở ngoài đã hơn một năm nay.
Có lẽ chị Đoan là một trong số ít chị em chạy xe ôm có hoàn cảnh đỡ khổ hơn nhiều chị em khác, Nhiều người phải còng lưng ra bán mặt cho đường bất kể đêm ngày chỉ vì cái “bước đường cùng” của tiền vay nóng, xe bị chủ nợ xiết nên phải thuê xe mà chạy.
Chị Nguyệt tâm sự: ''Ngày vào đội xe Bến xe miền Đông, cuộc sống đỡ khó khăn hơn và được mọi người giúp đỡ, thu nhập hơn triệu đồng mỗi tháng...''. Chị Phúc, chạy ở ngoài nên “mỗi khi bước chân vào “khu vực cấm” là bị ban quản lý giam xe cả mấy giờ đồng hồ, khóc lóc năn nỉ mới trả xe ra...
Dẫu chưa tử vì nghề nhưng…
Trải qua bao nhiêu năm tháng bán mặt cho đường, không ít người đổi tính đổi nết văng tục, chửi thề từ khi chạy xe ôm, nhưng bản thân họ khó nhận ra điều đó. 30 phút đứng lẫn trong đám đông, bóng dưng mọi người bật cười nghe chao chát từ sau một giọng phụ nữ: “Đ.M cứ chê khách đi con, chê đi rồi mày về con vợ mày nó dũa cho mà nghe…”
Nửa đêm ngồi chờ xe vào, trong quán nước trước cổng bến xe, Chị Đoan kể nhiều lần mắc lừa mà theo chị có lẽ “còn sống là còn phải nhớ”. Chuyện cách đây hơn một tháng, vị khách có tướng dong dỏng cao, dáng trí thức, bảo đi công tác Cà Mau mới lên, nhờ chị đưa về Thủ Đức. Vị khách ôm cặp da và nói năng lịch sự. Nào ngờ đến nơi, vị khách chơi “bài chuồn”. Trong túi chị chỉ vỏn vẹn 5000 đồng bạc, lang thang trong đêm tìm quán đổ xăng, tức nên khóc rưng rức.
Một lần khác, vị khách là một phụ nữ tuổi ngoài 50 nói đi buôn thuốc lá, nhờ chị chở đến chợ Gò Vấp lấy tiền, rồi vòng về chợ Tân Định Q.1 và đến chợ A Đông Q.5 thì bà ta gởi một thùng thuốc lá Caraven “A” to đùng đùng để vào lấy tiền, bà ta đi mất hút. Bực tức, chở thùng thuốc là đến ban quản lý chợ, mở ra trong ấy toàn giấy báo cũ…
Chị em bị khách "xù" tiền là chuyện thường như cơm bữa. Đắng cay nhất là chở nhầm những tay có máu "35", vừa bị trêu, gạ gẫm, vừa bị sàm sỡ. Những lúc như thế nhiều người im lặng coi như không nghe thấy và cũng có chị “nổi máu nhà xe” với khách, thế nhưng sau đó lại khóc vì bị xúc phạm.
Những câu chuyện bùi ngùi trên đây, dẫu chưa chuyện nào đẩy cái nghiệp nữ xe ôm đến cửa tử, nhưng ở đâu đó trên những nẻo đường vẫn còn những giọt nước mắt chực rơi.
Theo VietNamnet