GS Đặng Văn Chung:
Người thầy của nhiều thế hệ bác sĩ nội khoa
(Dân trí) - Từng lên Việt Bắc cùng GS Hồ Đắc Di và BS Tôn Thất Tùng giảng dạy tại ĐH Y kháng chiến. Sau ngày giải phóng Thủ đô, ông ở lại Hà Nội, cùng đồng nghiệp góp sức xây đắp nền Y học Việt Nam. Ông đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.
Kỳ I: Quyết ở lại với Thủ đô giải phóng
Bức thư không dán tem
Chiếc xe hơi xịch đỗ trước ngôi nhà ba tầng ở một ngõ vắng đầu phố Hai Bà Trưng (Hà Nội). Xuống xe, theo thói quen BS Đặng Văn Chung tra chìa vào ổ khoá, mở hòm thư riêng ở cánh cổng sắt. Vừa bước lên thềm, ông vừa đọc lướt qua những dòng chữ đề ngoài bì thư. Chắc lại là thư của một người bệnh vừa được ông chữa khỏi gửi đến cảm ơn, hay của người quen, bạn bè nhờ giúp đỡ chuyện gì đây? Bỗng để ý đến cái phong bì không dán tem - hẳn là người gửi thư không chuyển qua đường bưu điện mà bỏ thẳng vào hòm thư riêng - ông bóc ra xem:
"Anh Chung thân mến,
Mấy năm qua, ở ngoài này, bọn tôi vẫn hỏi thăm anh luôn đó. Được biết anh chị và các cháu vẫn mạnh giỏi, tôi mừng lắm. Xin báo để anh chị biết: Nhà tôi, các cháu tôi, và tôi đều khoẻ. Bọn tôi đang sửa soạn trở về Thủ đô.
Mong anh ở lại để cùng bạn bè chung lòng chung sức dựng xây nền Y học Việt Nam.
Hẹn gặp lại anh tại Hà Nội!"
Phải một lúc sau, BS Đặng Văn Chung mới nhận ra chữ ký cuối thư. Đúng, đó chính là chữ ký của anh bạn cũ: BS Tôn Thất Tùng.
Tôn Thất Tùng sinh năm 1912 ở Thanh Hoá, nhưng từ nhỏ sống ở Huế bên bờ con sông Hương, trên đường đi Nguyệt Biều; năm 19 tuổi, ra Hà Nội học Trường Bưởi (lúc bấy giờ gọi là Lycée du Protectorat/ Trường Trung học Bảo hộ).
Đặng Văn Chung sinh năm 1910, quê ở Sa Đéc, học cùng lớp với Phạm Quang Lễ (tức Trần Đại Nghĩa) tại Trường Trung học Chasseloup-Laubat, một "trường Tây" ở Sài Gòn khét tiếng "kén học trò giỏi".
Hai người bắt đầu quen thân nhau từ khi cùng vào học Đại học Y - Dược Hà Nội, rồi cùng thi đỗ nội trú: Tôn Thất Tùng trực tại Bệnh viện Phủ Doãn, Đặng Văn Chung trực tại Bệnh viện Bạch Mai.
Cả một lớp bác sĩ, dược sĩ thời ấy, những con người lòng đầy nhiệt huyết, như Tôn Thất Tùng, Vũ Đình Tụng, Đỗ Xuân Hợp, Vũ Văn Cẩn, Hoàng Đình Cầu, Nguyễn Trinh Cơ, Đỗ Tất Lợi, Trần Hữu Nghiệp, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Huỳnh Quang Đại..., sau "cái đêm mười chín" - đêm 19/8 Kháng chiến toàn quốc bùng nổ - đều nhất quyết giã từ Ba mươi sáu phố phường.
Một số quây quần quanh GS Hồ Đắc Di - người thầy thuốc lớp trước, thường được mọi người gọi là "Cụ Di" - mở Đại học Y kháng chiến tại Chiêm Hoá (Tuyên Quang).
Giây phút yếu lòng
BS Đặng Văn Chung cũng đã lên Chiêm Hoá, cùng GS Hồ Đắc Di và BS Tôn Thất Tùng giảng dạy ở Trường Y, khám chữa bệnh ở Bệnh viện thực hành của trường. Trường đóng tại làng Ải, bên con ngòi Quẵng rộng như một con sông nhỏ, nước trong xanh, chảy giữa hai bờ cát trắng. Xa xa là vùng rừng thẳm lắm hổ, nhiều beo.
Ngày 7/10/1947, chỉ một ngày sau lễ khai giảng của trường ở Chiêm Hoá, Pháp mở cuộc tấn công lên Việt Bắc, theo kế hoạch Clos-clos (Bao vây-khép kín) do tướng Valuy, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương, vạch ra. Quân dù đổ bộ xuống Bắc Cạn. Quân thuỷ gồm nhiều ca-nô, tàu chiến ngược sông Lô. Từ Bắc Cạn, chúng tiến về Khe Khao, Đầm Hồng, theo hướng Chiêm Hoá. Nhà trường và Bệnh viện sơ tán ngay các kho tàng vào bờ bụi dọc đường cái.
Chỉ ba ngày sau, Hiệu trưởng Hồ Đắc Di nhận được một bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người nhận đình: "Cuộc kháng chiến nay đã vào bước gay mà ta đã đoán định trước". Nhưng, Người cho rằng: "Sự gay go đến sớm chừng nào tốt chừng ấy". Người căn dặn: "Không sợ địch mà cũng tuyệt đối không khinh địch"; trước thử thách, mọi người cần tỏ rõ chí khí "bách chiết bất hồi" (trăm lần đường quanh co gấp khúc, vẫn không quay trở lại), "nhẫn lao nại khổ" (bền bỉ chịu đựng gian lao, đau khổ); phải có kế hoạch cẩn thận "giữ gìn cho gia quyến và toàn thể anh em sinh viên được an toàn".
Thầy và trò rời trường sở ở làng Ải lánh vào rừng sâu. Vợ con các giáo sư, bác sĩ đi mảng qua ngòi Quẵng chuyển tạm sang làng Bình. Quân Pháp đóng lại huyện lỵ Chiêm Hoá suốt một tháng. Ngày nào chúng cũng lùng sục vùng quanh. Chúng hung hãn càn quét làng Ải - nơi Trường đóng - cách huyện lỵ 60 km.
Rồi tiếng tiểu liên tôm-xơn nổ mỗi lúc một gần. Từ làng Ải chúng vượt ngòi Quẵng sang làng Bình. Đạn bay vèo vèo trên đầu. Một toán lính lê dương tiến đến gần chỗ ẩn nấp của các vị giáo sư, bác sĩ và gia đình, mũ sắt lấp loá nhấp nhô. Tiếng loa của một tên Việt gian nghe rõ mồn một, kêu gọi các vị trở về làm việc tại Hà Nội, "Quân đội Pháp sẽ hết sức trọng đãi"! "Chúng tôi biết các vị đang ẩn nấp quanh đây. Nếu không ra trình báo, sẽ nguy hiểm đến tính mạng!" - Tiếng loa oang oang.
Trong giây phút nguy hiểm tột cùng, BS Đặng Văn Chung đành buông xuôi, không thực hiện được lời căn dặn của Cụ Hồ là phải "bách chiết bất hồi", "nhẫn lao nại khổ"! Ông cùng gia đình "vào tề", quay về làm việc tại Trường Y trong vùng địch chiếm.
Vị Phó Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội
Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tiếp Đoàn đại biểu Y tế Việt Nam, năm 1956. Từ trái sang phải: GS Hồ Đắc Di (thứ 1), GS Trần Hữu Tước (thứ 3), Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch (thứ 5), GS Tôn Thất Tùng (thứ 8), và GS Đặng Văn Chung (thứ 9).
Năm 1952, ông sang Paris, thi lấy bằng Thạc sĩ Y khoa, học vị cao nhất trong ngành y nước Pháp. Địa vị có sang hơn, cuộc sống có ô-tô, nhà lầu, nhưng sao trong lòng chẳng mấy lúc thảnh thơi. Ông luôn cảm thấy mình có lỗi với Cụ Hồ, phụ lòng tin của anh em kháng chiến.
Một đêm, BS Chung cởi mở tâm tình với vợ:
- Tôi đã quyết định dứt khoát ở lại Hà Nội! Dù khó khăn, vất vả đến đâu, cũng ở lại. Mình thấy thế nào?
- Tôi sợ mình không chịu đựng nổi! Cán bộ cách mạng đồng lương quá ít, sống sao nổi? Vả chăng, mình đã từng theo Cụ Hồ lên Việt Bắc, rồi lại trở về thành! Chẳng biết có còn được người ta tin dùng nữa không?
- Trong đời, tôi đã một lần phạm sai lầm đau đớn! Giờ đây, không nên phạm lần thứ hai. Bỏ lỡ thời cơ, rồi sẽ ân hận mãi... - Ông trầm ngâm một lát, rồi nói tiếp: - Ngày đầu cách mạng, tôi từng nghe Cụ Hồ nói câu này: "Năm ngón tay có ngón dài ngón ngắn. Nhưng dù dài ngắn đều hợp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy chục triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ...". Tôi tin ở tấm lòng bao dung của Cụ, cũng như ở cách nhìn rộng rãi của anh em ngoài ấy. Hôm nay, tôi đã nhận được thư của anh Tùng. Đây mình xem...
Những ngày cuối tháng 8/1954, nhiều gia đình giàu có ở Hà Nội và cả một số trí thức có tên tuổi lần lượt vào Nam. Để đánh lạc hướng những cặp mắt tò mò dò xét, BS Đặng Văn Chung cho đóng hòm áo quần, sách vở. Nhưng rồi một hôm ông được mời đến Phủ Thủ hiến Bắc phần, cùng BS Vũ Công Hoè và BS Võ Tấn. Một quan chức vào loại chóp bu của chính quyền Bảo Đại cố giữ vẻ lễ độ, nói với ba người:
- Nhà cửa dành cho các anh ở Sài Gòn, Quốc gia đã lo liệu tươm tất. Các anh nên sửa soạn nhanh nhanh lên một chút! Lúc nào xong, cho chúng tôi biết, sẽ có ngay vé máy bay. Có thể mang theo mỗi người sáu trăm ki-lô hành lý.
Thế là họ đã đoán biết ý định chần chừ, muốn ở lại Hà Nội của ba người, và gọi lên "cảnh cáo" một cách... "tế nhị"! Không hành động gấp, ắt sẽ gặp trắc trở. Ngay tối hôm ấy, BS Chung tìm gặp BS Phạm Khắc Quảng (em ông Phạm Khắc Hoè), hỏi cách tạm lánh ra vùng tự do.
Hai hôm sau, trong một gian nhà tranh tại huyện Thường Tín, ở phía Nam thành phố Hà Nội, BS Đặng Văn Chung gặp GS Hồ Đắc Di vừa từ Việt Bắc trở về, chuẩn bị vào tiếp quản Đại học Y - Dược. Nhắc lại những ngày ở Chiêm Hoá, hai người ôm nhau khóc...
Ngày 10/10/1954, phố phường Hà Nội rợp cờ hoa đón đoàn quân chiến thắng từ chiến trường Điện Biên Phủ trở về. Theo bước anh bộ đội Cụ Hồ, giày vải, mũ nan, BS Đặng Văn Chung quay lại ngôi nhà mình nơi ngõ vắng đầy lá rụng mỗi độ thu về, đầu phố Hai Bà Trưng, cùng vợ con sum họp.
Đại học Y - Dược Hà Nội khai mạc khoá học đầu tiên sau giải phóng. GS Hồ Đắc Di là Hiệu trưởng. BS Đặng Văn Chung, thạc sĩ nội khoa, giữ chức Phó Hiệu trưởng. Cùng nhiều thầy thuôc danh tiếng khác, ông được Nhà nước ta công nhận chức danh giáo sư đại học.
Sau cái hôm bị "mời" lên phủ thủ hiến, BS Vũ Công Hoè và BS Võ Tấn cũng đã theo những đường dây khác bí mật rời khỏi nội thành Hà Nội ra vùng tự do. Giờ đây, họ lại trở về giảng dạy tại Đại học Y - Dược Hà Nội giữa phố Lê Thánh Tông xanh xanh hàng sấu, nhìn sang vườn hoa Tao Đàn nhỏ xinh.
(Còn nữa)
Hàm Châu