Một ngày làm phu kéo xe
(Dân trí) - Dạo gần đây, thành phố Huế xuất hiện một loại hình vận chuyển mới: kéo xe ba gác. Phu xe đủ mọi thành phần: nam, nữ, già, trẻ, lớn, bé… Không có việc làm ổn định, họ mưu sinh bằng chiếc xe kéo, có ngày kiếm dăm ba chục ngàn, có ngày về tay không…
Vào vai một thanh niên vừa từ dưới quê lên kiếm việc làm sau Tết, tôi lân la đến đường Phan Đình Phùng và phải mất một thời gian dài mới làm quen được với một phu xe tên Phúc. Tôi ngỏ ý xin theo học nghề, anh Phúc từ chối: “Không được đâu em à! Không có khách thì anh lấy gì chia phần cho em?”. Nhưng rồi thương cảnh tôi nghèo, anh vẫn nhận tôi làm “đệ”.
Đứng cả buổi không có ai thuê, anh Phúc sốt ruột: “Đứng mãi không có khách, mình phải dạo thôi, ai cần họ thấy mình thì họ gọi”.
Khách hàng đầu tiên của anh Phúc ngày hôm đó là một người đàn ông bệ vệ, thuê anh chở chậu mai cảnh với giá 30 ngàn đồng. Ông khách răn: “Cẩn thận nếu có gãy một cành của ông thì bán cả nhà không đủ mà đền đó”. Anh Phúc bảo, chở những loại hàng này dễ “ăn cám đền vàng như chơi” vì có chậu mai giá cả trăm triệu đồng, gãy một cành là coi như “toi”.
Phải mất 30 phút, hai anh em mới “vần” được chậu mai lên xe. Cả quãng đường sau đó là lúc tôi chứng kiến cái vất vả, khổ cực của người kéo xe thuê.
Sáng hôm đó, chúng tôi chỉ kiếm được một mối khách duy nhất. Buổi trưa, anh Phúc mua 2 hộp cơm, vui vẻ nói: “Ăn đi em, chiều còn có sức mà “chiến đấu””.
Qua câu chuyện xen lẫn bữa cơm, tôi được biết anh Phúc là người huyện Hương Thủy, nhà nghèo, có ba người con đang tuổi ăn tuổi học, vợ ốm đau, dành dụm chút tiền mua chiếc xe này làm kế sinh nhai trên thành phố. Cứ sáng sáng, người và xe lại lượn khắp nẻo, chờ khách. “Có ngày người thuê nhiều, làm đứt cả hơi cũng kiếm được năm bảy chục ngàn; nhưng cũng có khi về không, đặc biệt là vào ngày mưa”.
Trong số những người phu xe tôi gặp hôm ấy có cả bác Bùi Hữu Trân, một cựu chiến binh thời chống Mỹ. Bác làm phu kéo xe để kiếm tiền nuôi cậu con trai bị bệnh tâm thần. Bác nhìn tôi lắc đầu: “Cháu còn trẻ, kiếm việc gì khác mà làm. Cái nghề này vất vả lắm, mà hay bị người đời xem thường”.
Viết Lam