Mặn mòi tình Việt nghĩa Lào
Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Lào Thoongxin Thamavong từ mãi Viêng Chăn về tận xứ Khăm Muộn (Khammouan) của miền Trung Lào để đón khách quý Việt Nam. Thị xã Thà Khẹt bên dòng Mê Kông, thủ phủ Khăm Muộn sáng 13/9 diễn ra 2 sự kiện lớn. Có lễ dâng hương tại đền thờ Bác Hồ tại Xiêng Vang và Lễ khởi công Dự án khai thác và chế biến mỏ muối Kali…
Đối diện Xiêng Vang Thà Khẹt các làng thuộc tỉnh Nakhon Phanon của Thái Lan có Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, một di tích lịch sử Du lịch nổi tiếng của miền Đông Bắc Thái nơi lưu dấu ấn Bác Hồ- Thầu Chín hoạt động ở Thái Lan. Năm 1929, ông già Thầu Chín trên vai trĩu gói đồ của một ông thợ mộc cải trang che mắt mật thám Pháp vượt Mê Kông sang Thà Khẹt.
Đích đến của Thầu Chín là khu cư dân Việt kiều lam lũ nghèo khó. Thầu Chín khi làm mộc khi dạy chữ Nho, làm thuốc để hoạt động cách mạng. Dân Việt ở Xiêng Vang được Bác Hồ tuyên truyền, nên giác ngộ cách mạng sớm và phong trào lan rộng, mạnh hơn nơi khác. Vậy nên sau 1945, tái chiếm Đông Dương Pháp đã đàn áp những người theo cách mạng rất dã man. Khoảng 50 Việt kiều đã bị bắt giết.
Bây giờ cộng đồng người Việt hơn 60 gia đình với dân Lào Xiêng Vang sống thuận hòa bên dòng Mê Kông. Xuôi mãi xuống có cây cầu hữu nghị Thái - Lào vắt qua sông thuận tiện cho việc du lịch giao lưu. Bà con Việt kiều bên Thái thường qua viếng đền Xiêng Vang nơi có tượng Bác Hồ mới xây cất khang trang. Bên Việt Nam lại vừa dâng vào Đền tưởng niệm Bác Hồ ở Xiêng Vang một chiếc trống đồng hoành tráng.
Bên cạnh địa danh lịch sử Xiêng Vang, nơi ngã ba sông này còn một chứng tích khác. Nơi đây đã diễn ra trận đánh bi hùng thời điểm mùa xuân năm 1946 khi mặt trận Thà Khẹt bị vỡ. Đích thân Hoàng thân Xuphanuvong chỉ huy trận huyết chiến tại ngã ba sông này. Trận đó ông bị thương, nhưng may mắn được cứu thoát.
Người trực tiếp cứu thoát Hoàng thân là những thanh niên Việt trong đó có Lê Thiệu Huy, tham mưu trưởng liên quân Lào - Việt, con trai giáo sư (GS) Lê Thước một vị túc nho Việt và Hoàng Xuân Bình, em trai GS Hoàng Xuân Hãn.
Trận đó Lê Thiệu Huy anh dũng hy sinh khi mới 25 tuổi. Người thanh niên ấy vừa nhận 3 bằng cử nhân bên Pháp về đã hăng hái theo lời kêu gọi của cụ Hồ tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau này Hoàng thân Xuphanuvong có viết thư cho cụ Lê Thước và giữ mối thâm giao lâu bền…
Tình cờ ngay sớm nay, người viết bài này đã có cuộc gặp thú vị với người con trai thứ của Hoàng thân Xuphanuvong, Sinava Souphanuvong trong cương vị Thứ trưởng Bộ Khoáng sản Lào về dự lễ khởi công dự án (DA) mỏ muối.
Khói hương từ Đền thờ Bác sớm thu như phảng phất bện quện cùng anh linh các liệt sĩ từng bỏ mình vì nghĩa lớn cho mối quan hệ keo sơn gắn bó đặc biệt Việt Lào.
Sự kiện lễ khởi công DA mỏ muối Kali ở Khăm Muộn như là nghĩa đen cùng là nghĩa bóng của biểu tượng mặn mòi nghĩa Việt tình Lào.
Tranh thủ đến huyện Nongbok Khăm Muộn từ hơn một ngày trước, thời gian ở Khăm Muộn, tiếp xúc với những chuyên gia Việt đang có mặt tại DA tôi được biết thêm nhiều thông tin về DA lớn nhất của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài này.
Với tổng mức đầu tư 522 triệu USD, DA có tầm quan trọng đặc biệt không những với chiến lược phát triển của Tập đoàn hóa chất Việt Nam (VINACHEM) mà cả đối với chiến lược phát triển ngành phân bón nước mình.
Muối mỏ thuộc dạng khoáng sản. Nó thuộc loại khoáng sản phi kim loại. Mỏ muối tại huyện Nongbok, tỉnh Khăm Muộn với trữ lượng dồi dào (muối kali (KCl) trữ lượng khoảng 350 triệu tấn, cấp tài nguyên dự báo 1,6 tỷ tấn; muối ăn (NaCl) trữ lượng khoảng trên 2 tỷ tấn, cấp tài nguyên dự báo lên đến 9 tỷ tấn). đó là nguyên liệu chính trong công nghiệp sản xuất NaOH. Đặc biệt muối mỏ Nongbok lại cực kỳ giàu kali nên rất tốt cho ngành sản xuất phân bón nông nghiệp.
Từ trung tâm mỏ muối, phóng tầm mắt ra điệp trùng sắc xanh ngằn ngặt rừng Nam Lào cữ đầu thu chợt bồi hồi bởi sự diệu kỳ của tạo hóa. Bởi nơi đây tít mù tắp hàng triệu triệu năm là sâu hoắm của đại dương là mênh mang sóng biển.
Cứ như lời một cán bộ kỹ thuật DA thì nói đúng nghĩa mỏ muối là một lộ trình dằng dặc của con Tạo làm khô những vũng, vịnh chết trong quá trình biển thoái để lại sản phẩm các muối sau đó chúng bị chôn vùi trong lòng đất do các quá trình hoạt động địa, kiến tạo của vỏ trái đất.
Xưa nay năm châu bốn biển trong đó có Việt Nam chủ yếu khai thác muối bằng nước biển. Mỏ muối thuộc dạng hiếm chứ không phải tạo hóa hào phóng ban tặng lung tung. Châu Âu mênh mông là thế nhưng chỉ có mỏ muối lớn nhất ở Wieliczka, Ba Lan.
Năm đã xa, tôi may mắn được ghé rốn cái mỏ muối khổng lồ có độ dày gần 90 thước tây và có độ dài khủng hơn 300 km. Mỏ này nằm ở thị xã Wieliczka của thành phố Kraków Ba Lan được khai thác từ thế kỷ 13 và bây giờ vẫn tấp nập việc khai thác muối ăn lẫn du lịch.
Cũng như châu Âu, bao la bát ngát của châu Á, chẳng hiểu những kiến tạo địa chất diệu kỳ thế nào mà dường như độc nhõn xứ Khăm Muộn Nam Lào nảy ra cái anh mỏ muối. Nghe đâu địa chất thời Pháp chiếm Đông Dương đã phát lộ ra nhưng do nhiều nguyên nhân mà đến bây giờ mới bập vào việc khai thác. Chính xác hơn là đúng 10 năm trước…
Đầu năm 2005, ở cương vị Phó thủ tướng thường trực, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tính đếm và câu thúc trước vấn đề nan giải có tính chất chiến lược là Việt Nam hằng năm phải bỏ ra cỡ 350 triệu USD để nhập phân bón kali. Và nhỡn tiền nạn khủng hoảng thừa muối ăn nhưng hằng năm phải nhập trên 300 ngàn tấn muối công nghiệp.
Trong khi đó liền kề Việt Nam là mỏ muối Kali Nongbok của Khăm Muộn phong phú trữ lượng của CHDCND Lào. Hợp tác khai thác, bạn phát huy được tiềm năng khoáng sản, thu được ngoại tệ qua các hình thức thuế mà ta chủ động được nguyên liệu cho sản xuất trong nước, nhất là sản xuất phân bón, hóa chất, đồng thời tiết kiệm được ngoại tệ từ việc giảm nhập khẩu. Tại sao không?
Được sự đồng thuận của Chính phủ Lào cùng các cơ quan trách nhiệm, đầu năm 2005 Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo VINACHEM tiến hành việc thăm dò, đánh giá tỉ mỉ trữ lượng và chất lượng để tiến tới đầu tư, khai thác, chế biến muối mỏ ở Nongbok.
Thời điểm đó, chưa ai nghĩ đến thì tương lai gần là 10 năm sau, DA muối mỏ Kali Nongbok là DA lớn nhất của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài!
Ngày 5/9/2008, tại Lào, Công ty TNHH Hóa chất và Muối mỏ Việt - Lào đã chính thức ra mắt.
Ngoài diện tích 10 km2 tại Nongbok, Khăm Muộn, Chính phủ Lào đã chấp thuận cho công ty được quyền thăm dò trên diện tích mở rộng 196,5 km2 tại Khăm Muộn và Xaybouly (tỉnh Savanakhet).
Sau bốn năm triển khai thăm dò trữ lượng kể từ khi được Chính phủ Lào cấp phép vào tháng 8/2008, DA đã được hội đồng chuyên gia hai nước Việt Nam và Lào công nhận đủ điều kiện khai thác, chế biến.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch VINACHEM cho tôi biết thêm, sản phẩm thu được từ dự án muối mỏ Lào là muối có hàm lượng NaCl đạt 98%, tốt hơn chất lượng muối sản xuất trong nước thường chỉ có hàm lượng NaCl đạt tối đa 97%.
Vì vậy, sản phẩm muối khai thác từ Lào có thể chỉ cần thêm công đoạn tinh lọc là có thể sử dụng cho sản xuất công nghiệp. Thêm nữa, với sản lượng dự kiến 300.000 tấn muối chất lượng cao/năm, DA cũng sẽ đảm bảo cung cấp được ổn định nguồn nguyên liệu, giúp doanh nghiệp sản xuất hóa chất chủ động hơn trong sản xuất.
Còn ông Bí thư tỉnh ủy kiêm Chủ tịch tỉnh Khăm Muộn hồ hởi thông tin rằng, dân địa phương Khăm Muộn rất vui vì có DA muối mỏ Kali. Sắp tới có khoảng 4-5 ngàn lao động trẻ của Khăm Muộn cũng như Savanakhet sẽ được thu nhận vào làm trong DA. Trước mắt họ là thợ thủ công còn thợ kỹ thuật tay nghề cao sẽ được đào tạo.
…Tôi đang mường tượng bên dòng Mê Kông mênh mang, một cơ sở công nghiệp lớn mỏ muối chỉ năm sau tại Nongbok hẻo lánh này sẽ ló dạng đầu tiên việc xây dựng 16 hầm khai thác muối Kali. Mỗi năm tiếp theo sẽ xây dựng thêm 7-8 hầm.
Khu vực nhà máy chế biến dự kiến xây dựng tại phía Đông của mỏ Nonglom trên diện tích khoảng 175.000 m2 để chế biến hai sản phẩm chính đạt tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế gồm: KCl K60 (hàm lượng KCl 95%) với công suất 320.000 tấn/năm và sản phẩm phụ là muối chất lượng cao NaCl hàm lượng 98% với công suất 300.000 tấn/năm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công dự án khai thác muối mỏ tại Lào
Sáng sớm 13/9, chuyên cơ chở Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến sân bay Savanakhet, bắt đầu chuyến thăm chính thức CHDCND Lào.
Đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam tại sân bay Savanakhet có Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavath cùng gần 50 quan chức Chính phủ Lào và tỉnh Savanakhet; cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Lào và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Savanakhet; đại diện nhân dân tỉnh Savanakhet và bà con Việt kiều.
Ngay trong buổi sáng, Thủ tướng Lào Thoongxin Thamavong và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công Dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali tại huyện Nongbok, tỉnh Khăm Muộn do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM) làm chủ đầu tư.
Đây là một trong những dự án đầu tư lớn nhất của Việt Nam ở nước ngoài với số vốn lên tới 522 triệu USD, công suất 320.000 tấn/năm bằng công nghệ khai thác theo phương pháp hòa tan- công nghệ tiên tiến của Cộng hòa LB Đức.
Cũng tại lễ khởi công, các bên tham gia đã ký thỏa thuận tài trợ vốn khai thác và chế biến muối mỏ Kali tại Lào giữa Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV), VietinBank cùng chủ đầu tư VINACHEM.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm và dâng hương, hoa tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ và tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh do Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào xây dựng. Thủ tướng đã gặp gỡ, nói chuyện với bà con Việt kiều đại diện 6.000 cộng đồng người Việt tại Trung Lào.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu cấp cao VN và Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavath cũng đã tới dự lễ khởi công xây dựng trường Tiểu học Đông Ca Xẻn do BIDV tài trợ trị giá 200.000 USD cho tỉnh Khăm Muộn.
Theo Xuân Ba
Tiền Phong