1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

GS Đỗ Tất Lợi - Người kế thừa và phát huy di sản của Tuệ Tĩnh, Lãn Ông:

Kỳ IV: Biến “cỏ nội hoa hèn” thành thuốc quý

(Dân trí) - Bên bếp lửa nhà sàn Việt Bắc, trong bộ quân phục màu lá rừng, chiếc mũ nan bọc vải xanh lấp lánh ánh sao vàng, DS Đỗ Tất Lợi được đồng bào vùng cao tin cậy kể cho nghe về củ "mã lìn ón" từng cứu sống Bác Hồ cũng như bao cây thuốc khác.

Làm bạn với ông mo, bà mế, người bán "thuốc ê"

Mấy xe bò dụng cụ thí nghiệm và hóa chất từ nhà thương Bạch Mai chuyển về Vân Đình, rồi chở bằng thuyền theo sông Đáy, sông Hồng đến Việt Trì. Đến đây, ông nhận được quyết định chính thức của Cục Quân y về việc thành lập Viện Khảo cứu và Bào chế dược phẩm, do ông làm Viện trưởng, đặt tại Tuyên Quang, bên bờ con sông Lô rậm rì hai bờ tre nứa, lấp lóa bãi cát vàng.

GS Hoàng Minh Giám ở Bộ Nội vụ cấp cho ông một giấy giới thiệu, nhưng ông chưa lần nào dùng đến. Trong bộ quân phục màu lá rừng, chiếc mũ nan bọc vải xanh lấp lánh ánh sao vàng, và với cách chuyện trò cởi mở, ông dược sĩ vui tính ấy được đồng bào vùng cao tin cậy. Không ai tiếc gì mà không kể lại những kinh nghiệm bao đời của mình để ông chữa bệnh cho "bộ đội nó đánh giặc giỏi, mau giành được độc lập".

Bên bếp lửa nhà sàn Bắc Cạn, người dược sĩ Tây y trò chuyện tâm tình với ông mo, bà mế chuyện chữa bệnh cho đồng bào vùng cao bằng những thứ lá, thứ củ thu hái trong rừng, trên nương. Người miền núi trước kia hầu như không ai biết tới thuốc Tây hay thuốc Bắc. Khi có bệnh, bà con chữa bằng cây cỏ, những thứ mà người miền xuôi thường gọi là "thuốc Mán, thuốc Mường". Thực ra, đó là những vị thuốc Nam, nhiều khi rất hiệu nghiệm. Tiếc thay, chẳng mấy ai chịu khó ghi lại để khỏi thất truyền!

Cũng ở miền núi và các phiên chợ trung du, ông làm quen với mấy ông bán "thuốc ê". Đó là những con người đầy bí ẩn, sống nay đây mai đó, hai vai hai sọt thuốc. Họ vừa "ê! ê!" rao bán thuốc, vừa để ý xem nơi nào có nhiều cây thuốc thì nghỉ lại, khai thác cho bằng hết, rồi lại lẳng lặng quảy gánh ra đi về phương trời vô định mù sương...

"Mã lìn ón", cây thuốc cứu sống Bác Hồ

Ở An toàn khu Sơn Dương, một lần DS Lợi nghe ông Lê Quảng Ba kể lại rằng Bác Hồ thường dặn các cán bộ gần Bác: Hễ đi đường gặp cây mã lìn ón, một loại cây leo, thì hái cả lá, bứt cả dây, đào cả củ, phơi khô, mang theo trong ba-lô, bởi vì đó là một vị thuốc chữa sốt rét rất hay.

Ông rất băn khoăn: Cái tên mã lìn ón nghe lạ tai, chẳng biết có nghĩa gì. Thế rồi, một đêm đông, ngồi uống rượu ngô với ông ké người Tày bên bếp lửa bập bùng đỏ rực, ông dược sĩ Tây y đem điều băn khoăn kia ra hỏi. Ông ké giải thích: Mã lìn ón đọc theo âm Hán-Việt là mã liên an. Vừa nói ông ké vừa viết ba chữ Hán kia ra sàn nhà lát ván lim.

Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, có một vị tướng quân dũng mãnh ruổi ngựa qua rừng, chẳng may lăn ra cảm sốt, thập tử nhất sinh! Một ông lang miền núi bèn lấy lá và củ một thứ cây rừng gì đó chữa cho vị tướng kia khỏi sốt. Cảm ơn ân nhân cứu mạng, vị tướng bèn đem biếu ông lang cả ngựa lẫn yên, rồi tự mình "hạ mã", cuốc bộ xuyên rừng. Từ đấy cây thuốc "vô danh" nọ bỗng mang cái tên nghe rất "văn chương": mã liên an (có nghĩa ngựa liền yên). Bà con miền núi đọc chệch đi theo tiếng Tày là... mã lìn ón!

Chẳng bao lâu sau, trên đường qua châu Tự Do (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang hiện nay), Đỗ Tất Lợi được bà con vùng cao chỉ cho thấy tận mắt cây mã lìn ón.

Đó chính là thứ cây mà ông lang già người Tày từng chữa cho Bác Hồ khỏi chứng sốt cao, hồi còn ở lán Nà Lừa, trước ngày Tổng Khởi nghĩa.

Cây "mã xực mã xử, cẩu xực cẩu phì"

Khi còn là sinh viên đại học, Đỗ Tất Lợi từng hỏi bác nhân viên già ở la-bô dược liệu, mượn một ít hạt mã tiền khô.

Trong kháng chiến, Đỗ Tất Lợi được một bà cụ người Tày ở Bắc Cạn chỉ cho thấy cây mã tiền tươi sống. Ông không dễ tin ngay bởi vì, theo sách của các nhà dược liệu học người Pháp, thì mã tiền không mọc ở xứ Bắc Kỳ!

- Đúng là cây mã tiền đấy, ông ơi, cái cây "cẩu xực cẩu xử, mã xực mã phì" ấy mà! - Bà cụ nói chắc như đinh đóng cột.

Mã tiền là một vị thuốc quý, nhưng có chứa chất độc; dùng ít thì tăng bài tiết dịch vị, tăng tốc độ chuyển hóa thức ăn sang ruột, do đó, ngựa ăn, ngựa béo. Nhưng, cũng vẫn với khối lượng như thế, nếu con chó - thể trọng nhẹ hơn con ngựa - ăn vào thì lại lăn quay ra chết! Bởi lẽ cây mã tiền có chứa strychnin, một loại chất độc, nếu dùng quá liều, có thể làm cho con vật co giật, rút gân hàm, lồi mắt, cứng đờ tứ chi, ngạt thở, rồi chết!

Nhìn kỹ cái cây bà cụ vừa chỉ cho xem, Đỗ Tất Lợi thấy rõ đó là một loại cây leo, hạt như những chiếc khuy áo to. Phải rồi! Đích thị là hạt Strychnos, loại hạt mà bác nhân viên già trong la-bô dược liệu năm nào đã từng đưa cho ông mượn. Ấy thế mà vị giáo sư người Pháp dạy ông ngày trước dám quả quyết rằng mã tiền không mọc ở xứ Bắc Kỳ!

Cuộc sống giúp DS Lợi nhận rõ: Chớ nên mù quáng tôn sùng sách vở! Đúng là ta cần khiêm tốn, không ngừng học hỏi Tây y, nhưng đừng bao giờ coi nền y học ấy là "vị cứu tinh" duy nhất, tuyệt đối trong cõi người nhiều đau thương, bất hạnh này!

Thuốc "ký-ninh đen"

Sốt rét thường cũng như sốt rét ác tính là chứng bệnh gây nhiều nỗi khổ cho cán bộ, bộ đội, dân công. Ta cần tìm một thứ thuốc gì đó dễ kiếm để chữa "chứng bệnh chết tiệt" kia.

Sau ngày trở về Hà Nội, DS Lợi mới biết: Người Mỹ đã xác minh rằng ancaloit của thường sơn có tác dụng chữa sốt rét mạnh gấp 100 lần ký-ninh!

Đỗ Tất Lợi nghĩ đến cây thường sơn. Ở Việt Bắc, thường sơn mọc hoang nhiều. Đó chính là cây Dichroa febrifuga Lour, mà ông đã thấy mẫu ép khô khi còn là sinh viên. Sở dĩ có tên thường sơn là vì loại cây này mọc nhiều trên ngọn núi Thường Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, phía tây-nam cố đô Trường An. Đó là đất Ba Thục thời Tam Quốc, mảnh đất hiểm trở khiến thi hào Lý Bạch từng thất vọng thốt lên:

Đường vào Thục khó...

Khó hơn đường lên trời!

Nghiêng nhìn về tây mà than dài!

Theo sách cổ, thường sơn vị đắng, tính hàn, có tác dụng thổ đàm, triệt ngược, thanh nhiệt, hành tuỷ. "Ngược" trong tiếng Hán có nghĩa là bệnh sốt rét. "Triệt ngược" tức là chữa khỏi sốt rét.

Đỗ Tất Lợi và cộng sự đã chế ra cao thường sơn, một thứ thuốc chữa sốt rét hiệu nghiệm, được các anh bộ đội tin tưởng gọi là "ký-ninh đen". Nghe đâu, cứ mỗi lần uống ký-ninh đen, các anh lại tán gẫu râm ran, quên cả ốm đau.

Noi gương các bậc tiền nhân

Năm 1948, Đỗ Tất Lợi và Nguyễn Văn Đàn cho in trên báo Vui Sống - tờ báo phổ biến kiến thức vệ sinh và y học - bài Tương lai chữa bệnh của clorophil. Sau đó, công trình được báo cáo tại Hội nghị Quân y toàn quốc. Lúc bấy giờ, clorophil được coi là một loại kháng sinh hiện đại để điều trị vết loét, vết thương, chống thối rữa. Đỗ Tất Lợi và cộng sự chiết clorophil từ lá tre, lá táo - nguồn dược liệu không thiếu ở nước ta.

Từ hạt cây mã tiền mọc hoang, Đỗ Tất Lợi và cộng sự chiết được Strychnin, một loại ancaloit dùng để chữa tim giãn, cơ tim mệt, đái dầm...

Các bệnh viện kháng chiến cần thuốc xoa bóp, rửa vết thương, Đỗ Tất Lợi nghĩ ngay đến cây khuynh diệp (có tên đó là do lá mọc nghiêng). Ông và cộng sự cất được tinh dầu khuynh diệp, rồi chế thành thuốc xoa, thuốc tiêm, thuốc sát trùng để đắp vết thương, chữa bỏng cho bộ đội...

Từ những loại "cỏ nội hoa hèn" như búp ổi, lá cà độc dược, vỏ quýt, v.v..., ông chế thành những thứ thuốc tiện dùng mà công hiệu, thay thế những loại thuốc đắt tiền phải bí mật gửi mua từ vùng tạm bị địch chiếm, như thuốc có tanin, thuốc belladon...

Năm 1950, Nhà xuất bản Vui Sống in trên giấy nứa hai cuốn sách của Đỗ Tất Lợi và cộng sự với số trang được coi là nhiều trong điều kiện chiến tranh du kích: Thuốc tiêm (88 trang), Thuốc mỡ và thuốc viên (50 trang).

Để giữ bí mật, ông thường dùng bút danh Tuệ Lãn, với hàm ý noi gương Tuệ Tĩnh, Lãn Ông: "Dục huệ sinh dân/ tiên tầm thánh dược" (muốn giúp dân sinh, trước tìm thuốc thánh).

Hàm Châu
(Còn nữa)