1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Giáo sư Hoàng Minh Giám: Tấm gương sáng cho trí thức Việt Nam

Kỳ II: Trường tư thục Thăng Long - Cái nôi của cách mạng

(Dân trí) - Năm 1934, Hoàng Minh Giám cùng với một số nhà trí thức đương thời như Phan Thanh, Đặng Thai Mai, Đặng Vũ Xích, Phạm Hữu Ninh, Nguyễn Cao Luyện, Nguyễn Dương... thành lập "Hội mở mang nền tư thục". Cụm từ này dịch ra tiếng Pháp là "Association Pour Le développement I'énseignement" gọi tắt là A.D.E.L.

Cái tên tiếng Pháp này tỏ ra rất "vô thưởng, vô phạt" nên không làm chính quyền thực dân nghi ngại. Song trong thâm tâm anh em trong Hội cũng như đối với những người tâm huyết với phong trào Đông du trước đây, nó như gợi lại một thời nghĩa thục. Đông Kinh nghĩa thục và Thăng long nghĩa thục có cái gì đó như cận kề, kế tiếp với nhau.

Sự kiện vang động Hà Nội

Gọi là hội nhưng thật ra A.D.E.L. chỉ là một nhóm chưa đến chục người gồm những sinh viên còn đang học đại học, cao đẳng và cả những công chức trong bộ máy cai trị của Pháp. Ở họ có một điểm chung nhất, đó là thái độ ghét Tây, khinh bỉ những kẻ xu phụ, bợ đỡ Tây, nịnh Tây... nhưng chưa tìm ra được con đường đánh Tây, thắng Tây. Nói tóm lại, đây là tập hợp một số nhà trí thức có tinh thần yêu nước và có thái độ phản kháng đối với chế độ đương thời. Để thực hiện ý tưởng của mình, họ quyết định mở trường dạy học để từ đó, truyền bá tư tưởng của mình cho các trí thức trẻ. Và trường tư thục Thăng Long (gọi là trường Thăng Long cũ) nằm trong "tầm ngắm" của họ. 

Trường Thăng Long vào thời điểm đó là một trường nhỏ, chỉ có đến bậc thành chung nên để mở mang tầm hoạt động, cả nhóm bàn với Hiệu trưởng Phạm Vũ Ninh nâng lên bậc tú tài. Trong bối cảnh khi đó, việc xin phép mở rộng trường sở hết sức khó khăn. Cơ sở vật chất lại rất thiếu thốn. Nhà cửa, bàn ghế, học cụ đều phải mua sắm trong khi thành viên của hội đều là những trí thức, lớp người vốn không dư giả về tiền bạc. Thế là hội viên A.D.E.L. phải bàn nhau đóng góp mỗi người một ít. Tuy nhiên tiền như muối bỏ bể, số tiền gom góp chẳng thấm tháp vào đâu.

Đúng lúc khó khăn đó, rất may mắn là kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện vận động được một nhà thầu khoán đứng ra nhận xây dựng, sửa chữa nhà trường và kinh phí được trả dần về sau. Khi trường xây dựng xong, anh em cử ông Nguyễn Bá Húc, người có bằng cử nhân toán học đứng danh nghĩa hiệu trưởng. Được một thời gian ngắn, do ông Húc bị ốm nặng nên Hoàng Minh Giám được cử lên gánh vác công việc. 

Năm 1935, khóa học đầu tiên khai giảng trở thành một sự kiện vang động ở Hà Nội lúc bấy giờ. Phần vì quy tụ được nhiều trí thức có uy tín đến giảng dạy, phần vì quý mến cái tinh thần, cái tư tưởng "nghĩa thục" nên số người đến dự học lên đến hơn hai ngàn người từ nhiều địa phương trong cả nước. Một học sinh của khoá học đầu tiên sau này kể lại rằng, đó là "một ngày đáng nhớ nhất" trong cuộc đời của ông.

Những năm sau này ngay cả những lúc khó khăn nhất, nhà trường vẫn luôn duy trì được một đội ngũ đông đảo các trí thức yêu nước đến tham gia giảng dạy như Phan Thanh, Nguyễn Bá Húc, Phan Mỹ, Khuất Duy Các, Lâm Đăng Dụ, Trương Đình Sửu, Vũ Bội Liên, Hoàng Như Tiếp, Vũ Như Trình... Trong số các giáo sư của trường, nhiều vị sau này từng giữ những trọng trách của đất nước hoặc đảm nhiệm những nhiệm vụ nặng nề như các ông: Võ Nguyên Giáp, Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Xiển, Nguyễn Cao Luyện, Phan Anh, Nguyễn Lân, Vũ Đình Hoè, Xuân Diệu, Lê Thị Xuyến... Đặc biệt, cụ Phó bảng Bùi Kỉ cũng được mời tham gia giảng dạy.

Nơi ươm mầm cộng sản

Ngay từ ban đầu, Hoàng Minh Giám và các bạn của mình đã xác định việc mở trường Thăng Long nghĩa thục nhằm hai mục đích. Một là truyền bá kiến thức cho cộng đồng và hai là tuyên truyền lòng yêu nước, thương dân và căm thù thực dân Pháp xâm lược. Vì vậy, trường đã khôn khéo tách rời phương pháp giáo dục của Pháp đang áp dụng ở Việt Nam khi đó mà chủ động xây dựng giáo trình giảng dạy riêng.

Nếu như chính sách giáo dục của Pháp khi đó chủ trương tập trung vào các môn như ngôn ngữ, lịch sử, văn học, địa lý... của nước Pháp thì trong giáo trình của tư thục Thăng Long lại chủ trương đầu tư sâu cho các môn khoa học tự nhiên như toán, vật lý, hóa học, đặc biệt chú trọng đến lịch sử, địa lý, văn học của Việt Nam. Ngay cả khi phải dạy văn chương, lịch sử nước Pháp, các giáo sư đều có ý thức khắc sâu điểm tiến bộ nhưng cũng đồng thời khéo léo gạt bỏ những quan niệm sai trái, không có lợi cho học sinh.

Trong nhiều trường hợp, các thầy không ngần ngại bày tỏ thẳng thắn những quan điểm chính trị, văn hóa tiến bộ của mình và điều đó đương nhiên không làm hài lòng thực dân Pháp.

Về phương pháp giảng dạy, cùng với việc thức tỉnh lòng yêu nước, căm ghét ngoại bang, các thầy còn tìm mọi cách để chống lại quan điểm giáo dục nhồi sọ, tư tưởng nô lệ, tôn thờ "nước mẹ đại Pháp". Không dừng ở đó, nhà trường còn vận động một đội ngũ đông đảo các giáo viên và học sinh tham gia Hội truyền bá quốc ngữ, nơi có rất nhiều cán bộ Việt Minh đang hoạt động bí mật. Đồng thời nhiều giáo viên của trường vốn là hạt nhân của phong trào cách mạng mà tiêu biểu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có thể nói, đây là một trong những nơi "ươm mầm cộng sản". 

Mười năm sôi động

Đoán biết được ý đồ của những người sáng lập trường tư thục Thăng Long nên ngay từ ngày mới thành lập, thực dân Pháp đã chủ tâm theo dõi và luôn tìm mọi cách gây khó dễ. Ngoài việc răn đe, hù doạ, chúng còn cho cả bọn mật thám trà trộn vào lớp học sinh lớn tuổi để dò la tin tức và phá hoại phong trào. Hầu như năm nào Sở mật thám Pháp cũng mời một số thầy giáo đến để cảnh cáo về việc đã "đi quá những điểm nhà nước Pháp quy định".

Đã không ít lần, một số thầy giáo bị bắt giam, thậm chí có người bị đưa đi mà không thấy trở về. Có thầy bị trục xuất khỏi Bắc kỳ. Để đảm bảo an toàn cho các cơ sở cách mạng hoạt động trong  trường, là hiệu trưởng, Hoàng Minh Giám phải hoạt động rất thầm lặng. Thậm chí, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đó đã có lần viết thư ngụ ý khuyên Hoàng Minh Giám nên "đứng ngoài cuộc chơi bóng này nếu không muốn việt vị". Đó là ý kiến của tổ chức và Hoàng Minh Giám đã tuân thủ.

Tuy chỉ tồn tại 10 năm (1935 - 1945) nhưng Trường tư thục Thăng Long đã sống trong một giai đoạn cực kỳ sôi động với những biến cố lịch sử hệ trọng của đất nước và cả thế giới như Phong trào Đông du, Khởi nghĩa Yên Bái, Xô viết Nghệ Tĩnh, Mặt trận bình dân, Mặt trận phản đế phản phong... và cuộc Đại chiến thế giới lần thứ hai.

Bằng cách giảng dạy khi thì trực tiếp, khi thì gián tiếp khơi gợi lòng yêu nước, thương dân, nhà trường không chỉ đơn thuần là nơi truyền bá kiến thức mà dần dần trở thành hạt nhân nhỏ của cách mạng Việt Nam. Những hoạt động chính trị yêu nước như một làn sóng ngầm ngày càng lớn mạnh trong hàng ngũ thầy trò ở đây.

Thành lập Đảng Xã hội Việt Nam

Trở lại những năm đầu thập kỷ ba mươi của thế kỉ XX, những người Pháp có tư tưởng tiến bộ đã lập ra Hội Tam điểm. Đây là một hội kín, được thành lập với mục đích vì sự tự do, bình đẳng, bác ái, vì một xã hội không vua quan. Các thành viên của hội coi nhau như anh em. Để giữ bí mật, khi ký tên họ không ghi rõ mà chấm ba chấm nên gọi là hội "Tam điểm". Hoàng Minh Giám là thành viên của hội này.  

Năm 1936, Đảng Xã hội Pháp (SFIO) thành lập một chi nhánh ở Bắc kỳ do Louis Caput làm thư ký và chi nhánh này chủ trương kết nạp một số trí thức Việt Nam vào Đảng Xã hội. Hoàng Minh Giám quen biết Caput vì khi đó Caput là giáo sư ở Sở Giáo dục Bắc kỳ thỉnh thoảng đến Trường tư thục Thăng Long công cán. Có lẽ cũng vì mối quen biết này nên Hoàng Minh Giám đã gia nhập Đãng Xã hội Pháp và giữ chức Phó thư ký chi nhánh Bắc kỳ.

Sau khi Cách mạng Tháng tám thành công, tháng 5/1946, Hội liên hiệp Quốc dân Việt Nam được thành lập và hai tháng sau đó, tháng 7/1946, Đảng Xã hội Việt Nam cũng được thành lập. Mục đích thành lập Đảng xã hội Việt Nam là nhằm tập hợp những trí thức yêu nước trong một tổ chức chính trị thích hợp, thành viên của Mặt trận dân tộc thống nhất, tạo điều kiện cho giới trí thức có điều kiện đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đầu năm 1947, Đảng Xã hội Việt Nam đã tổ chức Đại hội ở Bắc Kạn để khẳng định quyết tâm cùng toàn dân kháng chiến cứu nước, chống thực dân xâm lược. Tại đại hội này, Hồ Chủ tịch đã cử Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố thay mặt Bác và Chính phủ đến đọc và trao cho Đại hội một bức thư, trong đó Hồ Chủ tịch tỏ ý "vui lòng thấy các đồng chí đảng viên Đảng Xã hội hăng hái bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ nhưng nhất định thắng lợi". 

Với tôn chỉ yêu nước, tiến bộ, tự nguyện phấn đấu cho độc lập, tự do thừa nhận đường lối cách mạng đánh đổ đế quốc, tiêu diệt phong kiến, xây dựng một chế độ dân chủ nhân dân, có thể nói, suốt quá trình hơn bốn mươi năm tồn tại, Đảng Xã hội đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Bùi Hoàng Tám

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm