1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Giáo sư Tạ Quang Bửu với triết lý: Sống là gì và Làm gì trong lúc sống?

Kỳ cuối: Vị Bộ trưởng của một thời rực rỡ

(Dân trí) - Suốt trong những năm chống Mỹ ác liệt, phẩm chất bác học trong con người Tạ Quang Bửu lại càng bộc lộ rõ nét. Ông là người có những đóng góp lớn trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật quân sự, đồng thời cũng là người xây dựng được một nền giáo dục đại học trong kháng chiến chống Mỹ, là Bộ trưởng Bộ Đại học & Trung học chuyên nghiệp đầu tiên... Cho đến những ngày cuối đời, Tạ Quang Bửu hầu như dành thời gian cho khoa học.

Người uyên bác nhiều lĩnh vực

Nhắc đến Tạ Quang Bửu, các GS tên tuổi của Việt Nam đều kính cẩn dành cho ông tình yêu mến đối với người thầy, người anh lớn. Bởi ông uyên bác nhiều lĩnh vực và gần như lĩnh vực nào cũng có thể giải đáp rõ ràng. Nhiều học trò thường ví ông như "Lê Quý Đôn của thời đại Hồ Chí Minh" với câu: "Thiên hạ vô tri vấn Bảng Đôn" (Thiên hạ có điều gì không biết đến hỏi Bảng nhãn Lê Quý Đôn). Vì vậy, khi có khó khăn, họ đều tìm gặp GS. Tạ Quang Bửu là mọi chuyện đều được giải đáp.

Tạ Quang Bửu chẳng những thông hiểu lịch sử Việt Nam mà còn hiểu sâu sắc lịch sử của hai cuộc chiến tranh thế giới. Về cổ học, ông đọc được Luận ngữ, Đại học, Trung Dung, Mạnh Tử, Đạo đức kinh, Nam Hoa kinh... trong nguyên bản Hán ngữ. Là lãnh đạo Uỷ ban Khoa học Nhà nước, ông trực tiếp làm trưởng ban Sinh vật - Địa học. Các bài giảng của ông về sinh học hiện đại khi thuyết trình tại các hội thảo toán học, người nghe vừa ngạc nhiên vừa khâm phục kiến thức uyên bác và cập nhật của ông... Nhà thơ Huy Cận, người có nhiều dịp gần gũi với GS. Tạ Quang Bửu, gọi ông là "Một nhà trí thức lỗi lạc, một người bạn chân tình, một người đồng hương hiếu học".

Khi GS. Bửu là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thì nhà thơ Huy Cận là Thứ trưởng, Tổng Thư ký Hội đồng Chính phủ. Nhắc đến đức tính hiếu học trong con người ông thì có lẽ khó có người sánh kịp. Huy Cận miêu tả sự ham học hỏi ấy: "Anh Bửu say sưa nghiên cứu toán học, đi họp Hội đồng Chính phủ, anh cũng mang theo những quyển sách Toán để nghiền ngẫm những giờ rỗi". Chính vì sự ham học hỏi, ham hiểu biết phi thường nên ông được nhắc đến như tấm gương sáng trong học tập, nghiên cứu.

Xây dựng nền giáo dục trong chiến tranh

Năm 1956, sau khi miền Bắc được giải phóng, GS Tạ Quang Bửu là Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội (một số tài liệu ghi là Hiệu trưởng), đồng thời là Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Khoa học Nhà nước. Ông là Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (Bộ ĐH&THCN) từ năm 1965 đến năm 1976. Dẫu vậy, ngay cả khi bận công việc chính sự, ông vẫn dành thời gian đem kiến thức của mình truyền thụ lại cho các thế hệ học trò.

Thời kỳ Tạ Quang Bửu nhận trách nhiệm Bộ trưởng Bộ ĐH&THCN cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang vào hồi khốc liệt nhất. Thế nên dù không còn làm việc trong Bộ Quốc phòng, GS. Bửu vẫn tham gia giải quyết những vấn đề khoa học kỹ thuật quân sự nóng bỏng nhất của thời cuộc lúc đó. Mùa hè năm 1972, Tổng thống Mỹ Nixon ra lệnh thả thuỷ lôi trên sông biển nước ta và phong toả cảng Hải Phòng. Giáo sư đã trực tiếp chỉ đạo một tổ nghiên cứu thiết kế, chế tạo khí tài phá thuỷ lôi (mật danh GK1), phá bom từ trường (mật danh GK2) do Tiến sĩ Vũ Đình Cự làm tổ trưởng.

Nhưng thành công lớn lao mà nhiều người nhắc tới hơn cả là ông đã xây dựng được nền đại học trong kháng chiến chống Mỹ, góp phần vào sự nghiệp đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật nước ta.  Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Minh Hiển nhận xét: "Đây là thời kỳ mà cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam ta đang diễn ra với quy mô và mức độ khốc liệt nhất, nhưng sự nghiệp giáo dục ĐH&THCN của chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ".

Bộ ĐH&THCN ngay từ khi thành lập đã gánh trách nhiệm lớn: duy trì mọi hoạt động giáo dục và đào tạo, đảm bảo nhu cầu cán bộ khoa học cho tiền tuyến cũng như hậu phương; bảo vệ đội ngũ cán bộ giảng dạy và học sinh, sinh viên cũng như cơ sở vật chất hiện có; chuẩn bị cho sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh.

Và chính trong những tháng ngày ác liệt này, GS Tạ Quang Bửu đã quy tụ được rất nhiều trí thức phục vụ cho đất nước, cho cuộc chiến chính nghĩa chống lại đế quốc. Ông có công lớn trong việc huy động tiềm lực khoa học của các trường phục vụ kháng chiến, xây dựng đất nước. Ông giao nhiệm vụ cụ thể cho mỗi trường: ĐH Bách Khoa nghiên cứu kỹ thuật rà phá bom mìn; ĐH Xây dựng nghiên cứu các phương pháp thiết kế cầu đường, thi công, bảo dưỡng dã chiến, ĐH Tổng hợp nghiên cứu nổ mìn định hướng, nguỵ trang chống bom điều khiển...

Kỳ cuối: Vị Bộ trưởng của một thời rực rỡ - 1

GS Tạ Quang Bửu (ngoài cùng bên trái) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (giữa) cùng các phóng viên Liên Xô (1955).

 

Những công trình lớn

Theo sự chỉ đạo của Giáo sư Tạ Quang Bửu, hệ thống các ban thư kí các bộ môn và các ngành đào tạo được thành lập. Hệ thống này có nhiệm vụ cải tiến chương trình đào tạo đồng thời tập hợp các cán bộ có trình độ cao và kinh nghiệm giảng dạy để biên soạn các giáo trình... Những năm đầu của thập kỉ 70 (thế kỉ XX), Giáo sư Bửu đã tổ chức một loạt các cuộc hội thảo về phương pháp giảng dạy đại học. Chủ trương mở rộng quy mô đào tạo bằng việc lập nhiều trường chuyên ngành đã được phối hợp chặt chẽ với chính sách tuyển chọn mỗi năm hàng trăm sinh viên, cán bộ ưu tú để gửi đi đào tạo tại nước ngoài. Nhiều chủ trương của ông, tới tận bây giờ vẫn phát huy tính đúng đắn.

Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ với tập hợp các công trình "Giới thiệu khoa học kĩ thuật hiện đại (sau 1945), chỉ đạo các nhiệm vụ quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và những quan điểm xây dựng ngành Đại học và Trung học chuyên nghiệp nước nhà". Các công trình của ông được đánh giá là đã định hướng phát triển một số ngành khoa học cơ bản; chỉ đạo kỹ thuật việc rà phá bom mìn phong toả Vịnh Bắc Bộ và chỉ đạo những nhiệm vụ kỹ thuật quan trọng khác trong kháng chiến chống Mỹ. Những ý tưởng chỉ đạo của ông về bồi dưỡng nhân tài, chú trọng phát triển các công trình khoa học trọng điểm, về hợp tác khoa học, kỹ thuật với nước ngoài cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Làm việc đến những ngày cuối đời

GS Văn học Nguyễn Thạch Giang kể lại rằng, bất kỳ lúc nào đến nhà Tạ Quang Bửu cũng thấy ông không viết thì đọc sách. Về Tạ Quang Bửu, GS. Giang kể: "Mùa hè bao giờ cũng áo may ô, quần đùi, suốt ngày ngồi ở bàn làm việc. Có lần tôi khuyên anh nghỉ ngơi, anh chỉ cười, nheo mắt đọc cho tôi nghe cả một đoạn bài ký của Phạm Trọng Yêm như là một lời tâm sự, giải thích".

Khoảng gần một tháng trước khi GS. Tạ Quang  Bửu qua đời, ông Thạch Giang ghé thăm GS, chẳng ngờ đó lại là lần cuối: "Sáng ngày 23/5/1986 tôi đến thăm anh. Vẫn như những lần khác, anh quần đùi, áo may ô, bò ra trên bàn làm việc, giải các phương trình toán lý".

Một con người, như lời kể của ông Tạ Quang Chính- con trai GS Tạ Quang Bửu- "Chỉ đến những ngày cuối đời mới rõ giá 1kg gạo", cả một đời người chỉ biết tới khoa học, tới những chân trời trí thức mới. Ông ra đi vào ngày 21/8/1986, để lại cho đời, cho những bạn bè đồng nghiệp, những lớp học trò, cho thân nhân niềm thương tiếc vô hạn.

Thời gian không ngừng chảy và vạn vật luôn luôn biến đổi. Những nhà khoa học chân chính vẫn luôn tìm kiếm những chân trời trí thức mới trong bể học vô bờ. Trong họ, Tạ Quang Bửu mãi là người thầy, người anh lớn. Ngoài đường phố Tạ Quang Bửu, ở Đại học Bách Khoa Hà Nội hiện giờ đã có một thư viện tầm cỡ quốc gia mang tên ông.

Lê Bảo Trung