1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kỳ 2: Nước mắt trùng phùng

(Dân trí) - Ngày đặt bia tưởng niệm 10 liệt sĩ nguyên là cán bộ, nhân viên tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà cũ tại căn cứ Hòn Tàu, không ai kìm được xúc động trước những giọt nước mắt trùng phùng của người thân, đồng đội.

Trước bia mộ những người đã khuất, bao nhiêu năm đợi chờ, bao nhiêu đau thương, bao nhiêu lần ngược xuôi Nam - Bắc kiếm tìm, bao nhiêu lần thất vọng rồi hy vọng, bao nhiêu nguyện ước… lại tuôn trào.

“Tôi đã tìm được nơi cha tôi ngã xuống”

Từ đất cảng Hải Phòng tất tả vào miền Trung khi bắt được tia hy vọng tìm được mộ cha sau bao năm tìm kiếm, câu chuyện của anh Hoàng Hữu Nam, con trai của liệt sĩ Hoàng Văn Đáo (bút hiệu Hoàng Quốc Thăng) là câu chuyện về một cuộc trùng phùng diệu kỳ.
 
Kỳ 2: Nước mắt trùng phùng - 1
Vẫn còn 5 liệt sĩ phải vùi xác trong hang, không lấy được hài cốt.

Trong khói hương nghi ngút giữa núi rừng Hòn Tàu, anh kể: "Từ mùa hè năm 1972, mẹ tôi không còn nhận được thư cha tôi nữa. Mẹ nói, dù đang ở chiến trường miền Bắc, dù đã vào chiến trường miền Nam, miền Trung, cha tôi vẫn thường xuyên viết thư gửi về nhà. Nhưng gần 40 năm nay rồi, quê nhà bặt tin cha. Đất nước hòa bình, không thấy người trở về.

Linh tính chuyện không lành, mẹ lặng lẽ đặt bàn thờ cha và vô vọng việc tìm hài cốt cha tôi. Biết đâu mà tìm. Bao nhiêu năm mẹ mỏi mòn. Người ra đi chỉ còn lại những cánh thư ngày cũ.

Tôi cũng chẳng đành lòng. Tôi chưa kịp nhớ mặt cha. Khi cha ra đi, tôi còn là đứa trẻ. Mãi đầu năm 2007, qua báo đài, cả gia đình tôi nuôi niềm hy vọng tìm được cha qua thông tin các nhà ngoại cảm có thể lần tìm được mộ người đã khuất.

Đang là bộ đội, tôi xin phép nghỉ công tác, tạm gác lại những việc khác, tôi lên đường theo các nhà ngoại cảm tìm cha. Bao nhiêu bận, đã tìm được đến các huyện Điện Bàn, Đại Lộc (Quảng Nam), có lúc tưởng gần như đúng rồi khi so với nội dung những bức thư cuối cùng cha tôi gửi về quê nhà nhưng lại thất vọng.

Tôi về lại nhà, day dứt khôn nguôi. Rồi phép nhiệm màu cho tôi đọc được bài báo viết về việc tìm kiếm các liệt sĩ ngành tuyên huấn của các cơ quan tuyên giáo, báo chí tại Đà Nẵng và đồng đội của người đã khuất. Tôi có hy vọng rồi, tôi tất tả liên lạc rồi vào miền Trung nhập cuộc kiếm tìm. Hôm nay đây, tôi đã tìm được nơi cha tôi ngã xuống".

Tiếp lời anh Hoàng Hữu Nam, nhà báo Trương Ngọc Phương, Phó Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng, một trong những đồng đội cũ đã chứng kiến sự hy sinh của các liệt sĩ bồi hồi: “Nhận được điện thoại của con trai anh Hoàng Quốc Thăng. Bây giờ đã xác định được tên thật là Hoàng Văn Đáo. Mừng quá! Đã có thông tin về gia đình từ quê hương anh rồi. Tôi sững sờ không tin nổi vào tai mình. Nhưng đó là sự thật!”.

Giữa khoảng đất trống được xác định là nơi đã chôn cất 5 liệt sĩ hy sinh ngoài hang điện đài, ông Lê Trung Đào nghẹn ngào thắp nén hương nơi có hòn đá vừa đánh dấu son đỏ tươi xác định là nơi chôn cất em gái ông, liệt sĩ Lê Thị Toán. “Năm ấy, em gái tôi mới 16 tuổi, nhỏ nhất trong các cán bộ, nhân viên tuyên huấn đang trực chiến tại đây. Em theo tôi đi kháng chiến chống Mỹ. Nhưng khi em mất, tôi chẳng hề hay biết. Khi ấy, địch bắt tôi tù Côn Đảo. Em tôi đây, chỗ này em tôi nằm đây”, ông Đào thổn thức.

“Có phép màu nào không, cho con lật được tảng đá này tìm cha”

Trong lúc thân nhân những liệt sĩ hy sinh bên ngoài hang điện đài tìm cách đưa di cốt người đã khuất về quê nhà thì thân nhân các liệt sĩ hy sinh trong hang vẫn còn day dứt, trăn trở khôn nguôi.

5 liệt sĩ Hoàng Kim Tùng, Hoàng Văn Đáo , Nguyễn Bá Tiệp, Nguyễn Vinh, Võ Công Thu hy sinh trong hang điện đài bị những khối đá to lăn đè lên thân người, không cách nào lấy được hài cốt ra ngoài chôn cất.

Đồng đội, gia đình và cơ quan chức năng đã bàn nhiều phương án nhưng chưa tìm được cách khả thi. Dùng máy ủi, xe cẩu xúc đá thì không được vì không có đường cho xe lên núi trong khi đi bộ leo núi băng rừng đã khó.

Mở đường thì không đủ điều kiện vật chất. Nếu đục chẻ đá theo cách thủ công thì không có thế đứng an toàn cho thợ chẻ đá vì tảng đá này chồng chênh vênh trên tảng đá khác, rất cheo leo…

Cả gia đình anh Hoàng Tuấn Anh, con trai liệt sĩ Hoàng Kim Tùng, mấy lần lên xuống Hòn Tàu từ cuối năm 2009 trải bao khó nhọc đã thỏa nguyện tìm được nơi cha ngã xuống nhưng còn đó day dứt khôn nguôi.
Kỳ 2: Nước mắt trùng phùng - 2
Dưới mỗi hòn đá được đánh dấu son đỏ này là một xác người đã ngã xuống cho quê hương, đất nước.

Trước bia mộ vừa gắn vào đá núi, nhà văn Hồ Duy Lệ không kìm được xúc động: “Anh Tùng, con trai anh đây, thằng Hờ Ru năm ấy, anh lấy tên con trai anh hùng Núp đặt biệt danh cho đứa con trai 3 tuổi mỗi khi anh em ta ngồi giữa núi rừng căn cứ kể chuyện gia đình, quê hương. Hờ Ru năm ấy mới 3 tuổi của anh bây giờ đã hơn 40 tuổi, dẫn cả vợ, con mấy lần mấy lượt tìm thăm anh”.

Anh Hoàng Tuấn Anh bần thần bên bàn thờ lễ đặt bia tưởng niệm còn nghi ngút khói hương. Chị Hà, vợ anh nghẹn ngào: “Làm cách nào đây. Có phép màu nào không cho con lật được tảng đá này tìm cha”.

Anh Hoàng Hữu Nam, con trai liệt sĩ Hoàng Văn Đáo trút lời tâm sự như tự an ủi mình: “Nhà mình ở Hải Phòng, xa quá nơi này, ai cũng nguyện được đưa người đã khuất về nằm trên đất quê. Nhưng giờ biết làm sao. Mẹ ở quê nhà đã tuổi cao sức yếu, không thể thường xuyên vào Trung leo núi thăm mộ cha. Nhưng cầu mong linh hồn cha được an ủi vì con đã tìm được nơi cha ngã xuống. Bên cha, vẫn còn nhiều anh linh của đồng đội.”

Trên lưng chừng Hòn Tàu, sau gần 40 năm, 10 liệt sĩ ngành tuyên huấn đã hy sinh và nằm lại nơi đây sau trận bom thù ác liệt mùa hè năm 1972, ai nấy nghiêng mình trước bia tưởng niệm anh linh những người đã khuất.

Ông Võ Công Trí, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, thay mặt Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng và Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Quảng Nam, đồng đội cũ trong cơ quan tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà cũ tri ân: “38 năm qua, các anh, chị đã yên nghỉ nơi đây. Và đã 35 năm đất nước sạch bóng quân thù, hòa bình, độc lập. Các anh, chị có thể thanh thản, nhẹ nhàng vì đã hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ của mình trong công tác tuyên huấn trên mặt trận tư tưởng vì ngày giải phóng toàn đất nước không còn bom đạn chiến tranh, hy sinh, mất mát.

Khu căn cứ Hòn Tàu này, ngay nơi các anh chị đã ngã xuống, sẽ là Địa chỉ đỏ của ngành Tuyên giáo Đà Nẵng, Quảng Nam… Chúng tôi chân thành cám ơn sâu sắc những gia đình có những người con ưu tú đã cống hiến tuổi thanh xuân, quên mình vì quê hương, đất nước. Xin chia sẻ đau thương, mất mát đến những người mẹ đã da mồi, tóc bạc hàng chục năm trời nhớ con, những người vợ đã khô dòng nước mắt đợi chờ, những người con đơn côi chỉ biết đến cha qua những bức ảnh chân dung đã phai nhòa theo năm tháng”.

Chúng tôi thả bộ dốc núi rời Hòn Tàu, ai đó trong đoàn bật thốt: “Đi nhè nhẹ thôi. Dọc đường chúng ta đi, đã từng biết bao người ngã xuống trong bom đạn chiến tranh”. Dưới chân Hòn Tàu, sen mùa hạ tỏa hương ngát đồng như quyến luyến. Một địa chỉ đỏ vừa được xác định trên lưng chừng núi. Sẽ còn nhiều chuyến “về nguồn”.
 
10 liệt sĩ trên tấm bia tưởng niệm tại căn cứ núi Hòn Tàu:
 
- Hoàng Kim Tùng (quê Quảng Trị, nguyên cán bộ Ban Tuyên huấn, Bí thư Chi bộ Báo Gải phóng Quảng Đà cũ),

- Nguyễn Bá Tiệp (quê Hà Nội, cán bộ Đội chiếu bóng),

- Hoàng Văn Đáo (bí danh là Hoàng Quốc Thăng, quê Hải Phòng, chuyên viên điện đài thuộc Thông tấn xã Giải phóng khu V, thường trú tại Quảng Đà);

- Nguyễn Vinh (quê Nam Hà, cán bộ Đội chiếu bóng),

- Võ Công Thu (quê Quảng Nam, nhân viên báo vụ TTX Giải phóng)

- Nguyễn Thị Hồng (quê Duy Xuyên, Quảng Nam, nhân viên cấp dưỡng)

- Lê Thị Toán (quê Duy Xuyên, Quảng Nam, nhân viên tuyên huấn)

- Phạm Phô (quê Điện Bàn, Quảng Nam, nhân viên tuyên huấn)

- Võ Văn Ẩn (quê Điện Bàn, Quảng Nam)

- Một đồng chí tên Tân.

Khánh Hiền