1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Kỷ niệm ngày Nhà báo Việt Nam 21/6:

“Không được run tay, cùn bút trước thế lực xấu”

(Dân trí) - Đầu những năm 2000, bỗng xuất hiện nhiều “nhà ngoại cảm” có tài tiên đoán hậu vận, tương lai, tìm mồ mả. Trong số đó có “cô Phương” ở Thanh Hoá được đồn đại là có biệt tài “gọi hồn người chết”, dù mới chết hay chết đã lâu và dù chết gần hay xa, thậm chí chết tận bên Nhật, bên Mỹ… cô cũng gọi được hồn về cho người thân “nói chuyện”.

“Cô Phương” nổi lên như một hiện tượng, đến nỗi người ta đã cho thành lập nhiều đoàn nghiên cứu về “cô”, sau đó in tài liệu tán dương, phát tán nhiều nơi, gây xôn xao dư luận. Vì vậy có rất nhiều người ở khắp các địa phương xa gần kéo về để nhờ cô gọi hồn, gây mất an ninh trật tự và hoang mang trong nhân dân...

 

Trước thực trạng đó, là một nhà báo đã có nhiều năm làm việc tại địa phương, tôi quyết tâm tìm hiểu sự thực hiện tượng “Cô Phương Thanh Hoá” để nêu ra trước công luận.

 

Nhập cuộc

 

“Đại bản doanh” của “Cô Phương” đóng ở xã Hoàng Long, thuộc địa phận huyện Hoàng Hoá, tỉnh Thanh Hoá, ngay sát đường lớn, bao gồm một “toà ngang dãy dọc”, có cả vườn cây ao cá khá rộng rãi. Khi tôi đến nơi, đã thấy trên đường cái la liệt những ô tô biển số các tỉnh, đậu nối đuôi nhau hàng dãy. Còn xe máy thì được chen nhau chật hẳn một bãi gửi rộng, có người trông coi ghi số hẳn hoi. Hệ thống quán cơm, nhà trọ xung quanh hoạt động ỳ xèo, người ăn kẻ uống tấp nập y như một thị tứ...

 

Sau hai ngày đóng vai một “con nhang đệ tử” đang có nhu cầu gọi hồn người nhà, tôi lê la khắp xóm, thuê nghỉ ở nhà trọ (của người nhà “cô Phương”), nghe đủ thứ chuyện trên trời dưới đất của các bác xe ôm, bà bán nước, cô bán cơm, anh chữa xe… (sau này với biết toàn là “chân gỗ” của cô Phương cả). Đến ngày thứ ba, tôi bắt đầu tham dự một buổi gọi hồn của “cô Phương”.

 

Đầu tiên, tôi phải qua thủ tục “báo cáo thần linh” bằng cách mua một “lễ vật” bao gồm một chiếc túi ni lông, trong đó có sẵn gói bánh, kẹo, vàng hương, chai rượu… tổng cộng vài chục ngàn đồng, của một quán người nhà “cô Phương” bán. Mua được lễ vật rồi, theo dòng người, tôi đến đặt vào cái miếu nhỏ giữa sân nhà cô. Đồng thời viết một tờ giấy nhỏ, ghi rõ tên tuổi, nơi ở, muốn gọi hồn của ai, rồi đứng trước miếu mà đọc. Sau đó chỉ việc ngồi mà đợi, khi nào “cô” gọi thì vào nói chuyện với hồn. Tuy vậy, có người cũng phải đợi đến vài ngày mới đến lượt. Có người đợi mãi không được đành bỏ về…

 

Những chiêu thức của “cô Phương”

 

Mất một ngày chờ, vì hôm ấy cô “ươn mình” nên nghỉ không “làm việc”. Ngày hôm sau, khoảng 9 giờ sáng, đang vạ vật trước sân thì tôi nghe tiếng lao xao: “Cô ra, cô ra”. Đó là lần đầi tiên tôi được ngắm “dung nhan” cô. “Cô Phương” là một phụ nữ khoảng ba mươi tuổi, dong dỏng cao, nét mặt đẹp và sắc sảo, trang điểm cầu kỳ, ăn vận khá “mô đen” từ nhà trên xuất hiện, đủng đỉnh đi xuống gian nhà ngang nơi dùng để gọi hồn. Tôi thầm nghĩ: “Trông cô thế kia, chả trách có khối ông có chức có tiền cứ “theo” chết mê chết mệt”. Người người xô đẩy nhau ào đến. Tôi cũng nhanh chân chiếm được một vị trí trên nền xi măng trước mặt cô.

 

Đám đông im lặng dần, còn “cô” thì  ngồi xuống một tấm thảm trước cái điện thờ rõ to. Chẳng chú ý đến ai, đầu tiên, “cô Phương” nhét chiếc băng cát-xéc vào cái máy để bên cạnh, bật phím ghi âm rồi trùm lên đầu chiếc khăn nhiễu đỏ. Đám đông im phăng phắc. Ngồi bất động như tượng một lúc, bỗng người “cô” rung lên bần bật, “cô” hét lên the thé:

 

-         Mão đây, Mão về rồi đây. Ai là người nhà ra đón Mão nào…

 

Bên dưới, mọi người giục nhau:

-         Kìa, ai có mẹ (hay bố, hoặc người thân nào đó đã chết) tên là Mão thì nhận đi kìa…

 

Ngay lúc đó có một cô gái từ bên ngoài chạy bổ vào, hét khản giọng:

-         Mẹ ơi, con Hương đây, con đợi đã 3 ngày nay rồi… Có phải mẹ Mão ở Làng Chiểu, Yên Thành không ạ?

 

Lập tức “cô Phương” - lúc này đã là hồn của bà Mão - kêu tướng lên:

-         Trời ơi, Hương đấy hả con, mẹ đây, Mão ở làng Chiểu chứ còn ai, con đi đâu mà để mẹ đợi mãi vậy? Không nhận ra mẹ nữa à? Cha tiên nhân con với cái, mới xa mẹ có… có bấy nhiêu năm mà đã quên mẹ mất rồi… Hu hu hu, con ơi là con ơi…

 

Cô gái tên Hưong cũng oà khóc, lao tới ôm chầm lấy “hồn”. Nhiều người ngồi gần xúc động trước cảnh mẹ con gặp gỡ, cũng sùi sụt khóc theo. Hai “mẹ con” khóc lóc kể lể một hồi lâu. Mãi hồn mới “thăng”, sau khi đã dặn dò cô gái thỉnh thoảng đến đây để gặp mẹ.

 

Khi hồn đã “thăng” rồi, “cô Phương” hất chiếc khăn đỏ ra khỏi đầu, lại trở lại là “cô Phương”. “Cô” có vẻ hơi mệt, mặt “cô” hơi tái đi. “Cô” uể oải ngáp một cái đến sái cả quai hàm, rồi rút trong máy chiếc băng cát-xéc đưa cho Hương mang về bật cho người nhà cùng nghe. Rõ là một cách “tuyên truyền” khéo léo và hiệu quả. Còn cô gái tên Hương trước khi ra về, cũng không quên gửi tiền lễ và tiền băng cho “cô”. Cứ mỗi cái băng như vậy  là hai chục ngàn đồng, còn tiền lễ thì “tuỳ tâm”.

 

Ngồi nghỉ chừng 5 phút, sau đó, “Cô Phương” lại đút chiếc băng cát xéc khác vào máy để dành cho người kế tiếp. “Cô” tiếp tục đội chiếc khăn đỏ lên đầu. Chỉ giây lát sau, một “hồn” khác lại nhập vào “cô”, xưng tên là Tuất.

 

Lần này thì có hai người cùng nhận, một anh thanh niên ở mãi tận Nam Định nhận là bố Tuất, và một người phụ nữ ở Đông Sơn, Thanh Hoá nhận Tuất là em gái. Hình như “hồn” hơi lưỡng lự một lát, không biết nên nhận con hay nhận chị. Nhưng ngay lập tức sau đó, “hồn” đã nói dứt khoát:

-         Ta là Tuất nữ, là em gái của chị đây chứ không phải là bố của ai đâu nhé…

 

Thế là anh thanh niên mừng hụt, tẽn tò quay ra. Còn người phụ nữ thì phấn khởi ra mặt, xoắn lấy “cô em ruột” mà trò chuyện. Khóc lóc, kể lể…

 

Cứ thế, “Cô Phương” “làm việc” không ngừng, liên tiếp cứ hồn này “thăng”, hồn sau lại “nhập”. Có lúc hồn về chẳng ai nhận, có lúc một hồn lại vài ba người tranh nhau. Quan sát một hồi, tôi nhận ra rằng, “cô Phương” quả là láu cá. Cô ta cứ kêu bừa một cái tên hú hoạ nào đó, ai có thì nhận, cô sẽ “trông mặt mà bắt hình dong”, bịa chuyện tào lao na ná giống nhau, chủ yếu là khóc lóc những nhớ cùng thương, còn mọi người gặp “hồn” nhà mình thì mừng quýnh, mấy ai còn tâm trí đâu mà suy xét…

 

Chính điểm này làm cho cô nổi tiếng là “gọi hồn không cần hỏi tên tuổi”. Biết thóp vậy, tôi quyết định tương kế tựu kế, sẽ nhận bừa là người nhà của một hồn nào đó…

 

Sau khi nghỉ uống hết một chai nước ngọt, “cô” lại “làm việc” tiếp. Lần này khi “hồn” vừa kêu bằng giọng khàn nhàn ra cái điều ta là nam giới: “Bình đây, Bình về đây”, tôi vội vàng nhanh miệng kêu tướng lên trước khi có ai kịp nhận: “Lạy anh Bình, em là Nam, em ruột của anh đây”. Biết thóp “cô Phương” rất khoái gọi hồn liệt sỹ, tôi nói thêm: “Anh ơi, em đến để báo tin vui cho anh đây, vừa qua cấp trên đã công nhận anh là liệt sỹ rồi anh ạ”.

 

Nghe thấy vậy, hồn có vẻ khoái chí ra mặt, khúc khích cười mà rằng: “Em ơi, anh chiến đấu dũng cảm lắm, giết được bao nhiêu là giặc, hy sinh anh dũng như vậy, nay cấp trên công nhận liệt sỹ cho anh là xứng đáng rồi. Anh ở dưới này cũng được các đồng chí và cấp trên tín nhiệm, phong cấp cho anh lên tới… thiếu tướng rồi đấy em ạ…”.

 

Tôi phải cố nén cười, tiếp tục câu chuyện đầu Ngô mình Sở với ông anh liệt sỹ tưởng tượng. Hồn tỏ ra khoái chuyện “chiến đấu” lắm, cứ kể con cà con kê mãi về các trận đánh mà hồn từng tham dự. Nhưng cuối cùng “hồn” cũng phải “thăng”, vì “đồng chí đồng đội đang chờ”. Tạm biệt tôi, “hồn” còn bắt tay tôi đàng hoàng và hẹn gặp lại…

 

Đường đi của bài báo và những gian nan trắc trở

 

Thế là đã rõ “cô Phương” gọi hồn ra sao. Sau đó tôi còn gặp thêm một số nhân chứng, trong đó có một phóng viên của tờ báo “Văn hoá - Thông tin Thanh Hoá”. Phóng viên này ở ngay gần nhà “cô Phương” nên biết rất rõ gia cảnh “cô Phương”. Anh kể rằng vợ chồng “cô” nện nhau như cơm bữa. Có hôm anh chồng bị “cô” chửi là lấy cắp tiền của vợ cho gái. Bực mình anh chồng bèn vặc lại: “Ừ thì tao lấy tiền của mày đi cho gái đấy, còn hơn cái mặt mày chuyên môn đi lừa lấy tiền của thiên hạ”. Hài hước thế mà lạ sao có người vẫn tin nó...

 

Đã có đủ tư liệu, tôi bắt tay vào viết phóng sự “Sự thật về hiện tượng “cô Phương” - Khả năng kỳ lạ hay trò lừa đảo?”. Tôi dồn hết cả tâm huyết của mình vào bài viết. Bài viết xong, tôi hăng hái gửi ngay tới mấy tờ báo địa phương. Nhưng tôi như bị dội gáo nước lạnh vào đầu: Các toà soạn đều trả lời vì “lý do tế nhị”, bài báo không đăng được. Không nản chí, tôi bèn gửi đi một số tờ báo trung ương, nhưng vẫn không được đăng, trong đó tiếc nhất có tờ báo V. Một ông bạn tôi là phóng viên của tờ báo V cho biết, bài phóng sự đã lên khuôn song lại phải bóc ra vì có ai đó gọi điện thoại tới…

 

Thất vọng, lần cuối cùng tôi gửi bài đi, lần này gửi tới “Nhà báo và Công luận”. Sau nhiều ngày thấp thỏm chờ, tôi được chị Vân Anh, Tổng biên tập gọi điện hỏi thêm một số chi tiết trong bài, chị cho biết hiện nay “ngoại cảm” đang là một “vùng nhạy cảm”, và “cô Phương” Thanh Hoá đang nổi tiếng như cồn, nên bài viết như vậy rất khó đăng, chị sẽ hết sức cố gắng…

 

Tôi chờ đợi mãi trong sự thấp thỏm, cuối cùng, Chuyên san Nhà báo và Công luận số cuối tháng 9/2000 đã đăng bài viết trên. Tôi chưa kịp mừng thì chỉ ngay ngày hôm sau, Hội Nhà báo Thanh Hoá, nơi tôi công tác đã nhận được nhiều ý kiến phản đối bài báo. Tỉnh uỷ Thanh Hoá cũng nhận được nhiều ý kiến phản đối. Trong đó có ý kiến đề nghị xem xét lại tư cách nhà báo và động cơ của người viết bài phóng sự “Hiện tượng Cô Phương…” Ngày hôm sau nữa, chị Vân Anh điện vào nói: “Gay quá em ạ, có nhiều nhà khoa học phản đối, cho là bài báo sai sự thật, không trung thực, ý đồ xấu. Em phải chuẩn bị tường trình đi nhé…”

 

Riêng bản thân tôi cũng nhận được một số ý kiến phản đối khá gay gắt, thậm chí có người đe doạ. Có một nhà nghiên cứu, giáo sư L cũng viết thư cho tôi đề nghị được đối chất… Những ngày sau đó, gia đình không dám cho tôi đi ra ngoài vì sợ bị hành hung. Tình hình rất căng thẳng. Nhiều người nhìn tôi với con mắt ái ngại, dè chừng.

 

Tuy nhiên, tôi vẫn vững tin là mình viết đúng. Vốn đang theo học lớp Cao học Tôn giáo tại Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, tôi có nhiều kiến thức về lĩnh vực tôn giáo tín ngưỡng. Tôi đem nội dung bài báo trao đổi với nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhiều nhà nghiên cứu tôn giáo… các ông đều đồng tình với bài viết của tôi. Giáo sư tiến sỹ Đỗ Quang Hưng, Phó giám đốc Viện Tôn giáo (nay là Giám đốc Viện Tôn giáo) cũng gặp gỡ, trao đổi với tôi để ông có thêm thông tin chuẩn bị thành lập đoàn nghiên cứu về tôn giáo, tín ngưỡng tại Thanh Hoá…

 

Trắng đen đã rõ

 

Sự căng thẳng vẫn kéo dài, một số anh em đồng nghiệp đã phải tính đến phương án bảo vệ tôi. Cho đến một hôm, chị Vân Anh lại gọi điện về báo tin: “Mừng quá em ạ, hôm nay trong một cuộc họp giao ban báo chí, đồng chí Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu đã đến tham dự. Đồng chí đã phát biểu trong đó có câu đại ý rằng: “Gần đây, có nhiều cán bộ đảng viên tha hoá, mất lòng tin, xa rời thực tế, chạy theo mê tín dị đoan, bói toán nhảm nhí. Báo Nhà báo và Công luận đã có bài báo “Hiện tượng cô Phương Thanh Hoá…”. Đây là một bài báo tốt, vạch trần thủ đoạn lừa đảo, có tác dụng cảnh tỉnh cho nhiều người. Tôi hoan nghênh báo, hoan nghênh phóng viên đã có bài viết trên. Đã là nhà báo thì phải dũng cảm, không được run tay cùn bút trước mọi thế lực xấu”. Tổng Bí thư đã khẳng định bài báo của chúng ta là rất tốt. Chị chúc mừng em nhé…”.

 

Nghe xong, tôi như trút được gánh nặng ngàn cân lâu nay đè trĩu trong lòng. Tôi vội đi ngay ra phố, báo tin mừng cho bạn bè rồi đến cơ quan. Ai cũng cùng chia vui với tôi. Những ý kiến phản hồi đã theo nhau chấm dứt. Mấy ngày sau, báo Công an TPHCM, Công an nghệ An, Công an Thanh Hoá… lần lượt đăng lại bài báo “Hiện tượng cô Phương…”. Rồi các báo khác cũng lần lượt có bài viết vạch trần sự lừa đảo của “Cô Phương”. Trắng đen cuối cùng đã rõ ràng…

 

Qua nhiều năm tháng, tôi đã trưởng thành hơn. Và trong hành trang làm báo của mình, kỷ niệm sâu sắc về bài báo không thể nào quên đó đã động viên tôi rất nhiều, giúp tôi vượt qua những trở ngại trong việc hành nghề. Mỗi lần nhớ lại những câu động viên của Tổng Bí thư Lê khả Phiêu: “Là nhà báo thì không được run tay cùn bút trước những thế lực xấu”, tôi lại hằng nhủ thầm sẽ cố gắng hết mình để viết nên những bài báo trung thực phục vụ đông đảo nhân dân, không run tay, cùn bút trước bất kỳ sự đe doạ nào…

 

Nhà báo Đào Nguyên Lan

(Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)