Khoác áo cho sừng trời
(Dân trí) - Vượt đèo Khau Phạ (có nghĩa là sừng trời, có độ cao từ 1.200m - 1.500m) mùa này, bắt gặp những con người đang “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” chinh phục thiên nhiên từ những mầm lúa...
Lúc người dân vùng đồng bằng quanh Hà Nội thu hoạch lúa, cũng là khi dân miền núi Yên Bái nhổ mạ, cấy lúa bắt đầu vụ mới. Nghề nông đã quá vất vả với nông dân miền xuôi, càng thêm cơ cực với miền sơn cước. Sự vất vả như tỷ lệ thuận so với chiều cao mặt nước biển, đồng ruộng càng gieo neo, càng thấm nhiều mồ hôi nông dân.
Xắn núi, xẻ dòng chỉ là cái nhìn người đi đường thoáng qua từ những ô ruộng bậc thang vùng Mù Cang Chải. Để cho bậc ruộng vàng óng báo hiệu no đủ, không đo được bao nhiêu sức người đã đổ xuống bắt núi nhả vàng. Vượt đèo Khau Phạ (có nghĩa là sừng trời, có độ cao từ 1200m - 1500m) mùa này, bắt gặp những con người đang “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” chinh phục thiên nhiên từ những mầm lúa.
Chứng kiến người dân làm ruộng, chiêm nghiệm thấy hạt gạo nhỏ bé mà sao kéo nặng đôi vai.
Từ trên đỉnh núi nhìn xuống cánh đồng của xã Cao Phạ (Mà Cang Chải, Yên Bái).
Để có nước vào các bậc ruộng, người dân hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết.
Một số thanh niên đi học xa nhà cũng tranh thủ về giúp gia đình nhổ mạ cấy lúa khi ruộng đã có nước. Hình ảnh tại xã Chế Cu Nha huyện Mù Cang Chải, Yên Bái.
Mỗi bậc rượng có độ cao khoảng 2m khiến cho việc canh tác thêm khó khăn.
Ruộng trên núi cách nhà khá xa, nếu đường tốt thì đi được xe máy, còn không phải cuốc bộ.
Bữa trưa trên nương vừa xong của bà con người Mông.
Người Mông nhổ mạ ở xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải, Yên Bái)
Trẻ em tự chơi khi ra ruộng cùng bố mẹ.
Một gia đình gấp rút nhổ mạ để chuẩn bị cho việc cày ruộng cấy lúa.
Ruộng trên, ruộng dưới.
Khi mưa xuống là lúc đồng bào bắt đầu nhổ mạ.
Mang mạ đi cấy ruộng cao.
Những gia đình có điều kiện sẽ chở mạ đến ruộng bằng xe máy.
Chiều xuống trên những thửa ruộng bậc thang vừa có nước.
Hữu Nghị