Khi tàu chưa về bến
Đã 1 tháng 2 ngày, tin tức về 21 ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đi trên các tàu cá QNg-66074 và QNg-66101 bị Trung Quốc bắt giữ ngoài Hoàng Sa vẫn bặt tin.
Trong mỗi căn nhà trống lạnh của họ ở bến Mù Cu, thời gian như chậm lại, nặng nề trôi qua trong nước mắt người thân...
Từ “Tấm lưới nghĩa tình”
Sáng 5.4, một ngày trước của lễ hội “khao lề thế lính Hoàng Sa” để tri ân những thế hệ người con của Lý Sơn, Quảng Ngãi đã vong thân khi đi trấn giữ Hoàng Sa, được tổ chức thường niên trên hòn đảo ngư nghiệp này, chuyến tàu cao tốc từ cảng đất liền Sa Kỳ ra đảo đông hơn mọi ngày. Tuy vậy, vẫn mất đi cái không khí rộn vui của ngày lễ hội. Có lẽ, việc 21 ngư dân cùng 2 tàu cá bị bắt giam vô cớ ngoài Hoàng Sa chưa được thả về đã chi phối tâm tư của không chỉ con dân trên đảo. Trong hội trường UBND xã An Vĩnh, vợ con của 21 ngư dân đã bồng bế nhau, tụ lại đầy đủ theo lời mời của Liên đoàn Lao động huyện Lý Sơn để tiếp nhận sự chia sẻ của chương trình “Tấm lưới nghĩa tình”. Nhìn những cặp mắt mọng đỏ, trông chờ trong vóc dáng héo hon của những người mẹ, người vợ ngư dân mà xót xa lòng.
Ngay sau vài ngày ngư dân Lý Sơn bị bắt giam ngoài Hoàng Sa, GĐ Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động đã quyết định chi 63 triệu đồng trích từ chương trình “Tấm lưới nghĩa tình” để thăm hỏi, động viên ban đầu cho những gia đình nạn nhân. Tuy vậy, sóng gió của cơn bão số 1 đã làm tê liệt tuyến giao thông duy nhất là đi tàu ra đảo, nên đến bây giờ món quà tình nghĩa đầu tiên từ đất liền mới được trao tận tay bà con. Dẫu muộn, nhưng suất quà 3 triệu đồng/hộ lại hết sức có ý nghĩa đối với những thân nhân ngư dân lâm nạn lúc này.
Ông Trần Mười - cha của thuyền trưởng tàu QNg-66074 Trần Hiền - nén những giọt nước mắt khỏi rơi trên khuôn mặt rắn rỏi của một lão ngư can trường. Ông cố trấn an khi nói trước đám đông là vợ con những người bạn tàu bị bắt, rằng “tôi từng 21 năm trường dọc ngang đánh bắt thuỷ sản ngoài ngư trường Hoàng Sa, không ít lần bị Trung Quốc bắt, thu ngư cụ, cướp lấy cá nhưng rồi cũng được thả về bình yên. Mình làm ăn hợp pháp trên vùng biển chủ quyền của mình thì không việc gì phải sợ. Nhất là thời gian gần đây, sự quan tâm của Nhà nước, cộng đồng bà con trên toàn quốc được nhiều hơn, chúng tôi đã ấm lòng, không còn cảm giác cô độc như trước nữa”.
Tuy vậy, khi nói riêng với tôi, ông ấy lại không giấu được những giọt nước mắt của một người cha quá đỗi lo cho con trai: “Ngày nó bị bắt, cũng là những ngày biển trời vần vũ chuẩn bị cho cơn bão số 1. Vợ nó - Lê Thị Phúc - đang cảnh bụng chửa vượt mặt. Chồng chưa về được đành một mình ôm gói vào đất liền, vượt cạn. Bão không to, nhưng biển động kéo dài, mọi con tàu đều không được rời bến. Phúc mắc kẹt lại đất liền, hẩm hiu một mình sinh con với trăm mối lo trên bờ, dưới biển. Trong khi đó, mối thông tin duy nhất từ 21 ngư dân bị bắt chỉ do Trần Hiền điện về cho Phúc. Bởi vậy, ngày 27.3, khi Phúc đội mưa, bồng con theo tàu về đảo, xanh rớt mặt mày vì say sóng, cũng phải gượng dậy chia sẻ thông tin cho những bà mẹ, bà vợ trên 2 con tàu bị bắt. Thông tin cũng chỉ ngắn ngủi là họ cùng bị bắt giam trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa ngày 3.3, bị tịch thu hết ngư lưới cụ, trang thiết bị trên tàu cùng với hơn 3 tấn cá vừa đánh bắt trên mỗi tàu. Rằng Trung Quốc buộc phải nộp phạt 70.000 nhân dân tệ mới thả người”.
Tự cứu lấy mình
Tôi men theo con đường đất về An Vĩnh, ngang qua Âm Linh tự, thấy lố nhố cán bộ văn hoá huyện cùng các bô lão các họ tộc lớn đang trang trí, chuẩn bị lễ hội. Những đất sét, roi dâu, bông gòn... bày ra để ngày hôm sau mô phỏng lễ chiêu hồn, nặn hình nhân thế mạng như phong tục. Thuyền trưởng Lê Vinh - chủ tàu QNg-66101 bị bắt cùng với 7 ngư dân là anh em, con cháu ruột thịt của ông cũng đang có mặt ở Âm Linh tự. Ông xót xa nói với tôi: “Biển vẫn chưa một ngày bình yên anh à. Ngư dân chúng tôi bây giờ vẫn thường xuyên mất tích, mất xác ngoài biển mỗi mùa biển động. Trong số anh em bà con chúng tôi, nhiều người rồi cũng chỉ về trong tâm thức người thân ở đảo nhà bằng lễ chiêu hồn, bằng cách nhập vào hình nhân như kia...”.
Một thuyền trưởng Lê Vinh vạm vỡ can trường, một Lê Vinh “vua” của vùng biển Hoàng Sa suốt 23 năm trường giờ gầy sọm, đôi mắt thâm u. Ông nói tiếp rằng không nhớ hết được số lần mình bị Trung Quốc bắt, thu ngư lưới cụ, hải sản. Mở tủ thờ, ông lấy xấp giấy tờ liên quan đến các thông báo bắt tàu, giam người, buộc nộp tiền phạt, biên lai... mà tôi đâm choáng. Lớp giấy cũ đã mờ nhoè, lớp giấy mới còn nguyên ngày tháng bị Trung Quốc bắt giữ, phạt vạ.
Ông thở dài: “Mỗi lần ra khơi, chỉ riêng tổn phí đã ngốn 170-200 triệu đồng. Bị bắt, không chỉ mất hết sản vật đánh bắt, lỗ tổn mà còn bị vét sạch ngư cụ, máy định vị, máy tầm ngư, trang thiết bị dự phòng... Khi được thả, con tàu chỉ còn thân vỏ và lốc máy cùng một ít dầu đủ về tới quê. Mỗi lần bị bắt là mỗi lần chủ tàu kiệt quệ. Vẫn biết, mình làm ăn hợp pháp trên vùng biển chủ quyền thì không việc gì phải nộp phạt. Nhưng không lén Nhà nước mà nộp phạt cho Trung Quốc thì bị giam cầm, bị đánh đập và không thể ra khơi nữa. Vì vậy, chúng tôi đã nhiều lần lặng lẽ vay mượn, nộp tiền chuộc để tự cứu”.
Và bây giờ, trong căn nhà trống hoác của chủ tàu Lê Vinh - người đang gánh khoản nợ trên 200 triệu đồng - lại chồng chất tai hoạ. Tàu bị bắt lần này, ông sẽ khó lòng trụ được. Ông nói: “Những đồng tiền chia sẻ của bạn đọc Báo Lao Động qua chương trình “Tấm lưới nghĩa tình” hay những khoản hỗ trợ của chính quyền (2,25 triệu đồng/hộ) có ý nghĩa động viên hết sức lớn lao với chúng tôi, dù không thể nào bù nổi mất mát tài sản quá lớn sau mỗi lần bị bắt. Nhưng chúng tôi mà bỏ tàu, bỏ ngư trường thì cũng không còn nữa sự có mặt người Việt ta ở Hoàng Sa...”.
Ngày về xa ngái
Tôi đã tự dặn mình là không mềm yếu, không nhắc nhiều đến từng hoàn cảnh của ngư dân, nhưng rồi không thể lờ đi khi gặp họ. Ví như bà quả phụ Nguyễn Thị Phước, chồng chẳng may bị bệnh chết sớm, nhường lại nghiệp biển cho cậu con trai Nguyễn Văn Thành. Mới 24 tuổi đầu, Thành đã hơn 10 năm là trụ cột của gia đình. Một thân đi biển nuôi mẹ cùng 2 em nhỏ ăn học. Cái sự nghèo không cho phép anh được lấy vợ. Bị bắt, mịt mù thông tin, hỏi người mẹ nào có thể cầm được nước mắt?
Hay bà Phan Thị Ánh ở heo hút đảo Bé (xã An Bình) có chồng là Bùi Thu và con trai Bùi Văn Lan cùng bị bắt trên con tàu QNg-66101 của ông Lê Vinh. Xót chồng, thương con, cả tháng trời nay, bà bỏ nhà, theo thuyền vào đảo lớn Lý Sơn để chỉ ngồi chờ tin chồng. Bà Ánh nói: “Đây là lần thứ ba cả hai cha con anh ấy bị bắt nên tôi biết rất rõ: Không chỉ bị đánh đập mà còn bị bỏ đói chú à. Cứ nghĩ vậy mà tôi nát cả lòng. Nhưng lần bị bắt trước, anh Vinh còn cầm cố nhà cửa để lén nộp tiền chuộc, chừ anh ấy cũng hết sạch tài sản rồi, tiền đâu mà nộp nữa, không biết bao giờ chồng con tôi mới được về với gia đình đây?”.
Chị Nguyễn Thị Nhiều bên cạnh nỗi lo cho chồng - Đặng Văn Tươi - bị bắt trên tàu QNg-66074 của Trần Hiền, còn mất ăn mất ngủ về khoản nợ các nậu trên đất liền. Chị cho biết một đời ky cóp từ nghề biển, mấy năm gần đây, vợ chồng chị đã hùn vốn, góp cổ đông cùng tàu Trần Hiền. Lời lãi những chuyến êm thuận chỉ mới đủ nuôi sống gia đình, giờ bị bắt, mất sạch tài sản, lỗ tổn vài ba trăm triệu, nếu được thả về cũng khó lòng trả nợ, sắm tổn để tiếp tục ra khơi.
Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Trần Ngọc Nguyên cũng chỉ biết động viên bà con hãy yên tâm chờ sự can thiệp của Nhà nước để người thân họ sớm được thả về. Còn 2 tháng, 6 tháng hay bao giờ mới được thả về thì ông Nguyên cũng mù tịt như họ. Nói về những khốn khó, kiệt quệ sau mỗi lần bị bắt, chính ông cũng ngậm ngùi: “Hiện chưa có một cơ chế nào cụ thể để giúp đỡ thiết thực đối với các chủ tàu bị bắt, bị cướp ngoài Hoàng Sa cả. Ngư dân bao giờ cũng ra khơi với khoản nợ gối đầu, ít nhất cũng vài trăm triệu tổn phí. Bị bắt cùng nghĩa với nợ chồng nợ. Tự thân, họ khó đủ lực để sửa tàu, mua ngư cụ để ra khơi lại. Nhất là những tàu bị bắt liên tục trong những năm gần đây. Nếu có xin cơ chế nào đấy để giúp họ thì cũng ngoài sức của huyện. Tôi chỉ mong rằng, các tổ chức, cá nhân, các DN hảo tâm cả nước, chung tay mỗi người một ít để hỗ trợ họ trước mắt vượt qua khó khăn, tiếp tục bám biển Hoàng Sa”.
Chiều trên Lý Sơn, sắc trời tím ngắt. Tôi ái ngại nhìn về phía chân trời xa ngái Hoàng Sa. Gần đấy, Ban tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa thử nhạc, tiếng kèn ốc nghe như ai oán sầu thương...
Theo Thanh Hải
Lao động