Hoàng Trần Cương - Người mang sóng của ba dòng sông
Hoàng Trần Cương hay kể về những vụ “suýt tù” của anh như vụ buôn giấy, vụ mua sắt vụn, vụ cưa nhầm... xe tăng. Thế nhưng có một “tội” khiến Hoàng Trần Cương bị “tù” thật, mà rất có thể là án chung thân. Đó là vụ “lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt... tình yêu”.
Nhà báo, nhà thơ Hoàng Trần Cương
Thiên hạ đã “nhai bã” cả ra rồi
Mỗi lần cầm bút, thách thức lớn nhất với tôi là khi phải viết lại những sự việc, những nhân vật mà nhiều người đã viết. Nó giống như người đi bộ trên một lối mòn mà ở đó, các vết chân của người đi trước đã chồng chéo, dẫm đạp lên nhau đến mức mặt đường chai cứng. Khi đặt chân vào đó, nếu không đủ trường lực, anh sẽ chẳng để lại được dấu vết dù rất nhỏ của mình. Mà với người cầm bút, không để lại dấu vết tức là vô tăm tích, là thất bại.
Tôi viết về Hoàng Trần Cương cũng với tâm thế ấy. Trước tôi, đã có rất nhiều bài báo và chương trình truyền hình viết về anh, giới thiệu về anh. Người ta có đủ mọi lý do để “khai quật” anh. Mỗi độ xuân về, khi trà dư tửu hậu, họ tìm đến anh để trò chuyện về văn chương. Vào dịp kỉ niệm Ngày thống nhất đất nước (30/4), người ta lại đến hỏi anh với tư cách một người lính trong đoàn quân tiến về giải phóng Sài Gòn năm xưa. Ngày Nhà báo Việt Nam 21/6, lại trò chuyện về nhà báo, nghề báo với ông Tổng biên tập tờ Thời báo Tài chính. Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7), họ lại đến phỏng vấn anh hoặc viết về anh với tư cách một thương binh đã cống hiến máu xương trên chiến trường chống Mỹ. Rồi Kỉ niệm Chiến thắng Quảng Trị, 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, Ngày thành lập Quân đội nhân dân 22/12, Ngày sinh viên Việt Nam,… Nghĩa là quanh năm, hiếm có tháng nào anh không có mặt trên một tờ báo hay một kênh truyền hình cả trung ương lẫn địa phương. Thiên hạ đã “nhai” anh bã cả ra rồi.
Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi ở Thái Bình còn bỏ ra cả tháng trời viết một cuốn sách gần 100 trang giấy A4 bàn về “Thi pháp trong Trường ca Trầm tích”. Nhìn Khơi mồ hôi lấm tấm trên cái cơ thể rúm ró, vật vã để viết về một nhà thơ mà Khơi thường chỉ trò chuyện qua điện thoại mới biết Khơi yêu thơ Hoàng Trần Cương đến mức nào. Mà Khơi viết ra rồi để đấy chứ chẳng “bán” cho báo nào mà cũng không gửi cho tác giả Trầm tích. Nói thế để thấy rằng viết về Hoàng Trần Cương là dẫm chân lên những con đường cao tốc, được lát đá tảng hoặc đã đổ bê tông kỹ lưỡng, khó hi vọng để lại dù chỉ là dấu chân nho nhỏ.
Đứa con của ba dòng sông
Tuổi thơ của Hoàng Trần Cương gắn chặt với 3 dòng sông: Sông Lam, Sông Hồng và sông Cầu. Anh sinh năm Mậu Tý, ở làng Đặng Lâm, Đặng Sơn, Đô Lương, Nghệ An, một làng nhỏ bên bờ con sông mà trong Trầm tích anh viết: “Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa - Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam”. Đọc thơ anh, rất dễ tưởng tượng rằng ngày lão này sinh ra, chắc nước sông Lam sôi sùng sục và hình như tiếng khóc chào đời của Hoàng Trần Cương chìm nghỉm trong tiếng kêu gào chạy lụt của dân làng.
Lên 7 tuổi, cậu bé Cương theo bố ra Hà Nội học tiểu học ở đình Hữu Tiệp, làng hoa Ngọc Hà, sát cạnh sông Hồng. Hết 4 năm tiểu học, sang cấp II, anh lại quay về học ở làng Đặng Sơn để rồi 3 năm sau đó, anh ra Hà Nội và theo cơ quan của ông cụ thân sinh (Tổng cục Thuỷ sản) sơ tán về Quế Võ, Bắc Ninh, nơi có con sông Cầu của các làng Quan họ để học cấp III. Có lẽ vì có một tuổi thơ gắn chặt với Sông Lam, Sồng Hồng và Sông Cầu nên trong tính cách của mình, Hoàng Trần Cương luôn bị các dòng sông “ám” như ma ám. Sông Lam đã cho anh sự quyết liệt và ý chí quật cường. Sông Hồng đã bồi đắp cho anh tầng phù sa trí tuệ và sông Cầu đã cho anh sự hào hao và tinh tế của tâm hồn thi sĩ.
Người lính của các chiến dịch lớnĐang học năm thứ tư trường Đại học Tài chính - Kế toán - Ngân hàng (nay là Học viện Tài chính quốc gia), Hoàng Trần Cương ba lần viết đơn nhập ngũ. Hai lần đầu, anh dùng chính máu của mình để viết nhưng đều không được chấp nhận. Lần thứ ba, anh viết bằng bút máy hiệu Trường Sơn, bơm mực Cửu Long thì lại thành công. Chàng sinh viên Hoàng Trần Cương “xếp bút nghiên ra trận” như rất nhiều bạn bè sinh viên trong phong trào thời ấy.
Rời ghế gỗ của giảng đường đại học, anh nhảy tót lên chiếc ghế sắt của sư đoàn pháo cao xạ 367. Sư đoàn Anh hùng này có nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô ở cửa ngõ Lạng Sơn. Tại đây, Hoàng Trần Cương đã tham gia nhiều trận đất đối không rất ác liệt. Cuối năm 1970, Sư đoàn 367 được điều chi viện cho Bản Đông - Nam Lào (phía quân đội Sài Gòn gọi là Lam Sơn 719), một chiến dịch lớn trong lịch sử quân đội ta.
Trong một trận đánh rất ác liệt, anh bị thương vào đầu, phải về Quân y viện tiền phương điều trị. Vết thương chưa lành, anh lại cùng đơn vị tham gia giải phóng Quảng Trị. Kết thúc Chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, đơn vị anh lại được cấp tốc điều ra Lạng Sơn để canh cửa ngõ phía Đông bắc Hà Nội trong chiến dịch Điện Biên phủ trên không. Tháng 2/1975, Hoàng Trần Cương cùng đơn vị đi trong đoàn quân tiến về giải phóng Sài Gòn.
Trả lại cả ký vàng lá Kim ThànhChiến tranh kết thúc, Hoàng Trần Cương về Học viện Tài chính học nốt năm cuối cùng. Ra trường, anh vào Sài Gòn tham gia cải tạo tư bản tư nhân với cương vị Phó đoàn Cải tiến công tác quản lý của Bộ Tài chính khu vực phía Nam. Với tư cách cán bộ phúc tra, anh phải xem xét lại hầu hết các bản kê thuế của các doanh nhân có máu mặt ở Sài Gòn.
Có lần sau khi rà soát để tính đúng, tính đủ số thuế phải nộp cho một nhà kinh doanh bất động sản nổi tiếng ở Sài Gòn mà trước đó làm chưa chính xác, ông này đã cho cô con gái mang đến tận phòng biếu Hoàng Trần Cương một bao mỳ nhãn hiệu Hai tôm loại 5kg giữa lúc anh đang cùng người bạn văn chương là Nhà thơ Trần Ninh Hồ bụng đói meo vừa ngâm thơ vừa xơi rượu nhạt.
Chờ cho khách vừa đi khuất, hai “vĩ nhân” lao vào “hành quyết” bọc mì tôm mới tá hoả khi thấy một bít tất đầy vàng lá Kim Thành. Thế là anh lính nhà quê bỏ cả bữa rượu đem đến tận nhà trả lại trong sự ngạc nhiên đến sững sờ của gia chủ.
Cách đây ít hôm, khi nghe Hoàng Trần Cương kể lại chuyện này tại quán bia 146 Phố Vọng, tôi hỏi: “Bác có bao giờ hối hận không?”. Hoàng Trần Cương nhìn thẳng vào tôi, nói rành rọt: “Không. Nếu lấy số vàng ấy, hoặc là tôi sẽ giàu nhất trong đám nhà văn thời đó hoặc là sẽ rũ tù trong khám Chí Hòa. Mà dù kết quả thế nào, tôi cũng sẽ không được là tôi của hôm nay”.
13 năm thai nghén đứa con Trầm tíchNăm 1981, Hoàng Trần Cương về Bộ Tài chính, được cử về báo Lương thực Việt Nam với cương vị kế toán trưởng. Đây là thời kỳ Hoàng Trần Cương phát huy cao nhất tố chất của một nhà tài chính. Anh đã cùng lãnh đạo tòa soạn đưa Lương thực Việt Nam trở thành tờ báo đầu tiên trong làng báo Việt Nam hạch toán độc lập và kinh doanh đa ngành nghề, một điều hết sức mới mẻ vào thời điểm đó mà sau này, các báo như Tiền phong, Lao động làm theo.
Với danh nghĩa làm kế hoạch ba, tòa báo buôn đủ mọi thứ, từ sắt vụn, giấy, sách vở học sinh đến gạo, cám… Có lần Hoàng Trần Cương suýt bị ra tòa vì tội buôn giấy. Đây là những năm tháng Hoàng Trần Cương suy nghĩ, chiêm nghiệm nhiều về thế thái nhân tình, về giá trị của đồng tiền, đặc biệt là về chiến tranh và sự hi sinh của đồng đội… Thời gian này, anh thai nghén Trầm tích, một trường ca đặc sắc sau đổi mới.
Từ Tổng biên tập lên… Tổng biên tậpCuối năm 1993, Bộ Tài chính chủ trương xuất bản tờ Thời báo Tài chính Việt Nam. Những người bạn cũ ở Văn phòng Bộ chợt nhớ đến tay viết lách Hoàng Trần Cương và rủ rê anh về làm việc cho tờ báo này. Không do dự, anh lập tức bỏ nghề kế toán, về đầu quân cho Thời báo Tài chính với tư cách phóng viên. Những tác phẩm báo chí nảy lửa như: Luồng và Cảng: Ta phong tỏa mình - Tiền mất tật mang đánh mạnh vào cơ chế quản lý, điều hành lấn lướt, bao sân với những tàn tích của thời bao cấp, trói buộc các doanh nghiệp đã gây tiếng vang lớn trong dư luận khi đó. Những tác phẩm báo chí giàu tính chiến đấu như những vụ việc khuất tất ở sở GTCC Hà Nội, Cục thuế Ninh Bình, Thương vụ 5,4 tỉ đồng và liên danh ma quỉ… cũng ra đời trong thời gian này.
Thế nhưng làm phóng viên chưa được 1 năm, Hoàng Trần Cương lại chuyển sang làm Trưởng phòng trị sự để 2 năm sau, lên Phó Tổng biên tập và đến đầu năm 2003, anh được bầu làm Tổng biên tập trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm công khai trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng và sự giám sát chặt chẽ của lãnh đạo Bộ Tài chính. Thế là sau 31 năm, tuy tiếng là lên nhưng Hoàng Trần Cương tiến lên… bằng như cũ. Bởi từ cuối năm 1972, khi cuộc chiến tranh vào hồi khốc liệt, để phản ánh đời sống bộ đội đồng thời động viên tinh thần anh em chiến sĩ, Sư đoàn pháo cao xạ quyết định ra tờ Tin sư đoàn. Tuy là tờ tin nhưng do đơn vị hầu hết là sinh viên các trường đại học nên nội dung rất phong phú, chất lượng khá cao. Tờ tin nhưng in cả thơ, truyện ngắn, lý luận phê bình... Hoàng Trần Cương được giao làm tổng biên tập (cùng với nhà báo Đỗ Quang Hoàn, hiện là Trưởng ban Nhân dân hàng tháng - Báo Nhân dân). Cứ đến ngày ra báo, ông TBT Hoàng Trần Cương lại chạy bộ lễ mễ chuyển đến tận các trung đội, đại đội.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt… tình yêuHoàng Trần Cương hay kể về những vụ “suýt tù” của anh như vụ buôn giấy, vụ mua sắt vụn, máy ông lính cưa nhầm cả.. xe tăng. Thế nhưng có một “tội” khiến Hoàng Trần Cương bị “tù” thật, mà rất có thể là án chung thân. Đó là vụ “lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt... tình yêu”.
Khi còn làm TBT tờ Tin sư đoàn ở Lạng Sơn, Hoàng Trần Cương hay về Quế Võ nơi gia đình anh sơ tán. Chàng trung sỹ pháo cao xạ đem lòng thương nhớ một cô giáo cấp ba của một làng Quan họ. Không biết bao nhiêu lần, anh lính dày dạn, dũng cảm ngoài trận mạc Hoàng Trần Cương run rẩy trước cổng Trường phổ thông Bằng An - Quế Võ. Dù không biết bao nhiêu lần hạ quyết tâm, người lính trận Hoàng Trần Cương vẫn không đủ dũng cảm để qua mặt thầy hiệu trưởng nổi tiếng nghiêm khắc của trường.
Một hôm lấy hết can đảm, Hoàng Trần Cương xông thẳng đến phòng thày hiệu trưởng, chìa thẻ cộng tác viên của báo Quân đội nhân dân xin làm việc với trường về công tác tự vệ của nữ giáo viên. Nhìn chàng trung sỹ quân đội mặt lạnh như tiền, thày giáo già đầy tin tưởng, cho tập hợp toàn bộ các cô giáo đứng xếp hàng nghe anh bộ đội “phổ biến tình hình chiến sự”.
Đến cuối buổi, bỗng “nhà báo nhớn” yêu cầu gặp gỡ một nữ tự vệ tiêu biểu và không chờ giới thiệu, anh đến chỉ vào một cô giáo hoa khôi của trường mời lên phòng để phỏng vấn. Cuộc phỏng vấn diễn ra khoảng 7 phút chỉ với ba câu hỏi mà không có câu trả lời:
- Cô có lấy tôi không?
- …!
- Tôi hỏi lại, cô có lấy tôi không?
- …!
- Cô không lấy tôi thì cô là con.... Chợt thấy mặt cô giáo ửng đỏ, Hoàng Trần Cương giật mình. Đang bí thì rất may là khi đó, bỗng nhìn thấy chú chuột nhắt leo thoăn thoắt trên mái nhà, Hoàng Trần Cương chữa vội – Thì cô là... con chuột.
Chẳng biết có phải lo sợ bị… biến thành chuột vì lời nguyền của “nhà báo nhớn” hay không mà ít ngày sau đó, một hôn lễ khá hoành tráng giữa chàng “nhà báo nhớn” với cô giáo trẻ. Và từ đấy, Hoàng Trần Cương bị “cầm tù chung thân”. Gần gũi anh cả chục năm nay, đi nhậu với anh hàng trăm lần nhưng chưa thấy lần nào anh không nhắc đến vợ. Khi thì “Chị Chè (Phan Thị Chè) mày bảo…”. Lúc lại “Con mụ Chè vợ tao, chị mày ấy, nó bảo…”
Gã binh nhì 30 năm chưa ra khỏi chiến tranhTừ hàng chục năm trước, Hoàng Trần Cương đã hay có thói quen “tính sổ” cho mình và bao giờ ông chuyên viên kinh tế cao cấp này cũng tính rằng anh đã lãi. Mà kiểu tính của anh thì anh lãi thật, rất lãi bởi anh so với… những đồng đội đã chết ở chiến trường năm xưa: “Mẹ ơi! Lẽ ra con cũng đã như bao đồng đội - Khi đất nước mình trận mac – Những ngày sống bây giờ - Dẫu còn phần lấm láp - Nhưng với con kể như là lãi... Vâng có thể là con cũng như bao người lính - Cầu mong đất nước mình - Thôi gặp họa chiến chinh - Những ngày con đang sống bây giờ - Kể như là lãi...”
Phải nói ở một khía cạnh nào đó, Hoàng Trần Cương lãi lớn. Nói như lời bộc bạch của anh là “đã hưởng đủ lộc giời”. Với tư cách nhà thơ, anh nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà Trầm Tích (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2000) còn được coi là “Trường ca hay nhất kể từ sau đổi mới” (lời thi sĩ Hoàng Cầm). Tác phẩm này đã được dịch ra tiếng Anh và được quảng bá ở nhiều nhà hàng, tiệm ăn nơi nước Pháp. Là nhà báo, anh làm đến chức Tổng biên tập một tờ báo lớn của một ngành lớn. Là nhà tài chính, anh là chuyên viên cao cấp. Thế nhưng không hiểu sao, tôi vẫn thấy Hoàng Trần Cương vẫn là người lính, mãi mãi là người lính. Một gã binh nhì mà hơn 30 năm rồi vẫn chưa ra khỏi cuộc chiến tranh.
Theo Bùi Hoàng Tám
Nhà báo & Công luận