Hòa Bình áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại vào sản xuất cam, rau an toàn

Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (The World Bank – WB) trong khuôn khổ Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7), Hòa Bình đã được chuyển giao và đang áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại vào sản xuất cam nổi tiếng ở huyện Cao Phong và rau an toàn tại huyện Lương Sơn.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp hiện có ảnh hưởng xấu đến khí hậu và môi trường. Khoảng 53% tổng lượng phát thải ở Việt Nam được ghi nhận là do nông nghiệp, và sản xuất lúa nước tạo ra phần lớn phát thải.

Vì vậy, cải thiện hệ thống tưới, tiêu cùng với thúc đẩy phát triển và ứng dụng các thực hành nông nghiệp tốt thích ứng biến đổi khí hậu (climate smart agriculture - CSA) nhằm giúp nông dân sản xuất được nhiều sản phẩm hơn với đầu tư ít hơn, trong khi đó lại giảm được phát thải nhà kính đã trở thành ưu tiên hàng đầu, và cũng chính là mục tiêu của dự án WB7 “Hỗ trợ phát triển nông nghiệp có tưới tại Việt Nam”. Mô hình này đang được chuyển giao và áp dụng tại tỉnh Hòa Bình.

Sản xuất cam, quýt theo hướng cánh đồng mẫu lớn

Cam Cao phong đang được cú hích lớn từ Dự án WB7.
Cam Cao phong đang được "cú hích" lớn từ Dự án WB7.

Mặc dù sản phẩm cam, quýt của huyện Cao Phong từ lâu đã làm “nức lòng” người tiêu dùng toàn quốc. Tuy nhiên, hiện tại những vườn cam, quýt của địa phương này cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế, nếu không khắc phục kịp thời sẽ có chiều hướng “lao dốc” như: thiếu bộ giống đa dạng; sản xuất nhỏ lẻ, nông dân chưa được tổ chức và chưa liên kết được với thị trường; nhiều diện tích cam già cỗi hoặc bị sâu bệnh, cần được thay thế; chưa có hệ thống sản xuất và cung cấp giống cây chất lượng, đáp ứng nhu cầu trồng mới mở rộng diện tích và thay thế diện tích cam già cỗi; thương hiệu cho cam Cao Phong chưa đươc đăng ký, dẫn đến khó khăn và thiệt thòi cho nông dân trong tiêu thụ sản phẩm.

Để khắc phục những hạn chế trên, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình đang triển khai một loạt các biện pháp kỹ thuật từ Dự án WB7 cho cây cam, quýt ở Cao Phong như: Nâng cao năng lực cho Công ty Hoa quả Cao Phong trong sản xuất và cung cấp cây giống có múi với các công việc cụ thể: Thử nghiệm, đánh giá và phổ biến một số giống cam mới nhằm đa dạng bộ giống cam, giúp rải vụ thu hoạch (giống chín sớm, chính vụ và vụ muộn); Cải tạo các giống cam hiện có đang bị thoái hóa, bao gồm xác định, công nhận và bảo tồn cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng dùng làm nguồn vật liệu nhân giống; Tăng cường và nâng cấp hệ thống nhà lưới, nhà màn phục vụ nhân giống; hoàn thành các thủ tục để có được giấy chứng nhận cho sản xuất và cung cấp cây giống chất lượng.

Xây dựng hệ thống CSA sản xuất cam theo hướng cánh đồng mẫu lớn: Xây dựng qui trình kỹ thuật sản xuất cam an toàn phù hợp với điều kiện sản xuất của vùng; xây dựng kỹ thuật thu hoạch và sau thu hoạch nhằm giảm thiểu mất mát sau thu hoạch; hỗ trợ thiết kế và lắp đặt thiết bị tưới nước tiết kiệm (tưới tới gốc); hỗ trợ cải thiện cơ sở bảo quản sau thu hoạch, đóng gói, vận chuyển tới thị trường tiêu thụ nhằm hạn chế thiệt hại;

Xác định nhóm hộ sản xuất (thuộc nhóm sử dụng nước do hợp phần 1 xây dựng) và hỗ trợ nhóm ứng dụng các thực hành bền vững xây dựng hệ thống CSA sản xuất áp dụng đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật sản xuất, công nghệ sau thu hoạch, phát triển các mối liên kết giữa các bên khác nhau (nhà cung cấp dịch vụ, nhà khoa học, nhà kinh doanh,…); tổ chức tập huấn cho nông dân theo phương pháp FFS; tổ chức các buổi tham quan đồng ruộng để thảo luận hướng tới nhân rộng ứng dụng các thực hành bền vững.

Hỗ trợ xây dựng và khai thác thương hiệu cho cam Cao Phong: Xây dựng quy hoạch chi tiết vùng sản xuất cam Cao Phong; hoàn thiện đăng ký để được công nhận khu vực đủ điều kiện sản xuất, sơ chế cam an toàn theo qui định; phát triển thương hiệu cam Cao Phong; phát triển các mối liên kết giữa các bên liên quan; xác định các đơn vị đối tác chính tham gia liên kết 4 nhà.

Xây dựng hệ thống CSA rau an toàn tại huyện Lương Sơn

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình đánh giá cao chương trình của Dự án WB7.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình đánh giá cao chương trình của Dự án WB7.

Với mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất và cung cấp cây/con giống tốt được tăng cường, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất trong địa bàn; thương hiệu cho rau an toàn Lương Sơn được đăng ký và khai thác hiệu quả; một hệ thống CSA sản xuất rau đa dạng các loại rau theo hướng an toàn; tăng số lượng nông dân áp dụng các thực hành CSA.

Để thực hiện được các mục tiêu nên trên, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình đang triển khai đánh giá, xác định nhu cầu và yêu cầu thị trường cho sản phẩm rau Lương Sơn và quy hoạch chi tiết vùng sản xuất rau an toàn tại Lương Sơn với các biện pháp cụ thể như: Điều tra, xác định nhu cầu và khả năng tiêu thụ rau an toàn từ Lương Sơn; nghiên cứu đánh giá điều kiện tự nhiên và các vấn đề liên qua phát triển rau tại Lương Sơn; phân tích SWOT về khả năng phát triển sản xuất rau an toàn Lương Sơn; đề xuất qui hoạch chi tiết và các giải pháp phát triển sản xuất rau an toàn Lương Sơn.

Giới thiệu, đánh giá các giống/loại rau mới (trong nước và nhập nội), xây dựng/hoàn thiện các kỹ thuật sản xuất an toàn cho từng giống/loại rau có tiềm năng: Thử nghiệm, đánh giá một số giống/loại rau mới về khả năng thích nghi, thích hợp với nhu cầu của thị trường; Điều tra tiềm năng và tăng cường khai thác, phát triển một số loại rau đặc sản, bản địa dựa trên lợi thế vùng sản xuất; hoàn thiện qui trình sản xuất rau an toàn cho từng giống/loại rau phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương; Hoàn thiện qui trình thu hoạch, sau thu hoạch đối với từng loại rau phù hợp với điều kiện địa phương; Xây dựng cơ cấu mùa vụ và xen canh, luân canh các giống/loại rau nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất và nước tưới đồng thời đáp ứng thị trường.

Xây dựng một hệ thống CSA cho sản xuất rau an toàn: Hỗ trợ cải tạo/xây dựng các cơ sở sản xuất cây giống chất lượng (nhà lưới, trang thiết bị,...); Hỗ trợ xây thiết kế và lắp đặt thiết bị tưới nước tiết kiệm cho rau; Hỗ trợ trang thiết bị đóng gói, bảo quản, vận chuyển sản phẩm; Xác định nhóm hộ sản xuất (thuộc nhóm sử dụng nước do hợp phần 1 xây dựng) và hỗ trợ nhóm ứng dụng các thực hành bền vững và xây dựng hệ thống CSA sản xuất rau an toàn, áp dụng đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật sản xuất, công nghệ sau thu hoạch, phát triển liên kết giữa các bên khác nhau (nhà cung cấp dịch vụ, nhà khoa học, nhà kinh doanh,…); Tổ chức tập huấn cho nông dân theo phương pháp FFS; Tổ chức các buổi tham quan đồng ruộng để thảo luận hướng tới nhân rộng ứng dụng các thực hành bền vững.

Hỗ trợ xây dựng và khai thác thương hiệu cho rau an toàn sản xuất tại Lương Sơn: Hoàn thiện các thủ tục đăng ký vùng sản xuất rau an toàn; Thiết kế logo cho rau an toàn Lương Sơn; Phát triển các mối liên kết giữa các bên liên quan; xác định các đơn vị đối tác chính tham gia mối liên kết 4 nhà.

Đánh giá về các mô hình trên, ông Trần Văn Tiệp – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình cho biết: “Ngay khi chương trình trên về đến Hòa Bình, chúng tôi đã thành lập một Ban để làm về nội dung này. Có thể nói mô hình này là rất tốt, có thể tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ cho nông nghiệp tỉnh Hòa Bình”.

PV