1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hết hát đình, em đi quán bia vọng cổ...

Đời sống nghệ sĩ cải lương càng trở nên khó khăn khi đất biểu diễn thu hẹp. Không ít đào trẻ phải tìm chốn mưu sinh trong các quán bia ôm. Cũng từ đây nhiều nghệ sĩ không cầm lòng được trước ma lực của đồng tiền, họ sẵn sàng đánh đổi tất cả...

Vào cuối tuần, cả TPHCM chỉ có một sân khấu cải lương ở rạp Hưng Đạo sáng đèn. Trong số hơn 600 nghệ sĩ cải lương thuộc 13 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trước đây thì hiện nay một số phải rời bỏ sàn diễn để tìm nghề khác nuôi sống bản thân và gia đình, một số ít sau mùa hát đình chấp nhận đi hát quán bia, lấy những lời bỡn cợt của các đệ tử thần men thay cho tiếng vỗ tay tán thưởng.

 

Bị ép uống bia thay tiền boa

 

Dọc theo Quốc lộ 1 xuôi về Long Xuyên, Châu Đốc sẽ bắt gặp nhiều nhà hàng mới xây. Bề ngoài khang trang ngói đỏ, vôi hồng, bên trong bảng hiệu với những cái tên mỹ miều gắn với nghệ danh các nghệ sĩ nổi tiếng, là thế giới biến tướng của những quán bia vọng cổ.

 

Theo chân một nghệ sĩ TPHCM được chủ quán T.K ở Long Xuyên mời về hát tăng cường vì có một đại gia mê đào hát này, chúng tôi có dịp thâm nhập vào “thâm cung” bia vọng cổ miền Tây. Các nhà hàng bia vọng cổ miệt tỉnh được xây dựng phòng ốc hiện đại. Mỗi phòng khoảng 15 m2, có thiết kế hệ thống âm thanh. Khách và nghệ sĩ ngồi quanh bộ salon sang trọng.

 

Mỗi phòng có 5 tiếp viên ăn mặc mát mẻ và đều biết ca vọng cổ, được chủ nhà hàng giới thiệu là đào trẻ của các đoàn cải lương. Ba tay đàn: organ, guitar, sến trông trẻ măng nhưng chơi cổ nhạc rất ngọt. Thấy chúng tôi ái ngại, vị khách đại gia phất tay ra hiệu. Ba thành viên của dàn nhạc hiểu ý quay mặt vào vách. Cứ thế họ đờn cho các tiếp viên ca. Mặc tình các cô ca trật nhịp, hoặc õng ẹo, lả lơi với khách. Tiếng đờn hòa quyện với tiếng cụng ly xen lẫn những tiếng chửi thề của khách làng chơi khi các cô không chiều ý những bàn tay sàm sỡ quá trớn.

 

Năm Dĩnh, tay guitar được xem là cừ khôi của huyện Châu Thành - Tiền Giang, cho biết: “Tôi được mời xuống miệt này 2 năm rồi. Mỗi sô đánh đờn được trả 50.000 đồng. Có đêm đờn được 3 sô... Ở dưới quê nghèo khổ làm gì có được 150.000 đồng/đêm. Nhiều lúc đờn mà lòng nhói đau, vì khách có nghe các nghệ sĩ ca đâu, họ mượn không khí này để nài hoa, ép liễu”. Chú Năm Cò quê ở xứ đã sản sinh ra bài Dạ cổ hoài lang lắc đầu: “Đờn cho bia ôm thì phải chấp nhận. Có đêm còn bị ép uống bia thay tiền boa. Cả 3 đứa chúng tôi có khi được boa 5 lon bia. Thay vì uống thì bán lại cho chủ nhà hàng. Nghĩ đến nghề mình thấy tủi lắm. Nhưng lòng tự trọng đâu có ăn được”.

 

Chịu đắng cay, tìm cơ hội “đổi đời” (?!)

 

Trong khi một số nghệ sĩ TPHCM được các chủ quán bia vọng cổ mời xuống miền Tây, thì các nghệ sĩ tỉnh tìm đến các quán bia ôm trá hình ở TPHCM. Hiện nay có 15 quán bia vọng cổ đang hoạt động ở các quận vùng ven, huyện ngoại thành. Các đào hát được thay bằng những cái tên nửa nghệ sĩ, nửa tiếp viên, như: Lệ Thủy Mai, Mộng Tuyền Em, Trang Bích Lệ, Ngọc Giàu Sang...

 

Đến quán Y.H ở Tân Phú, chúng tôi hỏi một “nghệ sĩ” miệt vườn: “Sao không ở tỉnh xin theo đoàn cải lương để làm diễn viên, lên TP hát quán chừng nào mới khá?”. Cô cười hồn nhiên: “Hát ở TP được gặp nhiều mạnh thường quân, họ giới thiệu thu đài truyền hình, rồi tham gia video cải lương. Cơ hội nổi tiếng dễ hơn ở tỉnh”.

 

Qua Y.H chúng tôi được biết nhiều đường dây giới thiệu các nghệ sĩ hát quán lên màn ảnh nhỏ một số đài truyền hình với giá từ 3 - 5 chỉ vàng. Để đạt được mục đích, họ cắn răng chấp nhận những đắng cay của nghề này.

 

Nhiều khách làng chơi quen thói vung tiền mua vui đã đối xử khinh miệt, quậy phá, thậm chí có nghệ sĩ bị họ hành hung khi không thỏa mãn yêu cầu của họ. Nghệ sĩ D.T đã từng bị một người khách đánh tại quán H.M.L, quận 11 - TPHCM cách đây không lâu, chỉ vì gã này đòi vén tà áo dài của cô ngay giữa bàn tiệc nhưng bị cô phản ứng.

 

Kẻ cười, người khóc

 

Qua những chuyến đi cùng với các nghệ sĩ cải lương thường xuyên cộng tác với các quán L.L, N.M (Sóc Trăng), N.T (Long Xuyên), U.Q (Rạch Giá), T.U, D.K (Long Xuyên)... chúng tôi biết được mỗi sô hát tăng cường cho các nhà hàng và quán bia vọng cổ, nghệ sĩ được hưởng 75% tiền boa. Thù lao một sô diễn cho nghệ sĩ nổi tiếng từ 3 - 7 triệu đồng. Có đêm các nghệ sĩ hát cho quán bia vọng cổ ở các tỉnh được các đại gia boa bằng USD.

 

Nghệ sĩ T.S có lần được đến 1.000 USD do một đại gia xăng dầu ở Cần Thơ tặng. Các bạn diễn đi theo cô mỗi người được lì xì 100 USD. Cơn sốt chơi hàng sang của các đại gia kinh doanh đất đai, xăng dầu, thầu xây dựng... các tỉnh hiện nay là thích “làm thân” với nghệ sĩ cải lương. Nhờ đi hát quán bia vọng cổ, “cặp bồ” với các đại gia, một số nghệ sĩ đã xây quán, làm chủ và sở hữu không ít đất đai ở các tỉnh miền Tây.

 

Theo Thanh Hiệp

Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm