1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hạnh phúc giản đơn của chàng trai tật nguyền

(Dân trí) - Ngày Sơn chào đời, bố mẹ chết lặng nhìn đứa con có thân hình quái dị, khuôn mặt dài, tứ chi nhỏ xíu và cong queo. Lớn lên, tấm thân đó lại càng quái dị, bạn bè ghẻ lạnh và xa lánh; lắm lúc tủi hổ, Sơn chỉ muốn làm một nắm lá ngón, kết thúc cuộc đời vốn ít niềm vui…

Khi ý nghĩ tuyệt vọng vừa chợt đến, trước mắt Sơn lại hiện lên hình ảnh người bố, người mẹ tần tảo sớm hôm nuôi đứa con tật nguyền khôn lớn. Sơn không thể chết, Sơn quyết vươn lên từ chính đôi tay, đôi chân quái dị của mình.

 

Tứ chi tuyệt diệu

 

Trong ngôi nhà gỗ lợp bằng tôn lạnh rộng mấy trăm mét vuông ầm ĩ tiếng cưa xẻ với vài chục con người tật nguyền của Trung tâm Dạy nghề giải quyết việc làm và phục hồi chức năng tỉnh Hà Tĩnh (số 144 đường Trần Phú, phường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh), Lê Hồng Sơn nổi bật hơn cả. Sơn lù gù ngồi gọn lỏn trên chiếc ghế lớn. Hai bàn tay nhỏ xíu, cong queo ôm lấy cái đục, chân phải kẹp cứng một cái cưa dài chừng hơn nửa mét. Cứ thế Sơn hết đục rồi cưa, dừng ngắm nghía rồi lại cưa, lại đục. Sơn đang gắng hoàn thành chiếc ghế bành cho một khách hàng.

 

Trước mặt tôi, chiếc ghế bành đã được định hình. Những đường nét của nó khiến những người khách đến tham quan xưởng không khỏi trầm trồ thán phục. Duy chỉ có ông Lê Đình Ý, Phó Giám đốc Trung tâm dạy nghề, người mà Sơn gọi bằng bố, không thốt lên lời nào. Từ lâu ông đã biết tài năng thiên bẩm của Sơn, ông coi đó là sự bù đắp cho những thiệt thòi về thể chất của chàng trai này.

 

“Ngày đầu Sơn được người nhà đưa đến Trung tâm, nhìn thấy cháu khó nhọc bước đi, hai tay luôn nhô phía trước và một sức khỏe yếu ớt, tôi không tin là cháu có thể cầm được cưa đục. Nhưng rồi tôi quá bất ngờ khi nhà thấy cháu rất thành thạo cầm đồ nghề mà không cần ai giúp đỡ. Càng bất ngờ với đôi chân, đôi tay bao nhiêu thì tôi lại càng mê mẩn bấy nhiêu trước những sản phẩm do cháu làm ra. Sơn là người thợ mộc giỏi và chịu khó nhất mà tôi từng gặp”, ông Ý trầm trồ khen đứa con nuôi cưng.

 

Vươn lên từ quá khứ buồn

 

Dù đã là một người thợ giỏi, Sơn vẫn chưa thể quên chuỗi ngày đau khổ, tuyệt vọng vì thân hình thiếu lành lặn của mình trước đây. Sinh năm 1974, là người con thứ hai trong gia đình gồm 5 anh em, kể từ khi sinh ra, đời Sơn đã nhiều nỗi buồn. Mẹ anh kể anh uống thuốc còn nhiều hơn ăn cơm, đã bao lần chết đi sống lại.

 

Càng lớn, cơ thể Sơn càng bất bình thường, tứ chi không phát triển là bao, ngoại trừ những ngón tay và bàn chân cứ cong và dài ra. Hạnh phúc duy nhất của Sơn và gia đình là anh có bộ não của một người bình thường.

 

10 năm cần mẫn ngày ngày đến lớp, người cùng chịu gian khó với Sơn chính là người em trai. Em đèo anh đến trường bằng chiếc xe đạp duy nhất của gia đình, ngày nắng, ngày mưa, ngày bão lũ, 2 anh em đã vượt qua bao vất vả để Sơn có thể đến trường như các bạn cùng trang lứa. Nhưng ở trường, Sơn học rất đều, môn nào cũng khá trở lên, nhất là môn Văn và môn Kỹ thuật. Để viết được chữ, Sơn phải kẹp hoặc buộc chặt bút vào khuỷu tay; nhưng thầy cô và bạn bè đều thán phục nét chữ đẹp và sắc nét của anh.

 

Sơn không thể theo đuổi ước mơ đến trường bởi gia đình quá khó khăn. Và cuộc đời anh đã rẽ sang một trang mới, khi anh bắt đầu cầm cưa, cầm đục, bắt đầu sự nghiệp của một người thợ.

 

Làm việc ở Trung tâm dạy nghề, mỗi tháng Sơn nhận được hơn một triệu đồng, quan trọng hơn và tình yêu thương, đùm bọc, chia sẻ của mọi người.

 

Hạnh phúc nhỏ bé của chàng trai tật nguyền

 

Hôm tôi đến thăm  Sơn cũng là lúc đoàn cán bộ Tổng công ty dầu khí Việt Nam đến thăm Trung tâm dạy nghề người khuyết tật Hà Tĩnh. Ông Phan Xuân Thu, Giám đốc Trung tâm tiếp đoàn bằng những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Thật bất ngờ, người hát đầu tiên không ai khác mà chính là Lê Hồng Sơn. Sơn bây giờ đã sống với một tâm trạng khác, rất tự tin và lạc quan.

 

Kết thúc bài hát, Sơn tâm sự, hạnh phúc lớn nhất của đời anh là được mọi người tại Trung tâm dạy nghề yêu thương, đùm bọc. Hạnh phúc hơn nữa là chính từ nơi này, Sơn đã yêu và được yêu, rồi có một gia đình với người vợ hiền và đứa con khỏe mạnh.

 

Chàng trai tật nguyền này lại đã có một mái ấm gia đình ở tận miền sơn cước huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Sơn quen vợ mình, chị Nguyễn Thị Vân cách đây 8 năm, người con gái vì mê đôi tay tài hoa và khát vọng vươn lên của anh và đem lòng yêu mến.

 

“Em đâu có nghĩ sẽ có ngày được xây dựng gia đình. Ngày cưới, em không cầm nổi nước mắt. Nước mắt của em cũng là nước mắt của bố mẹ. Em đã không phụ lòng bố mẹ”, Sơn tâm sự.

 

Văn Dũng - Minh San

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm