1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Hạnh phúc của người thầy cắm bản

(Dân trí) - Chiếc xe đò ì ạch bò qua những ngọn đồi cao rồi cũng đến đỉnh núi Giăng Màn, nơi trường tiểu học Kỳ Sơn ẩn hiện dưới ngọn núi ngợp tràn màu xanh của những cánh rừng keo. Giữa nắng gắt của miền Trung, căn phòng thầy giáo Phan Duy Dương càng nóng bức, ngột ngạt.

Thế nhưng, câu chuyện của người thầy giáo đã mang đến cho chúng tôi những cảm giác êm đềm, ấm áp tình thương đối với đám trẻ vùng xa.

 

Nối nghiệp cha

 

Năm 1959, cậu bé Dương chào đời trong một gia đình có 6 anh em. Thạch Kim - quê Dương là một vùng quê nằm ở xứ biển ngang nghèo khó, người dân nơi đây quanh năm ngóng ra biển để tìm kiếm cái ăn, cái mặc. Bố Dương là một nhà giáo, thu nhập ông giáo làng cũng chỉ đủ cho vài bữa chợ nên cuộc sống của gia đình Dương đầy khó khăn. Phần lớn đám trẻ cùng trang lứa với Dương ngay từ lúc chập chững biết đi đã theo bố mẹ lên thuyền kiếm cơm. Cũng vì thế mà quê Dương có nhiều đứa trẻ lớn lên không biết chữ.

 

Khác với đám trẻ cùng trang lứa, Dương có một suy nghĩ hoàn toàn khác, đó là phải học để nối nghiệp cha, đem cái chữ về làng. Tuổi thơ của cậu cứ trôi theo một điệp khúc: Sáng đi học, chiều ra biển, rỗi rãi lúc nào là cậu tranh thủ học, cậu lấy phấn vôi tập viết chữ lên mạn thuyền, dùng vỏ sò viết lên bãi cát. Cứ thế, cái chữ, con số cùng Dương lớn lên trên mép biển Thạch Kim.

 

Những năm tháng tuổi thơ với Dương trôi qua thật nhọc nhằn vất vả nhưng đổi lại, Dương thành công trên ghế nhà trường với nhiều danh hiệu học sinh giỏi. 17 tuổi, khi đám bạn cùng trang lứa của Dương đã trở thành những tay đi biển cừ khôi thì Dương lại khăn gói lên tỉnh lỵ thi vào trường sư phạm. Và anh đã thực hiện thành công mơ ước của mình khi thi đậu vào trường CĐSP Hà Tĩnh.

 

Thầy "hai chuẩn"

 

Năm 1979,  Phan Duy Dương tốt nghiệp chuyên nghành toán lý trường CĐ sư phạm và được phân về công tác tại xã Kỳ Lâm, huyện Kỳ Anh. Hồi đó,   giáo viên Hà Tĩnh mới ra trường thường phát hoảng khi nghe đến cụm từ "Lâm - Sơn - Thượng - Lạc". Bởi, đây là những xã miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh. "Lần đầu lên đây, tôi được phân ở với 3 thầy khác trong căn phòng phên nứa tạm bợ. Mỗi tháng được ít ký gạo, sắn. Cả 3 chỉ có độc chiếc xe đạp, thay phiên nhau đến trường" - thầy Dương kể lại.

 

"Người dân ở đây nghèo nên con cái họ từ nhỏ đã phải lo kiếm cái ăn, chẳng ai nghĩ đến chuyện học hành, chúng tôi phải vận động đủ cách mới kéo được học sinh đến trường nhưng chưa hết, đi lại vất vả, bỏ: chữ nghĩa khó tiếp thu, bỏ...".

 

Những khó khăn thiếu thốn không ngăn được nhiệt huyết của chàng thanh niên trẻ. Hằng đêm, thầy ngồi suy nghĩ làm sao để có thể soạn được những trang giáo án hay, dễ hiễu. Trò nghỉ học đột ngột, thầy lặn lội cả chục cây số đường rừng để vận động gia đình cho con em đi học lại.

 

Hơn 20 năm công tác ở trường Kỳ Lâm, thầy Dương đã tạo được niềm tin, vực phong trào học tập ở đây đi lên. Năm 1995 thầy trở thành hiệu trưởng và góp phần quan trọng vào việc xây dựng ngôi trường chuẩn đầu tiên ở huyện  Kỳ Anh.

 

Năm 2001, thầy Dương được điều về làm Hiệu trưởng trường tiểu học Kỳ Sơn tiếp tục góp phần xây dựng ngôi trường khó khăn bậc nhất ở xứ thượng vươn lên trở thành một trường chuẩn quốc gia. Danh hiệu "thầy hai chuẩn" được ngành GD Kỳ Anh gọi vui cho thầy Dương như thế.

 

Hạnh phúc của người thầy cắm bản

 

Trong ngôi nhà xây cấp 4 nằm cạnh đường quốc lộ 12 nối cảng biển Vũng Áng với cửa khẩu quốc tế Cha Lo, đơn giản mộc mạc như chính con người tôi đang tiếp xúc. Thầy Dương kể, "Lúc đầu tôi cũng có ý định lên đây dạy nghĩa vụ ít thời gian rồi xin trở về quê dạy đám trẻ trong làng, nhưng đúng là cuộc đời này không có điều gì là nói trước được. Cái chữ, tình yêu đã níu buộc chân tôi với xứ đất này".

 

Năm 1985, thầy tình cờ gặp cô gái Nguyễn Thị Huệ mộc mạc, chân quê. Tình yêu chớm nở với người thầy cắm bản từ ánh mắt gặp mặt đầu tiên. Rồi một đám cưới nhỏ được tổ chức ngay ở ngôi trường nghèo khó này.

 

Sau ngày cưới cả hai vợ chồng sống tá túc ở ký túc xá của nhà trường. Hằng ngày thầy tới lớp còn người vợ ở nhà chăm lo ruộng vườn. Nhà cửa tạm bợ, đồng lương ít ỏi, cuộc sống đạm bạc của người thầy cắm bản kéo dài suốt hơn 20 năm.

 

Nhưng có một điều người dân các xã miền núi ở Kỳ Anh biết đến vợ chồng thầy Dương bằng hình mẫu của một gia đình hạnh phúc. Vợ chồng ông giáo "2 chuẩn" sinh được 2 người con, người con trai đầu nay đã là chàng sinh viên năm thứ nhất của trường Đại học Vinh, tiếp tục kế nghiệp bố, người em kế tiếp nhiều năm nay là học sinh giỏi. Để có thêm điều kiện nuôi con ăn học, hai vợ chồng thầy phải vay mượn mở thêm cái quán nhỏ thu mua nông sản cho bà con.

 

Đêm xuống, miền núi buồn tẻ, vắng lặng, bên mâm cơm đạm bạc, thầy Dương đọc cho chúng tôi nghe những bài thơ về đạo làm thầy, về những đứa học trò tất tả đến lớp mà bùn còn vương trên quần áo...

 

Hóa ra những tháng ngày vất vả gieo chữ trên non, tình yêu, công việc đã hóa vào những áng thơ, những trang viết của người thầy sinh ra từ xứ biển. Giữa núi rừng, giọng của thầy vẫn rất ngọt ngào, sâu lắng...

 

Văn Dũng - Minh San