1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Dựng lều học chữ

Nằm chơ vơ trên đỉnh đồi trọc lóc. Cái nắng đầu mùa của miền tây xứ Nghệ rát bỏng, như muốn thiêu rụi mái tranh tre xiêu vẹo của lớp tiểu học các em vùng rừng Thạch Ngàn, thuộc huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An).

Đã nhiều người gọi những lớp học này là “chuồng học”.

 

Theo chân một cán bộ Ban tuyên giáo huyện vào công tác Thạch Ngàn được biết, nơi đây gần 100% học sinh là con em đồng bào Thái. Thạch Ngàn nằm cách trung tâm huyện gần 30 km, toàn khu vực núi rừng bao bọc và tạo nên một thung lũng. Hiện nay Thạch Ngàn có 4 địa điểm của Trường tiểu học Thạch Ngàn 2 đóng ở 4 bản làng.

 

Anh Lang Văn Luyện-Chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn than thở: “Các cháu học sinh trên này còn khổ lắm. Cái ăn, cái mặc nào đã ai no đủ đâu. Tại khu vực trung tâm xã may ra còn có chút dự án của chương trình 135, còn đồng bào trong vùng sâu các thôn bản thì lấy đâu ra tiền mà xây trường xây lớp. Để giúp con em vùng này có cái chữ, các đoàn viên thanh niên kết hợp các thầy cô giáo vào đây dạy học cùng vận động bà con dựng lên mấy cái lều trọ học”.

 

Đi sâu vào làng bản, nơi có các lớp học được gọi là “chuồng học” như bản Kẽ Da, Kẽ Tre, Bá Hạ, Kẽ Tắt chúng tôi mới thấy nỗi khát khao cái chữ của người dân nơi đây lớn đến nhường nào.

 

Mỗi sáng sớm, các em từ trong bản lại í ới gọi nhau trèo rừng lội suối để đến lớp. Khắp 4 điểm  nói trên toàn là tranh tre xiêu vẹo, đứng phía ngoài nhìn vào trông giống như “chuồng học” chứ không phải là lớp học. Ngày hè nắng nóng cháy rát cả mặt! Nhiều lần nóng quá đã làm cho một số em học sinh ngất xỉu.

 

Mùa mưa gió đến, mái trường, lớp học không thể nào chống chọi nổi với thiên tai. Một số người dân trong bản có đưa cây cối, gỗ lạt ra hỗ trợ dựng lại trường lớp nhưng chỉ qua cơn gió hoặc trận lũ đầu nguồn là trường lại trơ trụi xơ xác.

 

Đã thế, một số em học sinh lại phải nghỉ học vì khu vực này có hàng chục con khe, con suối, nếu mưa thì không thể nào đi qua được. Tôi có hỏi một số giáo viên: “Vì sao không chọn nơi đất bằng mà dựng lớp học?” thì được biết… nơi đây có chỗ nào đất thoải, bằng nữa đâu. Chỗ dốc một tí nhỡ gặp trận mưa là “đi” luôn cả trường cả lớp.

 

Chính vì thế, tại Thạch Ngàn có 4 mái trường phải nằm chơ vơ trên đỉnh đồi cao cũng là điều dễ hiểu. Thầy giáo Lê Văn Chung kể lại, nhiều hôm trời đang nóng như thiêu như đốt, bỗng chốc gặp cơn gió lốc, gió xoáy… thế là tranh tre, nứa, lá bay đi theo gió, thầy trò ngồi trơ lại dưới lớp học một màn trời. Hôm chúng tôi có mặt tại bản Kẽ Tre, trời vẫn nóng như đổ lửa.

 

Nhìn vào 3 phòng học rỗng tuếch, bàn ghế học trò toàn là những tấm gỗ được tận dụng của đồng bào thôn bản chỗ chắp, chỗ kê bằng gạch đá để cho các em ngồi học. Một số học sinh cho biết, nhiều khi nghe các giáo viên kể chuyện… các em thích lắm, vì nơi này làm gì có sách mà đọc. Vở học, sách giáo khoa nhiều khi còn chưa đủ, làm gì dám nghĩ đến những phương tiện khác. Còn nói về ánh sáng điện thì hầu hết các em còn ngơ ngác và không em nào hiểu khái niệm điện là gì.

 

Thấy chúng tôi cùng cán bộ xã vào thăm, cả 5 giáo viên của Trường tiểu học Kẽ Tre tập trung tại dãy lều trọ nội trú. Cô giáo Nguyễn Thị Thoa-quê Yên Thành lên đây dạy học không cầm được nước mắt: “Em muốn về xuôi lắm, chồng em dạy học ở dưới Đô Lương. Muốn về nhưng không về được”.

 

Hiện nay cô giáo Thoa đã sinh con nhưng một chốn bốn quê, nên cô phải mang theo con nhỏ lên rừng dạy học.Vài tháng chồng cô ở dưới xuôi lại bắt xe đò lên Con Cuông rồi cuốc chuyến xe ôm vào bản Kẽ Tre thăm vợ con.

 

Ngồi bên cạnh cô Thoa, cô giáo Nguyễn Thị Sen cũng không nén được nỗi niềm: “Sen lên đây dạy học cùng một lúc với Thoa, chồng Sen là Bộ đội biên phòng ở Kỳ Sơn. Năm thì mười họa anh ấy mới được về và vào Thạch Ngàn thăm vợ một lần”.

 

Mỗi người mang một nỗi niềm. Cùng dạy học tại bản Kẽ Tre, ngoài hai cô giáo ấy ra còn có vợ chồng thầy Nguyễn Duy Linh và cô Văn Thị Ngọc Hiếu. Linh và Hiếu vào Thạch Ngàn đã 7 năm nay để gieo chữ cho con em đồng bào.

 

Linh kể lại, cũng là người miền xuôi (Thanh Chương) lên Thạch Ngàn dạy học. Linh và Hiếu được ông trời xe tơ kết tóc và chờ đợi 7 năm trời khi được vào biên chế hai người mới dám cưới nhau. Cuộc sống của họ gặp biết bao điều khó khăn. Cả mấy người tá túc trong khu tập thể tranh tre ọp ẹp.

 

Mỗi phòng trọ chưa đầy 16m2, nắng nóng như đổ lửa làm mọi người không tài nào chịu nổi. Đã thế, chỗ ở còn khan hiếm nước, vì đồi cao không đào được giếng. Muốn có nước sinh hoạt, họ phải xuống núi vào bản địu lên.

 

Đó là chưa kể đến nguồn lương thực, thực phẩm phải hợp đồng với một số người trong bản Kẽ Tre, mỗi tuần một chuyến đi ra trung tâm mua hàng rồi mang vào phân chia cho nhau.

 

Cuộc sống về đêm càng buồn tẻ. 5 giáo viên quây quần bên nhau, không biết làm gì, lại phải hát hò nghêu ngao nhưng cũng không làm tan đi không khí âm u của núi rừng. Đó là chưa nói đến nỗi sợ hãi khi bóng đêm ở rừng. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng thú gầm gừ. Những lần sợ thú rừng tấn công, các thầy cô phải ngồi dậy đốt lửa lên rồi đem xoong nồi ra đánh để xua đi.

 

Hiện nay phân hiệu này có 84 em học sinh/5 lớp, 100% các em đều là con em đồng bào dân tộc Thái. Cuộc sống và niềm đam mê làm nghề giáo đã xua đi bao nỗi buồn gian khó. Nhiều người vào đây dạy học đã 5 năm nay nhưng vẫn chưa được biên chế.

 

Theo Phan Sáng

Tiền Phong