1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đời lặn thuê

(Dân trí) - Hầu hết đàn ông ở xóm vạn đò tại khu vực Cồn Hến (phường Vĩ Dạ - TP Huế) đều gắn đời mình với nghề lặn thuê, truyền từ đời này sang đời khác. Họ lặn để vớt con cua, con ốc, vật dụng, phế liệu và có khi cả xác người chết.

Những người sống dưới nước

 

Xuống xóm vạn đò, chúng tôi tìm đến thuyền ông Lê Văn Lưng (SN 1928), người trước đây được xem là "vua thuỷ thần sông nước" trên khu vực đảo Cồn Hến này. Ông cũng là người duy nhất phục vụ kháng chiến, từng lặn tải lương thực, súng đạn, đưa bộ đội qua sông, còn sống đến bây giờ. Trên chiếc thuyền nhỏ ngó ra dòng sông, ông Lưng ngồi trầm ngâm: "Đời ta lênh đênh sông nước lâu rồi, các con sông trong tỉnh này nơi đâu mà ta không mò tới đáy. Chỗ sâu chỗ cạn, chỗ nào nước hiền, chỗ nào nước dữ ta đều nắm làu làu như thuộc bàn tay".

 

Cũng như bao người ở xóm vạn chài này, sinh ra trên đò, lớn lên gắn với nghề lặn thuê, ai thuê đâu lặn đó. Ngày đó ông Lưng là một chàng trai cơ khổ suốt ngày phải neo mình theo dòng sông mà kiếm sống. "Ta còn lặn vớt xác người, lặn tìm tang vật chứng cho công an nữa đó", ông kể, "nghề ni có chi sướng mô mà các chú tìm hiểu! có lặn cả ngày cũng chỉ được vài thứ đồ vụn đem bán, kiếm năm ba ngìn bạc lo cơm cháo cho con. Không có việc làm bất đắc dĩ mới theo nghề ni chứ nguy hiểm lắm, biết sống chết khi mô!".

 

Theo lời giới thiệu của ông Lưng, chúng tôi làm quen với hai người đàn ông có thâm niên trong nghề lặn thuê. Họ hẹn chúng tôi đúng 4h sáng, nếu muốn theo họ trong một cuộc thám hiểm trên sông. Đúng hẹn, chúng tôi có mặt. Đón chúng tôi là anh Nguyễn Văn Sết (SN 1954) và 4, 5 người đàn ông to khỏe khác.

 

Cuộc hành trình từ bến đò Sông Hương xuống cảng Chân Mây mất 4 tiếng đồng hồ. Trên chiếc thuyền nhỏ, mọi thứ được trang bị hết mức thô sơ, không áo phao, không áo da, chỉ một vài thứ đồ nghề để lặn như ống hơi, kính mắt, cưa, khoan,… “Thưởng” xong gói cơm nắm và chén rượu trắng, ai nấy lặng lẽ vào việc như đã phân công trước.

 

"Chú ngồi trên thuyền múc nước đổ vào khoang cho máy nổ, chứ không lặn được mô" - ông Sết phân việc cho tôi. Máy hơi nổ, mấy con người lần lượt chìm xuống nước. Nước sông khi lớn khi ròng, khi trong khi đục, bảo sao đời lặn thuê cứ mãi chấp chênh!

 

Nguy hiểm rình rập

 

Đó là lời tâm sự của anh Nguyễn Văn Sanh, một người từng lặn thuê lâu năm. Sinh ra trên bến đò, lớn lên làm nghề lặn thuê. Khắp các nơi từ vào Cà Mau, Cam Ranh, Dung Quất ra đến Nghệ An, Hà Tĩnh... anh đều đi lặn nhưng giờ phải ngồi một chỗ vì một vụ tai nạn đã lấy đi đôi chân làm anh không thể bơi được nữa.

 

Ranh giới cuộc đời của nhưng người làm nghề lặn thuê mong manh đến từng giây, từng phút. Dưới lòng sông nước, cái chết luôn rình rập họ, người may mắn thì thoát chết nhưng có nhiều người phải bỏ mình dưới lòng sông.

 

Ông Võ Văn Kèng - tổ trưởng KV 7, phường Vĩ Dạ, cũng là một thợ lặn chuyên nghiệp tâm sự: "Nghề ni bạc bẻo lắm  chú ơi! Không ai đất cát, vốn liếng mới đem rước nghề ni vào thân. Ăn của sông có dễ bao giờ. Đáy sông mờ mịt, nước sông lạnh cóng, ai khoẻ lặn theo nghề ni chỉ vài năm cũng phải biết... mùi, tai không thối cũng bị ù, tức ngực, khó thở".

 

Anh Nguyễn Văn Chí (SN 1955) nói: "Trên bờ nhiều khi sơ sẩy tai nạn còn cứu kịp chứ dưới nước khi gặp nạn không biết sống chết thế nào". Anh cũng đã một lần thoát chết nhưng mất hẳn một bàn chân dưới biển. Còn với anh Nguyễn Văn Thành (SN 1975), tai nạn nghề nghiệp một lần mà khiến anh ám ảnh mãi, bỏ cả nghề: "Tui đang lặn thuê cho một công ty làm cầu ở biển Thuận An, không biết một thanh sắt từ đâu thọc xuyên vào đùi , máu tứa ra ngất đi may mọi người phát hiện được đưa đi cấp cứu. Thoát chết từ đó tôi bỏ nghề lặn về làm phu xe, bốc vác chứ nghề đó không biết  sống chết khi mô".

 

"Ai cần, chúng tôi có mặt"

 

Xóm vạn đò nằm bên dòng Sông Hương, cách cầu Trường Tiền chừng một cây số. Trong số 150 người lặn thuê, có khoảng 30 người thường tham gia vớt xác người chết. Họ phải làm cái công việc bất đắc dĩ ấy, một phần vì miếng cơm manh áo, một phần vì thương cảm cho những thân phận xấu số, trôi sông.

 

Ông Lê Văn Lò, 78 tuổi, người thâm niên lâu năm thợ lặn cho biết: “Hàng năn dọc bờ Sông Hương có đủ kiểu người chết: chết đuối, nhảy sông tự tử vì tình, thanh niên chơi bời chém giết lẫn nhau rồi dìm xác xuống sông,...”. Lúc đó cả đội của ông phải lặn ngày, lặn đêm tìm xác. Do sông sâu, nước chảy xiết, khi đó lại  không ai nhìn thấy được người chết nên việc phán đoán rất khó. Đến khi xác được vớt lên thì đã thối rữa. Có những xác chết lâu ngày, không ai nhận, nổi lờ đờ trên mặt sông, đội lặn thuê lại tự bỏ tiền ra khâm liệm.

 

Nói đến đây ông Nguyễn Văn Xưa ngắt lời: "Làm nghề ni công thưởng chi mô chú, mình làm phúc, làm phước chứ ai đòi hỏi tiền bạc chi mô. Nhiều khi anh em chung nhau tiền mua hương khói cúng cho người chết rồi mới xuống lặn. Nghề ni mà vì tiền thì chắc có lẽ anh em tui giàu có rồi chứ không nghèo xơ, nghèo xác như ri".

 

Không chỉ có lượm xác, hàng năm đội thợ lặn như cánh ông Xưa, ông Sết còn lặn tìm tang vật chứng cho công an phá những vụ án giết người. "Ai cần chúng tôi có ngay" - ông Sết nói.

 

Nỗi niềm biết tỏ cùng ai

 

Mấy ai hiểu hết cái cực của những người lặn thuê. Như ông Lưng, ông Lò đến giờ vẫn nghèo như đời cha, đời chú ngày nào. Như ông Lê Văn Hòa, đã ở cái tuổi 80 mà vẫn không một mảnh đất cắm dùi. "Nghề ni bạc bẽo lắm chú ơi, không có hậu chút nào. Cả đời đi lặn thuê giờ về không một đồng để lo nổi hậu sự tuổi già. Nay kiệt cùng sức lực phải nhờ vào bà con lối xóm nay cho bữa cơm, bữa cháo qua ngày".

 

“Khá” nhất đội có lẽ là anh Sanh. Giờ anh chỉ mong Nhà nước sớm thực hiện chính sách định cư, có miếng đất trên bờ ổn định cuộc sống. Đó cũng là nguyện vọng chung của hàng trăm hộ dân xóm vạn đò này.

 

Thân Ba