1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đi xe buýt thời... xăng tăng giá

Khi giá xăng dầu tăng 800 - 1.000 đồng/lít vào đầu tháng 7, nhiều người làm việc trong các công sở, trường học, bệnh viện đã bỏ xe máy để chuyển sang đi xe buýt. Theo Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng Sở GTCC TPHCM, từ đầu tháng 7 đến nay, lượng khách đi xe buýt tăng khoảng 12,3% so với cùng kỳ tháng 6.

Một tín hiệu tốt cho lộ trình hạn chế xe cá nhân.

 

Cùng nhau đi xe buýt

 

Chuyến xe buýt Lê Hồng Phong-Thủ Đức lúc 5 giờ chiều đông hơn mọi khi. Cứ mỗi lần đến trạm chờ, xe chưa kịp dừng hẳn là khách lại ùa lên. Từ Lê Hồng Phong về Thủ Đức, qua các nhà chờ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Đặng Văn Bi...chỗ nào cũng 5-7 khách lên xe, xuống xe.

 

Cô nhân viên tên Vân nhanh nhảu mời khách lên xe, phát vé, thu tiền và cho biết: “Có vẻ đông hơn tháng trước anh ạ. Nhưng may mà sinh viên nghỉ hè rồi chứ không thì chật cứng”. Trên chuyến xe buýt buổi tan tầm là đủ mọi thành phần, từ anh công nhân, đến những công chức giày tây áo cổ cồn.

 

Tay xách cặp da, tay nắm lên tay vịn, anh Trọng (Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh TPHCM) bảo: “Đi xe buýt đông vui thế này mà bây giờ tôi mới biết. Nhà ở phường Trường Thọ, Thủ Đức, trước đây mỗi ngày anh phải đi đi về về trên chiếc Honda. “Sáng đi làm tay xách nách mang thêm cái nón bảo hiểm lộm cộm. Đến cơ quan phải tìm nơi cất giữ. Nay đi xe buýt thế này thì rảnh tay, lại đỡ tốn tiền xăng”, anh nói thêm.

 

Trên chuyến xe buýt Bến Thành-Tân Sơn Nhất buổi tan tầm, tôi gặp tiến sĩ Trương Tiến Hải, chuyên gia tư vấn của tổ chức GHD (trụ sở ở quận 1) về xây dựng cơ sở hạ tầng. Anh cho biết đã đi làm bằng xe buýt hơn một năm nay và cảm thấy thật tiện lợi: “Nhà tôi ở trong hẻm nhưng tôi vẫn đi xe buýt. Sáng đi bộ một đoạn ra đón xe buýt, rồi chiều về đi bộ một đoạn vào nhà, đó cũng là tập thể dục. Đi xe buýt lại có máy lạnh, khỏi phải hứng khói, bụi, mưa, nắng, kẹt xe. Khi xăng dầu tăng giá sẽ kinh tế hơn đi xe máy nhiều”.

 

Vừa trò chuyện với tôi, tiến sĩ Hải vừa làm bài toán tính nhẩm. Nếu mỗi ngày với quãng đường 20km cả đi cả về thì cũng hòm hòm lít xăng mất hơn 8.000 đồng, gửi xe mỗi ngày chí ít cũng 2.000 đồng, một tháng vị chi là trên 300.000 đồng. Còn nếu đi xe buýt hai lượt/ngày hết 4.000 đồng, đi vé tháng còn rẻ hơn.

 

Trong 2 tuần đầu tháng 7 này, chúng tôi thấy khá nhiều công nhân viên chức làm việc ổn định trong các cơ quan nhà nước, công ty đã bắt đầu bỏ xe máy đi xe buýt. Tại các nhà chờ trên các đường Lê Văn Sỹ, Hai Bà Trưng, Cách Mạng Tháng Tám, Ba Tháng Hai ...vào mỗi sáng sớm có khá đông người làm việc văn phòng đứng, ngồi chờ xe. Sinh viên và nhiều giáo viên của các trường Đại học Nông Lâm, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM... cũng đã chuyển sang đi xe buýt mỗi ngày.

 

Bài toán phát triển xe buýt

 

Nhằm đáp ứng lượng khách đi lại đang tăng, Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng cũng đã tăng thêm 40 chuyến xe buýt tại tuyến Sài Gòn-Củ Chi (trung bình 3 phút/chuyến); tăng 20 chuyến Chợ Lớn-Củ Chi. Riêng tuyến Sài Gòn-Thủ Đức, vào giờ cao điểm được tăng 2 chuyến/phút.

 

Đến nay, trung tâm đã tăng hơn 300 chuyến/ngày tại tất cả các tuyến nội và ngoại thành. Nếu cần thiết có thể tăng thêm chuyến, mở thêm tuyến... Mặt khác, để đảm bảo việc đi-đến đúng giờ cho hành khách, vào những giờ cao điểm, trung bình ở các tuyến đều là 3-5 phút/chuyến, còn thấp điểm là 10-15 phút/chuyến.

 

Mặc dù vẫn bù lỗ cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nhưng lãnh đạo TPHCM vẫn mong muốn lượng khách đi xe buýt tăng lên. Thống kê năm 2004 cho thấy dân số thành phố là 6,2 triệu người (chưa kể khách vãng lai) và có 2.840 xe buýt các loại chỉ đáp ứng 3,2% nhu cầu đi lại của người dân.

 

Nếu so sánh với năm 1976, khi thành phố có khoảng 3 triệu dân và có 1.000 xe buýt các loại, đáp ứng 10% nhu cầu đi lại của người dân thì đúng là vận tải hành khách công cộng suy giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng theo Sở GTCC TPHCM thì chủ yếu do kết cấu hạ tầng không theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, vận tải hành khách công cộng chưa được quan tâm đúng mức.

 

Tại hội nghị chuyên đề “Một số giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020” diễn ra mới đây, nhiều ý kiến đã đồng tình với việc phát triển mạng lưới xe buýt đến năm 2010, hạn chế đăng ký xe 2 bánh. Dự báo nhu cầu vận tải khu vực TP năm 2010 là 26 triệu lượt người/ngày (tăng 137%), năm 2020 là 36 triệu lượt người/ngày.

 

Với mức gia tăng như vậy đến năm 2020 trên một số trục đường chính ở khu vực trung tâm số lượt người đi lại đạt 16-26 ngàn lượt người/giờ/hướng, vượt xa năng lực vận tải của hệ thống xe buýt hiện nay nhiều lần. Do vậy, theo các chuyên gia, phát triển vận tải hành khách công cộng là nhiệm vụ trọng tâm, đảm bảo tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2010-2015 phải là 22%-26% và đến 2020 là 47%-53% với tổng nhu cầu đi lại khoảng 20.112 hành khách/ngày. Như vậy, vào thời điểm 2010-2015, thành phố cần ít nhất là 6.000 xe buýt.

 

Tuy nhiên, bên cạnh việc phát triển đầu xe là cải thiện cơ sở hạ tầng, cụ thể là tuyến, đường. Theo quy hoạch đến năm 2010, thành phố sẽ phân cấp các mạng lưới tuyến như trục chính, tuyến nhánh, tuyến thu gom, tuyến chạy nhanh. Mạng lưới tuyến trục chính gồm có 22 tuyến, hoạt động trên các hành lang chính của thành phố với tổng chiều dài 423,9km.

 

Phát triển vận tải hành khách công cộng là cần thiết cho một thành phố ngày càng hiện đại góp phần hạn chế ùn tắc giao thông; giảm chi phí ; tiết kiệm nhiên liệu; giảm ô nhiễm môi trường; tai nạn giao thông...

 

Và với kế hoạch đến 2020, khoảng 50% người dân thành phố sử dụng vận tải hành khách công cộng thì ngay từ bây giờ thành phố cần đầu tư ngay cơ sở hạ tầng, tạo thói quen cho người dân đi xe buýt nhiều hơn bằng chất lượng phục vụ; nâng cấp các tuyến đường; xây thêm trạm chờ xe buýt; có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với tài xế chạy ẩu, bỏ trạm; chạy không đúng giờ... 

 

Theo Tường Lâm

Sài Gòn Giải Phóng