1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Đi tìm vua bếp chiến trường

Bếp Hoàng Cầm nổi tiếng bao nhiêu thì cuộc đời của người đã chế ra nó lại lặng lẽ bấy nhiêu. Ít ai ngờ rằng, cha đẻ của cái bếp nổi tiếng toàn quân, cả nước và thế giới cũng biết đến ấy lại sống một cuộc đời giản dị, kham khổ đến xót xa.

Giờ đây, nấm mộ của ông cũng đang nằm khuất nẻo ở một sườn dốc trên bình độ 800m thuộc thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Từ Điện Biên Phủ 50 năm trước!

Dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên, tôi tình cờ có dịp được gặp đại tá GS-TS  Đặng Hiếu Trưng. Ông nguyên là chuyên viên đầu ngành tai mũi họng của Viện 108, đã về hưu. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Đội trưởng Đội điều trị 8 (còn gọi là ĐT8, thuộc Đại đoàn 308) đóng cạnh suối Hồng Lếch, cách hầm Đờcát chỉ 4km đường chim bay về phía tây.

Trong những kỷ niệm trận mạc của mình, GS Trưng rất tự hào về người tiểu đội trưởng nuôi quân của đội điều trị có tên là Hoàng Cầm. Ông kể: "Đội ĐT8 có trên 100 con người, cộng với thương bệnh binh, vì thế mà số người mà đội nuôi quân của anh Cầm phải phục vụ rất đông. Tôi chưa thấy một người nào hiền hậu mà tận tụy với công việc như anh Hoàng Cầm. Tháng 10.1953, tôi được điều từ Cục Quân y về ĐT8, lúc đó thì bếp Hoàng Cầm đã hoàn chỉnh lắm rồi. Trong chiến dịch Điện Biên, tất cả các đơn vị của quân ta và cả dân công hoả tuyến đều sử dụng bếp Hoàng Cầm, nhờ vậy ta đã bí mật đến tận giờ nổ súng khiến quân Pháp hoàn toàn bất ngờ. Công lớn như vậy nhưng anh Cầm vẫn luôn lặng lẽ, tận tụy. Hình ảnh Hoàng Cầm với công việc tất bật hàng ngày, lo từ cái ăn cho cả đội đến từng bát cháo cho mỗi thương binh, đến giờ tôi cũng không quên được".

Ngoài những ký ức về người đội trưởng nuôi quân của mình, GS Trưng chỉ có thể cung cấp thêm cho tôi những thông tin về bếp Hoàng Cầm mà ông lấy từ cuốn Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam (NXB Quân đội Nhân dân - 1996).

Còn tôi, từ những năm học cấp 3, khi được học bài thơ "Tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật, hai câu thơ: "Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời/ Chung bát đĩa nghĩa là gia đình đấy", thầy giáo dạy văn "quên" giải thích về bếp Hoàng Cầm, mà tụi học sinh chúng tôi cũng chẳng biết hỏi ai. Vậy là câu hỏi "tại sao cái bếp lính lại có cái tên đẹp thế. Hoàng Cầm là ai?" đã ám ảnh tôi từ đó.

Phải nói sách báo, thơ ca đã viết nhiều về bếp Hoàng Cầm, Bảo tàng Hậu cần QĐND VN ở Hà Nội có hẳn một mô hình bếp Hoàng Cầm cho khách tham quan xem.

Rồi những thông tin tràn ngập trên mạng Internet cũng cho biết về bếp Hoàng Cầm, đại loại như: Năm 2002, Martin Yan - vua bếp của nước Mỹ, nổi tiếng với chương trình dạy nấu ăn "Yan Can Cook" được phát trên 240 đài truyền hình của Mỹ và hơn 70 quốc gia trên thế giới - đã đến thăm địa đạo Củ Chi và thử tài nghệ trên... bếp Hoàng Cầm.

Không biết vua bếp Mỹ có biết về chiến sĩ nuôi quân Hoàng Cầm không, nhưng tôi đoán chắc rằng, Martin Yan ý thức được giá trị cái bếp của Việt Cộng đó lắm nên ông mới hào hứng như vậy. Chắt lọc trong vô số những thông tin trên mạng, tôi biết được cụ Hoàng Cầm đã từng sống ở thị trấn Tam Đảo.

Viếng mộ cụ Hoàng Cầm

Trong hồi ức "Đường tới Điện Biên Phủ" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (NXB Quân đội Nhân dân - 2001) có đoạn viết: "Sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc ở đây một sáng kiến đã mang lại sự cải thiện rất quan trọng trong đời sống các chiến sĩ ngoài mặt trận.

Khói lửa từ những bếp của anh nuôi đã nhiều lần làm lộ vị trí trú quân, dẫn đến những tổn thất xương máu...

 

Một chiến sĩ nuôi quân ở trạm quân y của Đại đoàn 308 đã có sáng kiến đào những đường rãnh thoát khói bên sườn núi, nối liền với lò bếp, bên trên rãnh đặt những cành cây và phủ một lớp đất mỏng được tưới nước để giữ độ ẩm. Khói từ trong lò bếp bốc lên qua các đường rãnh chỉ còn là một dải hơi nước tan nhanh khi rời khỏi mặt đất.

 

Từ đó anh nuôi có thể thổi nấu ban ngày, ngay cả khi máy bay trinh sát địch bay trên đầu. Bộ đội bắt đầu được ăn cơm nóng, uống nước nóng...

Người đưa tôi đi thăm mộ cụ là cô Hoàng Thị Định - con gái út của cụ Cầm. Trong số 4 người con: 2 trai, 2 gái của cụ Cầm, chỉ còn có cô Định là ở lại với Tam Đảo. Cách khu nghĩa trang liệt sĩ của thị trấn chừng 50m về phía đỉnh đồi là khu mộ của cụ Cầm và vợ.

Tôi thắc mắc hỏi cô Định: Tại sao chính quyền địa phương không đưa cụ vào nghĩa trang liệt sĩ? Cô Định bảo: "Nhiều người cũng hỏi như chú, nhưng chính quyền thị trấn thì họ bảo cụ chả có công trạng gì, chỉ là anh nuôi bình thường nên không có tiêu chuẩn đó. Năm 1996, bố tôi mất ở Hà Nội, thọ 80 tuổi, Quân đội cử hành tang lễ trọng thể lắm, nhưng thực hiện ước nguyện của bố, anh chị em chúng tôi quyết định đưa cụ về Tam Đảo. Gia đình xin được miếng đất nhỏ của hàng xóm bên sườn núi nên quy tập mộ của ông, bà về đây. Hôm vừa rồi, người con trai chủ nhà đổ đất làm sạt lở một phần khu mộ, gia đình cũng không kêu ca gì mà tự bỏ tiền ra xây lại".

Thắp một nén hương cho hai cụ mà lòng tôi không khỏi rưng rưng. Con người mà toàn quân đội ta quý trọng, biết ơn, từng được suy tôn như "vua bếp chiến trường" nằm ở đây ư, trong một nấm mộ bình dị thế này thôi sao?

Tôi vào thăm căn nhà cũ kỹ của cụ Cầm ở thôn 2. Ngôi nhà vẫn y nguyên như những ngày cụ ông và cụ bà còn sống. Giờ chẳng còn ai ở, cô Định cũng có một nhà trọ nhỏ kinh doanh trên khu nghỉ mát. Thiếu hơi người, nhưng thực sự vẫn ấm nồng tình của những người hâm mộ Hoàng Cầm.

Tại đây tôi đã chép được những dòng thơ của một tác giả trú tại phường Đồng Tâm, thị xã Vĩnh Yên với tựa đề "Kính tặng hương hồn lão chiến sĩ Hoàng Cầm": Xóm sườn Tam Đảo cheo leo/ Quanh ngôi nhà nhỏ thông reo nắng vàng/ ...Nhớ về một bếp Hoàng Cầm/ Đạn bom bắt khói đi ngầm nơi nao/ Hoà bình, khói toả trời cao/ Khói ơi! quên mất gian lao chiến trường/ Người lính già đã thơm xương...".

Trong số những người biết về cụ Hoàng Cầm ở Tam Đảo, tôi may mắn gặp lương y Hà Xuân Tình - trú tại thôn 1. Bác Tình là thương binh hạng 2/4, bác theo nghề y và giờ là Phó Chủ tịch Hội Y học dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc.

Bác kể: "Khi mà cụ mất, tôi là người của Hội Cựu chiến binh thị trấn đón thi hài cụ từ Hà Nội về đây. Một số người còn nói, cụ chỉ đơn giản là anh nuôi, nhưng tôi nghĩ công lao của cụ mang tầm cỡ quốc gia, thế giới. Cụ để lại cho đời tác phẩm mà Mỹ cũng phải khâm phục. Nhiều người hỏi tôi bếp Hoàng Cầm có phải do Thượng tướng Hoàng Cầm chế ra, tôi bảo không: Ông Hoàng Cầm này vẫn đang lui cui trồng dược liệu, như một nông dân thực thụ". Vinh dự lắm, nếu cụ Cầm được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thì tôi nghĩ sẽ rất vinh dự cho nhân dân Tam Đảo và cả tỉnh Vĩnh Phúc".

Theo những tài liệu mà tôi có được, năm 1995, Hội Cựu chiến binh tỉnh Vĩnh Phúc đã có công văn gửi Bộ Chỉ huy Sư đoàn 308, Quân đoàn 1 và đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Hoàng Cầm. Sau đó, Sư đoàn 308 đã có công văn phúc đáp (số 856/G5 ngày 25.11.1995) nêu rõ: "Việc xem xét và đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Hoàng Cầm là một ý nguyện hoàn toàn phù hợp, đúng với chính sách của Nhà nước.

Tuy nhiên, việc xem xét và làm thủ tục đề nghị Nhà nước phong tặng phải xuất phát từ địa phương, do vậy Sư đoàn 308 không thể là đơn vị đứng ra đề nghị Nhà nước xét phong tặng được. Phần thuộc phạm vi quyền hạn của Sư đoàn 308 chỉ là cơ sở để bổ sung thêm vào văn bản báo cáo thành tích của đồng chí Hoàng Cầm và đề nghị của tỉnh Vĩnh Phúc lên Nhà nước". Sau khi cụ Hoàng Cầm mất năm 1996, sự việc đã dừng lại từ đó đến nay...

Mong muốn của GS Trưng, cũng như của những người yêu mến tác giả bếp Hoàng Cầm vẫn chưa thể thành hiện thực, bởi chuyện không vui vẫn còn dài.

Theo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm