1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đêm trở mình nghe tiếng sông “nuốt” làng

(Dân trí) - Dòng sông Dinh thơ mộng bồi đắp nên những bãi phù sa màu mỡ trù phú, mấy năm nay bỗng trở nên hung hãn, “ngoạm” đi bao đất canh tác, đất thổ cư, khiến cả ngàn hộ dân xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) sống trong hoang mang, lo sợ.

“Bờ xôi ruộng mật” đã nằm giữa sông!

Men theo con đường gồ ghề chúng tôi lần đường tìm ra sông Dinh (đoạn trọng điểm xóm Tân Mùng-Tam Hợp), phía trước mắt là cảnh tượng kinh hãi, cả dọc dòng sông bị xẻ nứt toang hoác như một vết chém khổng lồ. Có chỗ vừa mới sạt lở kéo theo cả những cây ngô non bật trơ gốc còn hăng mùi đất. Vết sạt lở như vực sâu hun hút cao từ 12-15 mét, chi chít nối đuôi nhau là những hàm ếch đang bị khoét vào bờ, nước cuồn cuộn tạo nên những xoáy ngầm chỉ chực chờ con nước vỗ vào là đất từ trên bờ đổ ập xuống. Anh Dũng, Phó Chủ tịch xã Tam Hợp nói: “Đứa con trai 7 tuổi của gia đình anh Trung  đi trâu đã bị sẩy chân xuống chỗ sạt lở chết đuối, 3 ngày sau người ta mới vớt được xác ở hạ nguồn sông Dinh”.
 
Đi dọc bãi bồi thấy màu xanh của ngô, nhưng ngó ra thấy sông Dinh đang ăn sâu vào làng mà không có gì ngăn nổi. Chúng tôi thấy gần giữa sông có bụi tre bị chìm nghỉm lá vẫn còn xanh ngật ngừ theo dòng chảy, theo người dân thì bụi tre này bị sông “bứng” từ mùa lũ năm trước mà nay đã cách bờ sông gần 20 mét, tốc độ sông lấn làng quả là ghê gớm.
 
Đêm trở mình nghe tiếng sông “nuốt” làng - 1
Bụi tre xanh tốt bị “bưng” ra giữa dòng sông 

Phía dọc sông là thấp thoáng những ngôi làng, chiều nào người dân đổ ra đứng nhìn bờ sông sạt lở mà than vãn. Tôi tìm đến ngôi nhà ngói cũ nát của gia đình bà Trương Thị Kham (người dân tộc Thổ). Ngôi nhà chỉ cách bờ sông chừng hơn 10 mét, gió sông thổi mát lồng lộng, nghe được cả tiếng sóng vỗ vọng vào. Bà Kham buồn bã nói: "Tính từ bờ ra khoảng 100 mét là cánh đồng “bờ xôi ruộng mật”, có cây thị cao lớn, bãi tắm, vậy mà giờ đều nằm giữa sông. Gia đình tôi chỉ có 5 sào đất canh tác trồng lúa ngô ngoài bãi để sinh sống nay đều đã trôi sông, đất ngụ cư  khoảng 3 sào bị lấn, giờ còn mỗi ngôi nhà rách để trú ngụ, sông  cũng không buông tha. Đêm nghe tiếng nước réo, đất lở mà nóng hết gan ruột, anh coi nó lở như ri thì năm tới nhà tui sẽ mất nhà, không biết đi mô vê mô khi mà cuộc sống vẫn chưa đủ ăn chứ chưa nói chuyện lấy tiền mua nhà".

Đêm trở mình nghe tiếng sông “nuốt” làng - 2
Sạt lở nghiêm trọng tại xóm Tân Mùng  
Phía sát bên là cơ sở chế biến sắn lát của gia đình anh Nguyễn Chính được đầu tư trên 100 triệu đồng, hoạt động mới chỉ được hơn 2 năm thì mới đây cũng bị đổ ập xuống sông Dinh, mái pờ-rô-xi-măng bị cuốn trôi, móng tường lở lói, may không có ai trong nhà xưởng nếu không hậu quả khó lường. Kế bên là xưởng sản xuất đá trắng của anh Nguyễn Trí Ngọc cũng đã bị sông “ngoạm” mất ô chứa nước thải. Giờ kho chứa đá trắng tấm lát chỉ cách bờ sông chừng hơn 2 mét. Anh Ngọc lo lắng: “Đất lở nhanh quá anh ạ, chỉ cần trận nước lên nữa chắc xưởng em “hà bá” cũng xơi nốt, đầu tư cả hàng trăm triệu xót xa lắm”.
 
Có 4 hộ dân ở xóm Tân Mùng sát sông Dinh đã phải bỏ đi đến vùng đất mới. Đáng thương nhất là hộ anh Trương Văn Loan. Bờ sông đã lấn gần sát tường nhà mà anh vẫn chưa chịu đi vì quá nghèo. Trong ngôi nhà ấy là một bà mẹ già bị bệnh ung thư, đứa em gái bệnh tâm thần, 3 đứa con nhỏ. Đất canh tác và ngụ cư không có, hàng ngày anh phải đi làm “phu đá” để nuôi đại gia đình khốn khổ ấy. Trước tình cảnh thương tâm, xã vận động, bà con thương tình quyên góp đã di dời được ngôi nhà của anh đến nơi an toàn.

Gia đình chị Đức cũng cám cảnh không kém: Chồng chết sớm bỏ mặc đàn con thơ dại, trong ngôi nhà cũ ven sông đã bao đêm những đứa con khóc thét lên vì mỗi lần nghe tiếng động lở đất. Chị chỉ biết ôm con vào lòng, nước mắt đầm đìa mà cầu khấn thủy thần đừng “nuốt” mất căn nhà bé nhỏ. Trong đêm mưa ấy, sáng thức giấc chị kinh ngạc vì sóng nước đã vỗ trước thềm nhà. Những vết lở lói của thủy thần như nhe nanh đang gầm ghè chuẩn bị nuốt chửng ngôi nhà xuống sông. Tay xách nách mang, chị bồng con khẩn trương vào làng, rồi quay lại lấy mấy vật dụng cần thiết. Sáng đó ngôi nhà nhỏ thân yêu của chị Đức đã bị dòng sông Dinh xoá đi dấu tích.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Xóm trưởng Tân Mùng cho biết: Sạt lở ở bờ sông Dinh thì Tân Mùng hứng chịu nặng nhất: Xóm có 123 hộ dân (chiếm 65% dân tộc Thổ), cuộc sống đang rất khó khăn. Trong đó có trên 70 hộ dân ở ven sông đang nằm trong tình trạng cảnh báo. Cả xóm Tân Mùng có 50 ha đất canh tác nông nghiệp chủ yếu trồng ngô, lạc, mía thì 5 năm nay sông đã lấn mất hơn 25 ha. Có nghĩa là lấn mất một nửa diện tích đất canh tác, chưa kể là lấn mất hàng chục ha đất thổ cư. Thiếu đất, cuộc sống của người dân càng trở nên khốn đốn, nhiều người đã phải phiêu bạt làm thuê tứ tán, hoặc đi làm ở các mỏ đá ...

Bất lực nhìn sông lấn làng
 
Ông Hoàng Xuân Ngư, Chủ tịch xã Tam Hợp buồn nẫu: Hiện vết sạt lở kéo dọc bờ sông Dinh dài khoảng gần 2 km gây nên xói lở làm thiệt hại nghiêm trọng.  Cả xã có 2.800 hộ thì có khoảng 1.000 hộ đang đứng trước nguy cơ sông lấn làng, trong đó có khoảng 200 hộ thuộc diện di dời và 14 hộ trong tình trạng cảnh báo đặc biệt cần phải di dời ngay từ mùa lũ năm nay. Tuy nhiên hầu hết các hộ dân vẫn đang bám trụ ở bờ sông vì cuộc sống còn nghèo khó không đủ tiền mua đất. Trong khi đất tái định cư là không thể có vì quỹ đất của xã đang ngày càng eo hẹp, khi mà mỗi mùa mưa lũ sông Dinh nuốt đi chừng hơn 10 ha đất canh tác và đất ngụ cư.
 
Đêm trở mình nghe tiếng sông “nuốt” làng - 3
Bà Trương Thị Kham đang lo sông “nuốt” mất nhà 

Ngoài thiệt hại của nhân dân, hiện sông sông Dinh đã xoá sổ con đường cũ 532 dài hơn 2 km. Điều đặc biệt nguy hiểm con đường mới 532 vừa làm xong cũng cách bờ sông chừng hơn 20 m, trụ sở UBND xã vừa xây dựng mới cũng chỉ cách bờ sông trên 50 m. Nếu không được kè bờ sông thì chỉ trong vài năm nữa các làng mạc ven bãi bồi đều bị sông “nuốt” và ngay trung tâm xã cũng chẳng còn, vì tốc độ sạt lở rất nhanh, mỗi năm sông tiến vào bờ từ 7-10 mét. Giải pháp của xã là huy động bà con nhân dân trồng tre, đóng cọc tre, thậm chí kè đá một số nơi nhưng đều như muối bỏ biển vì chỉ một trận mưa tất cả lại trôi xuống sông.

Theo ông Ngư thì nguyên nhân gây sạt lở là do dòng sông thay đổi dòng chảy, tất cả đều do sự tác động của con người. Sông Dinh bắt nguồn từ nước bạn Lào chảy qua các xã Châu Tiến, Châu Hồng... sau đó mới về đến Tam Hợp rồi đổ về sông Hiếu. Lâu nay dòng sông hiền hoà, êm ả, nhưng dăm năm gần đây rộ lên nạn khai thác quặng thiếc, rừng đầu nguồn bị chặt phá, cây lấy gỗ bị người ta chặt vô tội vạ để chống hầm lò. Núi rừng bị đào bới tan hoang để lấy thiếc trở nên trơ trọc, mưa lớn nước cứ thế xối xả chảy về khiến lưu lượng nước quá lớn khiến cho dòng sông đổi dòng gây nên sạt lở.

Điều đáng lo ngại là hiện tượng sạt lở cũng đang nghiêm trọng tại các xã Châu Cường, Châu Đình ... Dòng sông cuốn đi đất đai hoa màu, làm hư hỏng cầu cống, đập tràn ...

Thiết nghĩ, đã đến lúc cấp uỷ, chính quyền huyện Quỳ Hợp cần có biện pháp mạnh hơn nữa để nhanh chóng giảm thiểu nạn khai thác thiếc thổ phỉ tràn lan, để cho những cánh rừng thêm xanh điều tiết được lượng nước khi mưa lớn, có như thế cuối hạ nguồn sông Dinh mới tránh được tại họa sạt lở.

Bây giờ đang đầu mùa mưa, nước thượng nguồn đổ về ngầu đỏ, dòng sông Dinh quằn quại đổi dòng, phình ra như con trăn khổng lồ đang nuốt mồi. Lưỡi nước lên nhanh liếm loang loáng. Người dân lại nghe  “điệp khúc” tiếng đất lở thi nhau rền rã. Đất canh tác với những đậu, lạc, vừng ... lại bị nuốt chửng rồi đẩy tuồn tuột ra biển đông.

Thượng nguồn sông Dinh đang kêu cứu!

Văn Trường - Duy Thảo