1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Để không ai bị lãng quên

(Dân trí) - “Không ai bị lãng quên và không điều gì bị quên lãng” - Hẳn rất nhiều người biết tới câu thơ bất hủ trên đây của nữ thi sĩ Xô Viết Olga Bergolts.

Thật khó có thể tìm thấy câu thơ nào thích hợp hơn để nói về “Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật kháng chiến” do Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, TƯ Hội Cựu chiến binh Việt Nam và TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động và triển khai suốt ba năm qua với sự đồng hành của Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á.

 

11.000 kỷ vật kháng chiến – hàng vạn câu chuyện về số phận con người

 

Để không ai bị lãng quên  - 1

 
Những cuộc chiến tranh kéo dài mấy chục năm trong thế kỷ hai mươi đã để lại dấu ấn thật sâu đậm tại bất cứ vùng quê nào trên đất nước Việt Nam. Đã có thời, vào bất cứ một gia đình nào người ta cũng có thể bắt gặp những đồ dùng, những dụng cụ, những vật dụng, những bộ quân phục… của thời chiến. Nhiều đến mức, cứ tưởng như chúng không bao giờ hết, không bao giờ thiếu.

 

Thực tế lại không phải như vậy. Chỉ có vài chục năm sau khi chiến tranh kết thúc, bây giờ những kỷ vật đã thật sự trở thành của hiếm. Bởi lẽ, ngày càng có nhiều người thuộc các thế hệ trực tiếp tham gia hai cuộc kháng chiến “lên đường về với tổ tiên”. Số còn lại, người thì tuổi cao sức yếu, trí tuệ không còn đủ minh mẫn để nhớ, để kể lại những sự kiện của một thời kháng chiến, nhiều người bận kiếm kế mưu sinh nên cũng không còn để tâm đến việc lưu giữ các kỷ vật từ mấy chục năm trước; cũng có nhiều người cất kỹ quá ở đâu đó, đến giờ dù muốn cũng tìm chẳng ra.

 

Thêm vào đó, đất nước ta đang tiến hành công nghiệp hóa. Quá trình  đô thị hóa diễn ra rất nhanh. Khắp nơi là công trường xây dựng, xóa dần đi  các di tích nơi diễn ra những sự kiện lịch sử, những trận đánh ghi dấu chiến công của các địa phương, đơn vị, tội ác chiến tranh của đối phương.

 

Cuộc sống hiện đại len lỏi vào từng gia đình. Các vật dụng trước kia cũng bị thay thế dần, hoặc có còn đấy nhưng lớp trẻ cũng không biết chúng là gì, càng không hiểu hết giá trị của chúng.

 

Làm thế nào để mọi việc không trở nên quá  muộn? Từ suy nghĩ đó, một nhóm gồm nhà thơ Đặng Vương Hưng, nhà báo Nguyễn Đức Đông và một số người khác đã nảy ra ý tưởng phát động một cuộc vận động nhằm kêu gọi tất cả các tầng lớp xã hội, các tổ chức, cá nhân kể cả trong nước và nước ngoài tổ chức các hoạt động sưu tầm các kỷ vật kháng chiến.

 

Ý tưởng đó ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của các vị lãnh đạo quân đội, các đoàn thể và các cơ quan báo chí. Tháng 5/2008, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, TƯ Hội Cựu chiến binh Việt Nam và TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chính thức phát động “Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật kháng chiến.

 

Trực tiếp thực hiện cuộc vận động này có các đơn vị như Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam; báo Tiền Phong, báo Quân đội nhân dân, Đài truyền hình Việt Nam, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Thời báo Ngân hàng.

 

Để cuộc vận động có thể triển khai, không thể không nói đến vai trò của Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á – với một  người đứng đầu rất quan tâm đến công tác xã hội, đền ơn đáp nghĩa. Ba năm với số tiền tài trợ lên đến 9 tỷ đồng được sủ dụng rất chặt chẽ, hiệu quả, doanh nghiệp này thực sự đã góp phần rất quan trọng vào thành công của cuộc vận động.

 

Đến nay, sau ba năm thực hiện, cuộc vận động “Sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật kháng chiến” đã tiếp nhận trên 11.000 hiện vật. Có rất nhiều kỷ vật gắn liền với chiến công hiển hách của các anh hùng, tướng lĩnh quân đội, lại có những kỷ vật rất đỗi giản dị, chỉ là những bức thư thời chiến, là những vật dụng thông thường của những người lính bình thường, của gia đình họ. Nhưng tất cả đều là một phần của cuộc chiến, đều có giá trị rất lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học, là những chứng nhân sống động, chứa đựng hàng nghìn, hàng vạn những số phận con người của một thời chiến tranh, một thời hòa bình rất đỗi anh hùng và bi tráng. 

 

“Không còn kỷ vật nào đâu, nhưng…”

 

Trực tiếp tham gia những chuyến đi sưu tầm kỷ vật kháng chiến, các cán bộ của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam hiểu rất rõ tình cảm của chủ nhân khi phải xa rời những kỷ vật thiêng liêng của mình. Có những hiện vật thực sự trở thành một phần máu thịt của nhân chứng; gắn với những kỷ niệm sâu sắc nhất của cuộc đời, gắn với những con người ruột thịt nhất mà nhân chứng đã nguyện “sống để dạ, chết mang theo”.
 
Để không ai bị lãng quên  - 2

 

Có trường hợp như Chủ tịch Hội CCB một tỉnh miền Trung, ban đầu đã nhất trí hiến tặng hiện vật là chiếc băng tang Bác Hồ năm 1969, nhưng khi Đoàn chuẩn bị nhận thì ông bật khóc, khóc rất nhiều vì đó là kỷ vật quá đỗi thiêng liêng với ông. Thế là Đoàn đành thôi “để lại lần sau”.

 

Phổ biến nhất là những trường hợp, khi cán bộ quân sự địa phương giới thiệu đến gia đình nhân chứng, cả nhà đều một mực khẳng định, không còn kỷ vật nào đâu. Hoặc từ chối khéo, đã có nhiều đoàn sưu tầm khác đến lấy đi hết rồi.

 

Thượng tá Trần Thanh Hằng, cán bộ Bảo tàng Lịch sử  quân sự Việt Nam - người đã tham gia nhiều cuộc sưu tầm kỷ vật kháng chiến cho biết: “Gặp những trường hợp như thế, các cán bộ sưu tầm không bối rối, trái lại rất thông cảm với các nhân chứng. Không vội vàng nhưng cũng không nản chí, đổi hướng câu chuyện sang các sự kiện mà nhân chứng đã tham gia, gợi nhớ những địa danh, những cán bộ, chiến sĩ từng tham gia sự kiện. Cứ thế, đến một lúc nào đó, chính những nhân chứng lại nói ra: “Tôi nhớ ra rồi, tôi vẫn còn giữ được cái này, cái kia..”. Thế là thắng lợi, là lấy được kỷ vật.

 

Lại có trường hợp phải vận dụng chiến thuật “dương đông, kích tây”. Một lần đến nhà Đại tá Phạm Ngọc Trầm, nguyên Tính đội trưởng Quảng Ngãi trong thời kỳ chiến tranh. Lúc đầu, ông cũng chối nguây nguẩy: hết rồi, các anh ở Bảo tàng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã lấy hết rồi. Thuyết phục mãi, ông vẫn không lay chuyển. Tuy nhiên, trong khi tiếp chuyện ông, cán bộ sưu tầm quan sát thấy bà vợ có ý muốn ngỏ lời. Thế là quay sang bắt chuyện và hỏi về những trận đánh của ông, những người bạn của ông. Bà thấy vui, buột miệng: “Thế mấy thứ để trong cái ba lô cũ vẫn còn đấy thôi”. Tiếc lắm nhưng ông Trầm “đành” đưa cả mấy thứ cuối cùng còn giữ lại được như cây súng, mảnh dù… trao cho cán bộ bảo tàng.

 

Một bài bắt buộc mà các cán bộ sưu tầm phải thuộc nằm lòng là nêu được ý nghĩa của kỷ vật. Nếu như kỷ vật chỉ được lưu giữ trong phạm vi gia đình thì ý nghĩa của chúng rất hạn chế, nhưng nếu được đưa về lưu giữ và giới thiệu tại các bảo tàng thì ý nghĩa sẽ tăng lên bội phần. Đó là một thực tế chứ không còn là lý thuyết suông. “Ai cũng hiếu thế, nhưng những vật đã gắn với cả cuộc đời nhân chứng, đâu có dễ rời xa được. Nhưng khi hiểu ra, nhiều người đã sẵn sàng trao hết những kỷ vật của gia đình” - Thượng tá Hằng kể, có lần chị đã lấy được cả những kỷ vật đặt trên ban thờ của nhân chứng.

 

Những kỷ vật từ phía bên kia và hoạt động “ngoại giao hiện vật”

 

- Ngày 15/12/2010: Khai mạc triển lãm Những Kỷ vật kháng chiến - Dấu ấn Thời gian tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

 

- Lễ tổng kết Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu: “Những kỷ vật kháng chiến” sẽ được tổ chức trọng thể tại Hội trường Bộ Quốc phòng vào 20 giờ ngày 19 tháng 12 năm 2010, truyền hình trực tiếp trên VTVI Đài Truyền hình Việt Nam.

Trong số hàng vạn kỷ vật mà Cuộc vận động sưu tầm và tiếp nhận, có một số kỷ vật đến từ bên kia bán cầu, bên kia trận tuyến. Một số người Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam muốn trút bỏ nỗi ám ảnh theo đuổi họ hàng chục năm trời, đã đề nghị đưa các hiện vật trở về nơi xuất xứ của chúng. Có người nhờ đưa đến tận Bảo tàng lịch sử quân sự những kỷ vật mà họ thu được trên thi thể các chiến sĩ ta để “trả chúng về với chủ nhân của chúng”.

 

Từ nước Mỹ, ông Prunier, thành viên nhóm Con Nai giúp Việt Minh huấn luyện bộ đội từ tháng 7 năm 1945 tại Tân Trào (khi đó Việt minh ủng hộ Đồng minh chống phát xít Nhật) đã hiến tặng Cuộc vận động 200 hiện vật.

 

Ngày 10 tháng  1 năm 2010 là một thời khắc đáng nhớ đối với những thành viên Ban tổ chức cuộc vận động. Phía Đại sứ quán Mỹ đã trao cho Bộ Quốc phòng Việt Nam 50 hiện vật thời chiến, trong số đó có một cuốn sổ nhật ký được ghi lại bằng ký họa với nét vẽ rắn rỏi, kèm thêm chữ ký của họa sĩ L.Đ Tuan.

 

Theo các tài liệu có được, Thiếu tá Robert B Simpson, sỹ quan tham mưu của tiểu đoàn 3, trung đoàn 8, sư đoàn 4 Mỹ, đã thu được cuốn sổ này và viết trên một tờ báo Mỹ rằng: “Anh (L.Đ.Tuấn) đã chết tại đồi Yên Ngựa, cách một làng người Thượng có tên là Polei Kreng Chông 10 dặm”.

 

Trong số ra ngày 16/1/2010, báo Tiền Phong đã đăng bài “Thêm một ‘Đừng đốt bằng tranh’ với thông điệp ‘rất mong nhận được thông tin từ  phía thân nhân gia đình liệt sĩ L.Đ. Tuấn”. Thật bất ngờ, sau đó ít ngày, phóng viên báo Tiền phong đã nhận được hồi âm: “Liệt sĩ” Lê Đức Tuấn (chính là L. Đ. Tuấn - tác giả của cuốn nhật ký bằng tranh) vẫn còn sống.

 

Câu chuyện tưởng như hoang đường bỗng trở thành hiện thực. Tất cả là nhờ “Cuộc vận  động sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật kháng chiến”. Từ câu chuyện này, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã thấy rõ ý nghĩa của việc trao đổi các kỷ vật của người lính hai bên. Trong các lần viếng thăm nhau, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam và Hoa Kỳ đã sử dụng những kỷ vật này như những thông điệp ngoại giao có giá trị.

Hà Khoa