Đảo Dấu - đảo tâm linh!
Từ thuở xa xưa, ngọn hải đăng đã là một “cư dân” không thể thiếu trong thế giới hàng hải. Sử thi “Iliat” của Homer mô tả cuộc chiến tranh thành Troy vì đôi mắt đẹp của nàng Helen hay thực chất vì quyền chiếm “con mắt” rực sáng của ngọn hải đăng trong vùng biển này.
Toàn cảnh đảo Dấu
“Người canh gác biển” 120 tuổi
Chiều 13/3, chúng tôi đi thuyền từ bến Nghiêng ra đảo Dấu. Đường lên đảo lát đá phẳng, uốn lượn giữa một khu rừng nguyên sinh rậm rạp có những thân cây cổ thụ nhiều vòng tay ôm, có tiếng chim kêu, khỉ “hót”. Được xây từ năm 1892, trải qua hơn 100 năm chịu sự bào mòn của thời gian và biển cả, hứng 100 trận đạn bom trút như mưa hè xuống đảo trong cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, hải đăng Hòn Dấu vẫn đứng vững trên đỉnh đảo, cách mặt biển 128m, chiếu vào biển đêm dòng ánh sáng xa 22 hải lý (40km), bằng ngôn ngữ riêng của mình: Hai chớp sáng, nghỉ 15 giây dẫn đường cho tàu cảng Hải Phòng.
Xưa nay, xây ngọn hải đăng ở đâu cũng là một cuộc so tài quyết liệt giữa trí tuệ và sức mạnh tự nhiên hung bạo. Bởi chính ở những chỗ nguy hiểm nhất, mới cần đến sự tồn tại của nó. Sienkiewicz - nhà văn Ba Lan đoạt giải Nobel - có một truyện ngắn nổi tiếng về người canh gác đèn biển.
Bây giờ, 100 năm sau, họ vẫn như thế. Đấy là những người dũng cảm, có nghị lực và kỷ luật. Người gác hải đăng, hơn cả người lính, không được rời bỏ đảo đèn, kể cả khi sinh mạng họ bị treo trên đầu ngọn sóng. Đúng giờ ngọn đèn phải sáng! Nếu không phải những con người đặc biệt, họ làm sao chịu đựng được cảm giác cô đơn kéo dài, sự sợ hãi trước sức mạnh hoang dại của trời và biển, những khó khăn vất vả của công việc đơn điệu (bật đèn, tắt đèn) hằng ngày và nỗi đe dọa về một cái chết bất ngờ: Chết vì rắn cắn, chết vì uống rượu giải buồn... Ra đảo gác đèn là chấp nhận cuộc sống của người tù tự nguyện, có khác chăng là vài tháng được về thăm nhà.
Như rất nhiều đảo đèn khác, Hòn Dấu là đảo không dân. Thường trú trên đảo gồm 17 người gác hải đăng, một trạm khí tượng thuỷ văn, một đồn biên phòng và 4 ông từ trông nom đền thờ Nam hải Đại vương. Trong hàng trăm ngọn hải đăng suốt dọc bờ biển Việt Nam, hải đăng Hòn Dấu là thiên đường của người gác đèn biển, nhờ vào vị trí địa lý của nó - cách Đồ Sơn chưa đầy 1km.
Chúng tôi đã từng được ăn cơm đảo với những lon bia Hà Nội, thịt dê nhà nuôi, cá chim mua của thuyền chài và rau mang từ đất liền. Đêm xuống, dân đảo ngồi trước chiếc tivi màu LG rất nét đang phát lại trận bóng đá tranh cúp FA: M.U gặp Arsenal. Anh Nguyễn Văn Thắng - đảo trưởng - cho biết: Báo mất 2 ngày mới ra đến đảo (Thắng vẫn viết bài gửi cho Tạp chí Hàng hải và báo địa phương). “Thông tin cần hơn nước uống” - Thắng nói. Nói cũng phải thôi! Nước ngọt là thứ quý hiếm trên đảo, thế nhưng ở đây người ta được tắm dưới vòi hoa sen, bởi dưới chân đèn là những bể ngầm khổng lồ, chứa được 500m3 nước mưa.
Những người gác đèn được hưởng 30% phụ cấp, 3 tháng về nhà một lần. Họ sống trong một dãy nhà 7 gian xây thời hiện đại và có một dãy 8 gian kiến trúc giản dị, nhưng đẹp, với những lò sưởi kiểu tây xây năm 1908, cho du khách thuê. Đảo trưởng Thắng nói, mỗi năm có 7-8 ngàn khách lên chơi đảo. Chúng tôi khen Thắng giỏi quá, giữ được đảo đèn xanh mướt, không có dấu vết một cành cây bị bẻ lá. Thắng giật mình chối bai bải: “Chết! Chết! Đấy là nhờ cụ, Nam hải Đại vương đấy chứ!”.
Ngôi đền và niềm tin tâm linh
Tục truyền rằng thời nhà Trần, những người Đồ Sơn đi đánh cá đêm bắt gặp một xác chết bị mất đầu, mặc giáp trụ trôi trên biển, sau trận quyết chiến với giặc Nguyên Mông trong sông Bạch Đằng. Họ đưa thi thể vào đảo. Hôm sau ra đảo làm lễ mai táng, họ thấy mối đùn thành mộ. Họ bèn dựng một ngôi đền thờ ngài. Người xưa mỗi lần đi qua đều phải hạ buồm vào đảo thắp hương khấn vái. Đến đời hậu Lê, nhà vua kinh lý Đồ Sơn, nghỉ đêm trên đảo, nằm mơ thấy một ông già tóc bạc xưng là thần đảo. Tỉnh dậy, vua phán: Nếu là thần linh thì hãy ứng báo. Dứt lời, một con cá to nhảy lên thuyền rồng. Thấy nghiệm, vua phong cho ngài là “Lão đảo đại thần vương”. Đền của ngài có duệ hiệu là Nam hải Đại thần vương, còn dân vạn chài gọi ngài là cụ. Hằng năm cứ vào ba ngày 8 - 9 -10 tháng 2 (âm lịch), dân đi biển vùng duyên hải Bắc Bộ lại kéo nhau về đảo Dấu cúng lễ.
Đêm tôi ra đảo đúng ngày lễ chính, người ta nói rằng 12 giờ đêm cụ về, biển sẽ nổi cơn sóng gió. Năm ngoái (2010), sóng lớn đến nỗi, hàng trăm người đi lễ đền bị nhốt trên đảo đến trưa hôm sau mới vào được bờ. Đền thờ Nam hải Đại vương nằm ngay chân đảo, dưới bóng của 4 cây đa cổ thụ, kiến trúc mộc mạc như tâm hồn của những người đi biển. Xung quanh đảo là hàng dãy tàu thuyền của ngư dân đến lễ cụ.
Trong 3 ngày lễ hội Nam hải Đại thần vương có 10 ngàn người đến đảo. Đa số là những người có cuộc sống dính đến sông nước, phụ thuộc vào sự thất thường đỏng đảnh của biển. Đấy là một người dân chài cường tráng, cục mịch như bức tường đất đến xin cụ cho vụ này trúng 10 tấn mực. Đấy là một người đàn bà mũm mĩm, quần áo có nhiều phụ kiện như một con thuyền đủ loại cánh buồm to nhỏ, cầu xin cho thằng con trai đang đi tàu Vinalines tránh được cướp biển ở Somalia! Đấy là một ông “comlê” có cái đảo mắt lén lút, xin cụ trời nhiều mây mù để cho đội tàu chở than (thổ phỉ?) sang đến Trung Quốc an toàn. Đấy là một gã thanh niên quần bò áo da, tóc đỏ, quăn như được chiên trên chảo ngắc ngứ cái gì không rõ, vì còn mải liếc sang đứa con gái choai choai đang quỳ bên cạnh, người uốn éo tựa củ sâm, xin cụ sang năm mua được thuyền làm hồi môn lấy chồng...
Đã gần nửa đêm, lễ dâng hương và tế thần bắt đầu. Những người hầu đồng lắc lư trong tiếng hát văn du dương, êm ái. Cả đảo nghe rõ riếng sóng vỗ vào bờ đá. Biển không nổi sóng dữ dội như người ta mong. Một người đàn bà bảo tôi: “Đêm nay cụ vẫn về đấy, có điều cụ đi nhẹ thôi!”. Sau lễ tiễn đàn, các trai làng chài khênh 8 chiếc bè chở đầy vàng (mã), một đôi ngựa trắng, những chiếc thuyền buồm và cả một con tàu có ống khói(!) thả xuống biển đêm. Tôi nhìn thấy một hòn đá nhẵn nhụi bằng lòng bàn tay, đặt trên chiếc khay cạnh ngai thờ thần. Đảo trưởng Thắng nói: Hòn đá này được một nữ sinh ở miền Nam ra chơi đảo 4 tháng trước mang về nhà.
Vì lý do gì không rõ, gia đình em đi máy bay mang trả đảo. Họ nhờ các cụ từ đền làm lễ chứng giám. Từ nhiều đời nay, có một niềm tin tâm linh bám chặt vào những người dân vùng biển: Không ai được lấy bất cứ thứ gì của cụ, dù đó là một cành cây hay hòn đá nằm trên đảo. Điều đấy giải thích tại sao 3 ngày có 10 ngàn người đổ bộ lên đảo, toàn những con người dữ dội như biển, họ đã vui chơi, nhậu nhẹt, thậm chí đánh nhau, mà đảo Dấu vẫn xanh mướt, vẫn nguyên sơ đến lạ lùng. Thắng nói: Không có cụ thì chỉ một năm thôi, dân đi củi sẽ làm trụi đảo Dấu! Đá cũng chẳng còn!
Đảo Dấu bảo vệ được mình bằng một niềm tin tâm linh, song nó đang đứng trước một hiểm họa khôn lường từ tham vọng của con người phía bên kia đảo. Chính quyền Đồ Sơn bức xúc trước việc Cty CP du lịch quốc tế Đảo Dấu đã có kế hoạch lấn biển xung quanh đảo Dấu để xây biệt thự kinh doanh. Cả một bãi đá, mất 1 triệu năm hình thành, đã bị họ chôn xuống biển, núi bị chặt khúc. Họ còn dự định làm cầu ra đảo (!). Khi vì quyền lợi, hai cổ đông chính từng gọi nhau là anh em, lôi nhau ra tòa, thì liệu họ có thể thương đảo Dấu được không? Xin đừng đụng đến đảo Dấu. Họ đã có nhiều hécta mặt biển ở phía bờ kia đảo Dấu lấp đất để bán lấy tiền, đừng bán nốt phần tâm linh!
Theo Hà Linh Quân
Lao Động