1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Dân du mục làm thuê và cuộc sống trong rừng thẳm

(Dân trí) - Cứ đến mùa thu hoạch nông sản là họ lại về đây, mang theo cả con cái, nồi niêu rồi dựng lên những căn lều tạm bợ, lang bạt trong những cánh rừng, nương rẫy. Chúng tôi gọi họ là dân du mục làm thuê.

Những cảnh đời lang bạt
 
Giữa những ngày nắng nóng như đổ lửa, cách trung tâm huyện miền núi Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) khoảng hơn 30 km đường rừng, nằm sâu dưới chân núi Trà Ô là những túp lều được dựng tạm bợ bằng bạt rải dọc theo triền suối Lạnh. Nó không giống như những căn lều tạm bợ riêng lẻ của những người đi rừng mà tập trung đông đúc như một xóm làng, mà người dân vẫn quen gọi là xóm du mục.
Dân du mục làm thuê và cuộc sống trong rừng thẳm - 1
Những căn lều tạm bợ bên những cánh rừng.

Ở xóm du mục không chỉ có người lớn mà còn có cả trẻ con, người già, cả phụ nữ và em bé mới sinh. Họ nói nhiều thứ tiếng khác nhau, đến từ nhiều nơi khác nhau, người Châu Đốc - An Giang, kẻ Đồng Tháp, Bạc Liêu và đông nhất là Tân Phú - Đồng Nai... Họ đến đây để chặt mía thuê, đào sắn và phát rẫy thuê.

Trong căn lều trống trơn bên suối Lạnh, một em bé mới sinh chưa đầy 3 tháng tuổi đang yên giấc. Chị Hoàng Thị Ngọc Diễm, mẹ cháu bé, năm nay mới 20 tuổi, trông gầy yếu xanh xao, dấu tích của người phụ sau sinh chưa lâu đã phải đi làm. Con chưa đầy 3 tháng nhưng người mẹ trẻ này đã đi làm hơn 1 tháng nay vì không có gì để ăn.

“Nhà nghèo lại không có đất đai nên phải đi lang bạt thế này, chồng đâu thì vợ đó, cực khổ cũng ráng mà chịu. Con nhỏ ở trong rừng sâu khi trái gió trở trời cũng sợ lắm, nhưng lạnh thì che chắn, nóng thì đưa cháu đến các bóng cây che mát chứ biết làm sao bây giờ...”, Diễm thở dài cho biết:

Trên chiếc võng treo dưới tán cây rừng chưa che hết những bóng nắng xuyên qua kẽ lá, cháu bé chỉ bằng cái bắp chuối rừng nằm ngủ, bên cạnh là những đứa trẻ khác từ 5 đến 10 tuổi cũng đang nằm ngửa nghiêng chờ cha mẹ chúng về dưới cái nắng như thiêu đốt.

Cứ mỗi xóm làm thuê có hơn 10 cháu bé từ mới sinh cho đến tuổi tiểu học được cha mẹ chúng mang theo. Đa phần các em không được cắp sách đến trường bởi từ lúc lọt lòng chúng đã phải theo cha mẹ đi làm thuê hết cánh rừng này đến ngọn núi nọ và gắn bó cuộc sống trên những vạt rừng như thế.
 
Dân du mục làm thuê và cuộc sống trong rừng thẳm - 2
Hành trang họ mang theo bao gồm cả những đứa trẻ còn hơi sữa.

Võ Kim Lợi là đứa lớn nhất trong nhóm, năm nay Lợi 14 tuổi nhưng dáng người quắt queo, nhỏ thó. Em cho biết: “Năm nay em 14 tuổi, lên đây chặt mía 2 tháng rồi. Nếu không theo mẹ đi chặt mía thì nay em đã học lớp 6, nhưng nhà nghèo, mẹ đi chặt mía, các anh chị cũng đi, em không thể ở nhà một mình được nên bỏ học theo mẹ đi chặt mía kiếm tiền”.

Với sức vóc nhỏ bé nhưng mỗi ngày Lợi cũng chặt được tầm 40-50 bó mía, mỗi bó được trả công 450 đồng. Như thế, mỗi ngày em cũng kiếm được 20 nghìn đồng phụ giúp mẹ.

Trong số 35 hộ gia đình du mục dưới chân núi Trà Ô có bà Trần Thị Kim Liên. Chồng bỏ đi biệt tích vì không chịu được cảnh nghèo, bà cùng 5 đứa con lang thang làm thuê kiếm sống. Các con bà cũng thất học vì nghèo; chúng lại lấy vợ, lấy chồng cùng kiếp lang thang làm thuê và sinh ra những đứa cháu trên những vạt rừng, chịu chung cảnh thất học.

Bà Liên nói: “Nhà không có rẫy bãi gì hết trơn, đi một đợt thế này được chừng triệu bạc. Còn mấy nhỏ cha mẹ chúng nó khổ nên cũng dẫn theo đó, ở nhà ai coi. Mà học cũng đâu thêm được đồng nào đâu”.

Con gái bà là chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, mẹ của 2 đứa con 10 tuổi và 7 tuổi, xót xa: “Mấy tháng trước em làm ở Đồng Nai nay hết việc rồi lên tận đây. Mỗi ngày giỏi làm cũng chỉ được 70 nghìn. Nhà khổ quá phải chịu thế này, mấy nhỏ thất học hết tội lắm nhưng ngoại thì cũng đi lang thang, nội ở tận Đồng Tháp, không ai trông coi phải mang chúng theo, cũng chẳng biết phải làm sao bây giờ, mai mốt chúng lại làm thuê như cha mẹ thế này!”.

Sống sâu trong rừng, bữa ăn của họ cũng rất đạm bạc. Rau là rau rừng mọc dọc theo các triền suối, hốc núi hay trên những trang trại xa được các cháu đi xin hoặc nhặt về; cá khô mua từ các chợ thị trấn trong hành trình di chuyển từ nơi này đến nơi khác và nhiều nhất vẫn là muối. Trên rừng, nước uống từ người già đến trẻ con đều là nước suối.

Du mục làm thuê, họ là ai?

Tại Phú Yên trong ngày mùa có ít nhất 10 nhóm làm thuê như vậy. Họ sống rải rác trong rừng thuộc 3 huyện Sông Hinh, Sơn Hoà và Đồng Xuân.

Việc hình thành những tốp người làm thuê như thế này xuất phát từ việc nhiều địa phương, nhiều hộ đã bán ruộng hoặc cho thuê. Nhà nông không có mảnh ruộng, công đất trong tay, lại không có nghề nghiệp, nhiều người phải chọn cách làm thuê kiếm sống.

Nếu như ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, những nhóm người làm thuê thế này thường làm cho những chủ trang trại điều, cao su, hay làm công ở các vựa trái cây. Còn về các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên thì họ làm cho các trang trại để chặt mía và đào sắn, thu hoạch cà phê...
 
Dân du mục làm thuê và cuộc sống trong rừng thẳm - 3
Cuộc sống nay đây mai đó khiến cho những đứa trẻ này cũng thất học theo.

Các hộ thường đi theo từng nhóm từ 40 đến 100 hộ. Thông thường mỗi nơi họ ở lại tầm 2-3 tháng, có khi lâu hơn, miễn là nơi đó cần người lao động tay chân.

Đầu công là người đi tìm việc và nhận khoán với chủ, sau đó gom những người không có đất đai, nhà nghèo, cần việc làm ở các nơi thành từng nhóm và đưa họ đến nơi làm.

Ông Nguyễn Văn Tư, đầu công có thâm niên hơn 10 năm nay làm ở khắp các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hoà, Bình Thuận nói: “Năm nào cũng vậy, cứ tới mùa là tôi lại dẫn công đi. Công miền Tây nhiều lắm. Chặt mía thế này, hết mùa mía lại về làm trái cây”.

Theo ông Tư, cứ đến mùa mía là ông lại đi gom công. Thường là nửa tháng 9 cho đến Tết thì làm mía ở Đồng Nai, sau Tết ra ngoài miền Trung. Hết mía thì nghỉ, ở nhà chừng 1 tháng rồi dẫn công đi làm tiếp. Hết mùa đến tháng 4, bà con ai kẹt tiền thì mình cho mượn 2-3 triệu đồng gì đó, tới mùa bà con lại đi với mình. Ở trong kia ra đây mình phải cất chòi trại thế này ở, dãi nắng dầm mưa nằm ở ngoài trời. Mấy đứa nhỏ hoàn cảnh cha mẹ nghèo chúng phải chịu cảnh thất học thôi.

Rõ ràng sự hình thành những nhóm người làm thuê và sống theo kiểu du mục đã giúp giải quyết tình trạng khan hiếm lao động trong ngày mùa ở các địa phương. Tuy nhiên nhìn những đứa trẻ thất học, lang thang trên những cánh rừng cùng sống kiếp làm thuê; nhìn những phận đời cùng cực, nheo nhóc, lang thang trên khắp núi rừng, mấy ai không khỏi xót xa? Có bao nhiêu cảnh đời như thế? Trên hành trình làm thuê của mình, khi sức cùng lực kiệt, không thể chống chọi được với rừng thiêng, nước độc, họ sẽ ra sao?

Lê Biết