Cuộc đời lạ lùng của nhà ngoại cảm - doanh nhân Lê Trung Tuấn
Trước kia, Lê Trung Tuấn (TT Hòa Mạc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) vốn là một nỗi kinh hoàng và khiếp sợ của nhiều người dân trong vùng khi được gắn mác là con nghiện ma túy hạng nặng, ăn cắp ăn trộm rồi cướp của, đánh người không ghê tay.
Cuộc đời của Tuấn dù thay đổi, biến thiên khó lường, nhưng để có được những thành công ấy là cả một quãng đường dài vô cùng gian nan. Nhiều người gọi đó là “hành trình trở về” của Tuấn.
Quyết tâm rứt bỏ ả phù dung
Thoạt nhìn Lê Trung Tuấn (SN 1977) bây giờ, không ai tin nổi cách đây khoảng 10 năm, anh là một kẻ nghiện ma túy với bảng “thành tích” rạch trời rơi xuống. Mang cả gia tài của bố mẹ đi đổi lấy thuốc phiện, ăn trộm xe đạp giữa ban ngày, bảo kê cho đám lưu manh lừa lọc hành khách ở các bến xe, kề dao vào cổ người đi đường để cướp của… là những việc mà Tuấn đã từng làm trong quãng đời nghiện ngập.
Lê Trung Tuấn là “độc đinh” trong một gia đình gia giáo, có truyền thống cách mạng. Bố là cán bộ quân đội, một cựu chiến binh đã từng vào sinh ra tử suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, từng là PCT Hội Cựu chiến binh thị trấn Hòa Mạc; mẹ là bác sĩ Chủ nhiệm khoa Sản, Bệnh viện Duy Tiên. Tuấn sớm đã được học hành tử tế, nhưng cũng được nuông chiều chẳng kém ai.
Đua đòi với chúng bạn, ham thử cảm giác lạ, năm 1996, Tuấn đã mắc quãng đời thanh niên thơ thới của mình vào “nàng tiên nâu”, để rồi, từ một sinh viên của Trường Cao đẳng Quản trị kinh doanh, một lớp trưởng, Tuấn trở thành kẻ nghiện ngập bê tha hạng nhất trên đời.
Để có tiền hút thuốc phiện, Tuấn lừa dối bố mẹ hết lần này đến lần khác bằng các khoản học phí, học thêm, quỹ lớp… Khi bị bố mẹ phát hiện, Tuấn bỏ học, bỏ nhà đi lang thang kiếm tiền hút thuốc phiện, hít heroin, chích ma túy bằng cách hòa mình vào đám lưu manh, đánh bạn với trộm cắp, lừa lọc.
“Đó là những đêm kinh hoàng trong đời Tuấn. Bừng tỉnh sau cơn mơ dữ, mồ hôi đầm đìa, nhìn thấy hàng chục con người vẫn đang say ngủ, Tuấn mới rưng rức khóc trong sung sướng nhận ra đó chỉ là một giấc mơ. Sáng hôm sau, anh rể đến đón Tuấn về nhà, ngồi sau xe, Tuấn muốn ôm chầm lấy anh, muốn nói lời xin lỗi.” |
Ngồi trên toa tàu chở gỗ, khi đến chặng, thấy người đứng đợi, Tuấn phải lao những khúc gỗ lớn xuống trong khi đoàn tàu vẫn chạy vun vút như tên. Chỉ một lần quá tay, người sẽ bay theo khúc gỗ mà mất mạng, nát nhừ. Làm được một chuyến, Tuấn quyết bỏ cái công việc đổi mạng sống để kiếm thuốc phiện ấy. Ở cùng người cậu ruột, bị quản lý hết sức chặt chẽ, người nhà lúc nào cũng kè kè bên cạnh thế mà Tuấn vẫn trốn đi tìm thuốc phiện. Hai năm ròng rã vẫn không thoát nổi sự chi phối của thuốc phiện, Tuấn lại trở về quê với bố mẹ.
Lần này trở về, gia đình xích chân rồi vứt bỏ chìa khóa, khóa trái cửa “nhốt” Tuấn ở trong phòng kín, ăn uống phục vụ tận nơi. Tuấn cũng đã tự quyết tâm rứt bỏ thứ thuốc độc kia nhiều lần; nhưng mỗi lần đói thuốc, chẳng biết lấy đâu ra sức mạnh mà Tuấn phá xích, phá khóa rồi lê cả đoạn xích dài vẫn còn vướng ở chân, chạy lên tận Phú Xuyên đi tìm thuốc. Bố mẹ, gia đình lại nháo nhác đi tìm, xóm làng lắc đầu bảo: “Mấy thằng nghiện nó mang nhau đi rồi, còn cả xích ở chân”.
Hai thân già đau khổ lại tuyệt vọng quay về chờ đợi Tuấn mỏi mòn trong căn nhà có cái cửa đã bị tháo chốt. Rồi Tuấn trốn lên Giáp Bát (Hà Nội), đi theo giới giang hồ móc túi, “xin đểu”, cưỡng đoạt tài sản của hành khách với cái biệt danh “Tuấn Văn Điển” nổi tiếng. Nhưng “hành nghề” không bao lâu, sau mỗi lần thỏa mãn cơn thèm thuốc bằng tiền ăn cắp ăn trộm, thậm chí cướp của đánh người, Tuấn cảm thấy nhục nhã vô cùng, bưng mặt khóc, những giọt nước mắt mang sự khao khát hoàn lương.
Một lần, Tuấn “nghiện” lang thang qua một trường tiểu học, thấy cô bé khoảng 9 tuổi đi chiếc xe đạp mới, lại đeo một sợi dây chuyền rất đẹp, hắn nảy sinh ý định cướp. Tuấn phục kích ở nơi vắng người rồi kề dao vào cổ cô bé làm cô bé hoảng sợ, ánh mắt trẻ thơ thất thần, miệng kêu ú ớ.
Chính ánh mắt hốt hoảng đến tột độ, tha thiết van lơn của đứa trẻ ấy đã khiến Tuấn bừng tỉnh, Tuấn đã buông tay. Nhớ lại giây phút ấy, Tuấn kể: “Khi tôi gí dao vào cổ đứa bé, đôi mắt của nó hoảng hốt khủng khiếp. Tôi nhớ đến đứa cháu mình cũng bằng cái tuổi ấy, nhớ đôi mắt trong trẻo của nó và không thể xuống tay nữa”.
Sau những lần lương tâm trỗi dậy mạnh mẽ, Tuấn đã quyết tâm cai nghiện để trở lại cuộc đời của một người lương thiện. Năm 1999, Tuấn tự nguyện vào Trung tâm cai nghiện ma túy Hòa Bình, quyết từ bỏ thứ chất độc ghê người kia.
Khát vọng trở về của Tuấn lớn đến mức, những ngày cuối cùng ở Trung tâm cai nghiện Hòa Bình, ngay cả trong giấc mơ, Tuấn thấy mình bị thằng bạn nghiện kéo đi, đè ra tiêm chất trắng đục vào tay mình, Tuấn kêu lên thảm thiết: “Cứu tôi với, cứu tôi, tôi muốn làm người”.
Đó là những đêm kinh hoàng trong đời Tuấn. Bừng tỉnh sau cơn mơ dữ, mồ hôi đầm đìa, nhìn thấy hàng chục con người vẫn đang say ngủ, Tuấn mới rưng rức khóc trong sung sướng nhận ra đó chỉ là một giấc mơ. Sáng hôm sau, anh rể đến đón Tuấn về nhà, ngồi sau xe, Tuấn muốn ôm chầm lấy anh, muốn nói lời xin lỗi.
Ông Đoàn Văn Dũng (SN 1959 - ảnh) - đã gần 20 năm làm công an thị trấn, trong đó có đến hơn chục năm làm Trưởng Công an thị trấn Hòa Mạc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam - là người rất tâm huyết với những mảnh đời lầm lỡ như Tuấn. Dõi theo cuộc đời Tuấn cả những lần Tuấn lên cơn thèm thuốc, không có tiền, đi ăn cắp ăn trộm, gây ra nhiều vụ đánh nhau to, ông Dũng cũng từng “bắt tận tay, day tận trán” Tuấn . Rất nhiều lần ông cất công vào tận hang ổ của những con nghiện đang hút chích, “xách cổ” Tuấn về, rồi ra sức can ngăn, khuyên nhủ, hy vọng có một ngày Tuấn sẽ “quay đầu là bờ”. Chứng kiến sự trở về đầy ngoạn mục và cuộc sống thành đạt của Tuấn hiện tại, ông Dũng vô cùng xúc động, ông trực tiếp tâm sự với chúng tôi: “Mỗi lần bắt được, Tuấn lại van nài tôi. Tôi nhớ lần cuối cùng thì Tuấn nói là: Em xin anh nốt lần này, em hứa với anh là em sẽ cai. Tôi bảo Tuấn: Thôi được rồi, anh tin em. Thực sự là tôi tin tưởng Tuấn làm được, nên tôi chấp nhận kiên trì khuyên răn, bảo ban em để nó cai nghiện ma túy. Tuấn có được những thành công như hôm nay, cá nhân tôi cũng thấy hết sức tự hào!”. |
Theo Thành Sơn
Báo Lao Động