1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Có những nghề kiếm sống như thế ở Nga

(Dân trí) - Cuộc sống mưu sinh hàng ngày của người Nga ngày nay thật là đa dạng. Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra. Có một lớp người vì miếng cơm manh áo hàng ngày mà phải gạt sĩ diện sang bên để tần tảo rong ruổi trên những chặng đường không biết đi về đâu?

Có những nghề kiếm sống như thế ở Nga  - 1
Nghệ sĩ hát rong và khán giả trên tàu.

Từ các nghệ sĩ hát rong…

Nếu có dịp đi ra ngoại ô Mátxcơva (Mat) và ngược lại trên những con tàu Elecktrichka (kéo dài đến 12 toa), trong nhịp tàu rung đều đều như ru ngủ, thì lập tức bạn sẽ phải choàng tỉnh vì những bản nhạc khi réo rắt, khi êm nhẹ của những nhạc công bất đắc dĩ.

 

Có khi đó là một  bé trai 10 tuổi kéo đàn gió (Ắccoócđêông), trong khi bé gái 8 tuổi thì hát. Tiếng hát của em như cố gào lên từ lồng ngực bé nhỏ chứ không còn là hát nữa, bởi tiếng động cơ của đoàn tàu ầm ầm át hết cả những giai điệu nhạc mà bé muốn truyền đến cho mọi người! Ôi thật là thương tâm.

 

Thường đó là nhóm trẻ con người Trung Á như Tacta, Grudia…thuộc khối SNG  (Cộng đồng Liên Xô cũ). Chúng có thể là trẻ mồ côi, cũng có thể là do bố mẹ không nuôi nổi. Nhưng những ban nhạc kiểu này cũng có khi là một nhóm các cựu chiến binh mà tuổi đời còn rất trẻ 18, 20…từ vùng chiến sự  Chechnya  trở về,  người mất chân, người cụt tay. Họ lập thành băng, người đàn ghita, kẻ thổi ácmônica và cùng đồng thanh hát lên bất cứ những bài ca nào mà họ thuộc. Miễn sao là có bài để phục vụ các “thượng đế”. Thường một bài chỉ kéo dài khoảng 5 phút, xong rồi thì kéo nhau đi, khán giá ai hảo tâm bỏ vào túi nilon vài rúp.

 

Chưa hết, còn có cả những bà cụ, ông lão ở độ tuổi 60, 70 tay chống gậy tay mang túi nilon vừa đi dọc các hàng ghế vừa cất lên tiếng hát buồn buồn…tay làm dấu thánh giá. Kể không hết được các thành phần hát rong. Họ chỉ mong mọi người rủ lòng thương bố thí những đồng xu rẻ mạt cầm hơi lúc đói lòng, khi 10 rúp có khi là vài rúp! (Giá của một ổ bánh mì đen hoặc trắng là gần 20 rúp rồi!). Ai hào phóng cũng chỉ nhỉnh hơn tí chút khoảng 50, 100 rúp (tương đương với 3 USD), nhưng hiếm gặp lắm.

 

Chưa kể mùa hè đến, các tốp nam nữ sinh viên vai mang đàn lưng đeo balô cũng đi dọc đoàn tàu chơi những bản nhạc mà họ học được từ trường lớp âm nhạc hoặc do có năng khiếu. Họ đi có thể là vì cần tiền trang trải học phí, có thể là hứng chí kiểu nghệ sĩ nửa mùa lên thì đi kiếm chai bia, điếu thuốc! Sinh viên mà.

 

Người nào sẵn lưng vốn và biết cách tổ chức thì có loa, ampli nâng tiếng hát lên cao để át đi âm thanh ồn ào của tiếng bánh xe tàu nghiến trên đường sắt ầm ầm. Số này còn kèm theo các đĩa CD thu âm sẵn tiếng hát hay bản nhạc của họ để bán với giá 100 rúp. Còn ai thích “tặng” tiền thì cứ việc thả vào túi nilon treo ở cái cần xe kéo tay chở ampli đi dọc giữa hai hàng ghế.

 

Có nhiều lúc tôi  xúc động thật sự khi bắt gặp những người già tàn tật, mù lòa hát rong. Họ được ưu ái nhiều hơn. Người Nga vốn nhân hậu. Họ sẵn sàng mở hầu bao dù chỉ là ít ỏi nhưng khi trước mắt họ là những cảnh xót xa thực sự. Tôi đã bắt gặp nhiều trường hợp hết sức thương tâm trên đoạn đường mà mình phải đi qua hàng ngày.

 

Cũng không ngoại lệ có những nghệ sĩ thực sự bị thất nghiệp hoặc đã nghỉ việc, vì đồng lương hưu ít ỏi mà phải buộc lòng đi hát rong. Họ rất khổ sở vì phải làm như vậy. Người Nga có lòng tự trọng rất cao. Nhất là giới trí thức, nghệ sĩ.
 

Trong tấm ảnh minh họa kèm theo bài viết, người đàn ông này vốn là một nghệ sĩ tên là Nhikôlai tuổi ngoài 50, ông tâm sự: - Cuộc sống nhiều khi khắc nghiệt lắm anh ạ. Người Nga chúng tôi có câu “Chẳng có quả nào trên cây rụng xuống miệng cho anh đâu!”. Nên để khắc phục tình trạng khó khăn của cuộc sống, ông đã chấp nhận mang giọng hát trầm trầm vẫn còn quyến rũ cùng với tiếng đàn Guxli  (một loại nhạc cụ độc đáo của người Nga giống như cây đàn tam thập lục ba mươi sáu dây của ta vậy, nhưng rộng và to bản hơn. Có hình thang cân, gỗ màu ngà). Treo theo dọc dây đeo đàn choàng qua bờ vai rộng là những chiếc chuông đồng nhỏ xinh xắn thỉnh thoảng được ngân nga theo mỗi lần nghệ sĩ vuốt nhẹ.

 

Cả toa tàu như bị tiếng đàn du dương và tiếng hát quyến rũ của ông thôi miên. Mấy chàng trai cô gái không chỉ sán lại gần để thưởng thức, mà còn mua giùm một lúc mấy cái đĩa CD ông đã tự thu âm để bán. Họ còn bắt ông phải kí vào để làm kỉ niệm. Quả là trường hợp ít gặp! Cứ tưởng như là một quầy hàng di động.

 

Ông như hứng khởi vì người nghe quây quần đông hơn và để khỏi phụ lòng họ, ông hát rất nhiều bài. Toàn những bài dân ca Nga nghe thật đắm say. Dĩ nhiên cung cách phục vụ của ông đã được mọi người tưởng thưởng xứng đáng, cái mặc cảm “bố thí” không còn mà thay vào đó là cảm xúc được phục vụ như ở nhà hát!

 

Nhìn ra xung quanh về cuộc sống của lớp “người Nga mới” hôm nay, chúng tôi thấy họ mới giàu sang phú quí: xe đẹp, biệt thự, đôla Mĩ tiêu như nước…trong khi có bao nhiêu người Nga khác phải lần hồi kiếm ăn.

 

Dẫu sao thì bức tranh về cảnh kẻ giàu người nghèo vẫn lồ lộ trần trụi hàng ngày ở Mátxcơva. Còn nếu bạn có dịp đi về những vùng quê nông thôn của nước Nga thì không biết bạn sẽ bị “xốc” như thế nào nữa? Bao giờ thì người dân quê Nga mới có thể ngồi yên trong mái ấm của mình để làm những công việc của đời thường?

 

... đến nghệ thuật bán hàng dạo
 
Có những nghề kiếm sống như thế ở Nga  - 2

Quảng cáo hàng trên tàu.

 

Chuyện về những người bán hàng dạo ở Mátxcơva chỉ có trong thời kì đổi mới từ những năm 90 trở lại đây, sau ngày Liên Xô sụp đổ.

 

Vẫn trên các chuyến tàu Elecktrichka ra ngoại ô và đi ngược lại, cứ sau 10 đến 20 phút chúng tôi lại bắt gặp tiếng rao lanh lảnh, ồm ồm…của các chủ bán hàng dạo. Họ là đàn ông, đàn bà ở đủ các lứa tuổi. Thành phần chủ yếu là người Nga. Ngoài ra còn có dân các vùng Trung Á (thuộc Liên Xô cũ). Thậm chí còn có cả vài người châu Á, châu Phi.

 

Đội quân đông đảo này mang vác trên vai, cầm trên tay đủ các loại hàng tạp hóa, cứ như thể là một cửa hàng bách hóa di động vậy! Các mặt hàng phong phú từ kim chỉ, xà phòng, vải vóc áo quần, radio, cat set, băng đĩa, pin đèn, búa kềm, dao thớt, đồ chơi trẻ em v.v…thượng vàng hạ cám có tất tần tật! Giá cả phải chăng, có rẻ hơn so với tại chợ, cửa hàng. Và cũng thuận mua vừa bán.

 

Khách hàng của họ cũng đủ thành phần. Người ta đi làm việc trong nội thành vào giờ hành chính có thể không có thời gian nên thấy tiện thì mua. Các ông già bà cả cứ  thấy món hàng nào bắt mắt thì gọi lại xem và móc hầu bao. Lũ trẻ con theo chân bố mẹ đi chơi thì khỏi nói, đố mà thoát được không mua món gì cho chúng. Tuy nhiên cũng có những ông bố bà mẹ không có nhu cầu ngoài kế hoạch này, nên đôi khi xuất hiện ngay tiếng khóc ré lên của con trẻ, với những kiểu vòng tay trước ngực trông rất đáng yêu còn những đôi mắt thì đẫm lệ... vòi vĩnh, khó có thể từ chối.

 

Đó là chưa nói tới loại hàng ăn uống giải khát. Từ kem, bánh kẹo, rượu bia, thuốc lá, nước ngọt, hoa quả…phục vụ các thượng đế hết sức chu đáo. Phải thừa nhận họ rao hàng cũng hấp dẫn lôi cuốn. Đó là cả món “nghệ thuật rao”. Một vài người bắt chước kiểu quảng cáo trên ti vi làm mọi người được một phen cười vỡ bụng. Bù lại khách hàng cũng móc hầu bao ra mua một vài món như để “tưởng thưởng”! Có ông, có chị cầu kì mua micrô, loa quấn quanh người để âm thanh rao được to hơn át đi tiếng động cơ tàu đang chạy ầm ầm. Mùa đông còn đỡ vì các ô cửa sổ đóng kín, chứ mùa hè thì họ phải gân cổ lên mà gào mọi người mới nghe nổi.

 

Cách thức bán hàng của họ cũng rất đa dạng. Có vài người khi vắng khách họ đi rải các mặt hàng lên mặt ghế ngồi của hành khách kèm theo mẩu giấy nhỏ ghi giá cả. Đi hết một lượt toa họ quay lại kiểm tra. Ai mua thì họ nhận tiền, thật là một sự tự giác cao độ.

 

Người nọ rao chưa xong thì đằng sau lưng đã có người khác chờ đến lượt mình rao. Có khi nóng ruột chờ không được, họ bứt lên đi sang toa khác. Có người kiên nhẫn đứng chờ. Họ đi toa này sang toa khác (đoàn tàu có 12 toa) liên tục như thế suốt chặng đường gần 200 km-bến xa nhất so với nội đô Mát.

 

Các bến dọc đường cách nhau khoảng 5 phút dừng 1 phút. Tàu chạy ra ngoại ô Mát có hàng trăm chuyến và hàng trăm bến, cứ cách 15 phút hoặc 30 phút lại có một chuyến. Đây là loại phương tiện giao thông cực kì thuận lợi của người Nga bao nhiêu năm nay. Họ từ ngoại thành vào Mát làm việc từ sáng sớm và chiều muộn lại từ nội đô trở về nhà. Bởi thế đội quân hàng dạo mới có cơ hội tiếp cận. Thật là độc đáo. Gặp phải chuyến đông người, họ phải len lỏi lách đi giữa rừng người đứng vì không còn ghế, xem ra để kiếm được đồng tiền bát gạo cũng vất vả chẳng kém mấy so với ở nước mình.

 

Một lần tôi hỏi một chị bán hàng dạo người Nga về mức thu nhập và công việc? Chị tên là Galina, tuổi khoảng 40, chị cười hồn nhiên: -  Không làm lấy gì mà ăn và nuôi con hở anh? Vả lại cứ trả tiền vé tàu chuyến và “nộp thuế”(!) là xong!

 

Liên tưởng đến họ, tôi cũng bùi ngùi với những hình ảnh người bán hàng rong hết sức lộn xộn và nguy hiểm mà tôi từng chứng kiến tại quê nhà ở Việt Nam trên các chuyến tàu xe, cách đây đã rất nhiều năm. Có chăng nó khác một cái là ở đây cung cách buôn bán như vậy của họ có từ tốn và lịch sự hơn ta...

Võ Hoài Nam (từ Mátxcơva