1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chuyện về những căn hầm tối mật của Bác

(Dân trí) - Một sáng đầu tháng 5/2007, chúng tôi đến gặp Đại tá, PGS. TS Phạm Hồng, nguyên Viện trưởng Viện thiết kế Bộ Quốc phòng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Tuổi 76 cùng căn bệnh hen mãn tính không cho ông nhiều thời gian trò chuyện với chúng tôi, nhưng ký ức về những lần được tham gia trực tiếp xây hầm bảo vệ cho Bác Hồ từ ngày ở An toàn khu đến khi Người về Phủ Chủ tịch vẫn rất sáng rõ.

Kỳ 1: Nhiệm vụ đặc biệt ở An toàn khu

 

“Khi được lệnh bí mật rút khỏi mặt trận, không ai trong chúng tôi có thể đoán trước việc đơn vị lại trở về An toàn khu (ATK), xây dựng căn hầm kiên cố cho Bác Hồ và Trung ương Đảng đề phòng đế quốc Mỹ có thể sử dụng bom nguyên tử như đã từng làm ở Nhật Bản trong thế chiến thứ 2”, Đại tá Phạm Hồng mở đầu câu chuyện.

 

Cuộc hành quân trong đêm

 

Chiến cuộc giai đoạn 1953-1954 diễn ra vô cùng căng thẳng, cả địch và ta giành nhau từng tấc đất. Tháng 11/1953, Pháp bất ngờ cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Đầu năm 1954, Trung đoàn công binh mở đường Thắng Lợi được lệnh hành quân cấp tốc lên Tuần Giáo, bí mật mở đường tới căn cứ Điện Biên Phủ để chuẩn bị cho chiến dịch đánh chiếm cứ điểm này. Tháng 2/1954, giữa lúc nhiệm vụ mở đường còn đang bộn bề, một mật lệnh từ trên đưa xuống: “cắt” Tiểu đoàn 333, đơn vị có tiếng trong toàn quân khi đó về thực hiện nhiệm vụ khác.

 

Liên tục những ngày sau đó, cán bộ Trung đoàn Công binh Thắng Lợi đi lại như thoi về tận từng trung đội lựa chọn anh em chiến sĩ với những tiêu chuẩn cực kỳ gắt gao, đặc biệt là đạo đức chính trị và sức khoẻ để bổ sung vào Tiểu đoàn 333. Nhiều chiến sĩ trong tiểu đoàn công binh này khi đó đã nghĩ tới một nhiệm vụ cực kỳ trọng đại đang chờ đợi phía trước, có thể là một chiến dịch còn lớn hơn Điện Biên Phủ, nhưng cụ thể làm gì, thời gian khi nào, ở đâu... thì không ai biết và cũng không thể đoán ra.

 

Sau gần một tuần, khi trời vừa xẩm tối, toàn đơn vị nhận lệnh hành quân cấp tốc. Cả trăm người, nai nịt thật gọn nhẹ bước đi trong đêm. Khẩu hiệu của công binh là “đi trước về sau”, yếu tố bí mật đã trở thành máu xương của đồng đội bởi bước chân của họ đi đến đâu là chiến dịch mở ra ở đó nên máy bay trinh sát của Pháp luôn bám sát gót chân của họ.

 

Vì xác định là nhiệm vụ tối mật, anh em trong đơn vị cứ mải miết đi, không ai dám dò hỏi với chỉ huy về mục tiêu trận đánh sắp tới, nhưng kinh nghiệm chiến trường giúp họ nhận ra: bước chân đang đi về phía Tây. Tôi tuy là cán bộ quản lý bản đồ cho cả trung đoàn, lại là trung đội trưởng nhưng vẫn quyết tâm... không đọc bản đồ. Lý do rất đơn giản, thời điểm đó biệt kích của Pháp hoạt động rất ráo riết, đã có không ít cán bộ bị bắt cóc ngay trong vùng tự do. Bất kỳ lúc nào cũng có thể đụng đầu với địch, đề phòng trường hợp lỡ sa vào tay giặc thì cũng... không biết gì để mà khai.

 

Trước rạng đông và trước khi máy bay trinh sát xuất hiện, đoàn người lại đi vào rừng, con đường mòn được nguỵ trang bằng bụi cây và sẽ được dẹp đi khi đoàn người tiếp tục băng rừng vượt suối vào lúc trời xẩm tối. Mỗi ngày đơn vị đi được khoảng 30 - 40km. Cứ như vậy, đến ngày thứ 14 của cuộc hành quân thì đơn vị tới điểm tập kết: huyện Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang, nằm trong ATK, vùng đất thánh của cuộc kháng chiến trường kỳ.

 

Chiến công không có khói súng

 

Trước mặt chúng tôi là một ngọn núi, cây cối um tùm, cách không xa nơi làm việc của Bác. Đây là điểm được chọn làm căn hầm tránh bom và làm việc của Trung ương Đảng và Chính phủ, các chiến sĩ trong đơn vị xác định “sống để dạ, chết mang theo”.

 

Mặc dù là đơn vị có tiếng trong toàn ngành công binh lúc đó nhưng trước yêu cầu đặt ra cho công trình hầm ngầm quan trọng bậc nhất này, các chiến sĩ trong Tiểu đoàn 333 vẫn không khỏi băn khoăn. Bởi vì, đây là lần đầu tiên anh em công binh phải phá núi làm căn hầm kiên cố như thế trong khi trong tay họ chỉ có cuốc, xẻng và lòng quyết tâm cao hơn mọi núi cao.

 

Nhát cuốc đầu tiên bổ vào vách núi sừng sững vào khoảng cuối tháng 2/1954. Khó khăn lớn nhất là làm thế nào đào được đúng hướng. Vì không có máy kinh vĩ thuỷ chuẩn, những người lính đào hầm có sáng kiến dùng 2 ống kim tiêm thường dùng để trị sốt rét cho bộ đội, rọi mặt nước trong ống tiêm để lấy thăng bằng. Cùng với đó, hàng loạt các điểm mốc được dựng lên, người lính sử dụng mắt ngắm và dùng dây căng từ hai bên sườn núi để xác định 2 cửa hầm ở hai điểm cân bằng nhau. Mỗi trung đội “phụ trách” một cửa hầm.

 

Từng tổ chiến sĩ 6 - 7 người làm một, thay phiên nhau, người trước đập đá, người sau cào đất ra sau, xúc vào ki tre (một loại vật dụng đan bằng tre, dùng để hốt), hai người sau nữa kéo ra. Khắp các ụ cây, khắp các bìa rừng từng nhóm người lố nhố. Người trước mệt, người sau thay. Người trước mệt ngã, người sau tiến lên... chia nhau theo 3 ca làm thông đêm thông ngày.

 

Công cụ hữu dụng nhất khi đó là loại cuốc ngao ngắn chừng 3 - 4 tấc, càng đào vào sâu càng phát huy tác dụng, người đào phải trong tư thế ngồi bệt trên một chân, mò mẫm đào từng nhát cuốc giữa lòng núi tối đen như mực. Một phần vì đào từng đoạn ngắn, nhưng quan trọng hơn là đào hẹp và ăn sâu vào lòng núi đá, thiếu dưỡng khí nên một thời gian sau, đơn vị được trang bị một số loại quạt bễ lò rèn để thông gió.

 

Quy cách chuẩn của hầm là mỗi chiều khoảng 1,9m. Kích thước này vừa đủ khi hữu sự có thể vừa làm nơi hội họp cũng như nghỉ ngơi của Trung ương Đảng.

 

Việc tổ chức phòng tránh, bảo vệ rất phức tạp, đòi hỏi tính tổ chức, tự giác cao, bởi lẽ không chỉ đạn bom trút xuống mà còn gián điệp, biệt kích tìm cách xâm nhập. Để đảm bảo bí mật tuyệt đối cho công trình, các đơn vị thực hiện lệnh hạn chế dùng thuốc nổ, chỉ chỗ nào đá cứng quá, không thể phá bằng thủ công mới sử dụng. Lượng thuốc nổ dùng cho mỗi lần cũng chỉ tiết kiệm đủ để phá “om”, vừa không gây tiếng nổ vừa giúp việc đập đá đỡ gian nan hơn.

 

Trong khi đó, một dây chuyền khác là lực lượng làm khung gỗ lót hầm. Quy chuẩn cứ cuốc vào được gần 1m một tốp vào ghép gỗ. Gỗ lấy gần đó nhưng phải thật kín, sau đó được tẩm nhựa đường trước khi đưa vào lót hầm. Đất đá lấy từ trong hầm cũng phải đổ đi thật xa,  tránh máy bay trinh sát phát hiện “đất mới”.

 

Những ngày đó anh em chiến sĩ bị sốt rét, ốm mệt nhiều lắm, thuốc kí ninh không có đủ nhưng kỳ lạ thay sức người phơi phới. Những yêu cầu bức thiết từ chiến trường cũng như dự trù khả năng phản công lớn của kẻ địch, ai ai trong đơn vị cũng như thấy thời gian bén gót sau chân, không cho người nào được phép ngưng tay.

 

Phong trào thi đua được phát động trong toàn đơn vị, một chiến sĩ của tiểu đoàn nguyên là đầu bếp tại hàng ăn nổi tiếng trên phố Hàng Buồm đã được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động ngay tại khu vực hầm ngầm đang khai phá.

 

Kỷ niệm với Bác Hồ

 

Ngày 7/5/1954, tin chiến thắng Điện Biên Phủ dội về cùng lúc với thông tin về hội nghị Geneve tìm kiếm giải pháp hoà bình cho Việt Nam. Liên tục trong những ngày đó, cán bộ cấp trên tới nói chuyện với chiến sĩ trong đơn vị về “không ảo tưởng vào hoà bình”. Công việc đào hầm của chúng tôi vẫn tiếp tục suốt đêm ngày...

 

Sau hơn 5 tháng thi công, công việc đào hầm kết thúc khi cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp thắng lợi. Trên thực tế, hai bên cửa hầm đã được đào sâu vào bên trong hơn 100m nhưng chưa “gặp” được nhau. Và sự thực, căn hầm này cũng chưa một lần được “kinh” qua bom đạn nhưng với hàng chục ngàn ngày công, đào và vận chuyển ra khỏi lòng đất hàng vạn tấn đất đá, mỗi mét đường hầm thực sự là kết tinh tình cảm, trí tuệ, ý chí quyết chiến, quyết thắng của bao chiến sĩ.

 

Ấn tượng mạnh mẽ nhất với chúng tôi là những kỷ niệm từ những lần gặp Bác. Đó là vào mỗi cuối tuần, được cùng ngồi xem phim với Bác Hồ tại bãi đất trống. Các vị lãnh đạo ngồi giữa, chiến sĩ ngồi sau. Tôi nhớ những bộ phim được chiếu khi đó là “13 dũng sĩ”, “Vaxili trở về”... hầu hết là phim Nga. Không khí đó vừa thân mật vừa linh thiêng. Mặc dù sau này, trên con đường binh nghiệp, tôi còn được gặp Bác nhiều lần nhưng kỷ niệm này vẫn là sâu sắc nhất.

 

(Còn tiếp)

 

Phúc Hưng (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm