Chuyện về người Anh hùng chưa được vinh danh
(Dân trí) - Kiên cường trước các đòn tra tấn, cực hình của quân thù. Chấp nhận cái chết ở tuổi 20 để bảo vệ cơ sở kháng chiến… Anh là Liệt sĩ Nguyễn Quang Son, người mà dân làng Giắng (Đông Tân, Đông Hưng, Thái Bình) vẫn tôn vinh là người anh Anh hùng của làng.
Lật giở trang sử vàng
Người đầu tiên kể cho chúng tôi về lịch sử kháng chiến của làng Giắng là cụ Bùi Văn Huyên (cán bộ hưu trí - 91 tuổi), một trong số những người tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến, trực tiếp chứng kiến những năm tháng đau thương khi bọn giặc Pháp càn quét và mang anh Son ra tra khảo dã man rồi hành hình. Khi đó cụ Huyên là xã đội trưởng xã Bạch Đằng (tên cũ xã ngày ấy).
Ngày đó, Thái Ninh là một huyện “nóng” của tỉnh Thái Bình bởi nơi đây có đường 218, con đường giao thông huyết mạch từ thị xã Thái Bình xuống cửa biển Diêm Điền. Đồng thời nơi đây là địa bàn nối với quốc lộ 10, là đường giao thông chiến lược của ta nối vùng duyên hải lên chiến khu. Từ năm 1948, chiến tranh lan khắp Đồng bằng Bắc bộ. Đằng Giang, mảnh đất nhỏ nằm bên bờ sông Diêm nổi tiếng khắp vùng về tinh thần kiên cường và bất khuất vì vùng đất này có cơ sở cơ quan đầu não của tỉnh và là điểm giao lưu giữa ba huyện Đông Quan, Thụy Anh và Thái Ninh. Nằm ở vị trí chiến lược, án ngữ toàn bộ hệ thống giao thông nối các địa bàn rộng lớn nên thực dân Pháp quyết tâm biến làng Giắng thành làng tề ngụy. Chúng đóng bốt và lập căn cứ vùng tề bao vây bốn phía đồng thời kết hợp bọn phản động ác ôn bí mật nằm vùng vây ráp uy hiếp xã Đằng Giang gan góc.
Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ xã, đội du kích của xã Đằng Giang được thành lập, tự trang bị một số vũ khí thô sơ, súng, lựu đạn, tổ chức đào hầm bí mật dưới các khu vực vườn chè, thông ngách ra các bờ ao trong xóm, làm các cửa hầm ở dưới bụi tre hoặc làm nhà có tường hai chái để che giấu cán bộ, cất giấu lương thực, thực phẩm và tổ chức chiến đấu tiêu diệt địch, quấy nhiễu kẻ thù.
Như nhiều người dân yêu nước, căm thù bọn xâm lược và kiên quyết bảo vệ cách mạng, chàng trai Nguyễn Quang Son tham gia du kích bao vây đánh địch. Đầu năm 1950, giặc Pháp mở chiến dịch càn lớn có cả ngụy binh tham gia, lấy tên là “Chiến dịch vết dầu loang” càn quét, tấn công khu kháng chiến của ta ở vùng Thái Ninh cũ, nhằm tiêu diệt căn cứ kháng chiến và bắt chỉ huy cao cấp của bộ đội ta.
Người du kích gan dạ, bất khuất
Tuy chưa được phong tặng danh hiệu anh hùng nhưng trong lòng người dân xã Đông Tân đã xem anh là người anh hùng từ lâu, vì anh đã hi sinh thân mình để bảo vệ cơ sở Đảng, bảo vệ đồng chí, đồng đội, góp phần làm rạng danh trang sử hào hùng của quê hương.
Cảm phục trước tinh thần bất khuất, chịu mọi tra tấn cực hình, anh dũng hi sinh để bảo vệ cơ sở kháng chiến và đồng đội đồng thời tri ân anh, ngày 11/1/1995, những chiến sĩ thuộc Câu lạc bộ Du kích Bạch Đằng (tên xã cũ thời kỳ kháng chiến) đã gửi đơn kiến nghị lên Phòng Chính sách, Sở LĐ–TB&XH Thái Bình (có xác nhận của Xã đội, UBND và Đảng ủy xã) đề nghị truy tặng Liệt sĩ Nguyễn Quang Son danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang. Tuy nhiên, cho đến nay, nguyện vọng này vẫn chưa thành hiện thực.
Tại văn phòng Đảng ủy xã, Bí thư Đảng bộ Quách Tiến Quân và Chủ tịch xã Ngô Văn Vang dù chỉ được nghe kể lại sự hi sinh anh dũng của ông Son cũng thiết tha với đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng cho Liệt sĩ Nguyễn Quang Son.
Từ làng Giắng trở về khi trời đã tắt nắng, chúng tôi vẫn không khỏi ám ảnh bởi ánh mắt nghẹn ngào và giọng nói rưng rưng của cụ Bùi Thị Bưởng, người chứng kiến cảnh tra tấn LS Nguyễn Quang Son. “Cả làng Giắng chúng tôi biết ơn anh Son lắm, anh xứng danh là người anh dùng, đáng để nhân dân tạc tượng ghi danh”.
Phạm Văn Bình