1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chuyện Bác Hồ với cha con thủ lĩnh Vương Chí Sình (phần cuối)

(Dân trí) - Đầu năm 1948 Bộ Quốc phòng quyết định thành lập tiểu đoàn chính quy mang phiên hiệu D350 (còn gọi là tiểu đoàn Mèo - vì đại đa số là người Mèo) trên cơ sở lực lượng vũ trang của ông Sơn; quyết định bổ nhiệm Vương Quỳnh Sơn làm tiểu đoàn trưởng.

Tiểu đoàn D350 trực thuộc Quân khu 10 - do tướng Bằng Giang làm Tư lệnh quân khu. Trong buổi ra mắt có sự tham dự của ông Tô Quang Đẩu chủ tịch khu 10, ông Trần Đức Trung chủ tịch Hà Giang, giám đốc sở công an... Được Bộ quốc phòng uỷ quyền, trong buổi ra mắt tiểu đoàn, ông Trần Đức Trung - chủ tịch tỉnh Hà Giang đã trao thanh kiếm cho tiểu đoàn trưởng Vương Quỳnh Sơn để thực thi nhiệm vụ.
 


Khu mộ Vương Chí Thành

Khu mộ Vương Chí Thành

 

Bác Hồ cắt máu ăn thề và đổi họ, tên cho Thủ lĩnh Vương?

 

Sau cuộc gặp gỡ, ông Vương Chí Sình trúng đại biểu Quốc hội khoá I (6-1-1946) và được giao trọng trách Chủ tịch Đồng Văn. Bác còn cử ông Võ Khải Ca - phái viên của Chính phủ, bên cạnh ông Vương làm tham mưu cố vấn giúp ông Vương quản lý mọi mặt ở địa phương. Đồng thời đổi lại tên châu Thường Kiệt, trả lại tên cũ là châu Đồng Văn cho đồng bào dễ nhớ, dễ gọi. Sau tham dự kỳ họp Quốc hội khoá I, ông Vương còn ở lại Hà Nội chơi qua giêng mới trở về Đồng Văn.

 

Về chính ngôn thì Việt minh giao phó trách nhiệm Chủ tịch hành chính Đồng Văn cho ông Sình (gồm 4 huyện núi đá: Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Mèo Vạc). Nhưng theo thiết chế dòng họ của xã hội người Mèo thì cụ Vương Chính Đức vẫn là thủ lĩnh tối cao quyết định mọi vấn đề của người Mèo. Ông Sình chỉ là người thực thi nhiệm vụ theo ý kiến của thủ lĩnh.

 

Cần nhớ rằng, khi ông Sình có gia đình riêng ông chuyển ra nhà riêng ở Phó Cáo và mở cửa hàng tạp hoá để mưu sinh. Trước khi Nhật đảo chính Pháp không lâu, ông Thành có mua chức Lý trưởng Nam triều. Ông cũng không nằm trong bộ máy tham mưu của bố ông.

 

Sau ngày Hồ Chủ tịch kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), lúc này cụ Đức lâm bệnh nặng khó bề qua khỏi. Cụ viết thư nhắn chủ tịch Hồ Chí Minh cho người lên Đồng Văn để nhận bàn giao lại vùng đất của người Mèo. Ông Mai Trung Lâm lại được cử lên để tiếp thụ ý kiến cụ Vương. Khi ông Lâm lên tới nơi, cụ Vương triệu tập thủ lĩnh (người cầm quyền các dòng họ) về Sà Phìn để bàn thảo.

 

Như trên đã nói, ông Sình dự họp với tư cách là người quản lý hành chính chứ không phải tư cách thủ lĩnh. Theo truyền thống của xã hội người Mèo không có tập tục cha truyền con nối. Ai giỏi nhất thì được tôn vinh làm thủ lĩnh - không phân biệt tuổi tác, nguồn gốc. Kết luận, cụ Vương giao ước với các dòng họ Mèo rằng: Ông Mai Trung Lâm là người cụ Hồ cử lên thay mặt cụ. Từ nay mọi việc nhất nhất phải nghe theo ông Lâm. Như vậy là cụ Đức bàn giao đất Đồng Văn cho ông Lâm chứ không phải ông Sình.

 

Ông Mai Trung Lâm là người hoạt động ở vùng Mèo nhiều năm nên hiểu rõ về phong tục, xã hội người Mèo. Ông không thể chỉ đạo, thống lĩnh lượng vũ trang Mèo một khi chưa được thủ lĩnh các dòng họ suy tôn, chấp thuận. Vì vậy ông giới thiệu ông Vương Chí Sình vào vị trí đó. Song cụ Đức không chịu, cụ nói rằng: ''Vương Chí Thành nó có tính khí đàn bà. Gặp việc lớn không dám quả quyết nên không giao được''. Người dân tộc nói như dao chém cây, khó lòng thay đổi được. Đâm ra ông Lâm trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Ông đành phải nhận. Song với vai trò, vị trí mới, sau khi tiếp thụ lệnh của cụ Đức, ông giao nhiệm vụ đó cho ông Vương Chí Thành. Nghĩa là ông vẫn là người chỉ huy cao nhất, là cấp trên của ông Thành, nhưng không đứng ra trực tiếp giải quyết mọi vấn đề của người Mèo. Phương án tế nhị, khôn ngoan của ông Lâm cuối cùng đã đựoc cụ Vương chấp nhận. Trong không khí vui vẻ, phấn khởi ông Lâm kết nghĩa anh em với ông Thành ngay sau đó.

 

Ông Vương Chí Thành cũng vui vẻ nhận thêm trọng trách mới, nhưng ra điều kiện: ''Khi nào đánh Tây, đuổi Nhật xong ông trả lại đất Đồng Văn cho cụ Hồ''.

 

Mấy tháng sau, vào đầu năm 1947 cụ Vương Chính Đức từ trần ở tuổi 82. Lúc này ông Thành mới chính thức là người chỉ huy cao nhất của các dòng họ Mèo, đồng thời lãnh trách nhiệm cao nhất về hành chánh ở Đồng Văn để lo toan công việc kháng chiến. Ông Vương Chí Sình có công lớn giải thoát cho thủ lĩnh các dòng họ mèo bị thực dân Pháp giam ở Hoả Lò năm 1936. Nhờ sự kiện đó ông có uy tín với các thủ lĩnh và họ phải mang ơn cứu mạng của ông, nên ông được thủ lĩnh các dòng họ tôn vinh như vua.

 

Những tháng đầu năm 1947 và sau đó, tình hình thực tế diễn biến hết sức phức tạp. Các lực lượng thân Pháp, Nhật, Tưởng ở các tỉnh miền núi phía Bắc tranh nhau lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin đi theo chúng: Đồng thời chúng gầm ghè giữ miếng và xâu xé lẫn nhau. Để ngăn chặn quân Pháp đánh vào các khu căn cứ cách mạng, Việt minh đã tổ chức chiến dịch và một số trận đánh lớn. Ở địa phận Đồng Văn do Vương Chí Sình cai quản, các lực lượng thù địch vẫn không thể lấy được tấc đất nào. Đồng Văn đứng vững, trước sóng gió của cuộc chiến.

 

Để tạo thế ''ỷ dốc'' và khuếch trương thanh thế cho ông Vương, đe nẹt lũ cướp nước và bán nước, Việt minh phao tin rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cắt máu ăn thề kết nghĩa anh em với vua Mèo Vương Chí Sình. Rằng là cụ Hồ đã đổi tên cho ông Sình là Thành (theo tiếng Việt có ý chí và trung thành). Thậm chí còn nói đổi cả họ cho ông Thành theo họ của ông Hồ - tức Hồ Chí Thành. Tin đó lan truyền nhanh như gió, râm ran thì thầm từ người nọ sang người kia, úp úp, mở mở.

 

Nếu bọn nào đụng vào ông Thành cũng tức là đụng vào ông Hồ. Như trên đã nói, trong thời gian này Việt minh đã mạnh lên, giáng những đòn đau vào quân Pháp, diệt ác trừ gian. Chiến cuộc đã chuyến dần sang thế chủ động có lợi cho Việt mimh. Vì vậy bọn chúng rất e nể, càng không dám quấy nhiễu, liều mạng đánh vào quân ông Sình, sợ Việt minh trừng trị.
 
Sau nhiều năm cùng cụ Vương Quỳnh Sơn bôn ba trên những chặng đường công tác, tôi đã hỏi cụ ít nhất là 2-3 lần về sự kiện ông Thành gặp Bác Hồ ở Hà Nội để xem cụ có sự nhầm lẫn nào chăng? Đến nỗi có một lần cụ phát cáu với tôi: ''Tao là người trực tiếp có mặt ở đó. Nhầm thế nào được''. Rồi cụ mỉm cười đôn hậu: ''Nhiều người chẳng hiểu biết gì về người Mèo, nhưng lại hay bày đặt ra những giai thoại. Kể nhiều thành quen tai cứ ngỡ rằng có thật. Những tin đồn đó chỉ có tính chính trị trong lúc bấy giờ mà thôi. Người Mèo chúng tao có những luật tục rất đặc thù. Giải thích thì dài dòng lắm. Bác Hồ là vị lãnh đạo hiểu biết sâu sắc về phong tục tập quán dân tộc Mèo. Bác còn là người rất tinh tế, lịch lãm và sáng suốt lắm. Làm gì có chuyện đổi họ, tên cho ông Vương. Cũng chẳng có lễ kết nghĩa anh em nào hết. Chỉ có một câu nói của Bác mà sinh ra lắm chuyện rắc rối thế? Câu chuyện gặp chủ tịch Hồ Chí Minh ông chú tao còn kể đi, kể lại với con cháu (chính xác như tao đã kể với mày) sau này như một niềm vinh dự, tự hào của dòng họ Vương''.
 
Kỷ vật Bác Hồ tặng thủ lĩnh Vương hiện giờ ở đâu?

 

Kỷ vật Bác Hồ tặng thủ lĩnh Vương hiện giờ ở đâu?

 

Trước hết, xin nói về kỷ vật. Theo cụ Vương, Bác Hồ tặng ông Thành 2 kỷ vật. Thứ nhất là chiếc áo trấn thủ. Chiếc áo đó may bằng vải kaki ngoại dầy, chắc, màu vàng dịu chứ không vàng khè như màu quân phục của công an trước đây (khi chưa thay đổi mẫu mã và màu như hiện nay). Cuối thân áo có thêu dòng chữ: ''Hội phụ nữ cứu quốc kính tặng''. Đường chỉ may trần theo ô quả trám có cải thêm sợi kim tuyến lóng lánh rất đẹp. Chiếc áo này Hội Phụ nữ tặng Bác, nhưng Bác dành tặng lại cho ông Vương Chí Thành.

 

Thứ hai là thanh đoản đao - chứ không phải thanh gươm như các bài viết từ trước đến nay. Bản thân tôi cũng ngỡ ngàng khi nghe chi tiết này. Theo mô tả của cụ Vương, thanh đoản đao dài chừng trên 60cm một ít. Nơi bản đao rộng nhất to gần bằng bàn tay người lớn trông giống như chiếc mã tấu, hay giống như binh khí của tướng lĩnh, anh hùng hảo hán. Cuối chuôi đao có đục một cái lỗ buộc sợi dây có gắn quả tua khá đẹp. Việc chế tác thanh đoản đao Bác giao cho xưởng quân giới của ông Trần Đại Nghĩa. Theo yêu cầu của Bác, xưởng quân giới chọn loại thép xanh vừa cứng, vừa dẻo để rèn. Không biết cụ Vương có lý tưởng hoá lên, chỉ biết cụ bảo nó ánh lên chất thép xanh sáng loáng và cực kỳ sắc bén. Để 1 sợi tóc vào lưỡi đao thổi nhẹ là sợi tóc đứt làm đôi. Vỏ đao được làm bằng gỗ tốt, có vân, không bị nứt nẻ bởi thời tiết và qua thời gian. Sau khi hoàn thành mang lên để Bác kiểm tra, Người vén tay áo viết vào 2 mặt vỏ bao 8 chữ nho. Một bên là ''Tận trung báo quốc'', bên kia là ''Bất thụ nô lệ'' và bên dưới có chữ ký của Bác. Nét chữ rắn rỏi, bay bướm rất đẹp. Nếu bạn có dịp thăm Dinh thự họ Vương ở xã Sà Phìn, Đồng Văn sẽ thấy những chữ đó được khắc vào phiến đá mặt tiền phần mộ của vua Mèo Vương Chí Thành. Ảnh của ông ở giữa, hai bên ảnh mỗi bên 4 chữ. Khu mộ của dòng họ Vương nằm ở bên phải cổng vào dinh thự, dưới bóng mát của rặng samu cổ thụ hàng trăm năm.

 

Điều tôi băn khoăn nhất là tại sao lại là thanh đao chứ không phải thanh bảo kiếm như mọi người thường nói? Điều này được cụ Vương giải mã như sau: Trong lịch sử hơn 3.000 năm chiến đấu chống các triều đại nhà Hán (Hán tộc) từ thời Chu Thương 1600 năm trước Công nguyên nhà Hán luôn đánh vào vùng Mèo để giành vùng đất đai màu mỡ lưu vực sông Hoàng Hà - cái nôi của nền văn minh Trung Hoa. Ngưới Mèo đã nhiều lần bị nhà Hán bội ước, lừa gạt, nhiều phen thua trận. Giặc Hán còn sát hại, tru di các họ Mèo, giết hết đàn ông ở nhiều vùng đất chúng cai trị nhằm đồng hoá tộc người Mèo. Nhưng người Mèo vẫn tồn tại với sức sống mãnh liệt và không chịu khuất phục.

 

Mối thù truyền kiếp đó đến mức cực đoan. Người Mèo thường làm nhiều điều đối ngược với người Hán: Hán dùng môi bạc, thìa bạc, Mèo dùng môi gỗ, thìa gỗ; Hán giỏi võ tay, Mèo giỏi võ chân (vì thế nên người Mèo múa khèn chứ không chỉ thổi, đặc biệt đôi chân rất dẻo). Thù sâu đến nỗi, khi chết đi người Mèo cho vào quan tài người chết một chiếc nỏ làm bằng ống trúc nhỏ bằng ngón tay (đặc biệt trong quan tài người chết không được cho một tí sắt nào vào) với ý nghĩa, khi xuống thế giới tổ tiên - nơi ''trời lạnh, đất tối''- ma người Mèo tiếp tục chiến đấu giết ma Hán. Trong tục ngữ Mèo có câu: ''Lá chuối không là lụa, người Hán không là bạn''. Theo đó, vua chúa Hán dùng gươm, vua chúa Mèo dùng đao. Ở đây nếu có suy luận ra một chút thì ở chỗ, chứng tỏ Bác Hồ rất hiểu lịch sử dân tộc Mèo mới tặng đao chứ không phải là kiếm? Điều này với tôi là quá bí hiểm không thể tranh cãi được gì, chỉ biết ghi lại thôi.

 

Đầu năm 1949, cuộc kháng chiến 9 năm của dân tộc đã bước sang năm thứ 4. Quân cách mạng đã trưởng thành và lớn mạnh nhiều mặt. Các cuộc hành quân nhằm tiêu diệt các khu căn cứ địa cách mạng của Pháp thất bại, tiêu biểu là chiến cuộc Đông xuân 1947. Pháp xoay sang mở chiến dịch đánh vào Cao Bắc Lạng. Khi đã nắm rõ ý đồ của địch ta mở chiến dịch Sông Lô. Chiến dịch chia làm 3 giai đoạn, bắt đầu từ 29/4 kéo dài tới 31/5/1949 mới kết thúc. Trong những năm trước đó tình hình diễn biến hết sức phức tạp. Pháp, Nhật, Tưởng và bọn thân chúng khi có cơ hội đã liên tục tấn công vào lực lượng của ta. Trong lúc loạn quân, loạn quan dải đất Đồng Văn vẫn giữ vững để khích lệ biểu dương lực lượng vũ trang Mèo và công lao Vương Chí Sình trong mấy năm song hành cùng cuộc chiến đấu của dân tộc, Bác Hồ cử ông Võ Nguyên Giáp và ông Bùi Công Trừng mang tặng ông Vương hai kỷ vật đã nêu ở phần trên tại thị xã Hà Giang.

 

''Vậy kỷ vật ấy hiện nay ai giữ, cụ có biết không?''. Cụ bảo: ''Biết mà không biết''. Lạ. Cụ bảo ông chú Sình có 3 con trai: Vương Đình Phú, Vương Đình Quang và Vương Đình Thọ. Năm 1990, Thọ nó xin phép Nhà nước được xuất cảnh đi Canada, nó mang theo chiếc áo trấn thủ Bác tặng bố nó. Khi ông chú tao mất (1962) nó mới 2-3 tuổi. Năm nó đi định cư ở nước ngoài nó chừng 40 - 41 tuổi gì đó. ''Thế còn thanh đoản đao''?. Cụ cười buồn. ''Về cái vụ này tao có đôi ba lần hỏi cơ quan chức năng. Nghe nói có cán bộ lên Sà Phìn hỏi mượn hay xin gì đó, bảo là để trưng bày ở bảo tàng. Chẳng rõ là ai, vì lắm cán bộ quá. Cũng chẳng thấy trưng bày ở bảo tàng nào. Chịu''. Bây giờ cụ đã thành người thiên cổ. Liệu có còn ai tâm huyết đi tìm kỷ vật có giá trị lịch sử như vậy? Thật tiếc thay!

 

Đinh Đức Cần