1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bữa ăn "âm 97,5m"

“Sống dương gian, ăn âm phủ” là câu cửa miệng của thợ hầm lò vùng than Quảng Ninh. Trong bóng tối âm u và bụi than đặc quánh, bữa ăn ca của thợ lò được dọn ra...

Có mặt tại phòng giao việc cho thợ lò đầu ca của mỏ than Mông Dương khi tiếng còi tầm vừa u u cất lên;  Thành, công nhân hầm lò, lấy tay vơ vội khẩu phần ăn ca của mình gồm một chiếc bánh mì và một hộp sữa Mộc Châu cho vào chiếc túi đeo bên mình, ngẩng lên nhìn tôi vẻ lạ lẫm: “Sao ông không lấy đi, xuống lò mà đói thì không có gì bỏ vô miệng đâu!”.

 

Trước khi xuống lò, theo thủ tục của Công ty than Mông Dương, tôi được văn phòng công ty dẫn đi... khám sức khỏe. Anh y tá mỏ than Mông Dương sau khi đo huyết áp cho tôi, gật gù: “Ối, lão này khỏe như trâu, chỉ phải cái hơi mập, làm thợ lò một hôm cho... ốm đi một tí!”.

 

Anh Nguyễn Tiến Sách, trưởng phòng an toàn lao động công ty, cho tôi biết mỏ than Mông Dương là nơi duy nhất của vùng than Quảng Ninh khai thác than bằng công nghệ lò giếng. Khai trường của mỏ than hầm lò này sâu với độ âm 97,5m. Với tổng chiều dài gần 16km đường lò, mỏ than Mông Dương được mệnh danh là mỏ có độ sâu và dài nhất Đông Nam Á.

 

Chiếc thang máy ầm ì đưa chúng tôi hạ từ từ xuống lòng đất, đường lò đã hiện ra trước ánh đèn tuýp tỏa ánh sáng mờ mờ, một luồng không khí mát lạnh ùa vào mặt gây cảm giác dễ chịu. Theo phản xạ, tôi hít căng lồng ngực. Anh Sách bấm vai tôi, tiếng nói ồm ồm qua khẩu trang: “Hít vừa thôi, bụi lắm đấy”. Quả thật, qua ánh đèn, từng hạt bụi li ti cứ loang loáng bay trước mũi không ngừng.

 

Giải thích về làn gió mát lạnh trong những đường lò, anh Sách cho biết gió đó là do một chiếc quạt khổng lồ có công suất 800kW thổi vào lò suốt ngày đêm. Chiếc quạt này không bao giờ được phép ngừng hoạt động, nếu ngừng hoạt động chỉ chừng ba phút thì thảm họa sẽ xảy ra. Do vậy, công ty luôn có một chiếc quạt và một tổ máy phát điện diesel dự phòng khi mất điện lưới.

 

Thợ lò mỏ than Mông Dương liên tục làm việc suốt ngày đêm, mỗi ca làm việc trong hầm lò chừng 800 người. Lò chợ của khai trường 2 nơi chúng tôi đến lúc khoảng 10 giờ sáng, các công nhân đang hối hả dùng cuốc chim bổ vào những vỉa than óng ánh. Nơi đây không có điện, chỉ có ánh đèn thợ mỏ soi đường. Một thợ lò tên Hùng, quê Thanh Hóa, thấy tôi tay run run cầm chiếc máy ảnh, cười lớn: “Đằng kia nổ mìn để khai thác than đấy”. “Cái gì, nổ mìn à, lỡ... sập lò thì sao? - tôi lập cập hỏi. “Chẳng hề gì đâu, chúng tôi làm quen rồi!”.

 

“Anh em ơi nghỉ ăn trưa thôi!”- một giọng nói cất lên không biết từ ngách nào. Trong các ngách lò mọi tiếng động lịch kịch bỗng ngừng hẳn. Một không khí im lặng bao trùm lên trong bóng tối, qua ánh đèn lò loang loáng, bụi than như đậm đặc hơn. Thợ lò Hùng với tay lên vách của gương than, lấy xuống chiếc túi nilông được bọc kỹ. Vẫn bàn tay nhem nhuốc như lúc đào than, Hùng lần giở từng lớp nilông rồi đưa chiếc bánh mì vô miệng nhai ngon lành.

 

“Hồi mới vào lò nhìn bụi như thế này tôi không ăn được, sau đói quá cứ làm tới, giờ thì quen luôn” - Hùng động viên khi thấy tôi lần giở khẩu phần ăn trong túi ra. Sau mỗi miếng nhai, Hùng “chiêu” một ngụm sữa Mộc Châu. Bữa ăn ca của Hùng diễn ra chừng ba phút. Tiếp đó, tựa lưng vào cột thủy lực đơn chừng hai phút nữa để... nghỉ trưa. Ở bên cạnh tôi vang lên những tiếng nhai chóp chép, tiếng tu sữa ừng ực và... không ai nói với ai một tiếng nào. “Khi đã vào lò, dân thợ kiệm lời lắm, chỉ làm và thở thôi. Nếu có việc gì thì nói to và dứt khoát vì tiếng động trong lò rất ồn” - Hùng giải thích với tôi như vậy.

 

Sau hai phút tựa lưng ngắn... kỷ lục để nghỉ trưa, Hùng chồm dậy đưa tay đeo lại khẩu trang và cầm lấy chiếc búa chim bổ từng nhát dứt khoát vào gương than. Và từ các ngóc ngách của lò chợ, các tiếng động lịch kịch khác cùng hòa âm theo.

 

Khác với mỏ than Mông Dương và các mỏ khác trên vùng than Quảng Ninh, mỏ than Vàng Danh cho thợ lò ăn giữa ca bằng cơm hộp. Mỗi khi đến bữa ăn, nhà bếp chuyển cơm đến tận cửa lò hoặc các khai trường lộ thiên. Hộp cơm đựng bằng nhựa cứng có ba ngăn, canh thì đựng bằng can nhựa khi ăn rót ra ca. Một cán bộ ngành than nói với tôi: “Tất cả thợ lò ở bất cứ mỏ hầm lò hay lộ thiên cũng đều ăn trong môi trường bụi bặm như vậy!”.

 

Theo con số thống kê của ngành than Quảng Ninh, mỗi ca làm việc của các công ty trên vùng mỏ này có tới 40.000 người. Tại Công ty than Vàng Danh, nhà bếp phải chuẩn bị mỗi ngày đêm cho 5.200 suất ăn, nhà bếp của Công ty than Mông Dương mỗi ngày đêm phải cung cấp 3.200 suất ăn.

 

Chị Hoàng Thị Sen, quản đốc phân xưởng phục vụ đời sống của Công ty than Mông Dương, mở sổ đọc cho tôi nghe con số thống kê lượng thực phẩm trong một ngày: 2 tạ rau, 3 tạ gạo, 2 tạ thịt, 90kg cá, 1.000 quả trứng và 2.200 cái bánh mì, 800 bánh rán. Riêng sữa uống cho công nhân, mỗi tháng công ty nhập khoảng 2 container từ Mộc Châu. Tính ra một tháng công ty chi khoảng 1 tỉ đồng tiền ăn cho thợ lò. Thợ lò ngoài bữa ăn ca trong hầm lò còn được ăn một bữa cuối ca trước khi về nhà hoặc ăn trước lúc vào ca với tiêu chuẩn một bữa là 14.500 đồng. Trung bình mỗi ngày đêm công ty có 130 CBCNV phục vụ việc ăn uống. Chị Sen cho biết hằng ngày cứ khoảng 3 giờ sáng là bộ phận lo thực phẩm bắt đầu làm việc, công nhân nhà ăn phục vụ theo ca cứ thay nhau làm việc suốt 24 giờ!

 

Ông Trần Thế Lễ, phó giám đốc Công ty than Mông Dương, cho hay mấy năm gần đây ngành than làm ăn được nên đời sống thợ lò được quan tâm hơn. Lương bình quân của công nhân mỏ hiện nay trên 3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, việc ăn uống trong môi trường bụi bặm là không thể tránh khỏi.

 

“Chúng tôi cố gắng nâng cao chất lượng phục vụ để công nhân tái sản xuất sức lao động. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ đưa mô hình ăn sau ca cho công nhân theo kiểu buffet như các khách sạn thường áp dụng cho khách”, ông Lễ cho biết.

 

 

Theo Đỗ Hữu Lực

Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm