1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Binh pháp giả điên (Kỳ 3)

Nghề giám định tâm thần là thứ nghề đấu trí với những tội phạm giả điên. Tội phạm đã lâm vào bước đường cùng, không còn gì để mất nên quyết tâm diễn kịch của chúng rất ghê gớm.

Có rất nhiều người, nhiều cơ quan chức năng đã đương đầu với những trò “cù nhầy” này và một trong số những người cần nhắc đến chính là lực lượng giám định pháp y tâm thần. Các anh đã đằng đẵng ăn, ngủ, sống cùng với tội phạm để lật mặt chúng.

 Đến nơi đấu trí với… kẻ điên

Chúng tôi tìm đến Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương (Viện GĐPYTT Trung ương) vào một buổi chiều trong cái lạnh tăng cường se sắt. Cách trung tâm Hà Nội hơn 20km, chỉ được ngăn cách sơ sài một cánh cổng cũ kỹ, gỉ sét xanh đỏ, thế giới phía trong và ngoài Viện GĐPYTT Trung ương thật khác nhau một trời một vực. Nếu ngoài kia sầm uất, rộn rã với bao âm thanh hỗn tạp của cuộc sống thì trong này chỉ là một bầu không khí ảm đạm, chậm rãi và có phần u uất.

Phía bên trong là gần 100 đối tượng đang được theo dõi giám định. Và cũng khác với những bệnh nhân của bệnh viện tâm thần, những người đang điều trị tại đây hầu hết là những kẻ giết người, hiếp dâm… mà chỉ cần nhắc đến tên, nhiều người đã cảm thấy rùng mình vì tội ác vô nhân tính mà chúng đã gây ra cho nạn nhân và xã hội.

Trong khuôn viên viện, những bóng áo xanh bệnh nhân hoặc ngồi co ro trên ghế đá, hoặc đi lại một cách chậm chạp, tóc tai bù xù, vô hồn nhìn ra. Có người thì chỉ lẳng lặng quay mặt vào tường hàng giờ đồng hồ không dịch chuyển… Trong số đó có những kẻ đã từng tự tay giết bố, giết mẹ, giết anh em, con cái, có những kẻ đã từng hiếp dâm, đánh người, cướp của …
 
Cánh cổng Viện GĐPYTT Trung ương luôn trong tình trạng khép kín, xa cách với thế giới bên ngoài
Cánh cổng Viện GĐPYTT Trung ương luôn trong tình trạng khép kín, xa cách với thế giới bên ngoài

Tiếp chúng tôi là bác sĩ chuyên khoa II Dương Văn Lương - Phó viện trưởng Viện GĐPYTT Trung ương, người đã có ngót 30 năm gắn bó với nghiệp bác sĩ giám định pháp y tâm thần. Khi chúng tôi trình bày lý do tìm đến nơi nhạy cảm này, ông bật cười và chỉ lắc đầu: “Cái nghề của chúng tôi có gì đáng nói, chỉ là đấu trí với… kẻ điên thôi”.

Bệnh nhân ở viện có 2 đối tượng. Đó là những trường hợp phạm tội, nhưng nghi ngờ có rối loạn tâm thần cần được trưng cầu giám định pháp y để phục vụ công tác điều tra. Đối tượng thứ 2 là những bệnh nhân phải điều trị bắt buộc. Những bệnh nhân này cũng đã từng phạm tội, nhưng được miễn tội sau khi có kết luận tâm thần của hội đồng giám định pháp y. Cả hai đối tượng này có đặc điểm chung là đều mang trọng tội, chủ yếu là giết người và gây thương tích.

Lật giở hồ sơ bệnh án, cũng như tiền án, tiền sự của những bệnh nhân đặc biệt này, tôi ớn lạnh trước những việc làm của họ: Lê Tri Hiếu (Hà Đông) dùng thang đập chết bố đẻ; Trần Ngọc Khánh (Hà Nội) cầm dao đâm chết bạn thân…

Nhớ lại quá trình tiếp xúc và chữa bệnh cho các bệnh nhân đặc biệt ở viện, bác sĩ Lương cho chúng tôi hay, các đối tượng phạm tội thường được đưa đến trong giai đoạn điều tra, truy tố hay xét xử. Nếu tội phạm có dấu hiệu của bệnh tâm thần thì lập tức, cơ quan điều tra phải đưa đi giám định xem trong thời điểm trước khi phạm tội, tại thời điểm phạm tội và sau khi phạm tội, khả năng nhận thức điều khiển hành vi của tội phạm ra sao.

Sau đó, viện sẽ kết luận đối tượng có bệnh hay không, bệnh ở giai đoạn ổn định hay bùng phát nặng, từ đó sẽ xét đến khả năng nhận thức đối với hành vi của tội phạm. Thậm chí, kể cả khi đối tượng mang bệnh nhưng ở thể nhẹ hoặc có khả năng điều khiển được hành vi khi phạm tội thì vẫn phải chịu sự trừng trị của pháp luật chứ không phải cứ có bệnh là được khoan hồng.

Lộ mặt vì thích “hóng chuyện”

Trong quá trình giám định, có không ít các trường hợp được cơ quan công an đưa vào danh sách “giả điên trốn án” đã bị vạch trần trước các giám định viên của Viện GĐPYTT Trung ương, góp phần không nhỏ vào công tác điều tra và xét xử các vụ án nghiêm trọng.

Bác sĩ Lương nhớ mãi câu chuyện về bệnh nhân Vũ Tiến Thành đã giết chết vợ và hai đứa con do loạn thần vì rượu. Thành vốn là một kẻ nghiện rượu nặng, lâu dần hắn bị ảnh hưởng bởi chất cồn và luôn cảm giác có 2 cái đài trong tai xúi giục hắn phải… làm bậy. Thấy vậy, gia đình đã đưa hắn đến khám tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.

Tuy nhiên, vợ Thành do thương chồng nên xin các bác sĩ cho phép Thành được về nhà chữa trị với lý do gia đình có thể trông coi được. Chính vì vậy, Thành được kê đơn và cấp thuốc về nhà uống. Được vài hôm, tâm tính Thành “mềm” đi, không còn hung hăng, hằn học nữa, gia đình hắn mừng ra mặt. Thế nhưng, chưa được đầy tháng, vào một ngày tháng 8-2011, hắn đã dùng dao bầu đang tâm đâm chết cả vợ lẫn con mình.

Do có tiền sử loạn thần, hắn được đưa vào Viện GĐPYTT Trung ương để giám định, kèm theo bản cung khai và ý kiến của chính quyền địa phương về căn bệnh của hắn. Lúc này, hắn tỏ ra điên loạn, hoảng sợ, luôn miệng lảm nhảm những điều khó hiểu. Buổi giám định kéo dài 1 giờ giữa 4 người: 2 bác sĩ kiêm giám định viên, 1 can phạm và 1 chiến sĩ công an. Câu chuyện lúc thì cũng vơ vẩn như tâm tính bệnh nhân, lúc lại như cuộc trò chuyện giữa bạn bè với nhau về gia đình, cuộc sống, sở thích… Mỗi câu hỏi dù xa hay gần cũng đều có tác dụng thẩm định tình trạng tâm thần của đối tượng.

Trong quá trình quan sát sự biến chuyển và vận động của bệnh nhân, các giám định viên nhận thấy, tên Thành không phải lúc nào cũng thể hiện sự hoảng loạn thường thấy, có những lúc hắn chỉ ngồi im nhưng ánh mắt cực kỳ lanh lẹ và nhìn xung quanh một cách chậm rãi như đang nghiên cứu phản ứng của các bệnh nhân khác. Thế nhưng, chỉ cần gặp các bác sĩ, điều dưỡng và giám định viên, hắn lại giả ngây giả ngô, lúc cười lúc mếu, mũi dãi quanh người như một kẻ tâm thần đúng nghĩa.

Nhận biết được triệu chứng, các giám định viên quyết định dùng mưu với đối tượng này. Lúc thì giám định viên hỏi việc này, lúc chệch sang việc khác, thậm chí các giám định viên không thèm hỏi chuyện đối tượng mà quay sang bàn tán sôi nổi về bóng đá, chọi gà… khiến câu chuyện không liền mạch, không liên kết.

Tên Thành trả lời lúc thì bập bõm, lúc lại rành rọt không thống nhất, đồng thời tên Thành còn bị cuốn vào câu chuyện của giám định viên và trở nên sôi nổi, đôi mắt tinh nhanh, khác hẳn cái nhìn lờ đờ, ngờ nghệch thường thấy. Khi câu chuyện càng trở nên sôi nổi, đối tượng càng hưng phấn và đôi lúc “góp chuyện” rất nhanh nhẹn, phân tích gãy gọn và hợp lý; thậm chí quên luôn cả việc nhỏ nước dãi - một biểu hiện thường gặp ở người bệnh tâm thần do không tự kiểm soát được... Giữa chừng câu chuyện, một bác sĩ mới cười nói: “Hóa ra anh cũng tỉnh táo đấy chứ, hóng chuyện rành rẽ thế cơ mà. Thế thì khỏi bệnh rồi, ngày mai ra tòa xử luôn nhé!”. Lúc này đối tượng mới ngớ người sợ hãi, cúi đầu nhận tội trong thời gian giám định chưa đến 1 tháng.

Bác sĩ Dương Văn Lương cho chúng tôi biết, hiện nay có khoảng 20% dân số Việt Nam mắc các bệnh lý tâm thần và chỉ trong năm 2012, Viện GĐPYTT Trung ương nhận giám định hơn 100 trường hợp tội phạm giết người. Thời gian giám định tâm thần của mỗi đối tượng khác nhau, song thời gian trung bình để kết luận một đối tượng có bệnh hay không chỉ trong vòng 1 tháng; cá biệt có một số trường hợp đối tượng cố tình kéo dài thời gian giám định hoặc cần theo dõi trong thời gian dài, các bác sĩ có thể giám định tâm thần trong vòng 3-4 tháng với từng trường hợp.

Điên mà còn sợ… “bẩn”

Có lẽ, cũng chỉ có ở đây, một số người hoàn toàn bình thường lại cố tình muốn mình trở thành kẻ… tâm thần. Tỷ lệ người “muốn” tâm thần như vậy ở Viện GĐPYTT Trung ương hằng năm chiếm 2-5%. Mục đích của những người “giả điên” này là nhằm trốn tránh sự trừng trị của pháp luật đối với những lỗi lầm mà họ đã gây ra. Nhưng vải thưa không thể che được mắt… của hội đồng giám định pháp y.

Tiêu biểu là trường hợp bị can Hoàng Văn Thụ ở Phú Thọ, phạm tội hiếp dâm một bé gái 10 tuổi. Theo giám định tâm thần của Phú Thọ là bị can không đủ năng lực để chịu trách nhiệm hình sự. Khi được đưa tới Viện GĐPYTT Trung ương, hắn tỏ ra ngơ ngác, ngờ nghệch với những biểu hiện không khác gì những bệnh nhân tâm thần khác. Tuy nhiên, với kinh nghiệm lâu năm cộng với sự quan sát, theo dõi và thu thập chứng cứ, hồ sơ, ý kiến của chính quyền địa phương và khu dân cư nơi Thụ sinh sống, các bác sĩ đã đặt dấu chấm hỏi về tình trạng bệnh tình của Thụ.
 
Bác sĩ chuyên khoa 2 - Dương Văn Lương (Phó viện trưởng Viện GĐPYTT Trung ương)
Bác sĩ chuyên khoa 2 - Dương Văn Lương (Phó viện trưởng Viện GĐPYTT Trung ương)

Khi được đưa vào viện, hắn vẫn luôn ngờ nghệch, ngô nghê như những bệnh nhân xung quanh, nhưng mỗi lần đi loanh quanh trong sân, hắn thường để ý rất kỹ những vật dụng sắc, nhọn bị rơi trên đất mà các điều dưỡng, hộ lý chưa kịp dọn hoặc còn bỏ sót trong những bụi cây… Thậm chí, nhiều lúc hắn ngồi im lìm như người bị tự kỷ, nhưng ánh mắt lại rất tinh nhanh, nhìn sâu vào một điểm như đang suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, những loại thuốc mà bác sĩ kê cho Thụ, hắn đều cố tình vứt bỏ, những lần phải uống thuốc, hắn đều tỏ ra mệt mỏi, vật vã do không quen.

Bác sĩ Dương Văn Lương bật mí cho chúng tôi: “Những loại thuốc chúng tôi kê cho bệnh nhân mắc các chứng bệnh tâm thần thì chỉ những người bị bệnh thật mới có thể uống được. Đối tượng nào giả bệnh hoặc cường điệu hành vi, biểu hiện thì uống vào rất khó chịu, vì vậy chúng tôi phát hiện ra ngay”.

Với tên Thụ, mặc dù đang là người mang bệnh tâm thần với tình trạng miệng méo xệch, nhưng lần nào gặp, hắn cũng đòi đánh nhau với bác sĩ. Sau một loạt các câu hỏi chẩn đoán bệnh, thấy đối tượng toàn trả lời huyên thuyên, lảm nhảm, lúc cười, lúc mếu, các bác sĩ bèn vờ ra ngoài nghe điện thoại và bàn bạc với nhau. Khi đứng ngoài cửa sổ nhìn vào, bác sĩ mỉm cười đắc thắng vì thấy Thụ dùng tay áo lau sạch nước dãi dưới cằm và cổ, tất cả những hình ảnh này đều đã được camera ghi lại đầy đủ. Lúc quay lại, các giám định viên trả lời tên tội phạm giả điên: “Ở bệnh viện chán lắm, chẳng có gì vui đâu, ra… tòa đi cho vui nhé. Anh bạn điên kiểu gì mà… sạch thế?”.

Như vậy, chỉ sau 2 tháng “nằm viện”, bộ mặt thật của tên Thụ đã lộ rõ, hắn chỉ giả điên để không phải chịu trách nhiệm cho hành động thú tính của mình và các bác sĩ đã kết luận rất rõ ràng “không có bệnh” vào hồ sơ để đưa Thụ ra trước vành móng ngựa. Trước khi bị đưa ra tòa, Thụ đã ném cho hội đồng giám định pháp y những cái nhìn hằn học của kẻ không hề tâm thần.

Căng óc đấu trí

Nhiều tên tội phạm khi biết chắc sẽ phải nhận một khung hình phạt cao bèn đi thuê cố vấn để… giả điên hòng trốn tội, hoặc có tên tự tìm hiểu đọc sách về bệnh tâm thần để bắt chước cho thật giống. Điều này đã khiến các bác sĩ giám định vô cùng đau đầu, luôn trong trạng thái căng như dây đàn để tìm sơ hở của “đối thủ”.

Bản thân người giả điên bị nhốt chung với người điên trong một thời gian sẽ tự khắc lộ ra chân tướng. Tuy nhiên, để phán đoán chính xác, các bác sĩ giám định vẫn chủ yếu dựa vào nghiệp vụ chuyên môn và kinh nghiệm. Bác sĩ Lương cũng cho biết, có thể kẻ phạm tội nào đó giả điên thành công, tạm thời chưa bị pháp luật sờ gáy nhưng trong quá trình tạm giam, xét xử, nhiều đối tượng bị rối loạn ứng xử, rối loạn thích nghi do tâm lý sợ nhà tù, sợ bị phán xử nên trở thành… điên thật, đó là chuyện không hề hiếm gặp. Tuy nhiên, bác sĩ cũng khẳng định: “Những kẻ cố tình giả điên, giả các triệu chứng hoặc cường điệu hành động để đánh lừa các cơ quan điều tra thì sẽ nhận hình phạt cao hơn, vì đó chính là các tình tiết tăng nặng cho bản án”.

Theo quy định của pháp luật hình sự, người gây án bị điên thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Về nguyên tắc, khi một người phạm tội có biểu hiện tâm thần, cơ quan điều tra phải trưng cầu và cơ quan giám định phải giám định, kết luận xem người đó có điên thật hay không. Tuy nhiên, khác với các loại hình giám định khác, giám định tâm thần hết sức đặc thù, nhiều khi phải giám định nhiều lần mới có kết quả chính xác.

Bác sĩ Dương Văn Lương, Phó giám đốc Viện GĐPYTT Trung ương chia sẻ: “Trong nhiều trường hợp, người được giám định sẽ dựng lên các “màn kịch” điên rất thật, thậm chí sẵn sàng “thỏa thuận” với giám định nếu vở kịch bất thành. Đặc tính của bệnh tâm thần rất phức tạp, tiến triển lâu dài, khó chẩn đoán do không có định lượng tâm thần. Không như các bệnh nội, ngoại khoa có xét nghiệm, chụp, chiếu... để định bệnh tức thì, bệnh tâm thần chỉ được xác định chủ yếu qua hỏi, điều tra, tìm hiểu khách quan... Thế nên công việc của mỗi giám định viên pháp y tâm thần không khác gì một cán bộ điều tra của lực lượng công an”.

Một khó khăn khác trong nghề này là thời gian giám định eo hẹp, bởi còn liên quan tới thời hạn điều tra, truy tố xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, trong khi giám định tâm thần phải cần nhiều thời gian để nắm bắt quy luật, theo dõi các thói quen sinh hoạt… của người bệnh. Nhiều giám định viên cho biết, trong nhiều vụ việc, đặc biệt là những vụ án phức tạp, họ không đủ thời gian để cho ra đời những kết luận chắc chắn, thế nên mới có chuyện có những vụ án phải giám định lại nhiều lần. Đó là chưa nói đến việc một số loại bệnh lý về tâm thần rất khó “nhận diện”, lúc phát bệnh, lúc không, hoặc bị bệnh nhưng dưới dạng “ẩn” và làm sao để người bị điên thật không bị oan cũng là điều làm các giám định viên phải “đau đầu”.

Chia tay tôi, bác sĩ Lương thở dài bảo: “Thú thực, đã có lúc tôi rút ruột khuyên bệnh nhân của mình rằng, thôi anh đừng giả điên nữa, khổ lắm. Khổ hơn rất nhiều so với việc anh trở lại làm người bình thường, ra tòa lĩnh án và vào trại cải tạo để làm lại cuộc đời. Anh có giả điên được cả đời không hay anh chỉ tiếp tục làm cho tội ác của mình ngày càng dày thêm, người bị anh hãm hại sẽ càng phẫn uất anh hơn. Tôi nói thế và có bệnh nhân đã khóc. Họ thôi không điên nữa và đồng ý… đi tù.

(Xem tiếp kỳ sau)

Theo  Vương - Tiến – Hưng

Petrotimes